Thứ Bảy, 12 tháng 9, 2020

Đám giỗ chung

"Cả 4 người (chết trong vụ Đồng Tâm) có ngày giỗ chung đều là đồng chí của nhau. Họ là đồng chí của nhau, nhưng khi họ chết đi rồi, thì họ lại được những người còn sống coi là kẻ thù của nhau. Có thật họ là kẻ thù của nhau không? Ai biến họ thành kẻ thù của nhau? Tôi không tin họ là kẻ thù của nhau, mặc dù mấy ngày nay, truyền thông của ban tuyên giáo, và hệ thống chính trị gọi một bên là đối tượng, còn bên kia là chiến sĩ, là bị hại. Họ đều là nạn nhân của chính sách về đất đai do chính các đồng chí của họ dựng lên. Tôi ngờ rằng, ở dưới suối vàng, cả 4 người họ đang quây quần với nhau. Họ có lí do để quây quần với nhau, vì họ biết rõ ràng, họ không phải kẻ thù của nhau. Thế nhưng, trên dương thế, người ta vẫn cứ cố tình làm cho chúng ta hiểu rằng, họ là kẻ thù của nhau".
Đám giỗ chung
fb Võ Xuân Sơn - Hồi đó tôi đi thực tế tại xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh. Bây giờ ai đến đó sẽ thấy đó là một xã giàu. Nhưng hồi đó, Bình Lợi là một xã nghèo, rất nghèo, dù chỉ cách phố thị có một con sông nhỏ.

Ảnh minh họa
Cả xã chỉ có vài cái xe đạp. Mà cũng chẳng đạp đi đâu được, vì cứ một khúc lại có cây cầu khỉ. Hầu hết các căn nhà trong xã đều không có cửa. Có gì đâu mà phải cửa, có gì đâu mà sợ ăn trộm, vì có gì đâu để có thể ăn trộm. Nói chung, cả xã ai cũng nghèo, nghèo rớt.

Thế mà xã ấy lại có một cái đám giỗ chung. Và tôi lại có mặt đúng ngay cái dịp giỗ chung ấy. Thực ra thì là 2 đám giỗ chung, trong cùng một ngày. Vào ngày đó năm xưa có một trận càn. Bảo an, dân vệ và du kích, đều là người trong xã, đều chết. Rồi cứ vậy, mỗi năm, hai bên lại làm đám giỗ chung cho người của phe mình, trong cùng một ngày, trong cái xã nghèo nàn, trong những căn nhà không có cửa, cách nhau bởi những dòng kinh và được nối với nhau bởi những cây cầu khỉ.

Anh trưởng trạm y tế xã nguyên là một cứu thương viên của quân đội Việt nam Cộng hoà. Cả xã chỉ có anh là có chút dính dáng đến ngành y, nên anh phải giữ cái chức ấy. Vì anh là trưởng trạm y tế xã, nên khi chúng tôi về xã, anh là người trực tiếp lo cho chúng tôi. Trong khi đó, mặc dù đang là sinh viên, mới học hết năm thứ 5, nhưng khả năng khám chữa bệnh của chúng tôi khi đó thuộc hàng "thượng thừa" ở cái xã nghèo, sát bên phố, nhưng chính xác là vùng sâu vùng xa. Cho nên, đảng uỷ và uỷ ban cũng rất quan tâm đến chúng tôi.

Vào cái ngày giỗ chung ấy, anh trưởng trạm y tế dẫn chúng tôi đến đám giỗ bên anh, tức là bên phía giỗ những người lính VNCH. Chúng tôi vừa lai rai, vừa được những người trong đám giỗ "Cộng hoà" kể về lai lịch của hai đám giỗ chung. Nghe được hai ba câu vọng cổ, thì một cậu bé chạy lại gặp anh trưởng trạm y tế. Thì ra là bên đảng uỷ và uỷ ban mời chúng tôi qua bên đám giỗ "Việt cộng".

Anh trưởng trạm y tế dẫn chúng tôi sang đến gần nơi đám giỗ "Việt cộng" thì đứng ngoài, để chúng tôi tự đi vô đám giỗ. Thế nhưng, mấy vị quan chức xã, cũng chính là những du kích thời xưa, đã mời anh trưởng trạm y tế vô ngồi nhậu. Rồi họ cùng nhau ca những câu vọng cổ buồn da diết, của những người anh em từng cầm súng bắn giết nhau.

Cứ tưởng Việt nam sẽ không còn bao giờ có những ngày trở thành đám giỗ chung kiểu như thế nữa. Thế mà, ngay giữa thủ đô, lại có một ngày, mà chỉ ít tháng nữa thôi, sẽ là ngày giỗ chung.

Khác với những gì tôi chứng kiến ở Bình Lợi, Bình Chánh. Hồi đó là hai phe, hai kẻ thù bắn giết nhau. Còn bây giờ, cả 4 người có ngày giỗ chung đều là đồng chí của nhau. Họ là đồng chí của nhau, nhưng khi họ chết đi rồi, thì họ lại được những người còn sống coi là kẻ thù của nhau. Và khác với Bình Lợi hồi đó, Đồng tâm, nơi cả 4 người cùng qua đời trong một ngày, lại là xã không nghèo. Và bi kịch lại đến từ cái làm cho cái xã ấy không nghèo, như một định mệnh.

Có thật họ là kẻ thù của nhau không? Ai biến họ thành kẻ thù của nhau? Tôi không tin họ là kẻ thù của nhau, mặc dù mấy ngày nay, truyền thông của ban tuyên giáo, và hệ thống chính trị gọi một bên là đối tượng, còn bên kia là chiến sĩ, là bị hại. Tôi không tin những người đang bị gọi là đối tượng hay bị cáo kia giết những người đang bị gọi là bị hại của cái ngày hôm đó.

Có quá nhiều lí do để nghi vấn về cái chết của cả 4 người trong cái đêm tăm tối ấy. Có một điều tôi biết rõ rằng, họ đều là nạn nhân của chính sách về đất đai do chính các đồng chí của họ dựng lên. Họ đều là nạn nhân của những mối lợi từ đất đai. Tôi ngờ rằng, ở dưới suối vàng, cả 4 người họ đang quây quần với nhau. Họ có lí do để quây quần với nhau, vì họ biết rõ ràng, họ không phải kẻ thù của nhau. Thế nhưng, trên dương thế, người ta vẫn cứ cố tình làm cho chúng ta hiểu rằng, họ là kẻ thù của nhau.

Ai sẽ minh chứng cho cái chết của họ? Kẻ có quyền thì bao biện, đưa ra những chứng lí ngô nghê, những kịch bản hết sức vụng về, dấu đầu thì hở đuôi, bịt chỗ này thì bục chỗ kia. Người có trình độ về luật pháp thì bị dìm đi, lấn át bởi kẻ có quyền.

Tôi tự hỏi, khi nào thì các đám giỗ của ngày hôm đấy sẽ được nhập chung lại?

Võ Xuân Sơn
(FB Võ Xuấn Sơn)

2 nhận xét:

  1. Cụ Kình thì đã rõ rồi. Còn 3 CSCĐ kia biết có chết hay không mà giỗ chung?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi cũng ko tin 3 CSCĐ chết trong vụ này. Khả năng lớn là họ chết vì chuyện khác, khả năng thấp là họ còn sống và được thay tên đổi họ đưa đi sống ở nơi khác.

      Xóa