Thứ Tư, 8 tháng 4, 2020

COVID-19: Bốn điều hệ trọng về quản trị xã hội

COVID-19: đôi điều về quản trị xã hội
05/04/2020 Chỉ từ giữa tháng 12.2019 đến nay mới hơn 3 tháng, đại dịch COVID-19 đã lan từ Vũ Hán (Trung Quốc) ra 197 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến hơn 387 ngàn người lây nhiễm và hơn 16.500 người tử vong. Trong nửa thế kỷ qua, thế giới chưa phải trải qua tổn thất nào vì dịch bệnh khủng khiếp như đại dịch COVID-19. Việt Nam từ năm 1945 mới lại có tình trạng nhiễm dịch bệnh nghiêm trọng như thế.

Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại phòng 
chăm sóc đặc biệt của một bệnh viện ở Vũ Hán. Ảnh: Reuters
Tạm nhìn lại cuộc càn quét chưa dừng lại của trận bão COVID-19, chưa đầy đủ và không chắc đã được nhiều người chia sẻ, nhưng cũng có thể lược ra một vài suy nghĩ. Trước hết, điều làm cho rất nhiều người trên thế giới nhận biết, đó là: sự minh bạch thông tin là yếu tố cực kỳ quan trọng đối với việc ngăn ngừa dịch lây lan ngay khi nó khởi phát.

Gần 3 tuần lễ sau khi các bác sĩ ở bệnh viện Vũ Hán phát hiện và cảnh báo những ca bệnh hô hấp đầu tiên do virút lạ, sau này được khẳng định là vi rút SARS-CoV 2, Trung Quốc mới công bố về căn bệnh lạ này. Trong thời gian này, mà sau đó được các chuyên gia dịch tễ thế giới gọi là thời gian “vàng” để triển khai các biện pháp ngăn dịch (cảnh báo sớm cho người dân và nhân viên y tế, tăng cường trang bị bảo hộ và khu vực chống lây nhiễm trong bệnh viện…) nhà chức trách Vũ Hán còn bận lo bưng bít thông tin bằng cách khủng bố tinh thần những người cảnh báo đúng về dịch bệnh.

Sự bưng bít này dường như còn được chính WHO về hùa khi khá lâu sau đó tổ chức này mới công bố tình trạng toàn cầu về dịch COVID-19. Tính phức tạp của loại vi rút chủng mới cộng với hành vi không minh bạch thông tin đã khiến dịch lan cực kỳ nhanh và nghiêm trọng từ Vũ Hán ra cả Hồ Bắc và một số địa phương khác của Trung Quốc.

Từ nơi có dịch ở Trung Quốc nhưng chưa được thông báo và ngăn chặn kịp thời, đã có người đi đến các hoạt động bên ngoài Trung Quốc, có người ở nhiều quốc gia tham gia (Hội thảo quốc tế tháng 12.2019 ở Singapore là một ví dụ). Sự xuất hiện các ca nhiễm ở một số nước khác trở về từ hội thảo nói trên là minh chứng về một trong những đường đi của dịch bệnh thời gian qua.

Điều thứ hai, giải pháp cách ly, hạn chế tối đa những điểm tập trung đông người, đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người khác, phong tỏa diện hẹp và diện rộng đối với vùng xuất hiện các ca nhiễm, là những giải pháp càng về sau càng được khẳng định chính xác về tính hiệu quả, thì phải mất thời gian khá lâu mới vượt qua được sự bất đồng về thói quen, về sự chủ quan và cảm tính của nhiều quốc gia, và trong chính một quốc gia.

Ở Ý, ngay khi đã có nhiều thông tin dịch bệnh ở Trung Quốc, Hàn Quốc vẫn diễn ra các hoạt động thể thao, thời trang thu hút rất đông người. Và, cùng với các yếu tố khác nữa, điều phải đến đã đến: dịch bùng phát khủng khiếp, số ca tử vong vượt qua cả Trung Quốc - là nơi khởi phát trận đại dịch này.

Cũng như Ý, các nước Mỹ, Đức, Anh… cũng vì chủ quan và chậm khắc phục sự khác biệt tập quán mà số người nhiễm tăng rất nhanh trong thời gian ngắn.

Điều thứ ba, áp dụng nhanh kinh nghiệm tốt của các nước khác cho quốc gia của mình để ngăn chặn sự tăng trưởng nghiêm trọng của dịch bệnh là điều đáng ghi nhận. Hàn Quốc, từ nguy cơ tâm dịch lớn thứ hai sau Trung Quốc vì chủ quan mà chậm ngăn chặn mầm bệnh lây lan từ giáo phái Tân Thiên Địa, đã chặn đứng được tốc độ phát triển dịch bằng biện pháp tăng cường khả năng xét nghiệm trên diện rộng để điều trị.

Kinh nghiệm này của Hàn Quốc ngay sau đó được giới dịch tễ thế giới ghi nhận và được các nước có điều kiện áp dụng hiệu quả. Kinh nghiệm sử dụng luật pháp để ngăn chặn tụ tập đông người để dịch không lây lan nhanh, và khả năng dẫn tới tử vong cao trong khi chưa tìm ra thuốc chữa, đã được các nước hưởng ứng mạnh: Pháp, Đức, Canada…

Tổng thống Pháp, thậm chí còn mạnh dạn tuyên bố với người dân “chúng ta đang ở trong tình trạng chiến tranh”, để theo đó đưa ra các lệnh cấm đi lại, lệnh phạt cao nếu vi phạm nhằm đạt được nhanh nhất sự đồng thuận.


Cán bộ, y, bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai xếp hàng chờ lấy mẫu xét nghiệm COVID-19.
Ảnh: TTXVN

Điều cuối cùng, là sự đoàn kết kỳ lạ trong từng quốc gia và giữa các quốc gia. Rất nhanh, giới khoa học quốc tế liên kết, chia sẻ kinh nghiệm tìm kiếm loại thuốc điều trị SARS-CoV 2. Rất nhanh, nước Anh và Đức (nơi có năng lực tốt nhất về hệ thống y tế) bày tỏ sự sẵn sàng nhận chữa trị cho người bị mắc SARS-CoV 2 của nước Pháp. Rất nhanh, nhiều tỷ đô đã được các quốc gia, các cá nhân tỷ phú đưa ra để đóng góp đẩy lùi COVID-19 trên phạm vi toàn cầu.

Và Việt Nam, trong ba tháng qua đã chứng tỏ được bản lĩnh ở tầm quốc gia, được nhiều chuyên gia dịch tễ thế giới công nhận khi áp dụng các biện pháp ngăn dịch chính xác: phong tỏa xã Sơn Lôi để ngăn chặn sớm sự lây lan của mầm bệnh; cho học sinh các cấp trong cả nước nghỉ học; không cho tụ tập đông người ở các thành phố lớn, khuyến nghị toàn dân hạn chế đi lại, đeo khẩu trang và thực hành các bước vệ sinh ngăn dịch, hạn chế và đã đi tới ngừng các đường bay quốc tế, cách ly từ đầu nguồn những người từ nước ngoài vào Việt Nam…

Những thành tựu ấy vẫn còn phải bổ sung nhiều giải pháp kiên quyết hơn nữa mới giữ được những gì đã rất khó khăn mới đạt được, trong đó có việc tăng cường đầu tư thiết bị bảo vệ nhân viên y tế, tăng cường đầu tư cho năng lực đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm và, hạn chế phạm vi thực hành tín ngưỡng trong thời gian dịch bệnh...

Thanh Nguyễn

https://nguoidothi.net.vn/covid-19-doi-dieu-ve-quan-tri-xa-hoi-22944.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét