Thứ Năm, 30 tháng 4, 2020

Ký ức ngày 30/4 của cựu tình báo chính quyền cũ

Bài viết nhiều cảm xúc. Cám ơn những kiều bào ở nước ngoài đã cố gắng học tập, lao động vất vả xây dựng xứ người nhưng vẫn không quên góp sức xây dựng quê hương Việt Nam. Bác Phượng thường xuyên viết tin, bài ủng hộ đất nước. Chúc bác và gia đình luôn mạnh khỏe và nhiều may mắn! Mong báo chí chính thống của nhà nước đăng nhiều bài như thế này.
Ký ức ngày 30/4 của cựu tình báo chính quyền cũ
Chập tối 29/4/1975, Peter Nguyen lo lắng tột độ khi liên tiếp nhận tin từ bộ đàm quân đội miền Bắc chiếm các cứ điểm của chính quyền Sài Gòn. Lúc đó, ở tuổi 23, Peter Nguyen, tên Việt là Nguyễn Thế Phượng, là sĩ quan tình báo của Việt Nam Cộng Hòa, đang làm nhiệm vụ chuyển thông tin trên phố. Không khí Sài Gòn như nén chặt, sau nhiều ngày dồn dập nhận tin tức bại trận của chính quyền và những tin đồn kinh khủng về cách "quân miền Bắc sẽ trả thù".

Nguyễn Thế Phượng ở bang Colorado, 
Mỹ, năm 1976 . Ảnh: Nhân vật cung cấp. 
Trong cơn bấn loạn, Phượng không kịp suy nghĩ gì, xông vào dòng người đổ đến Đại sứ quán Mỹ tại Sài Gòn để tìm cách lên trực thăng chạy trốn. Khi chen được vào trong khuôn viên sứ quán, chỉ cần đạp đổ hàng rào trước mặt là có thể tiến gần đến trực thăng, Phượng chợt thấy một hình ảnh kinh khủng khiến anh thay đổi quyết định và chạy ra ngoài. Phượng đến giờ vẫn không nhớ nổi đó là hình ảnh gì, vì nó xuất hiện trong tích tắc, còn anh quá hoảng sợ nên đã chạy ra đường theo phản xạ.

Phượng cắm đầu chạy về nhà ở Thị Nghè trong bóng tối vì Sài Gòn cắt điện. Vừa lúc anh trai về đến nơi. Người anh hơn ba tuổi của Phượng, lúc đó là sĩ quan Hải quân của Việt Nam Cộng hòa, giải thích sơ tình hình với ba mẹ rồi lấy xe Honda ra, gọi em "đi thôi". Hai anh em lao đến bến cảng và kịp lên một tàu chiến của chính quyền, nhờ vào bộ quân phục của anh trai. Phượng trông thấy nhiều quan chức cấp cao của Việt Nam Cộng hòa cùng có mặt trên chiến hạm.

Đến trưa ngày 30/4, khi tàu đang ở ngoài khơi Việt Nam, Phượng nghe trên radio tuyên bố đầu hàng của Dương Văn Minh, Tổng thống chính quyền Sài Gòn. Một vài lính trên tàu bất mãn rút tiền ra đốt.

"Tôi trở nên hoảng sợ hơn nhiều, vì không nghĩ Việt Nam Cộng hòa sẽ sụp đổ như thế", ông Phượng, hiện sống ở California, Mỹ, nói.

Với những người thuộc thế hệ của Phượng, lớn lên trong chiến tranh và làm việc trong chính quyền theo lệnh tổng động viên, họ không được phép nghĩ đến ngày dừng tiếng súng. Ý nghĩ "chấm dứt chiến tranh" bị coi là cấm kỵ trong xã hội. Dù biết trước làn sóng chạy loạn bắt đầu từ hơn một tháng trước, khi quân đội miền Bắc tiến vào các tỉnh miền nam, Phượng chạy trốn khi tình hình nguy cấp, tự nhủ mình tạm lánh rồi sẽ quay về nhà.

Nhưng sau tuyên bố đầu hàng của Dương Văn Minh, nhìn lại mình, Phượng chỉ có bộ quần áo trên người, đôi giày dưới chân và giấy tờ tùy thân, không có hành lý gì khi rời khỏi Việt Nam và chưa biết ngày quay lại.

"Tôi cảm thấy vô cùng xót xa, không biết gia đình mình ở lại sẽ như thế nào", Phượng nhớ lại. Lời cuối anh nói với bố mẹ và các chị em gái là "đừng ra khỏi nhà".

Trong những ngày cuối tháng 4/1975, khi quân đội miền Bắc Việt Nam tiến vào nội đô Sài Gòn, hàng chục nghìn người, chủ yếu là cựu viên chức của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, đã tìm cách rời khỏi Việt Nam. Làn sóng sơ tán này có sự hỗ trợ của Mỹ. Tổng số người Việt đến Mỹ sau năm 1975 là khoảng 125.000 người, theo thống kê của Viện Chính sách Di cư (MPI), một tổ chức phi chính phủ của Mỹ.

Sau vài ngày di chuyển, chiến hạm chở Phượng và các cựu quan chức chính quyền Sài Gòn cập bến ở Vịnh Subic, một căn cứ hải quân của Mỹ ở Philippines. Tiếp đó anh ở đảo Guam một tháng, rồi được đưa đến bang California. Rời trại tị nạn, Phượng và anh trai đến thành phố Boulder, bang Colorado, cùng theo học chuyên ngành hóa học. Hai anh em vừa đi học vừa đi làm thêm để trang trải cuộc sống.

Với Phượng, những khó khăn về đời sống vật chất và bất đồng ngôn ngữ không thấm tháp gì, so với nỗi trăn trở "làm sao biết được những gì xảy ra ở Việt Nam sau chiến tranh". Anh thường xuyên đến thư viện của trường để đọc tin tức ít ỏi về Việt Nam. Thời gian này cũng là lúc Phượng đọc nhiều sách về chiến tranh và sự tham gia của Mỹ.

"Đến cuối năm 1975, tôi không còn cảm giác muộn phiền của một người lính bại trận nữa. Thay vào đó, tôi vui mừng vì Việt Nam không còn tiếng súng", Phượng nói.

Anh dự tính khi học xong sẽ về nước làm việc vì Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển ngành dầu mỏ. Phượng viết thư và gửi quà về cho gia đình thông qua người chú ở Pháp. Tổng lượng hàng không được quá 2 pound (gần 1 kg).

Cú sốc lớn đến với Phượng vào năm 1978, khi anh nhận được thư từ Pháp, có lời nhắn của ba anh, rằng "nếu về Việt Nam thì đến nhà người khác ở, nhà rất chật, không còn chỗ". Lập tức anh hiểu rằng ba muốn báo "tình hình trong nước không thuận lợi". Nghi kỵ giữa Việt Nam và Mỹ vẫn ở mức cao, dù hai bên xúc tiến một số hoạt động để cải thiện quan hệ.

Vì kế hoạch về Việt Nam bất thành, Phượng bỏ dở chương trình học ở bang Colorado và đến California. Tại đây anh lại gặp Tố Nga, một người bạn cũ cũng di tản từ Sài Gòn sang. Hai người hẹn hò và nhanh chóng kết hôn vào năm 1981. Phượng thử sức ở nhiều lĩnh vực khác nhau như computer, phần mềm, kinh doanh bất động sản để trang trải cuộc sống gia đình. Năm 1995, anh lập công ty làm dịch vụ đóng tiền bảo lãnh cho người bị cảnh sát tạm giam. Khi đó, ba mẹ anh và các em gái đều đến Mỹ đoàn tụ, ngoại trừ người chị cả.


Ông Nguyễn Thế Phượng trong lần thăm Việt Nam năm 2019. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Mong muốn về Việt Nam của ông Phượng trở thành hiện thực vào năm 1998, ba năm sau khi Việt - Mỹ bình thường hóa quan hệ ngoại giao.

"Bước ra khỏi máy bay, tôi ngửi thấy mùi hơi đất xông lên, có lẽ trời vừa mưa xong. Tôi hít thật sâu vài lần, vì đã 23 năm mới có lại cảm giác này", ông nhớ lại lần đầu tiên trở về TP HCM.

Ngay chiều hôm ấy, ông Phượng rủ con của chị cả đi ngồi cafe vỉa hè. Những âm thanh quen thuộc xâm chiếm mọi giác quan của ông: tiếng người nói chuyện, chào hỏi nhau, tiếng giao hàng, tiếng xe chạy trên phố. Ông quay sang hỏi cháu: "Mình ngồi lâu thế có sao không?", "Không sao, cậu cứ ngồi đi", người cháu trả lời.

Trải qua nghi kỵ nhiều năm sau chiến tranh, Việt Nam và Mỹ chính thức bình thường hóa quan hệ vào năm 1995. Hai nước dần xúc tiến hợp tác về ngoại giao, thương mại và giải quyết hậu quả chiến tranh, trong đó nổi bật là trao đổi về tù binh và tìm kiếm người Mỹ mất tích ở Việt Nam (POW/MIA). Việt Nam đồng thời thực hiện chính sách hòa giải dân tộc, cho phép người Việt ở Mỹ về nước kinh doanh, thăm thân.

Năm 1999, ông Phượng đưa vợ và hai con về thăm Việt Nam. Ông mừng vì các con cũng gắn bó với quê hương, dù được sinh ra ở Mỹ. Từ đó đến nay, cứ cách một năm ông lại về Việt Nam một lần. Ông tham gia dự án rà phá bom mìn và khắc phục hậu quả chất độc da cam do cựu chiến binh Mỹ tổ chức (Vet for Peace). Con gái ông, đã xin tư vấn của ba trước khi nhập nhóm hỗ trợ chương trình tẩy độc sân bay Đà Nẵng, thông qua một tổ chức của Mỹ. Năm 2013, ông được dự chương trình Việt kiều thăm Trường Sa của Bộ Ngoại giao Việt Nam.

Năm 2020 Việt Nam và Mỹ kỷ niệm 25 năm ngày bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Hai bên đang duy trì khuôn khổ quan hệ Đối tác toàn diện, thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, trong đó Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Hai nước khẳng định cùng quan tâm đến duy trì an ninh, tự do hàng hải ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Ở tuổi 68, ông Phượng không giấu được sự mãn nguyện khi nhắc đến hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ. Tiến triển quan hệ giữa hai cựu thù bao trùm lên đời sống của ông, từ việc gửi hàng không giới hạn cân nặng, liên lạc xuyên biên giới đến đồ dùng "Made in Vietnam". Ông cũng theo dõi sát các chuyến thăm cấp cao và hợp tác hai nước.

"Tôi cho rằng Việt Nam và Mỹ rất hiểu nhau", ông nói.


Nguyễn Thế Phượng trong chuyến thăm Trường Sa năm 2013. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Việt Anh
https://vnexpress.net/ky-uc-ngay-30-4-cua-cuu-tinh-bao-chinh-quyen-cu-4091454.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét