Chủ Nhật, 26 tháng 4, 2020

Thấy gì qua câu nói: “Con này, mày có bị điên không…”

Mấy hôm nay đọc trên mạng vẫn thấy một số người lên tiếng ủng hộ bà Phó Chủ tịch phường Bãi Cháy Lê Thị Hiền vì bà làm đúng pháp luật, chê trách chị bán rau đã vi phạm pháp luật nhiều lần còn ngoan cố. Do đó tôi phân tích thêm mấy dòng về chuyện này. Từ rất lâu trong Blog này, tôi luôn luôn lên tiếng bảo vệ người nghèo, người ít học, người làm làm trái pháp luật trong khi lại phản đối quan chức chính quyền dù họ làm đúng luật vì nhiều lý do cho mỗi trường hợp cụ thể nhưng cũng có một số lý do chung là: (i) Thứ nhất, dân thường, nhất là người nghèo, đều là người kém hiểu biết và vì vậy mới không được làm quan và phải chấp nhận bầu những người giỏi hơn làm quan với mong muốn những người làm quan sẽ hướng dẫn họ làm đúng, giúp họ có thu nhập đủ sống như người trung bình trong xã hội, tiến tới làm giầu bằng sức lao động của họ. Nếu người làm quan giúp họ được như thế thì không có lý do gì họ phải lao động lam lũ, cực nhọc đêm hôm trong hoàn cảnh vi phạm pháp luật thế cả. Cái chính là người làm quan khi không giúp được họ như thế thì lỗi trước tiên ở người làm quan; không làm được thì anh ta phải từ chức đi để người có năng lực hơn làm, còn cứ ôm mãi cái ghế của mình thì sai lại càng sai. Thứ hai, Nhà nước phải có trách nhiệm tạo môi trường cho người dân kiếm sống vì đây là quyền sống của họ; nếu nhà nước không tạo được thì phải có trợ cấp xã hội cho họ. Tiếc là nhà nước ta đã không làm được cả 2 điều như thế. Vì không được nhà nước bố trí cho nơi bán thích hợp, cũng không có tiền trả thuế và phí khi vào thuê chỗ bán trong chợ... nên họ chỉ có thể bán ngoài đường, dù luật do quan chức nhà nước lập ra cấm họ. Lẽ ra trong điều kiện VN, khi nhà nước không có môi trường thuận lợi để dân mưu sinh tự kiếm sống và cũng không có tiền trợ cấp cho họ, thì nhà nước phải bố trí nhiều chợ dân sinh cho họ bán, bố trí những khu vực trên vỉa hè và trên phố cho họ bán như ở tất cả các nước khác, kể cả ở các nước công nghiệp, nhưng NN không làm, hậu quả là đẩy dân vào chỗ buộc phải phá luật làm sai thì mới tồn tại được. Do đó cái gốc của sai là từ nhà nước. Thứ ba, dẫu biết việc bán hàng rong của chị bán rau trong video tại thời điểm này là không phù hợp, tuy nhiên quan chức hoàn toàn có nhiều cách xử lý văn minh hơn, tình người hơn. Muốn hướng đến một xã hội văn mình thì ngoài việc người dân phải có ý thức thì những người được "trao quyền" còn phải có "tâm", "trí", "tình". Thứ tư, luật pháp VN còn rất nhiều điểm không phù hợp với cuộc sống, nhất là được xây dựng theo nguyên tắc không quản được thì cấm, giết nhầm hơn bỏ sót... nên rất dễ phát sinh việc quan chức chèn ép, bức hiếp dân lao động nghèo. Do đó, trong thực tiễn khi áp dụng luật phải cân nhắc rất kỹ theo nguyên tắc trước tiên lỗi phải là của nhà nước, sau đó mới tính tiếp dân có lỗi hay không, luật pháp áp dụng cho trường hợp này có đảm bảo lợi ích cho dân, không ức hiếp dân không ? Nếu phát hiện luật không phù hợp thì cần kiến nghị để sửa đổi.
Thấy gì qua câu nói: “Con này, mày có bị điên không…”
Lê Ngọc Luân 19-4-2020 - “Cô ơi tha cho cháu đi, cô ơi. Cháu không có tiền đâu, cô đừng có lấy của cháu nữa, cháu còn con nhỏ…”, lời thỉnh cầu van xin đầy thương cảm trong nước mắt của người phụ nữ bán rau nghèo khổ, được đáp lại cũng bởi người phụ nữ được gọi với cái tên đầy mỹ miều “đầy tớ của nhân dân” – Phó Chủ tịch phường Bãi Cháy Lê Thị Hiền: “Con này có bị điên không, khoá mồm nó lại…” và liên tục buông lời đe doạ “Chống người thi hành công vụ, chống người thi hành công vụ…”.
Khi được trao chút quyền lực nhưng mị dân bằng từ ngữ hết sức mỹ miều “cán bộ là đầy tớ của nhân dân…” sẽ gây tai hoạ, tai hoạ từ gốc rễ mất rồi!

Trên đời này có đầy tờ nào gọi ông chủ của mình là “điên”, “khoá mồm nó lại”? Có lẽ từ thời kỳ loài người hình thành đến nay không có việc đó nhưng nó đã làm mờ mắt, u muội tâm trí bởi cách thức ngu dân một cách “tinh tế”.

Tôi không biết có ai đã gặp cán bộ nào ứng xử và coi vị thế của mình là “đầy tớ…” không? Tôi, với tư cách là một công dân, đang làm nghề luật sư chưa bao giờ gặp, chỉ mong cán bộ nhẹ nhàng, làm đúng pháp luật là phúc đức.

Tất nhiên, tôi có chút may mắn khi gặp được một số cán bộ nhà nước làm và ứng xử phù hợp, điều đó tôi vô cùng biết ơn.

Và tôi cũng tin tưởng rằng, cán bộ công chức không muốn mình bị coi là “đầy tớ” bởi, con người là bình đẳng nhưng bị đưa vào thế được gọi là “đầy tớ”. Hãy trao cho họ quyền lực nhưng phải làm đúng những gì pháp luật cho phép, phục vụ nhân dân đúng pháp luật quy định.

Chỉ cần được như thế là phúc đức cho nhân dân, và nhân dân không muốn gọi cán bộ là “đầy tớ” để làm gì cả.

Tôi không cổ suý cho hành vi của chị bán rau nhưng qua clip cho thấy sự tàn nhẫn và lạnh lùng trong cách đối xử giữa con người với nhau. Sự vô cảm được song hành và bảo vệ bởi quyền lực.

Thay vì yêu thương và ứng xử văn minh, họ đã độc ác với nhau. Tin đi, điều tôi nói không sai trong xã hội này đâu.

Tôi đặt giả thiết nếu clip đó không đưa lên trang facebook và mọi thứ im đi. Bà ta – Phó Chủ tịch phường, một chức vị nhỏ đã hành động thế mà leo lên cao thì thế nào đây.

KHỦNG KHIẾP, chắc chắn như vậy.

P/S: Nhân dân cần chính quyền và cán bộ thực hiện đúng pháp luật một cách văn minh. Nhân dân không cần và không muốn “mình là ông chủ” nhưng bị đối xử tệ bạc và tàn nhẫn hơn cả “đầy tớ”.

1 nhận xét:

  1. Mot xh van minh thi khong co ai la "Day to" ---xa hoi VN bay gio can bo ho muon dan phai goi ho la QUAN -Neu ho muon goi la QUAN thi cung OK ,nhung QUAN phai ra QUAN con neu khong thi ho nen ve vuon.---XH van minh QUAN ton trong DAN thi DAN moi tam phuc khau phuc .

    Trả lờiXóa