Sống hơn chục năm ở Pháp, mình nhận thấy các nước EU thường khá là đoàn kết, kể cả khi phải đối phó với các đại khủng hoảng kinh tế xã hội hay di dân... Đó là do lịch sử cần đoàn kết bảo vệ nhau chống khối quân sự Sô Viết (Hiệp ước Vác sô vi) trước kia và các nước thuộc Hiệp ước an ninh Thượng Hải ngày nay. Tuy nhiên, đại dịch Covid cho thấy các nước này bất ngờ mất đoàn kết nghiêm trọng. Trong đại dịch, mỗi nước EU tự lo cho bản thân, không giúp đỡ nhau, thậm chí cấm vận các nước khác. Chính vì thế mà Ý và Tây Ban Nha đã lao đao vì thiếu trang thiết bị y tế, kỹ thuật, nhân lực và tài chính trong cuộc chiến với Covid. Nay đại dịch sắp qua, các nước mới xấu hổ nhớ ra và kêu gọi nhau đoàn kết trở lại. Không biết sẽ hiện thực hóa đoàn kết bằng những hành động thiết thực nào ? Pháp là nước kêu gọi nhưng bản thân Pháp lại là nước cơ hội và thực dụng nhất, luôn luôn đặt lợi ích quốc gia lên cao nhất. Đáng lo ngại là chưa bao giờ chính sách tài chính, tiền tệ sẽ bị thả lỏng như trong 1-2 năm tới. Thả lỏng đến mức "Ngân hàng Trung ương châu Âu (BCE) đã thông báo về việc nới lỏng các quy định, sẵn sàng chấp nhận các trái phiếu bị xếp là "không có giá trị" như là các bảo đảm đối với các khoản tín dụng cấp cho các ngân hàng". Điều này vô cùng nguy hiểm, nếu EU làm thật thì nguy cơ khủng hoảng tài chính tiền tệ sẽ nối tiếp đại dịch chỉ trong vòng 4-6 năm tới.
Tổng thống Pháp kêu gọi các nước EU đoàn kết vượt qua khủng hoảng
24/04/2020 NDĐT - Tối 23-4, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu rằng châu Âu đang phải trải qua cú sốc chưa từ có với mức độ thiệt hại khủng khiếp tính bằng 5-10% GDP. Trước tình hình đó, Tổng thống Pháp kêu gọi các nước EU đoàn kết để vượt cuộc khủng hoảng hiện nay và để "tiến xa hơn, mạnh mẽ hơn”.
Tổng thống Pháp hy vọng các nước EU ủng hộ
kế hoạch phục hồi ở quy mô lớn hơn.
Phát biểu sau cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo các nước EU, Tổng thống Pháp cho rằng EU cần phải có chiến lược tăng cường tự chủ, nhất là năng lực sản xuất trong lĩnh vực y tế. Để làm được điều đó, cần có sự đồng thuận của tất cả các nước trong khu vực trong việc khắc phục hậu quả cũng phục hồi kinh tế.Hiện vẫn còn quan điểm bất đồng về vấn đề "gánh" nợ chung. Trước khi cuộc họp diễn ra, Thủ tướng Đức cho biết nước này sẵn sàng "đóng góp nhiều hơn" cho ngân sách của Liên minh châu Âu trên tinh thần đoàn kết để cùng các nước trong khu vực vượt qua khủng hoảng dịch bệnh.
Về vấn đề này, Tổng thống Pháp cho rằng, các gói cứu trợ hay các khoản vay không chỉ để phục hồi kinh tế mà còn để hỗ trợ những lĩnh vực và những khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất. Như vậy cần có một kế hoạch phục hồi quy mô lớn vì nếu một phần của châu Âu suy sụp, cả khu vực sẽ sụp đổ.
Theo Tổng thống Pháp, nhiều vấn đề vẫn chưa có lời giải đáp vì cuộc đàm phán vẫn tiếp tục. Các nhà lãnh đạo EU đã đề nghị Ủy ban châu Âu đưa ra một dự thảo ngân sách cho giai đoạn 2021-2027 trước ngày 6-5 trong đó có một quỹ để phục hồi nền kinh tế khu vực sau đại dịch Covid-19.
Tổng thống Emmanuel Macron cho biết Ngân hàng Đầu tư châu Âu sẽ ủng hộ các khoản vay, nhất là các khoản vay dài hạn để tài trợ cho các ngành kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Vì vậy, lãnh đạo các nước EU sẽ tiếp tục thảo luận về vấn đề này.
Theo các chuyên gia kinh tế, các nước EU cần phải có thêm rất nhiều tỷ euro để khắc phục hậu quả do dịch Covid-19 gây ra. Mấy ngày trước, Ủy viên phụ trách kinh tế của Liên minh châu Âu (EU) Paolo Gentiloni cho rằng khối này có thể sẽ cần đến gói cứu trợ trị giá tới 1.500 tỷ euro để vượt qua cuộc khủng hoảng hiện nay.
Ngày 22-4, Ngân hàng Trung ương châu Âu (BCE) đã thông báo về việc nới lỏng các quy định, sẵn sàng chấp nhận các trái phiếu bị xếp là "không có giá trị" như là các bảo đảm đối với các khoản tín dụng cấp cho các ngân hàng. Biện pháp này sẽ giúp cho các ngân hàng có đủ vốn để có thể tham gia vào việc cung cấp tín dụng và tài chính cho các nền kinh tế của khối đồng euro khắc phụ hậu quả do dịch bệnh.
Về tình hình ở Pháp, ngày 23-4, Viện Thống kê và Nghiên cứu Kinh tế quốc gia (INSEE) công bố báo cáo mới về tác động kinh tế do dịch Covid-19, nhận định rằng nền kinh tế nước Pháp hiện giống như "một cơ thể đang bị gây mê, chỉ còn bảo đảm những chức năng thiết yếu nhất”. Theo INSEE, hoạt động của toàn bộ nền kinh tế Pháp đã giảm đi 35%. Do hoạt động trên tất cả các lĩnh vực bị đình trệ trong tám tuần của lệnh phong tỏa, Chính phủ Pháp đã hai lần phải hạ thấp mức dự báo tăng trưởng, với tổng sản phẩm nội địa GDP năm 2020 sẽ sụt giảm 8%.
Cũng trong ngày 23-4, Hạ viện và Thượng viện Pháp đã thông qua dự toán ngân sách bổ sung cho năm 2020 trong đó gói cứu trợ khẩn cấp lên tới 110 tỷ euro để phục hồi kinh tế.
Theo thống kê do Bộ Y tế Pháp công bố tối 23-4, có thêm 516 trường hợp tử vong ở bệnh viện cũng như nhà dưỡng lão và cơ sở y tế - xã hội, nâng tổng số lên 21.856. Số người nhập viện và bệnh nhân nặng tiếp tục đà giảm ở mức thấp. Hiện đã có 42.088 người được điều trị khỏi bệnh và xuất viện, tăng 1.431 trường hợp so với một ngày trước.
Phát biểu trong phiên điều trần tại Quốc hội trong ngày 23-4, Tổng Cục trưởng Y tế Pháp Jérôme Salomon nói rằng các biện pháp hạn chế di chuyển và giãn cách xã hội đã đem lại kết quả rõ rệt trong việc làm giảm tác động của làn sóng lây lan đầu tiên. Tỷ lệ lây nhiễm đã giảm từ 3,4 xuống còn 0,5. Vì vậy, các biện pháp ngăn ngừa lây nhiễm cần được duy trì nhằm làm suy yếu hẳn bệnh dịch cho tới lúc dỡ bỏ lệnh phong tỏa vào ngày 11-5. Có như vậy, hệ thống y tế mới có thể "hồi sức" sau nhiều tuần đương đầu với bệnh dịch trên tuyến đầu, đồng thời tránh nguy cơ xảy ra đợt bùng phát dịch tiếp theo trong giai đoạn hồi phục dần các hoạt động.
Ông Jérôme Salomon cũng đề cập đến các biện pháp chống dịch sau thời hạn phong tỏa để kịp thời phát hiện người mắc Covid-19 và ngăn chặn sự lây lan. Virus corona chủng mới chưa thể bị tiêu diệt hết trong những tuần tới, vì vậy phải thực hiện hàng loạt giải pháp dập dịch như áp dụng công cụ kỹ thuật số để cảnh báo nguy cơ lây nhiễm, đeo khẩu trang và duy trì khoảng cách tiếp xúc cần thiết.
Bên cạnh đó, việc di chuyển giữa các khu vực bị ảnh hưởng nhiều do Covid-19 và những nơi ít có người nhiễm cũng cần hạn chế. Có như vậy, virus corona mới không thể tiếp tục lây lan. Hiện các nhà khoa học Pháp vẫn chưa thể biết được là liệu những người đã bị nhiễm có đủ kháng thể để không tái nhiễm hay không, và nếu có thì trong bao lâu.
KHẢI HOÀN
Phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Pháp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét