Thứ Ba, 28 tháng 4, 2020

Công lý XHCN là một ông vua phong kiến ?

Công lý thực chất là khát vọng của con người về lẽ phải, về công bằng tuyệt đối cho tất cả mọi người, là đại diện cho thiện tính, bác ái, sự tự nguyện vì cộng đồng, lòng nhân từ cao cả... Vậy nên, biểu tượng của công lý mới là một vị nữ thầnvới 4 tiêu chuẩn như PGS Cương viết trong bài này. Thế nhưng Tòa án nhân dân tối cao VN lại định dùng một người thật làm biểu tượng. Đây là một người đàn ông, lại là một vị vua. Một con người, cho dù có thánh thiện, hoàn hảo đến đâu thì cũng không thể không có sai lầm, khuyết điểm. Một vị vua để bảo vệ ngai vàng, đất đai của mình không thể không chém giết, tàn sát, thậm chí chu di tam tộc, cửu tộc... Cho nên không thể lấy bất cứ một con người cụ thể nào làm biểu tượng cho công lý được. Càng không thể lấy một ông vua phong kiến làm biểu tượng cho một cơ quan tư pháp xã hội chủ nghĩa. Không thể hiểu được sự thâm nho, bí hiểm của ông quan Nguyễn Hòa Bình, đương kim Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, đối với ngành tòa án và đất nước này. Nhưng nhìn vào cách tòa án xử các vụ án hiện nay thì cũng không khó hiểu, và cũng không khó hiểu khi PGS Cương đặt câu hỏi: Công lý có thật ư ? Đáng buồn là những người như ông Bình còn tiếp tục thăng quan tiến chức, tiếp tục lãnh đạo đất nước này trong nhiều năm tới.

Công lý có thật ư ?
Ngô Huy Cương 28-4-2020 - “Công lý” luôn là sự mong ước của loài người. Nó có tính chất của một lý tưởng cao siêu rất khó đạt tới, nhưng lại có những tiêu chuẩn hướng dẫn cụ thể về lối đi tới đó mà cần phải được giải thích cho những trường hợp cụ thể.
Nữ thần công lý thường được đắp nặn hay tô vẽ khác nhau bởi con người, nhưng thường phải thể hiện được bốn tiêu chuẩn:
(1) Cái đẹp (mà biểu tưởng là phụ nữ);
(2) Quyền uy (mà biểu tượng là thanh kiếm);
(3) Công bằng (mà biểu tượng là cán cân); và
(4) Sự khách quan (mà biểu tượng là sự bịt mắt).

Thế nhưng, có những nơi người ta đắp nặn hay tô vẽ thêm cho nữ thần công lý một số tiêu chuẩn khác, như:

(5) Sự thật (mà biểu tượng là sự khỏa thân); và

(6) Trí tuệ (mà biểu tượng là quyển sách cắp nách).

Và tất nhiên gọi là khỏa thân nhưng nhiều khi xiêm áo của nữ thần hững hờ đôi chút để lộ những đường cong chứ chẳng ai lại để cho nữ thần trong tình trạng không y phục đứng trước cửa toà.

Tôi nhớ có một lần báo chí lên tiếng về việc một nhà xuất bản nào đó in trên bìa của Bộ luật Dân sự hình ảnh một người đàn ông khỏa thân, cơ bắp tay cầm kiếm, tay cầm cân thay cho hình nữ thần công lý. Người ta cảm thấy ngay một nền công lý tục tĩu và thô bạo.

Nên nhớ, pháp luật không bao giờ là chân lý hay công lý mà nó chỉ có thể tiếp cận tới công lý qua cầu nối tư pháp. Có nghĩa là trong mối quan hệ giữa các định chế chính trị với pháp luật, thì lập pháp làm ra luật; hành pháp thi hành luật; còn tư pháp giải thích luật. Pháp luật có các công thức. Nhưng các công thức đó không giống với các công thức trong toán, lý, hoá mà phải được giải thích để rút ra giải pháp cho các trường hợp tranh chấp cụ thể.

Vì vậy chức năng của tư pháp, trong mối quan hệ với các định chế chính trị khác phân chia dựa trên mối quan hệ của chúng đối với pháp luật, là giải thích luật. Pháp luật theo nghiên cứu chung của các nước trên thế giới, trừ Việt Nam (trong môn lý luận chung về nhà nước và pháp luật theo Sovietique Law), có bốn chức năng, bao gồm:

(1) Gìn giữ hoà bình;

(2) Thiết lập hoặc cho thi hành các tiêu chuẩn xử sự;

(3) Biến các dự định hay kế hoạch trở thành hiện thực; và

(4) Bảo đảm sự công bằng.

Tư pháp luôn gánh trọn chức năng thứ tư này. Biểu tượng công lý gắn với toà án là thế.

Tôi luôn thờ phụng tổ tiên theo truyền thống của người Việt. Song tôi không thể lý giải nổi việc lấy một đức vua cụ thể trong lịch sử ra để làm biểu tượng của công lý!


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét