Thứ Năm, 23 tháng 4, 2020

Đi du lịch trong mùa dịch bệnh virus corona

Đi du lịch trong mùa dịch bệnh virus corona
Toby Skinner 22 tháng 4 2020 - Chống lại làn gió rít và hơi thở nặng nề, một người đàn ông nói giọng Đức hét về phía tôi: "Cứ từ từ!". Tôi đang cố gắng tập trung vào các thiết bị leo lên trên hai sợi dây treo dốc đứng, nhưng có một sự thôi thúc không ngừng khiến tôi cứ nhìn sang bên trái nơi dốc đứng đổ xuống vực thẳm sâu hút đầy tuyết trắng.

Nhưng tôi vươn tay, móc thiết bị vào và bắt đầu leo. Tôi đang ở Sườn Hillary, đoạn vách núi nổi tiếng cao 12m của dãy núi Everest, từ lâu được coi là một chặng leo thử thách nhất dẫn đến đỉnh núi ở phần nằm ở quốc gia Nepal.

Khí oxy cực kỳ mỏng đến mức nguy hiểm ở độ cao 8.790m, rất nhiều nhà leo núi gục ngã tại điểm này, hoặc có khi họ đơn giản chỉ ngồi xuống và chẳng bao giờ đứng dậy đi tiếp hành trình được nữa.

Khi Edmund Hillary và Tenzing Norgay trở thành hai người đầu tiên lên đỉnh Everest vào năm 1953, Hillary viết về cảnh Norgay tiến tới đỉnh ở Sườn Hillary. "Ông ấy khuỵu ngã và kiệt sức… như con cá khổng lồ bị kéo lên từ đại dương sau một cuộc vùng vẫy ngoạn mục."

Khi tôi lên tới đỉnh của dây treo và tháo thiết bị, tôi cảm thấy buồn nôn, nhưng có lẽ không giống với cảm giác mà người Sherpa vĩ đại đó đã từng cảm thấy.

Tôi tạm dừng chương trình Everest VR và tháo thiết bị kính thực tế ảo HTC Vive ra.

Khi mắt định thần lại, tôi thấy mình đang đứng trong căn hộ ở tầng hai tại Hackney, khu Đông London, trong đợt phong tỏa vì virus corona.

Tầm nhìn của tôi không còn là tầm nhìn chim bay trên một trong những đỉnh cao ở dãy Himalayas nữa. Thay vào đó, bên ngoài ban công kiểu Juliet nhà tôi, một nhóm nhỏ những người xây dựng đang thi công công trình nhà ở mới, ánh mặt trời chiếu sáng lấp lánh trên đồ bảo hộ phát sáng của họ.

Tôi thấy mình thật ghen tị với họ, đồng thời băn khoăn tự hỏi liệu họ có thực sự đủ tiêu chuẩn làm nhân viên thực hiện các công việc thiết yếu không.

Bạn có thể leo Everest trong một chương trình
 giải trí thực tế ảo kéo dài 1 tiếng đồng hồ

Tuy là có rất nhiều người đang ở trong tình trạng tồi tệ hơn tôi, nhưng với tôi, một cây viết tự do chuyên về du lịch, thì đây là khoảng thời gian kỳ quặc.

Tôi đã phải hoãn vô thời hạn nhiều chuyến đi, như chuyến đến hẻm núi Charyn ở Kazakhstan và Hẻm núi Canyon Point ở bang Utah, và hầu hết việc làm của tôi đã phải hủy bỏ.

Có một cơ hội ngắn ngủi, tôi có thể thuê một nhà xe di động và lái xe đến đảo Isle of Eigg ở Tây Scotland, đó có vẻ là một ý tưởng hay. Giờ đây, giống như rất nhiều người trên thế giới, tôi hầu như chỉ ở nhà.

Đây là thời điểm để suy nghĩ lại ý nghĩa thực sự của du lịch, một việc mà tôi đã làm hầu như hàng tháng trong nhiều năm qua - và liệu có thể nào đi du lịch mà, không cần phải di chuyển hay không.

Theo một nghĩa nào đó thì câu trả lời là có.

Everest VR - một chương trình giải trí kéo dài một giờ leo núi Everest - từ những nghi thức thắp hương và đến bộ kit tại Base Camp để vượt qua các khe núi sâu - đó chỉ là một trong số nhiều trải nghiệm với thiết bị hình ảnh thực tế ảo VR từ nhiều thương hiệu như Vive và Oculus.

Tương tự, tôi cũng có thể chọn bơi cùng cá voi xanh và lọt vào giữa bầy sứa trong chương trình Blu, hoặc lái thiết bị thám hiểm Sao Hỏa trong khu vực 15 đặm vuông trên vùng đất màu thổ hoàng đỏ rực đầy đá trong chương trình Mars 2030.

Trong khi sự đón nhận dành cho thiết bị VR hiện vẫn còn khá giới hạn vì chất lượng và số lượng của các chương trình mới ra mắt, cũng như do giá thiết bị khá đắt đỏ như HTC Vive và Oculus Quest, thì sản phẩm này vẫn đang tiếp tục phát triển.

Half Life: Alyx, một trò chơi nhập vai kiểu bắn quái vật xác sống dành cho thiết bị thực tế ảo VR đã được ca ngợi là bước đột phá trong thể loại này về khả năng chơi trực quan và cách dẫn truyện.

Ngành công nghiệp video game rộng lớn hơn - vốn có giá trị 148,8 tỷ đô la Mỹ vào năm ngoái, theo các chuyên gia phân tích trong ngành từ Newzoo - từ lâu đã tạo ra những thế giới ảo cực kỳ phong phú và tuyệt đẹp, từ thế giới hoạt hình khoa học viễn tưởng của game Final Fantasy đến miền Viễn Tây phong phú trong Red Dead Redemption 2 và những thiên hà vô tận trong game No Man's Sky.

Ubisoft, nhà sản xuất loạt game phiêu lưu hành động nổi tiếng tên Assassin's Creed Origins, đã tuyển dụng một nhà sử học làm việc cho công ty và một nhóm các nhà nghiên cứu Ai Cập Học để tạo ra phiên bản Ai Cập Cổ đại chính xác tới mức thậm chí trò chơi này đã dự đoán được việc phát hiện ra một phòng dẫn bí mật nằm bên trong Đại Kim Tự Tháp. Trò chơi này
 cũng có chế độ tham quan để người chơi có thể khám phá Ai Cập thời Nữ hoàng Cleopatra với hướng dẫn viên du lịch ảo thay vì là quân thù từ Mật lệnh Templar.

Các nhà sản xuất game đủ loại đang tìm những phương cách mới mẻ để khiến ta đắm chìm

"Du lịch" qua game đã trở thành hiện tượng mà cuối năm ngoái ấn phẩm Rough Guides xuất bản hẳn cả quyển The Rough Guide to Xbox, một tập sách khám phá những nơi tuyệt đẹp trong game Xbox, từ Arcadian Eddian Grove trong game Anthem đến Bờ biển Cát vàng Golden Sands Outpost trong game Sea of Thieves, một dạng đảo hải tặc ở vùng biển Maldives.

Trong khi đó, nhiều nhà sản xuất đủ các thể loại bắt đầu tìm cách mới mẻ hơn để thu hút chúng ta, từ Google với ứng dụng Expeditions và các chương trình du lịch thực tế ảo đến Trạm không gian Vũ trụ Quốc tế hay Bảo tàng Quốc gia Iraq, sử dụng thiết bị thực tế ảo bằng giấy carton, cho đến hãng truyền thông BBC.

Nếu như những loạt phim như "Bảy thế giới, Một hành tinh" là hiện tượng gây tranh cãi về việc rất nhiều người có thể du hành trong đó, thì Bộ phận Sản xuất Phim tài liệu Lịch sử Tự nhiên của BBC còn muốn đưa người xem đi xa hơn.

Họ đã sản xuất những video 3D 360 độ trong đó có video về nhật thực từ không gian, và video về cảnh lặn với cá đuối manta khổng lồ ở Mexico.

Họ đã hợp tác cùng Magic Leap và Preloaded- các nhà sản xuất thiết bị thực tế ảo tăng cường - để người xem có thể thấy cảnh những con kiến cắt lá ảo và những chú nhện đi dạo quanh trên bàn phòng khách của họ.

Cũng có nhiều kế hoạch đang được tiến hành cho một chuyến du lịch thực tế ảo trong ngôi nhà, đi sâu vào thế của bọn ruồi trong nhà, nhện và chuột sống dưới sàn nhà.

"Thậm chí ngay cả việc quan sát thiên nhiên bằng kỹ thuật số cũng đã được khoa học chứng minh là giúp cho sức khỏe tâm thần của con người, vốn là điều cực kỳ quan trọng vào thời gian này," Lee Bacon, lãnh đạo mảng kỹ thuật số tại Bộ phận Sản xuất Phim tài liệu Lịch sử Tự nhiên của BBC cho biết khi trò chuyện qua ứng dụng Zoom.

"Chúng tôi luôn tìm hiểu những phát kiến mới để có trải nghiệm sâu hơn, dù đó có nghĩa là thiết bị thực tế ảo VR hay TV chậm. Giờ đây mọi người đi du lịch ít hơn, cho nên đây có thể là thời điểm quan trọng cho loại hình công nghệ này."

Lee Bacon: "Quan sát thiên nhiên dù là qua kỹ thuật số cũng đã được chứng minh là có ích cho sức khỏe tâm thần con người"

Dĩ nhiên, tình hình hiện tại có vẻ như là chín muồi cho sự phát triển của du lịch ảo, trong thời đại mà những chuyến bay giá rẻ bị đe dọa bởi dịch bệnh Covid-19 và cả những quan ngại ngày càng nhiều về tác động môi trường từ các chuyến bay.

Tiến sĩ Ian Pearson là nhà tương lai học hàng đầu, là kỹ sư và là tác giả, nhà phát minh vận hành công ty Futurizon, một công ty tư vấn về tương lai. Ông dự đoán rằng số lượng các phát kiến mới sẽ giúp du lịch kỹ thuật số phát triển rõ nét hơn trong tương lai gần, đặc biệt là trong lĩnh vực thực tế ảo.

Một ví dụ là thứ mà ông gọi tên là Active Skin, cho phép ta "cảm thấy" địa điểm đến ảo, có lẽ sẽ xuất hiện vào khoảng thập niên 2030.

"Chúng ta đã có thể chế tạo các thiết bị bán dẫn nhỏ tới mức có thể đưa vào da," ông chia sẻ với tôi qua điện thoại. "Chúng có thể được xịt lên da giống như mực, và sau đó gửi tín hiệu đến hệ thần kinh của ta. Sau đó ta có thể bị thao túng và bắt đầu cảm thấy ánh mặt trời và làn gió mặn mòi trên bãi biển Maldives, hoặc cảm thấy đá cẩm thạch mát lạnh trong đền Taj Mahal."

Ông nói rằng, thậm chí còn sớm hơn nữa, ta sẽ được chứng kiến sự ra đời của kính áp tròng thực tế ảo tăng cường, sử dụng công nghệ hiện có sẵn để đem lại các tính năng kỹ thuật số tạo ra cảm giác về không gian vật lý, chẳng hạn như biến phòng khách thành quầy bar quyến rũ hoặc biến sảnh sân bay thành rừng nhiệt đới.

Nhưng ông dự đoán rằng thập niên 2050 là lúc sẽ có những bước tiến lớn. Đến thời điểm đó, theo ông cho biết, chúng ta đã có thể tải tâm trí của mình lên không gian mạng thông qua các thiết bị nano liên kết với các khớp thần kinh, cho phép não của ta lưu trú vào một loại robot giống người với đầy đủ chức năng, có thể biến ta thành những siêu nhân.

"Chẳng hạn như bạn sẽ có thể đăng nhập từ Anh Quốc, và chọn robot của mình ở Úc," ông giải thích. "Sau đó bạn có thể lưu trú trong cơ thể nó và làm bất cứ việc gì một người có thể làm, và hơn vậy nữa. Bạn sẽ có thể suy nghĩ nhanh hơn và có bộ nhớ lớn hơn, vì vậy những ký ức về du lịch sẽ được lưu giữ trong bạn trong thời gian lâu hơn."

Ta sẽ được ngắm những thế giới ảo tuyệt đẹp trong hiện tại và tương lai gần

Ông thừa nhận rằng đây là một kế hoạch gặp trắc trở. "Phần kỹ sư trong tôi nghĩ rằng như vậy sẽ cực kỳ vui, nhưng tất nhiên có rất nhiều hệ quả tiềm năng gây hủy hoại thế giới, từ tình trạng quá tải các loại robot đến các vấn đề đạo đức khi tâm trí sống trong thiết bị điện tử," ông chia sẻ.

"Sẽ có rất nhiều người thắng và kẻ thua, và giống như trong phim X-Men - rất nhiều người sẽ không thể sống bên cạnh những kiểu con người mới với siêu năng lực."

Nhiều những ý tưởng như thế khiến tôi đau đầu. Vì vậy sau khi cuộc nói chuyện điện thoại, tôi ra ngoài đi dạo theo tiêu chuẩn được cho mỗi ngày.

Đó là một buổi chiều đầy nắng ở Công viên Victoria của London, và tôi quyết định ngắm nhìn tất cả: những người chơi ván trượt dài, và những cặp tình nhân, những chú chó vẫy đuôi và chủ không bị phân tâm, người đàn ông đang hát ca khúc Hallelujah, đến đám đông tản mạn không chút cảnh giác gì.

Có một khoảnh khắc, tôi đọc các biển hiệu nhỏ quanh công viên: về một ngôi chùa Trung Hoa được mua về đặt trong Hyde Park năm 1847 với giá 110 bảng Anh, mà những đứa trẻ ở Đông London tin tưởng rằng đó từng là ngôi nhà của một gia đình người Hoa kỳ bí; và đọc về bức tượng hai chú chó canh gác, cả hai đều là phiên bản làm lại từ tượng từ Thế kỷ thời La Mã, được đặt ở đây vào năm 1912 mà người ta tin rằng vẫn đang canh gác tránh tình trạng chết đuối ở kênh đào gần đó.

Trong hồ nước nằm bên Pavilion, tôi quan sát những con chim sâm cầm có khuôn mặt trắng như mặt nạ Venice, những chú thiên nga lượm vụn bánh mì từ du thuyền và những con vịt trời trống với cổ và đầu dường như được làm từ lớp nhung xanh biếc nhất.

Và tôi thấy điều gì đó mới mẻ ở lũ chim bồ câu, còn bị gọi là lũ chuột bay, với lớp lông cổ có màu xanh và hồng lấp lánh trong ánh nắng, cùng với tiếng gù mềm mại nghe thật an yên đến lạ lùng.

Du lịch luôn là điều gì đó khó định nghĩa về triết học, nhưng trong khi chậm lại, ngắm nhìn và thực sự trân trọng thế giới xung quanh, tôi cảm thấy như mình đang đi du lịch.

Những nhà phát triển kỹ thuật số sẽ phải thực hiện điều gì đó to lớn để có thể tiến gần đến việc tái hiện lại tất cả những điều này - và sau này khi tôi đã lên đến đỉnh Everest thực tế ảo, nó không đem lại niềm vui tương tự như khi ngắm nhìn những con chim bồ câu trong công viên Victoria.

Chúng ta sẽ thấy nhiều hơn và những thế giới ảo tuyệt đẹp và choáng ngợp trong những năm sắp tới - nhưng với tôi, thế giới thực vẫn hơn.

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Travel.

https://www.bbc.com/vietnamese/vert-tra-52375034

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét