Thứ Năm, 30 tháng 4, 2020

Nhận lỗi trong vụ Đồng Tâm để xoa dịu công luận?

Nhận lỗi trong vụ Đồng Tâm để xoa dịu công luận? Sai một con tốt nhỏ (bà Hoa) không biết vô tình hay cố ý tưởng thốt nên một câu nhận lỗi để hy vọng có thể xoa dịu công luận trong vụ Đồng Tâm là một sai làm của chính quyền vì tôi tin chắc không ai tin họ thành tâm nhận lỗi. Muốn nhận lỗi thì phải đàng hoàng, nói có đầu có đuôi và chỉ rõ những người có lỗi là ai, giải pháp xử lý như thế nào chứ không phải chỉ 6 từ "chưa kịp thời, chưa sâu sát". Nhà báo Ngô Nhật Đăng viết “Bây giờ họ tìm cách đổ lỗi cho Ban Dân vận tham mưu không sát, tôi nghĩ rằng phải ở mức độ cao hơn rất nhiều. Tôi cho rằng chính quyền đang tìm cách đổ lỗi cho một ai đấy chịu trách nhiệm về sự việc ở Đồng Tâm”. Tôi không nghĩ đơn giản như nhà báo, cũng không nghĩ chính quyền đã "thấy rõ cái sai nên muốn xoa dịu” như GS Mai nhận xét. Tôi nghĩ họ đã tính toán rất cẩn thận và thừa quyết tâm thực hiện vụ này, đến mức chỉ vài tiếng đồng hồ sau khi sự việc xảy ra, đã có những quyết định công nhận liệt sĩ, phong hàm vượt cấp, trao tặng huân chương... tùm lum trong khi toàn dân đang bàng hoàng bất an. Đến nay cũng chưa có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy họ bắt đầu nghĩ họ sai, và chắc chắn không bao giờ người cộng sản dám nhận sai như đã xảy ra với rất nhiều vụ khác. 
Ban Dân vận Hà Nội nhận lỗi trong vụ Đồng Tâm: cách để xoa dịu công luận?
RFA 2020-04-29

Minh họa: Người dân Đồng Tâm chắn đường 
không cho chính quyền phong tỏa đất năm 2017.
Bà Phạm Hải Hoa, Phó trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội, thừa nhận trong buổi làm việc với Bí thư Thành uỷ Hà Nội Vương Đình Huệ rằng “việc dự báo tình hình nhân dân, đặc biệt là ở những địa bàn phức tạp, nhạy cảm là chưa kịp thời, chưa sâu sát” như vụ việc xảy ra tại xã Đồng Tâm.

Vụ tranh chấp đất đai ở Đồng Sênh, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức giữa người dân Thôn Hoành và phía quân đội diễn ra từ nhiều năm. Trái với quan điểm của người dân cho rằng khu đất là đất nông nghiệp được người dân canh tác từ hơn chục năm, chính quyền Hà Nội nói toàn bộ là đất quân sự.

Đỉnh điểm của vụ việc xảy ra vào rạng sáng 9/1/2020 khi hàng ngàn cảnh sát cơ động có vũ khí tràn vào Thôn Hoành trấn áp bạo lực gia đình cụ Lê Đình Kình, trưởng nhóm người khiếu kiện đất. Vụ đụng độ khiến cụ Kình bị bắn chết và cho đến nay có 29 người bị bắt trong vụ này. Phía lực lượng công an có 3 người thiệt mạng.

Trao đổi với RFA vào tối 29/4, Giáo sư Nguyễn Khắc Mai, nguyên vụ truởng Vụ Nghiên cứu, Ban Dân Vận Trung ương nhận xét về động thái mới của chính phủ Hà Nội trong sự việc Đồng Tâm:

“Cái này họ buộc phải xoa dịu công luận chứ Ban Dân vận tôi từng tham gia từ chị Mai đến dưới này thì họ đứng ngoài rìa các sự kiện, không dám xuống Đồng Tâm để lắng nghe người dân và làm công việc mị dân là chính chứ không hề bênh vực dân. Bây giờ thấy xã hội trong và ngoài nước phản ứng quyết liệt và thấy rõ cái sai nên muốn xoa dịu.”

Còn theo Luật sư Đặng Đình Mạnh, người đang nhận bào chữa cho một số người dân Đồng Tâm đang bị tạm giam sau sự kiện ngày 9/1/2020 lại cho rằng nội dung nhận lỗi mà báo chí đăng tải chỉ vỏn vẹn trong một câu như vậy chưa đủ cơ sở đưa ra nhận xét:

“Chủ đề về Đồng Tâm nhưng họ nhận lỗi thế nào mình không rõ chi tiết sự nhận lỗi của họ. Báo chí đăng rất tổng quát nên mình không biết lỗi chỗ nào hay lỗi toàn bộ câu chuyện Đồng Tâm, hay lỗi ở khía cạnh nào đó ví dụ như chưa làm tốt công tác khuyên nhủ người dân chẳng hạn. Ở mức độ khuyên nhủ người dân thì người dân đồng ý vì dân vận nôm na là đi làm công tác khuyên lơn người dân để người ta làm theo chính sách nhà nước. Nếu họ nói vậy chưa chắc nói về đêm xảy ra sự việc, chưa hẳn họ nhận lỗi. Đêm đó rất có thể họ cho rằng do dân tấn công rồi họ phản ứng lại thành ra câu chuyện như vậy.”

Trước việc báo chí trong nước không thông tin đầy đủ về những sai phạm của Ban Dân vận, nhà báo tự do Ngô Nhật Đăng cho rằng việc này không đáng ngạc nhiên. Ông đưa ra 2 lý do:

“Thứ nhất là người viết bài báo dù giật tít đó nhưng không thể nào tìm được tư liệu có thể kiểm chứng được nên không viết thẳng ra. Thứ hai là cách tránh né của Ban Tuyên giáo. Chúng ta đều biết báo chí Việt Nam nằm trong sự kiểm soát của Ban Tuyên giáo, thông tin được đưa đến mức độ nào, đến đâu đều có sự chỉ đạo trước cho các Tổng biên tập và phóng viên.”

Vẫn theo nhà báo Ngô Nhật Đăng, dù với bất kể lý do gì cũng không thể biện minh được cho hành động truy sát người dân mà theo lời người gia đình và dân làng là ‘man rợ’ cơ quan chức năng Việt Nam đã thực hiện vào rạng sáng ngày 9 tháng 1 vừa qua:
Sáng sớm ngày 9/1/2020, chính quyền Hà Nội đã huy động cảnh sát cơ động có trang bị vũ khí đến thôn Hoành, xã Đồng Tâm, trấn áp, bắt giữ một số người dân bị cơ quan chức năng cho là chống đối.
Sáng sớm ngày 9/1/2020, chính quyền Hà Nội đã huy động cảnh sát cơ động có trang bị vũ khí đến thôn Hoành, xã Đồng Tâm, trấn áp, bắt giữ một số người dân bị cơ quan chức năng cho là chống đối. File photo
“Bây giờ họ tìm cách đổ lỗi cho Ban Dân vận tham mưu không sát, tức là có sự vô lý trong chuyện này vì Ban Dân vận không thể nào quyết định những chuyện xử lý Đồng Tâm, tôi nghĩ rằng phải ở mức độ cao hơn rất nhiều. Tôi cho rằng chính quyền đang tìm cách đổ lỗi cho một ai đấy chịu trách nhiệm về sự việc ở Đồng Tâm.”
Dưới góc nhìn cá nhân, Tiến sĩ Nguyễn Quang A – nhà hoạt động xã hội dân sự độc lập lâu năm tại Hà Nội cũng cho rằng vai trò của Ban Dân vận trong sự việc thảm sát Đồng Tâm là thành phần rất yếu ớt, rất nhỏ so với vụ việc. Tuy nhiên:
“Tôi nghĩ đây là sự thú nhận và cũng là một bằng chứng cần phải ghi lại là có rất nhiều người dính dáng vào vụ thảm sát Đồng Tâm vào rạng sáng 9/1/2020. Vụ này người trực tiếp mà chúng ta thấy là Bộ Công An. Phải làm rất rõ trong Bộ Công an ai lập ra kế hoạch ấy và có được bên trên nữa phê chuẩn hay không lúc đó mới có thể tìm ra chân tướng sự thật thế nào.”
Đồng quan điểm vừa nêu, Giáo sư Nguyễn Khắc Mai cũng cho rằng tuyên bố nhận lỗi của Ban Dân vận được đưa ra sau khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có nêu ý kiến phải quan tâm đến Đồng Tâm vào ngày 20/4 vừa qua. Việc này có thể được hiểu là chính phủ đã ‘bật đèn xanh’, một tín hiệu giải quyết vụ Đồng Tâm.
Tuy nhiên, giải quyết đến đâu, có thật sự giải quyết đến nơi đến chốn, có dám chấp nhận sai lầm khi giết người không có bản án, giết một công dân chưa hề bị tòa án đưa ra xét xử, giết một đảng viên chưa hề bị khai trừ hay không lại là một hoài nghi khác trong ông:
“Cái chính là có dám thực hiện đúng pháp luật, nghiêm minh, công khai và có cả quốc tế chứng giám, có sự đối thoại đàng hoàng của giới luật sư trong nước để có tòa án văn minh và có dám kết luận đây là sai trái của cấp trung ương đảng, chính phủ? Bởi vì không có họ bật đèn xanh thì đố anh Nguyễn Đức Chung và anh Hải - nguyên Bí thư, anh Tô Lâm Bộ Công an dám làm nếu không có sự bật đèn xanh của cấp cao nhất là Nguyễn Phú Trọng, đó mới là vấn đề.”
Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, dù cho dịch bệnh COVID-19 đã nhận chìm những tin tức thời sự trong thời gian qua, nhưng chính phủ Hà Nội dù có muốn cũng không thể phớt lờ vụ việc thảm sát ở Đồng Tâm vì thông tin vụ việc này đã lan ra cả quốc tế chứ không riêng trong lãnh thổ chữ S nữa.
“Tôi nhắc lại đây là vụ việc chưa từng có, không thể chấp nhận việc chính quyền dùng vũ lực để hại người dân theo kiểu như vậy. Chắc chắn cần một cuộc điều tra độc lập rất căn cơ để từng trị kẻ gây ra tội ác mà dư luận lên tiếng phản đối, tội ác ‘trời không dung, đất không tha’ này!”
Những người quan tâm cũng nhắc lại, ngay sau khi xảy ra vụ Đồng Tâm, đích thân tổng bí thư kiêm chủ tịch nước; thủ tướng chính phủ và Bộ trưởng Công an đều có khen thưởng cho ba người công an tham gia vụ việc khiến cụ già hơn 80 tuổi Lê Đình Kình bị bắn chết và 29 người đang bị giam giữ đến lúc này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét