So sánh bối cảnh hiện nay và bối cảnh những năm 1950 và 1960, tôi cho rằng vị thế của vụ việc Đồng Tâm có thể sánh ngang với những sự kiện kinh hoàng mà đến nay sau hơn 6 thập kỷ, hậu quả của chúng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, đó là sự kiện "cải cách ruộng đất", vụ án "nhân văn giai phẩm" trong những năm 1950 và "vụ án xét lại chống Đảng" trong những năm 1960. Thời đại nào rồi mà có chuyện ngay giữa thủ đô, hàng nghìn binh lính chính quy tấn công trực diện vào một ngôi làng bé xíu lúc đêm tối, gây ra cái chết cho bốn người (cụ Kình và ba sỹ quan công an), sau đó còn mổ phanh thây cụ Kình không biết để làm gì... Tôi đoán sau khi vụ việc xảy ra, Thủ tướng và nhiều nhà lãnh đạo ở Trung ương và Hà Nội có liên quan đã rơi vào tình trạng đầu óc bất an, tinh thần rối loạn vì lo lắng luật nhân quả sẽ giáng xuống đầu mình bất cứ lúc nào. Vì biết và lo lắng không giải quyết được vụ này là không xong với trời đất, với dân nên giờ đã phải nói ra để cùng nhau giải quyết. Tuy nhiên, lại vướng về thể chế và cơ chế, lại vướng về lợi ích cá nhân, đảng phái, phe nhóm quá lớn, nên khó có thể giải quyết được gì trong bối cảnh hiện nay. Theo cách nói của Thủ tướng trong bài này thì có thể vẫn sẽ giải quyết theo kiểu cũ tức là tiếp tục củng cố hệ thống chính trị ở Đồng Tâm, dùng bàn tay cứng rắn hơn để siết chặt quản lý dân hơn. Nếu vậy thì làm sao có thể giải quyết được vấn đề đồng Tâm, làm sao xây dựng được nông thôn mới ở đây như Thủ tướng nói. Triết lý nho giáo đã dạy và người dân vẫn luôn ghi nhớ: có thù thì phải trả. Nếu không có câu trả lời thỏa mãn người dân Đồng Tâm và hàng chục gia đình có liên quan, thì hàng trăm năm nữa vụ việc Đồng Tâm vẫn sẽ không được giải quyết, giống như các sự kiện kinh hoàng nêu trên.
Bình luận về động thái và phát biểu này của Thủ tướng Phúc, một số ý kiến từ giới quan sát thời sự và vụ việc Đồng Tâm từ Việt Nam nói với BBC:
Thủ tướng và Hà Nội 'không quên vụ Đồng Tâm'
Quốc Phương 21 tháng 4 2020 - Ngay trong lúc Việt Nam và Hà Nội đang lo chống đại dịch Covid-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chính thức lên tiếng về vấn đề Đồng Tâm trong một phiên họp với lãnh đạo đảng và chính quyền Hà Nội. Một số ý kiến từ giới quan sát, phân tích thời sự Việt Nam ghi nhận động thái có tính chất mới này, nhưng cho rằng phát biểu của người lãnh đạo chính phủ Việt Nam chưa đáp ứng nhiều câu hỏi mà công luận đặt ra sau khi xảy ra vụ bao vây Đồng Tâm hôm 09/01/2020 gây đổ máu và chết người.
Người dân dựng chướng ngại vật ở Đồng Tâm năm 2017
Hôm 20/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được kênh truyền hình nhà nước Việt Nam (VTV1) tường thuật phát biểu: "Chính phủ cùng với Hà Nội, các bộ ngành cần phải phối hợp tháo gỡ mọi ách tắc để Hà Nội phát triển. Cùng với những vấn đề chung như vậy tôi đề nghị Hà Nội tập trung giải quyết: "Một là ở Đồng Tâm cần củng cố hệ thống chính trị tốt hơn nữa, củng cố lòng dân, phát triển và xây dựng nông thôn mới ở đây."Bình luận về động thái và phát biểu này của Thủ tướng Phúc, một số ý kiến từ giới quan sát thời sự và vụ việc Đồng Tâm từ Việt Nam nói với BBC:
Blogger Nguyễn Hữu Vinh (nguyên Thiếu tá An ninh): Tôi cho đó là tín hiệu rất đáng chú ý khi lần đầu tiên một người đứng đầu chính phủ đề cập tới Đồng Tâm từ sau biến cố 9/1/2020.
Tiến sỹ Nguyễn Xuân Diện: Đây là lần đầu tiên sau nhiều tháng, người đứng đầu Chính phủ phát biểu về Đồng Tâm, và chỉ đạo Hà Nội ưu tiên giải quyết vấn đề ở Đồng Tâm. Điều này nói lên là vấn đề Đồng Tâm không thể bị bỏ qua và né tránh.
Tiến sỹNguyễn Quang A: Ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có nhắc chính quyền Hà Nội phải xử lý 10 điểm trong có có Đồng Tâm.
Về mặt tích cực là ông và có lẽ Ban Lãnh đạo của ĐCSVN đã nhận ra Đồng Tâm có thể là vấn đề rắc rối trong nền chính trị Việt Nam và cần phải giải quyết.
Vấn đề là giải quyết thế nào? Chúng ta phải đợi mới hiểu rõ ý của ông ấy muốn giải quyết thế nào.
Nhưng ông ấy nói "thành phố cần củng cố hệ thống chính trị tốt hơn, củng cố lòng dân, phát triển và xây dựng nông thôn mới" thì có thể sơ bộ suy ra vẫn theo lối cũ, có lẽ không giải quyết nổi theo kiểu ấy.
Phó Giáo sư Phạm Quý Thọ (nhà phân tích chính sách công, Bộ Kế hoạch & Đầu tư): Thủ tướng phát biểu trong buổi làm việc với chính quyền Thành phố Hà Nội về 'tái khởi động kinh tế' và được phát trên chương trình Thời sự của VTV, được đông đảo người dân quan tâm theo dõi, chứng tỏ tầm quan trọng của vấn đề.
Thủ tướng mong muốn Hà Nội phát triển vai trò của trung tâm chính trị, kinh tế văn hoá của cả nước, không chỉ 'chiến thắng đại dịch COVID-19' mà cần đẩy mạnh phát triển toàn diện, trong đó có kinh tế. Muốn vậy phải tháo gỡ những 'ách tắc', trong đó vụ việc Đồng Tâm được Thủ tướng nêu ngay từ đầu bài phát biểu.
Cảnh sát được người dân Đồng Tâm trả tự do sau khi bắt giữ làm con tin trong vụ tranh chấp đất ở Mỹ Đức, Hà Nội năm 2017
Đã thỏa mãn chưa?
BBC: Phát biểu này của Thủ tướng chính phủ Việt Nam đã thỏa mãn, đáp ứng những câu hỏi mà công luận đặt ra về giải quyết vấn đề Đồng Tâm hay chưa?
Blogger Nguyễn Hữu Vinh: Phát biểu này chỉ đặt ra nhiệm vụ chung chung cho Hà Nội để gọi là ổn định tình hình thôi, không thể hiện sự đánh giá gì về vụ án, đương nhiên không thể đáp ứng những câu hỏi của công luận.
Nhưng, như vậy còn hơn là một phát biểu mang tính chất như tất cả những gì mà hệ thống này làm từ ngày 9/1 đến nay, từ trao huân chương, thăng cấp, đến báo đài đưa thông tin kiểu buộc tội các nghi can, bôi nhọ những ý kiến phản biện tích cực.
Người dân Đồng Tâm trong một cuộc họp thường kỳ về đất đai.
TS. Nguyễn Xuân Diện: Ba vấn đề được ông Thủ tướng chỉ rõ: "cần củng cố hệ thống chính trị tốt hơn nữa, củng cố lòng dân, phát triển và xây dựng nông thôn mới" thực sự chưa "trúng" với quan tâm của công luận cả nước cũng như các chính phủ, tổ chức quốc tế có quan tâm.
Vì vấn đề Đồng Tâm cần được giải quyết trước hết bằng việc sáng tỏ công lý, khách quan và tôn trọng sự thật, trong đó có hai vấn đề phải giải quyết làm rõ đầu tiên: thực sự đất Đồng Sênh có phải đất quốc phòng và cái chết của người Đảng viên lão thành Lê Đình Kình.
TS. Nguyễn Quang A: Tôi cho là chưa. Chưa là bởi vì nó chưa đáp ứng mong mỏi của người dân muốn làm rõ ai đúng ai sai trong vụ 9/1 nó thực sự diễn ra thế nào, ai là kẻ tội phạm,... mà việc củng cố hệ thống chính trị ở Đồng Tâm làm sao có thể giải quyết nổi trừ việc họ muốn bóp nghẹt các đòi hỏi của người dân.
Tôi không biết ông Phúc có ý nói thế không? Nếu thế thì rất nguy hiểm vì không những không giải quyết được vấn đề mà còn làm cho nó trầm trọng thêm (có thể bịt miệng được trong vài năm, song không thể trong 50 năm chẳng hạn).
PGS. Phạm Quý Thọ: 'Đồng Tâm' là vụ việc nổi cộm, bức xúc, tồn đọng từ nhiều năm trước, liên quan đến tranh chấp đất đai giữa chính quyền, đất quốc phòng và người dân địa phương, đất canh tác, nhưng đã không giải quyết dứt điểm.
Chính quyền đã có những động thái nhưng không nhất quán, đã từng đối thoại, nhưng chưa có kết luận cuối cùng 'thoả đáng' với người dân. Vụ tập kích của cảnh sát cơ động vào thôn Hoành, xã đồng tâm sáng 9/1 đã để lại hậu quả nặng nề: 4 người đã tử vong, trong đó có 3 chiến sĩ và cựu đảng viên Lê Đình Kình, hàng chục người dân bị bắt và đang bị giam giữ… tạo nên một đại án hình sự nghiêm trọng.
Bức tường ngăn cách đất canh tác của địa phương với sân bay Miếu Môn được xây dựng, nhưng còn rất nhiều vấn đề cần làm sáng tỏ cho đến khi vụ án được xét xử nghiêm minh, bình đẳng theo đúng pháp luật. Dư luận đòi hỏi điều đó.
Ông Lê Đình Kình thiệt mạng trong vụ bố ráp của chính quyền đêm 9/1 tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội
Có lợi, bất lợi?
BBC:Phát biểu của Thủ tướng Việt Nam có thể đưa đến những cách hiểu và hành động chính sách như thế nào, theo hướng nào, có lợi cho ai và có thể bất lợi cho ai?
Blogger Nguyễn Hữu Vinh: Tôi cho phát biểu này như một bài toán rất khó, thậm chí không thể giải cho Hà Nội. Bởi vì muốn "củng cố lòng dân" mà không xử lý triệt để, đúng pháp luật vụ án, làm rõ ai đúng, ai sai, ai có tội (công việc trong tay công an), thì dân không thể yên. Mà vụ án, tuy công an Hà Nội thụ lý, nhưng chắc chắn được chỉ đạo sát sao từ Bộ Công an.
TS. Nguyễn Xuân Diện: Phát biểu của Thủ tướng chắc chắn sẽ được diễn giải theo hướng mà công luận không mong đợi. Và có thể gia tăng thêm bức xúc trong nhân dân Đồng Tâm - những người đã đấu tranh chống tham nhũng và lợi ích nhóm từ nhiều năm nay.
TS. Nguyễn Quang A: Như trong câu trả lời đầu tiên đã nêu, cần đợi thêm thông tin từ ông Phúc để biết kỹ hơn về hướng ông ấy hay Hà Nội muốn giải quyết ra sao.
Tôi e rằng vẫn theo kiểu cũ tức là củng cố "hệ thống chính trị" ở Đồng Tâm: Đảng, thanh niên, phụ nữ, mặt trận, chính quyền, cảnh sát v.v... thì làm sao mà giải quyết được vấn đề đồng Tâm? Còn xây dựng nông thôn mới ư? Chưa hiểu được.
PGS. Phạm Quý Thọ: Ổn định xã hội là phương châm để phát triển kinh tế. Chính quyền cơ sở là nơi thực thi, đưa chính sách của đảng và nhà nước đến từng người dân, nên đó cũng chính là nơi cần ổn định trước hết, theo nghĩa, ổn định trong lòng dân, được người dân tin tưởng và ủng hộ.
Vụ việc vừa qua đã tạo nên hiệu ứng ngược, tiêu cực, gây hoang mang, 'sợ hãi' trong mỗi người dân, gia đình, cộng đồng thôn xã và dư luận xã hội. Liệu có ai đứng ra giải thích hay chịu trách nhiệm? Chính quyền sẽ ổn định tình hình, củng cố tổ chức chính quyền như thế nào từ cơ sở, quận huyện và thành phố? Để ổn định chính quyền liệu nhân sự lãnh đạo sẽ thay đổi thế nào trong dịp đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội 13?
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Hai chuyện tách bạch?
BBC: Lãnh đạo đảng bộ và chính quyền Hà Nội đang tập trung chống dịch Covid-19, nhưng những nỗ lực và chính công việc này có thể thay thế, khỏa lấp cho những vấn đề, vụ việc Đồng Tâm hay không?
Blogger Nguyễn Hữu Vinh: Việc chống đại dịch chỉ làm công luận tạm bớt bàn luận, phản ứng về vấn đề Đồng Tâm mà thôi. Hai vấn đề hoàn toàn khác nhau. Tất cả đang ở phía trước, từ nay tới Đại hội 13; nếu không xử lý tạm ổn thỏa hợp lòng dân thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới đại hội, thậm chí cả đại hội các cấp ở địa phương.
TS. Nguyễn Xuân Diện: Thách thức đối với một chính quyền là giải quyết tốt các vấn đề đang đặt ra, cho dù là các vấn đề rất khác nhau. Và như vậy, vụ thảm sát ở Đồng Tâm không thể bỏ qua hay né tránh.
TS. Nguyễn Quang A: Cả dịch Covid-19 lẫn Đồng Tâm là các vấn đề dài, có lẽ Đồng Tâm còn dài hơn Covid-19 rất nhiều. Dù dịch có khoả lấp tin Đồng Tâm nhưng không giải quyết rốt ráo, trúng tận gốc vấn đề thì nó vẫn còn đấy, còn tiếp tục đe doạ ĐCSVN. Không giải quyết không được! Hay họ đợi cho chính quyền sau Cộng sản giải quyết. Bất luận chính quyền nào sẽ phải giải quyết.
Không chỉ ở phạm vi Hà Nội đâu! Khắp cả nước, đó là vấn đề đất đai. Hà Nội hay cần thì chính quyền trung ương phải giải quyết ngay vấn đề nhức nhối trước tiên: vụ tấn công vào Đồng Tâm rạng sáng 9/1/2020, mà cụ thể là phải làm rõ bốn cái chết (cụ Kình và ba sỹ quan công an); hiện Công an đã khởi tố vụ án cho rằng dân Đồng Tâm đã giết ba công an; phải khởi tố vụ án hình sự giết người (cụ Kình) và làm rõ ai đã lên kế hoạch tấn công Đồng Tâm, làm rõ ai đã giết cụ Kình, làm rõ ai đã gây ra cái chết của ba sỹ quan cảnh sát, v.v… rất kỹ, rất khách quan và trừng trị những kẻ chủ mưu một cách nghiêm minh.
Đấy là việc đầu tiên để có thể giải quyết tận gốc vấn đề Đồng Tâm hiện nay. Vấn đề cốt lõi là vấn đề đất đai. Cũng có hai mức độ giải quyết: giải quyết hiện tượng tức là làm rõ đất tranh chấp có là đất quốc phòng không và phân rõ đúng sai hay đi đến một giải pháp có thể chấp nhận được cho cả dân và chính quyền. Nhưng chỉ thế chưa giải quyết tận gốc vấn đề Đồng Tâm, vì còn có bao nhiêu Đồng Tâm khác ở Thủ Thiêm, ở vườn rau Lộc Hưng, ở Hà Nội và mọi nơi trên toàn quốc, vấn đề này từng được đề cập nhưng theo tôi cần được bàn thêm nữa ở các dịp khác.
PGS. Phạm Quý Thọ: Chống dịch là một phép thử với chính quyền và người dân Hà Nội. Ổn định xã hội để phát triển bền vững. Những 'ách tắc' cần giải quyết để tạo ra môi trường phát triển lành mạnh… Mọi việc đều có liên quan với nhau. Giải quyết vụ việc 'Đồng Tâm' sẽ là một thử thách nặng nề hơn cho chính quyền Hà Nội, trước hết cho Thành uỷ, Uỷ ban Nhân dân và cá nhân các đồng chí Bí thư và Chủ tịch.
Theo tôi, Thủ tướng mong chính quyền Hà Nội giải quyết thoả đáng vụ việc theo phương châm 'ý đảng lòng dân' trong thực chất. 'Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân' - câu trích trong 'Bình Ngô Đại cáo' của danh nhân Nguyễn Trãi đời nhà hậu Lê còn nguyên giá trị trong những tình huống tương tự!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét