Thứ Năm, 23 tháng 4, 2020

Virus corona nhân tạo: phản bác GS Montagnier

Virus corona nhân tạo: Giới khoa học phản bác giả thuyết của GS Montagnier
20/04/2020 - Mai Vân - Là người từng đoạt giải Nobel Y Học vào năm 2008 nhờ đóng góp vào việc tìm ra siêu vi HIV gây bệnh Sida (AIDS), tiếng nói của nhà khoa học Pháp Luc Montagnier rất được chú ý. Hôm 16/04/2020, vị giáo sư đã 88 tuổi này đã gây chấn động khi cho rằng virus corona chủng mới đang hoành hành trên thế giới có thể là một siêu vi "nhân tạo" thoát ra từ một phòng thí nghiệm. Tuy nhiên, giả thuyết của ông ngay lập tức bị cộng đồng khoa học cực lực phản bác.
Mô hình virus corona SARC-CoV-2, 
do Trinity College Dublin, xây dựng. 
Trong bài phân tích công bố ngày 17/04, hãng tin Pháp AFP đã điểm lại giả thuyết mà giáo sư Montagnier liên tiếp quảng bá trên các phương tiện truyền thông Pháp, từ các trang tin y khoa “Fréquence médicale”, “Pourquoi docteur” cho đến kênh truyền hình CNews.

Theo giáo sư Montagnier, virus corona chủng mới, có tên khoa học là SARS-CoV-2, thực ra là một siêu vi do con người làm ra khi tìm cách chế tạo vacxin ngừa SIDA. Bằng chứng, theo ông, là sự hiện diện một phần gen của virus HIV và cả những “mầm gây bệnh sốt rét” trong SARS-CoV-2.

Đối với vị giáo sư này, những đặc điểm nêu trên của virus corona chủng mới không thể có được một cách tự nhiên và virus đã thoát ra ngoài trong một tai nạn tại phòng thí nghiệm được bảo vệ cực kỳ nghiêm ngặt ở Vũ Hán. Ông còn đề xuất ý kiến loại bỏ những phần gen “ngoại nhập” của virus bằng cách dùng “sóng”.

Làn sóng phản bác
Giả thuyết của giáo sư Montagnier vừa được nêu lên đã bị nhiều nhà khoa học bác bỏ. Nhà vi trùng học Etienne Simon-Lorière thuộc Viện Pasteur Paris, cho rằng việc virus corona có yếu tố ngoại nhập “không có ý nghĩa gì hết”. Theo ông, “đó là những nhân tố rất nhỏ mà người ta cũng tìm thấy ở các loại virus cùng chủng loại, những virus corona tự nhiên khác… Đó là những mảnh trong bộ gen trông giống như vô số đoạn gen của các loại vi khuẩn, virus và thực vật”.

Nhà vi trùng học này, trưởng bộ phận về chuyển biến gen của virus ARN của Viện Pasteur, đã không ngần ngại ví von: “Nếu người ta trích một từ ra khỏi một quyển sách và thấy từ đó giống như một từ trong một quyển sách khác, thì liệu ta có nói là đó là vấn đề quay cóp hay không?”. Chuyên gia này bác bỏ thẳng thừng giả thuyết của ông Montagnier: “Thật là phi lý”.

Nhật báo Le Monde ngày 17/04 cũng trích dẫn nhà di truyền học Gaëtan Burgio, trưởng nhóm nghiên cứu tại Đại Học Quốc Gia Úc, xác định rằng điểm tương đồng giữa virus corona chủng mới với virus HIV quá ít để kết luận rằng có một sự trao đổi đáng kể về thông tin di truyền.

Theo Le Monde, vào tháng 01/2020, cộng đồng khoa học Massive Science đã liệt kê khoảng 15 loại virus khác nhau có cùng một chuỗi mã hóa với virus HIV và SARS-CoV-2, trong số này có virus khoai lang, virus trái đào lai mận hoặc virus của một loài ong.

Theo tiến sĩ Burgio, danh sách kể trên lại càng vô nghĩa khi mà các chuỗi mã hóa rất ngắn. Theo ông, nếu thực sự có việc chèn các chuỗi HIV vào SARS-Cov-2, các mảnh ARN sẽ phải lớn hơn và rõ nét hơn nhiều… Đối với ông, vấn đề mà giáo sư Montagnier nêu lên chỉ là một hiện tượng “trùng hợp ngẫu nhiên” mà thôi.

Giáo sư Montagnier đã lẩm cẩm?


Giới quan sát đều ghi nhận là từ sau khi được giải Nobel Y Học vào năm 2008, giáo sư Montagnier càng lúc càng có nhiều lập luận gây tranh cãi và thường bị giới khoa học phản bác.

Theo AFP, ông từng bị chế nhạo về các lý thuyết về sóng điện tử do ADN phát ra, hay tính ưu việt của quả đu đủ trong việc chữa bệnh Parkinson.

Tệ hại hơn cả là việc ông xuất hiện vào năm 2017 bên cạnh giáo sư Henri Joyeux, gương mặt tiêu biểu trong phong trào chống tiêm chủng, và phụ họa cho việc nêu bật tính nguy hiểm của các loại vacxin và chính sách tiêm chủng bắt buộc, cho rằng có nguy cơ là “với thiện ý ban đầu, dần dần người ta sẽ đầu độc toàn bộ dân chúng”.

http://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A1p/20200420-virus-corona-la%CC%80-sa%CC%89n-ph%C3%A2%CC%89m-nh%C3%A2n-ta%CC%A3o-gi%C6%A1%CC%81i-khoa-ho%CC%A3c-ph%E1%BA%A3n-b%C3%A1c-gia%CC%89-thuy%E1%BA%BFt-c%E1%BB%A7a-gs-montagnier

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét