Trước đây mỗi lần giá dầu giảm Chính phủ và Bộ Tài chính đều lo như cha chết. Từ hai chục năm rồi VN nhập dầu nhiều hơn xuất nên khi giá dầu thế giới giảm thì VN có lợi. Tuy nhiên nghịch lý ở đây là VN có lợi tức là dân và doanh nghiệp có lợi, trong khi Nhà nước không có lợi vì nguồn thu của Nhà nước từ bán dầu giảm. Vì quan chức Nhà nước chỉ quan tâm tới thu ngân sách để thoải mái chi tiêu và không quan tâm đến dân và doanh nghiệp nên họ mới lo chuyện giá dầu giảm. Đây là điều rất buồn vì Chính phủ và Bộ Tài chính chỉ quan tâm tới tài chính của mình mà không quan tâm tới lợi ích của dân. Rất may nhận thức của họ bây giờ đã khác; quan tâm của họ đã cùng hướng với người dân.
Thùy Dương - Việt Nam vừa xuất vừa nhập khẩu dầu nhưng lượng xuất thấp hơn nhập, do đó, giá dầu xuống thấp thì nền kinh tế được hưởng lợi, doanh nghiệp sản xuất đỡ khó khăn sẽ giúp cải thiện nguồn thu nội địa.
Giá dầu thế giới giảm không ảnh hưởng nhiều tới thu ngân sách nhà nước
Xuất xăng dầu cho xe bồn tại PV OIL Nhà Bè,
Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)
Ngày 21/4, trả lời phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, ông Võ Thành Hưng, Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước (Bộ Tài chính) cho biết việc giá dầu thô trên thế giới giảm mạnh, đặc biệt trong phiên giao dịch ngày 20/4, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI kỳ hạn giao tháng 5/2020 trên sàn Nymex của New York đóng cửa ở mức -37,63 USD/thùng, sẽ ảnh hưởng tới giảm thu ngân sách nhà nước, tuy nhiên tác động này không quá lớn.Theo Bộ Tài chính, dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 được xây dựng trên giá dầu dự báo khoảng 60 USD/thùng, do đó với mức giảm mạnh như hiện nay, chắc chắn sẽ tác động làm giảm nguồn thu.
Tuy nhiên, theo ông Võ Thành Hưng, những năm gần đây đã có sự thay đổi về cơ cấu nguồn thu nên số thu từ dầu thô hiện chỉ chiếm chưa đến 3% tổng thu ngân sách. Vì vậy, tác động từ việc giảm giá dầu không quá lớn đến nguồn thu ngân sách.
Ông Hưng phân tích, nếu như bình quân giai đoạn 2011-2015, thu từ dầu thô chiếm khoảng 13% tổng thu ngân sách thì đến giai đoạn 2016-2018 đã giảm mạnh xuống còn khoảng 4%.
[Ngành dầu khí Việt Nam làm gì để hạn chế rủi ro do giá dầu sụt giảm?]
Đến năm 2019, nguồn thu từ dầu thô ước chỉ chiếm 3,2% tổng thu ngân sách.
Dự toán năm 2020, thu từ dầu thô là 35.200 tỷ đồng, chỉ chiếm 2,3% tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước và giảm 11.600 tỷ đồng so với thực hiện năm 2019 trên cơ sở sản lượng khai thác trong nước ước tính đạt khoảng 9,02 triệu tấn.
Số liệu từ Bộ Tài chính cho thấy, quý 1/2020, số thu ngân sách từ dầu thô đạt xấp xỉ 14.600 tỷ đồng, bằng 41,4% dự toán và tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2019.
Giá dầu thô trên thị trường thế giới thời gian gần đây đã giảm mạnh, nhưng do có độ trễ trong thanh toán, giá dầu thanh toán bình quân của Việt Nam từ đầu năm đến hết tháng Ba vẫn ở mức 65 USD/thùng, cao hơn 5 USD/thùng so với giá dự toán; sản lượng ước đạt 2,8 triệu tấn, bằng 26,8% kế hoạch.
Ông Võ Thành Hưng cũng cho biết, Việt Nam là quốc gia vừa xuất và nhập khẩu dầu nhưng lượng xuất thấp hơn lượng nhập, do đó giá dầu xuống thấp thì nền kinh tế được hưởng lợi, doanh nghiệp sản xuất đỡ khó khăn sẽ giúp cho nguồn thu nội địa được cải thiện.
Theo Tổng cục Hải quan, trong quý 1/2020, xuất khẩu dầu thô ước đạt 1,2 triệu tấn, trị giá ước đạt 532 triệu USD, tăng 11,6% về lượng nhưng giảm 8% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Ở chiều ngược lại, nhập khẩu xăng dầu các loại ước đạt 1,85 triệu tấn, với giá trị 1,018 tỷ USD, giảm 10,8% về lượng và giảm 17,6% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Việc giá dầu giảm tuy tác động không lớn nhưng vẫn sẽ làm giảm nguồn thu trong bối cảnh dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, do đó, theo Bộ Tài chính cần triển khai nhiều giải pháp tổng thể.
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, dù thu từ dầu thô chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng thu cân đối ngân sách, tuy nhiên, giá dầu bình quân trên thực tế đã giảm mạnh so với dự toán ban đầu, cho nên đặt ra bài toán phải tính toán, cân đối lại ngân sách.
Ông Võ Thành Hưng cho rằng, cần phấn đấu tăng thu từ các nguồn thu khác; trong đó, đẩy mạnh tăng thu từ nội địa trong tổng thu ngân sách Nhà nước.
Nếu như giai đoạn 2011-2015, thu nội địa chiếm khoảng 68,7% tổng thu ngân sách Nhà nước, thì giai đoạn 2016-2020 đã lên tới 81,5%, dự kiến năm 2020 là khoảng 84%.
Thời gian qua, Bộ Tài chính đã tăng cường quản lý thu, có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan Thuế, Hải quan với chính quyền địa phương trong rà soát, quản lý chặt các nguồn thu; tháo gỡ kịp thời những vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp; nâng cao sức cạnh tranh quốc gia.
Ngoài ra, xác định muốn có nguồn thu bền vững, phải hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, từ đó có cơ sở để tăng thu ngân sách.
Năm 2020, Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt chủ trương chung của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư thông qua việc cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh, sửa đổi, bổ sung các chính sách phù hợp với thực tế./.
Thùy Dương (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/gia-dau-giam-khong-anh-huong-nhieu-toi-thu-ngan-sach-nha-nuoc/635951.vnp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét