Thứ Bảy, 25 tháng 4, 2020

Mỹ có giữ được vị thế lãnh đạo toàn cầu?

Đồng ý với 2 chuyên gia dưới đây. Đây là yếu điểm của D. Trumps và thể chế Mỹ; nhưng tôi vẫn thích ông ta vì ông đã làm được rất nhiều việc tốt cho nước Mỹ và thế giới. Quan điểm của Trump giống với quan điểm của học thuyết tân cổ điển mới (hiện đại) và lý thuyết hội nhập kinh tế quốc tế (mới xuất hiện gần 30 năm nay) là: (i) Giảm tối thiểu vai trò quản lý của nhà nước ở tầm quốc gia cũng như tầm quốc tế (đi ngược với học thuyết Keynes); (ii) Quản lý nhau bằng các thỏa thuận, cam kết quốc tế, tức là nền chính trị thế giới không tồn tại một quyền lực siêu quốc gia với vai trò tương tự như nhà nước trong nền chính trị đối nội của các quốc gia; cũng tức là không có nước bá quyền; mọi quốc gia đều bình đẳng. Gerald Haug, chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Leopoldina (Đức) và đã từng làm việc tại Đại học Columbia ở New York, nhận định: "Mỹ sở hữu rất nhiều nhà khoa học giỏi nhất thế giới, nhưng điều khác biệt là họ không được lắng nghe. Đó chính là thảm họa". Dominique Moisi, nhà khoa học chính trị và cố vấn cấp cao tại Viện Montaigne ở Paris, Pháp, nhận định: "Hệ thống dân chủ xã hội của châu Âu không chỉ tập trung vào con người nhiều hơn, mà nó còn giúp chúng ta có sự chuẩn bị tốt hơn để đối phó với một cuộc khủng hoảng như vậy, hơn là một hệ thống tư bản khắc nghiệt của Mỹ".
Mỹ có giữ được vị thế lãnh đạo toàn cầu?
Đại dịch Covid-19 tàn phá nước Mỹ thể hiện qua những hình ảnh bệnh viện quá tải và hàng chục triệu người thất nghiệp ở Mỹ. Nhiều người châu Âu hoài nghi về vị thế số một thế giới của Mỹ. "Khi mọi người nhìn thấy những hình ảnh ở thành phố New York, họ nói 'Sao chuyện này có thể xảy ra?' Tất cả chúng tôi đều sững sờ. Hãy nhìn vào những dòng người thất nghiệp đi. Nó lên tới 22 triệu người", Henrik Enderlein, chủ tịch Hertie, đại học chuyên về chính sách công ở Berlin, Đức, nói.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tại

Nhà Trắng hôm 21/4. Ảnh: Reuters.
Covid-19, đại dịch đang càn quét toàn cầu, không chỉ cướp đi mạng sống và sinh kế mà còn nhiều hơn thế. Nó đang làm lung lay những nhận định về "chủ nghĩa ngoại lệ của Mỹ", vị thế đặc biệt mà quốc gia này duy trì trong nhiều thập kỷ sau Thế chiến II. Sức mạnh và giá trị vượt bậc đã khiến Mỹ được xem như nhà lãnh đạo toàn cầu và là hình mẫu cho thế giới. Nhưng Mỹ giờ đang đứng đầu thế giới theo một cách hoàn toàn khác: Gần 900.000 người nhiễm và hơn 50.000 người chết vì nCoV, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào.


"Tôi thấy rất buồn", Timothy Garton Ash, giáo sư về lịch sử châu Âu tại Đại học Oxford, Anh, chia sẻ.

Khi đại dịch xảy ra, Tổng thống Donald Trump và các thống đốc bang đã mâu thuẫn về những điều cần phải làm, cũng như ai có thẩm quyền làm điều đó. Tổng thống Mỹ từng đánh giá thấp sự nguy hiểm của Covid-19 cũng như sự cần thiết của các biện pháp an toàn do các cố vấn khoa học đưa ra. Ông Trump đầu tuần này còn thông báo ngừng cấp thẻ xanh, động thái mà nhiều người chỉ trích cho rằng Tổng thống Mỹ "lợi dụng khủng hoảng để thúc đẩy chính sách chống nhập cư".

"Mỹ làm mọi việc không tệ, mà là cực kỳ tệ", Dominique Moisi, nhà khoa học chính trị và cố vấn cấp cao tại Viện Montaigne ở Paris, Pháp, nhận định.

Ông Moisi cho rằng đại dịch đã phơi bày những điểm mạnh và điểm yếu của mỗi quốc gia. Nó đã cho thấy sức mạnh và việc kiểm duyệt thông tin nghiêm ngặt của chính phủ Trung Quốc, khi quốc gia này áp lệnh phong tỏa thành phố tâm dịch Vũ Hán. Covid-19 cũng giúp thế giới thấy được giá trị Đức về tinh thần tập thể và niềm tin của người dân đối với chính phủ, dù đã lưỡng lự trước khi hành động mạnh mẽ và lãnh đạo châu Âu.

Nhưng nhiều người châu Âu nhận ra Covid-19 đã khiến Mỹ bộc lộ hai điểm yếu lớn: phong cách lãnh đạo thất thường của Tổng thống Trump và không có mạng lưới an toàn xã hội cùng hệ thống y tế công cộng mạnh.

"Mỹ đã có sự chuẩn bị sai lầm. Quốc gia này đã chuẩn bị để đối phó với một cuộc tấn công 11/9 mới, nhưng sau đó lại là một cuộc chiến với virus. Điều này làm dấy lên câu hỏi: Liệu có phải Mỹ đã trở thành một cường quốc sai kiểu với những ưu thế sai lầm hay không?", ông Moisi nói.

Kể từ khi ông Trump vào Nhà Trắng và biến "Nước Mỹ trên hết" thành câu thần chú lãnh đạo đất nước, nhiều người châu Âu chắc hẳn đã làm quen với việc Tổng thống Mỹ sẵn sàng đe dọa các liên minh được thành lập hàng chục năm và xé toạc các thỏa thuận quốc tế. Trump xem Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là "lỗi thời", đồng thời rút khỏi thỏa thuận khí hậu Paris và thỏa thuận hạt nhân Iran.

Nhưng đây có lẽ là cuộc khủng hoảng toàn cầu đầu tiên trong hơn một thế kỷ qua. Không ai còn tìm kiếm vai trò lãnh đạo thế giới của Mỹ. Quan điểm của Ngoại trưởng Đức Heiko Maas đã cho thấy rõ điều này. Nói với tạp chí Der Spiegel, ông cho rằng Trung Quốc đã thực hiện "những biện pháp độc đoán", trong khi Mỹ đánh giá thấp mức độ nguy hiểm của nCoV trong thời gian dài.

"Đây là hai thái cực và đều không thể trở thành hình mẫu cho châu Âu", ông Mass khẳng định.


Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Brooklyn, New York hồi cuối tháng 3. Ảnh: NYTimes.

Mỹ từng mang tới một câu chuyện về hy vọng, nhưng không chỉ riêng cho người dân nước này. Một người sống ở Tây Đức và lớn lên trong Chiến tranh Lạnh như ông Mass đã thuộc lòng câu chuyện này, trong khi nhiều người khác trên thế giới tin vào nó. Nhưng gần ba thập kỷ sau, câu chuyện của Mỹ đang gặp rắc rối.

Mỹ, quốc gia từng giúp đánh bại chủ nghĩa phát xít ở châu Âu 75 năm trước và bảo vệ nền dân chủ trên lục địa này suốt nhiều thập kỷ sau đó, giờ đang gặp khó khăn trong việc bảo vệ chính công dân của mình hơn nhiều quốc gia dân chủ và chuyên quyền khác.

Có một điều thật sự trớ trêu là: Đức và Hàn Quốc, hai quốc gia chịu nhiều ảnh hưởng của phong cách lãnh đạo Mỹ sau chiến tranh, giờ đang trở thành những "hình mẫu" trong cuộc chiến chống Covid-19.

Nhưng nhiều nhà phê bình cho biết Mỹ không chỉ đang thất bại trong vai trò lãnh đạo thế giới, mà còn khiến chính người dân của mình thất vọng.

"Mỹ không còn vai trò lãnh đạo toàn cầu, đồng thời không cho thấy được vai trò lãnh đạo quốc gia và liên bang. Ở một khía cạnh nào đó, đây chính là sự thất bại trong lãnh đạo của Mỹ tại chính nước Mỹ", Ricardo Hausmann, giám đốc Growth Lab tại Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Quốc tế thuộc Đại học Harvard, nhận xét.

Một số quốc gia khác ở châu Âu cũng đang bị Covid-19 tàn phá như Italy, tây Ban Nha và Pháp, với tỷ lệ người chết trên tổng dân số cao hơn Mỹ, nhưng họ bị tấn công sớm hơn và có ít thời gian để chuẩn bị, ứng phó hơn Mỹ.

Sự tương phản về cách chống Covid-19 giữa Đức và Mỹ đặc biệt gây chú ý. Dù Thủ tướng Angela Merkel từng bị chỉ trích vì không thể hiện đủ vai trò lãnh đạo ở châu Âu, Đức giờ vẫn được ca ngợi về phản ứng mẫu mực đối với đại dịch, ít nhất là theo tiêu chuẩn phương Tây. Đó không chỉ nhờ hệ thống chăm sóc sức khỏe mạnh, mà còn nhờ chiến lược xét nghiệm rộng khắp và sự lãnh đạo hiệu quả, được tín nhiệm.

Bà Merkel đã làm được điều mà Tổng thống Trump chưa làm được. Bà minh bạch và thành thực về mối đe dọa của Covid-19 và nhanh chóng thay đổi kế hoạch đối phó. Bà nhận được sự ủng hộ của 16 thủ hiến. Là một nhà vật lý học, bà đã luôn theo sát những lời cố vấn khoa học và học hỏi những cách chống dịch hiệu quả ở nơi khác.

Cách đây không lâu, bà Merkel từng tuyên bố đây là nhiệm kỳ cuối cùng khi được xem là một nhà lãnh đạo thất bại. Nhưng giờ, tỷ lệ ủng hộ của Thủ tướng Đức lên tới 80%. "Bà Merkel có một cái đầu của nhà khoa học và trái tim của con gái mục sư", Garton Ash nói.


Thủ tướng Đức Angela Merkel tại cuộc họp báo ở Berlin, ngày 15/4. Ảnh: AFP.

Trong khi Tổng thống Trump nóng lòng mở cửa kinh tế, Thủ tướng Merkel lại tỏ ra thận trọng trong việc tìm "lối thoát" cho Đức giữa Covid-19, khi luôn tham khảo ý kiến từ một hội đồng chuyên gia khoa học.

"Bạn cần có cách tiếp cận toàn diện với cuộc khủng hoảng này. Các chính trị gia của chúng tôi có được điều đó", Gerald Haug, chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Leopoldina, Đức, nhận định.

Nhà khí hậu học Haug từng làm việc tại Đại học Columbia ở New York. Ông cho biết Mỹ sở hữu rất nhiều nhà khoa học giỏi nhất thế giới. "Nhưng điều khác biệt là họ không được lắng nghe. Đó chính là thảm họa", ông nói.

Nhiều người cảnh báo rằng cái giá mà các quốc gia phải trả cho đại dịch này còn rất lâu nữa để có thể xác định. Đại dịch là một thử thách căng thẳng đối với các hệ thống chính trị, theo giáo sư sử học Garton Ash. Cán cân sức mạnh quân sự hoàn toàn không thay đổi. Mỹ hiện vẫn là nền kinh tế lớn nhất thế giới. Nhưng không rõ khu vực nào trên thế giới sẽ được chuẩn bị tốt nhất để tái kích hoạt tăng trưởng kinh tế sau cuộc suy thoái nghiêm trọng.

"Tất cả các nền kinh tế sẽ đối mặt với bài toán khó nhằn. Không ai biết được ai sẽ trở thành kẻ mạnh hơn cho tới khi mọi thứ kết thúc", ông nói.

Benjamin Haddad, nhà nghiên cứu người Pháp tại Trung tâm nghiên cứu Atlantic Council, cho hay Covid-19 đang là bài kiểm tra khả năng lãnh đạo của Mỹ, nhưng còn quá sớm để nói liệu nó có mang tới những thiệt hại lâu dài.

"Rất có thể Mỹ sẽ tìm thấy những nguồn lực bất ngờ, đồng thời tìm thấy cách thống nhất quốc gia trong chính sách đối ngoại về cuộc đối đầu chiến lược với Trung Quốc, điều đến giờ vẫn còn thiếu", Haddad chia sẻ.

Moisi chỉ ra cuộc bầu cử vào tháng 11 tới và hậu quả của cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất kể từ những năm 1930 cũng có thể ảnh hưởng tới lịch sử Mỹ. Cuộc Đại khủng hoảng đã dẫn tới cải cách toàn diện kinh tế mới (New Deal) của Mỹ. Covid-19 rất có thể khiến Mỹ cải tổ mạng lưới an toàn công cộng và phát triển sự đồng thuận quốc gia để việc tiếp cận dịch vụ y tế dễ dàng hơn.

"Hệ thống dân chủ xã hội của châu Âu không chỉ tập trung vào con người nhiều hơn, mà nó còn giúp chúng ta có sự chuẩn bị tốt hơn để đối phó với một cuộc khủng hoảng như vậy, hơn là một hệ thống tư bản khắc nghiệt của Mỹ", Moisi nói.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét