Thứ Ba, 7 tháng 8, 2018

Bị vạ lây vì rác thế giới đổ vào Việt Nam

Bị vạ lây vì rác thế giới đổ vào Việt Nam
6/8/2018 - (PL)- Cần phân loại để có giải pháp xử lý phù hợp chứ không nên đánh đồng phế liệu với rác. Các doanh nghiệp (DN) ngành thép, giấy, nhựa… kêu gặp nhiều khó khăn vì bị vạ lây từ việc cơ quan quản lý siết nhập khẩu phế liệu theo kiểu đánh đồng phế liệu với rác.

Gần đây lượng phế liệu nhập khẩu vào 
Việt Nam tăng mạnh. Ảnh: QUANG HUY
“Quýt làm, cam chịu”
Nhiều công ty khẳng định phế liệu là nguồn nguyên liệu quan trọng của nhiều ngành sản xuất như nhựa, thép, giấy... Tuy nhiên, để ngăn chặn Việt Nam thành bãi rác thế giới, Tổng cục Hải quan đã ban hành liên tiếp hai công văn số 3738/2018 và 4202/2018 về quản lý phế liệu nhập khẩu. Hai công văn này yêu cầu hàng hóa nhập khẩu là phế liệu phải lấy mẫu gửi Cục Kiểm định hải quan để thực hiện phân tích, đánh giá sự phù hợp quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

Như vậy, chỉ một mặt hàng giấy phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất vừa phải có giấy chứng nhận phù hợp quy chuẩn kỹ thuật môi trường của một tổ chức giám định do Bộ TN&MT chỉ định, vừa phải được Cục Kiểm định hải quan kiểm định theo cùng quy chuẩn này.

Điều đáng nói là yêu cầu phế liệu phải lấy mẫu để phân tích nhưng không quy định cụ thể thời gian lấy mẫu, thời gian trả kết quả giám định khiến các DN phải tốn thêm thời gian, chi phí lưu kho, lưu bãi...

Ông Đặng Văn Sơn, Tổng Thư ký Hiệp hội Giấy và bột giấy Việt Nam (VPPA), dẫn số liệu thống kê nhanh từ các đơn vị thành viên cho thấy chỉ tính từ ngày 26-6 đến 10-7 vừa qua, riêng phí lưu container (mức chi phí lưu kho là 1 triệu đồng/ container /ngày), ước thiệt hại của các công ty nhập khẩu giấy phế liệu lên đến gần 30 tỉ đồng. Đó là chưa kể những thiệt hại trong sản xuất do phải dừng hoạt động máy, ngừng sản xuất giấy hay bị phạt hợp đồng do giao hàng không đúng hẹn với đối tác.

“Chúng tôi đồng tình với chủ trương của Nhà nước tăng cường các biện pháp rà soát, siết chặt phế liệu nhập khẩu bao gồm cả giấy tái chế. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cần có các giải pháp phù hợp, sớm thông quan các container giấy tái chế để các DN ổn định nguyên liệu, không phải đóng máy, ngừng sản xuất, công nhân thất nghiệp” - ông Sơn chia sẻ.

Cụ thể, các DN ngành giấy kiến nghị được hậu kiểm các container thay vì kiểm hóa tại cảng vì thực tế việc kiểm hóa theo hướng dẫn tại Công văn 4202/2018 của Tổng cục Hải quan là cực kỳ khó, không khả thi; phân luồng trong nhập khẩu, tạo điều kiện cho các DN làm ăn chân chính, minh bạch, chưa từng vi phạm.

Không nên gom chung vào “một giỏ”


Các công ty ngành thép cũng chung cảnh ngộ bị vạ lây từ việc siết nhập khẩu rác phế liệu. Ông Đỗ Duy Thái, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thép Việt, cho rằng việc cơ quan hải quan gom những DN nhập khẩu phế liệu thép vào chung “một giỏ” để siết chặt kiểm tra ảnh hưởng đến những đơn vị làm ăn đàng hoàng, chân chính lâu nay.

Theo ông Thái, việc lấy mẫu và chờ kết quả giám định kéo dài khiến các nhà máy không đủ nguyên liệu đầu vào cho sản xuất cũng như có nguy cơ phải bồi thường cho các chủ hàng vì giao hàng không đúng hạn. Ví dụ, cứ 100 container sắt thép vụn nhập khẩu phải lấy mẫu 10 tấn thì lượng lấy mẫu này là rất lớn và gây khó khăn cho cả hải quan lẫn người kinh doanh.

Đại diện Hiệp hội Thép Việt Nam cũng cho hay hiện một nửa số thép được sản xuất tại Việt Nam sử dụng phế liệu. Do nguồn thu gom trong nước chỉ đáp ứng khoảng 40% nên phải bổ sung bằng nguồn nhập khẩu.

Từ thực tế trên, Hiệp hội Thép Việt Nam đã có công văn đề nghị Tổng cục Hải quan tháo gỡ khó khăn. Cụ thể, cần phân loại những DN được nhập phế liệu dựa trên nhu cầu thực trạng sản xuất, thể hiện được các năng lực về xử lý môi trường, cơ sở hạ tầng, tài chính và năng lực trách nhiệm.

“Đối với những tổ chức, DN không đáp ứng được sẽ dứt khoát không cấp phép cho nhập phế liệu để tránh tình trạng phế liệu vô chủ như hiện nay tại các cảng biển” - Hiệp hội Thép kiến nghị.

Thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy số liệu container tồn tại cảng Cát Lái, TP.HCM tính đến ngày 25-7 là 3.579 container. Tại cảng Hải Phòng, tính đến ngày 5-7 tồn 1.485 container.

Loại những đơn vị làm ăn bất chính


Trao đổi với chúng tôi, ông Âu Anh Tuấn, Quyền Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan Tổng cục Hải quan, cho biết: Thời gian qua, sau khi Trung Quốc thực hiện chính sách cấm nhập khẩu 24 loại phế liệu, hoạt động nhập khẩu, mua bán phế liệu ở nước ta có chiều hướng gia tăng mạnh, có nhiều diễn biến phức tạp, nguy cơ gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến môi trường.

Chính vì vậy Tổng cục Hải quan đã có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn hải quan các địa phương thực hiện các biện pháp siết chặt phế liệu nhập khẩu. “Hiện ngành hải quan cũng đang kiến nghị với các bộ, ngành liên quan, gấp rút rà soát các DN nhập khẩu phế liệu. Nếu đơn vị nào đủ điều kiện nhập khẩu đúng loại phế liệu sản xuất tái chế sẽ được cấp phép thông quan. Đồng thời siết kiểm tra các công ty nhập kiểu ủy thác, làm môi giới, không có mục đích sử dụng phế liệu tái chế” - ông Tuấn thông tin.

Một số chuyên gia cũng cho rằng nếu khai thác tốt nguồn nguyên liệu là phế liệu sẽ mang lại hiệu quả cho cả người kinh doanh và môi trường. Nhưng ranh giới giữa nhập phế liệu và nhập rác rất mong manh, dễ bị lợi dụng để nhập khẩu những chất thải nguy hại, làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, môi trường.

Do vậy cơ quan chức năng cần tiến tới cấm một số mã hàng như mã hàng phế liệu nhựa, giấy không phân loại; nghiên cứu xem xét việc phân loại phế liệu giấy chung chung như hiện nay thành hai loại như quốc tế quy định: giấy thu hồi và giấy phế liệu, để đơn giản hơn cho quản lý cũng như cho DN. Đặc biệt, chế tài xử phạt nặng với các công ty làm ăn gian dối như làm giả giấy xác nhận nhập khẩu phế liệu.

Đầu vào quan trọng của nhiều ngành

Theo Hiệp hội Giấy và bột giấy Việt Nam, 70% sản lượng giấy của Việt Nam sản xuất từ nguyên liệu là giấy phế liệu. Trong đó có 50% được thu gom trong nước, còn lại là nhập khẩu.

Tính trung bình, để sản xuất ra mỗi tấn giấy từ phế liệu sẽ tiết kiệm được 17 cây gỗ tiêu chuẩn cùng 1.500 lít dầu, 26,5 m3 nước, 3,3 m3 đất chôn lấp và giảm được 74% khí thải nhà kính...

Còn theo đại diện Hiệp hội Thép Việt Nam, phế liệu thép là nguồn nguyên liệu đầu vào của 30% dây chuyền sản xuất thép trên thế giới. Mỗi năm các nước sản xuất hơn 400 triệu tấn thép từ nguồn phế liệu này.

Việc sử dụng phế liệu để sản xuất thép được xem là thân thiện với môi trường vì không dùng nguyên liệu là quặng sắt thì không phải khai mỏ. Sản xuất thép từ phế liệu tiêu hao năng lượng chỉ bằng 1/5 so với dùng nguyên liệu quặng sắt

QUANG HUY
http://plo.vn/kinh-te/quan-ly/bi-va-lay-vi-rac-the-gioi-do-vao-viet-nam-786084.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét