Thứ Ba, 7 tháng 8, 2018

Sợ bị chiếm quyền, Ba Huân nhờ Bảy Phúc...

Rất tán thành ý kiến của luật sư Trần Đình Phương: “Về mặt nguyên tắc, các bên có thể thỏa thuận lại các điều khoản với các giải pháp khác để hai bên cùng win-win. Còn nếu không thỏa thuận được thì có thể đưa ra tòa thương mại để nhờ xét xử. Một khi tòa án đã kết luận thì hai bên phải thực thi theo phán quyết của tòa”. Phải kiện nhau thì luật sư mới có nguồn sống chứ, he he. Đùa vậy thôi, trong một nhà nước pháp quyền, phải thượng tôn pháp luật. Quyền của Thủ tướng chả là cái đinh gì so với pháp luật. Tiếc thay nhà nước VN lại là nhà nước quyền pháp, tức là quyền hành của Thủ tướng cao hơn pháp luật; ý kiến của Thủ tướng dù trái với pháp luật vẫn phải được thi hành. Lại nhớ có lần ngồi trong hội trường Ba Đình, nghe phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng lè nhè nói với các đại biểu Quốc hội như bố nói với các con: Nhân đây đề nghị Quốc hội cho phép Chính phủ thực hiện việc nọ việc kia không đúng với quy định của pháp luật vì lý do nọ lý do kia... Chẳng cần Quốc hội biểu quyết hay bỏ phiếu chấp nhận hay không, coi như Quốc hội đồng ý. Biết thế nên bà Ba Huân đành nhờ Bảy Phúc. Ba cộng Bảy thành Mười, quả là số đẹp; ủng hộ bà Huân, chúc bà thành công.
Sợ bị chiếm quyền, Ba Huân nhờ Thủ tướng can thiệp
7/8/2018 - (PL)- Chưa đầy nửa năm, Ba Huân đã muốn chấm dứt hợp tác với Quỹ đầu tư VinaCapital. Ngày 26-2-2018, Quỹ Vietnam Opportunity Fund (VOF) do VinaCapital quản lý thông báo đã đầu tư 32,5 triệu USD (khoảng 730 tỉ đồng) để mua lại một số lượng cổ phần thiểu số đáng kể của Công ty Cổ phần Ba Huân. Tuy nhiên, mới đây Công ty Cổ phần Ba Huân đã có Văn bản số 68/2018 gửi Thủ tướng nhờ “hỗ trợ chấm dứt hợp tác với VinaCapital”.

“Không đúng cam kết ban đầu”
Theo bà Phạm Thị Huân, Giám đốc Công ty Ba Huân, đầu năm 2018, Ba Huân nhận được đề nghị cùng hợp tác đầu tư từ tổ chức tài chính VinaCapital (thông qua quỹ đầu tư Hawke Investment Pte. Ltd) nhằm nâng thương hiệu Ba Huân lên tầm quốc tế bằng thế mạnh vốn và công nghệ quản trị mà VinaCapital đang có. Trên cơ sở đó, VinaCapital đã đưa ra một số thỏa thuận hợp tác ban đầu bằng ngôn ngữ tiếng Anh để các bên ký kết làm cơ sở cho quá trình hợp tác sau này.



Mặc dù thỏa thuận hợp tác quy định sử dụng hai ngôn ngữ Anh-Việt nhưng hai bên mới chỉ ký bản tiếng Anh. Tuy nhiên, sau khi đối chiếu các văn bản thỏa thuận bằng tiếng Việt, Ba Huân nhận thấy thỏa thuận hợp tác đang có nội dung không đúng hoặc không như trao đổi ban đầu của hai bên.

Cụ thể, trong bản tiếng Anh, VinaCapital tự động đưa tỉ suất hoàn vốn đầu tư (IRR) của mình quá cao là 22%/năm, gần gấp ba lần lãi suất vay vốn ngân hàng. Trong khi đó, VinaCapital hạn chế ngành nghề kinh doanh của Ba Huân chỉ gồm sản xuất, kinh doanh gà thịt và trứng gà, loại bỏ toàn bộ các ngành nghề kinh doanh khác của Ba Huân.

Không chỉ vậy, VinaCapital còn yêu cầu: Nếu Ba Huân không đạt kết quả kinh doanh như quy định sẽ bị phạt hoặc buộc trả lại vốn đầu tư cộng dồn với lãi suất 22%/năm; hoặc phải chuyển giao cho VinaCapital (hoặc một đối tác do quỹ này chỉ định) số cổ phần tối thiểu 51% tổng số cổ phần của Ba Huân.


Hiện nay kênh phân phối của Ba Huân trải rộng 
khắp với hơn 2.000 điểm bán. Ảnh: QH

Lo bị chiếm đoạt thương hiệu


Ngoài ra, trong quá trình đàm phán sửa đổi điều lệ công ty, mặc dù chỉ với tư cách là một cổ đông phổ thông nhưng theo bà Huân, quỹ VinaCapital luôn yêu cầu đưa vào điều lệ quyền phủ quyết của VinaCapital đối với tất cả nghị quyết của hội đồng quản trị và đại hội cổ đông chế định có quyền quyết định cao nhất theo Luật Doanh nghiệp năm 2014.

Ba Huân cho rằng đây là yêu cầu vô lý, vi phạm nghiêm trọng quyền lợi của các cổ đông thiểu số và pháp luật Việt Nam. “Như vậy, thay vì hợp tác phát triển, hỗ trợ Ba Huân xây dựng thương hiệu quốc tế như mục tiêu ban đầu thì VinaCapital lại muốn chiếm đoạt thương hiệu Ba Huân đã được xây dựng gần 50 năm ở Việt Nam thông qua những đề nghị vô lý và có biểu hiện không tôn trọng luật pháp Việt Nam” - bà Phạm Thị Huân cho biết.

Với những lý do trên, trước hết là bảo vệ một thương hiệu Việt, Công ty Ba Huân đã đề nghị chấm dứt hợp tác đầu tư. Nhưng theo Ba Huân, phía VinaCapital lại đang có các hành động gây trì hoãn, gây khó khăn…

Do vậy, công ty kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền can thiệp, các hiệp hội liên quan giúp đỡ bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của công ty trong quá trình chấm dứt hợp tác, giúp công ty và nông dân Việt giữ lại và phát triển thương hiệu nông nghiệp của quốc gia.

Sẽ minh bạch thông tin

Qua trao đổi điện thoại với Pháp Luật TP.HCM, bà Nguyễn Đức Hương, Giám đốc đối ngoại của Tập đoàn VinaCapital, cho biết đơn vị này sẽ làm việc lại với Ba Huân về các vấn đề mà Ba Huân đưa ra trong lá thư gửi cho Thủ tướng.

Bà Hương cho biết thêm đáng lẽ VinaCapital phát hành thông cáo báo chí ngay khi các phương tiện truyền thông đưa tin về việc Ba Huân cho rằng VinaCapital muốn chiếm quyền quản lý công ty. Tuy nhiên, VinaCapital muốn mọi thứ có sự minh bạch, rõ ràng với thông tin đa chiều từ cả hai phía nên sau khi có kết quả làm việc giữa VinaCapital và Ba Huân rồi mới thông tin chính thức với các phương tiện truyền thông.

Trong khi đó, ông Phạm Thanh Hùng, Phó Giám đốc Công ty Ba Huân, xác nhận công ty có văn bản gửi Thủ tướng. Tuy nhiên, công ty vẫn chưa thể thông tin cụ thể gì thêm ngoài nội dung công văn gửi Thủ tướng vì hai bên đang ngồi lại với nhau để đàm phán, thảo luận thêm. Khi có kết quả, dù “tốt” hay “xấu” công ty cũng sẽ thông báo với báo chí.

Không thỏa thuận được thì có thể kéo nhau ra tòa

Luật sư Trần Đình Phương, Trưởng Văn phòng luật Trần Phương, cho hay: Khi ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh thì về mặt nguyên tắc đều phải tuân thủ tính tự nguyện, cùng có lợi, bình đẳng về quyền, nghĩa vụ và không trái pháp luật. Một khi hợp đồng thỏa mãn các yếu tố này thì có thể xem là có hiệu lực pháp lý.

“Theo tôi được biết, hiện VinaCapital đang nắm 16,39% tỉ lệ sở hữu tại Ba Huân, phần còn lại là do bà Ba Huân trực tiếp nắm. Để có thể nói thâu tóm một công ty thì phải nắm quyền chi phối trên 51% như luật định. Nhưng hiện Ba Huân chưa lên sàn, cổ phiếu tập trung trong tay gia đình bà Ba Huân thì VinaCapital dù muốn cũng không thể mua với ý định chi phối công ty” - luật sư Phương nhận định.

Vị luật sư này cũng nhìn nhận một khi hai bên đã đặt bút ký kết hợp đồng thì không có chuyện ai sẽ ép ai. Có thể một bên cần nguồn lực đầu tư nên sẵn sàng chấp nhận “chịu thiệt thòi” một chút về mặt quyền lợi. Nhưng khi thực hiện thực tế thì cảm thấy quá khó khăn hoặc thấy mình không còn toàn quyền như trước đây. Điều này là do hai bên đã không bàn bạc đến tận cùng, hoặc các bên chủ quan nghĩ rằng ký bộ khung mà không cần tính toán các chi tiết khác. Do đó dẫn đến xung đột quyền lợi.

“Về mặt nguyên tắc, các bên có thể thỏa thuận lại các điều khoản với các giải pháp khác để hai bên cùng win-win. Còn nếu không thỏa thuận được thì có thể đưa ra tòa thương mại để nhờ xét xử. Một khi tòa án đã kết luận thì hai bên phải thực thi theo phán quyết của tòa” - luật sư Trần Đình Phương nhấn mạnh.

Hiện nay bình quân mỗi ngày Ba Huân cung cấp cho thị trường 1,7 triệu quả trứng và 15.000 con gà thịt. Kênh phân phối của công ty cũng rộng khắp từ cửa hàng tạp hóa đến chuỗi siêu thị với hơn 2.000 điểm bán.

QUANG HUY - MINH PHƯƠNG
http://plo.vn/kinh-te/quan-ly/so-bi-chiem-quyen-ba-huan-nho-thu-tuong-can-thiep-786281.html

1 nhận xét:

  1. Cái thằng Phương này nói cái giọng đó là nó ở bên phe nào ?

    Trả lờiXóa