Thứ Tư, 16 tháng 8, 2017

Việt Nam: ‘Kiếm người tài sẽ để lại di sản lớn’

Việt Nam: ‘Kiếm người tài sẽ để lại di sản lớn’
Trong cuộc phỏng vấn dành cho Nguyễn Hoàng của BBC tại Singapore mới đây, Tiến sĩ Vũ Minh Khương, hiện là thành viên của Tổ tư vấn Kinh tế cho Thủ tướng Việt Nam từ Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore, cũng tỏ ra quan ngại về thực trạng thiếu minh bạch và quản trị kém trong một số tập đoàn hay doanh nghiệp nhà nước.
Tiến sỹ Khương: "Một hệ thống tốt là hệ thống rất ít chuột".
Tiến sĩ Vũ Minh Khương từ Singapore nói hệ thống chính trị Việt Nam cần tìm kiếm người thực sự hiền tài để phát triển kinh tế.
“Việc đầu tiên cần làm là phải tìm ra được lãnh đạo, quản lý cho thật tài năng. Chọn được người thực sư ưu tú là bước hàng đầu.

“Bước thứ hai là hệ thống quản trị phải thật hiện đại. Phải chấm điểm xem các ông tổng giám đốc có đẳng cấp không, tức là phải lập ra những ủy ban tìm kiếm, tìm những người ưu tú trước.

“Và thứ ba là thể chế. Tức là để toàn bộ xã hội giám sát, chấm điểm,” Tiến sĩ Khương nói.

Ông Khương mô tả nhu cầu cần có sự minh bạch “như ánh sáng mặt trời”.
Tôi thấy người hiền tài có đầy ở ngay trong nước chứ cũng không cần phải tìm ở nước ngoài đâu. - Tiến sĩ Vũ Minh Khương , Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu
“Nếu bây giờ hỏi người dân ở địa phương ai giỏi ai kém, người này có nhà có đất ở đâu, người ta biết hết. Đấy là sự minh bạch.

“Chúng ta cần tìm người có dưỡng khí của tri thức. Phải tìm người có khả năng học hỏi.

“Tức là phải tạo ra một sự sôi động trong toàn xã hội tìm kiếm người tài để Việt Nam trở thành một quốc gia hùng cường.

“Nếu làm được cái đó thì tôi cho rằng hệ thống chính trị hôm nay sẽ để lại một di sản rất lớn cho lịch sử phát triển của Việt Nam.

“Chứ còn cứ theo kiểu nghị quyết chung chung hay “đúng qui trình” như bây giờ thì sẽ có rất nhiều Trịnh Xuân Thanh xuất hiện tiếp."

‘Chuột bọ chạy đầy’

Tiến sỹ Vũ Minh Khương, hiện là thành viên của Tổ tư vấn Kinh tế cho Thủ tướng Việt Nam, mô tả điều ông gọi là “bật đèn không sáng thì chuột bọ chạy đầy”.

Tiến sỹ Vũ Minh Khương
“Theo tôi thì một hệ thống tốt là hệ thống rất ít chuột chứ không phải là hệ thống ném được chuột cho nó mạnh”.

Bê bối như tại Vinashin, theo ông Khương, có hậu quả hết sức lớn và không thể tưởng tượng hết được.

“Chính phủ và xã hội cần phải rút ra bài học một cách thấu đáo hơn nữa. Vấn đề là hệ thống quản trị lạc hậu, tùy tiện, người đứng đầu muốn làm gì thì làm.

“Cần phải có sự minh bạch với xã hội. Tức là báo cáo hàng năm của các tập đoàn nhà nước là không rõ ràng. Có rõ ràng thì các nhà kinh tế và xã hội mới giám sát được.

Tiến sĩ Khương cho rằng không thể để những con người yếu kém tồn tại ở doanh nghiệp nhà nước .

“Vấn đề của Việt Nam khiến nền kinh tế đi rất chậm là doanh nghiệp chết nhưng không chôn. Tức là phải chôn những doanh nghiệp chết đó đi.

“Trong các nền kinh tế tại khu vực, họ không bao giờ để các giám đốc quá yếu kém tồn tại trong các doanh nghiệp.

“Tôi nghĩ những chuyển động này, như Bộ Chính trị kỷ luật một ủy viên, là rất đáng quý và tôi tiếp tục quan tâm theo dõi.”

Theo Tiến sĩ Khương, mục tiêu tiến lên phía trước của Việt Nam chưa rõ ràng và Việt Nam chưa đặt ra tình huống “lên lưng hổ”.

“Kiểu như Hàn Quốc là 30 năm nữa phải trở thành quốc gia hùng cường, còn ta hiện nay là cố gắng mỗi năm là 6,5-6,7% GDP. Nếu được thì tốt mà không được là do khách quan. Nếu chỉ xoay xở từng năm thì rất khó.

“Tức là chưa có chỉ số tiến triển hàng năm, đi được đến đâu, tính cả về năng suất lao động tới sức cạnh tranh ngành nghề như thế nào. Cái đó không rõ, cho nên hệ thống doanh nghiệp nhà nước gần như vẫn bị luẩn quẩn”.

Lựa chọn cán bộ

Tiến sĩ Vũ Minh Khương nhấn mạnh nhu cầu cần có tài năng khắp nơi đổ về giúp đỡ.

“Việc này hết sức quan trọng chứ không chỉ bỏ rất nhiều tiền ra đào tạo người theo kiểu đầu cung mà cầu lại không có, cầu manh mún và nhỏ bé. Ươm tài năng chỉ là đầu cung. Đây là phải khẳng định bằng đầu cầu trước thì đầu cung mới phấn khích.

“Tôi chưa thấy một thông điệp lớn nào về tuyển dụng người tài đóng góp cho đất nước.

“Tức là anh phải đi tìm người hiền tài ở tất cả các nơi để đóng góp cho sự nghiệp xây dựng phát triển đất nước. Kể cả người nước ngoài và người ở trong nước.

“Tôi thấy người hiền tài có đầy ở ngay trong nước chứ cũng không cần phải tìm ở nước ngoài đâu. Rất là nhiều và nếu mà cho tôi tìm thì tôi sẽ tìm giúp,” Tiến sĩ Khương nói. 

(BBC)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét