Thứ Hai, 21 tháng 8, 2017

“Ông lớn” (bà lớn ?) đứng sau BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ

LS Vu Hai Tran: "Chả thấy "bà lớn" nào đứng sau BOT Pháp Vân- Cầu Giẽ! Hay có kẻ đặt điều cho "bà lớn"? "Bà lớn" hãy kiện ngay mấy kẻ vu khống, xúc phạm đến "phẩm hạnh" của Bà!". Có lẽ LS Hải nói về bà lớn Thúy Tâm đứng sau điều khiển ông lớn Kim Mạnh, trong khi ông lớn Kim Mạnh đứng sau điều khiển dự án này ?
Lộ diện “ông lớn” đứng sau dự án BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ
20/08/2017 - Là doanh nghiệp không mấy tên tuổi, song Công ty Minh Phát dễ dàng nắm quyền chi phối trạm thu phí BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ. Minh Phát lại là cái tên không mấy tiếng tăm trong ngành giao thông. Điều này không khỏi khiến dư luận băn khoăn tại sao một doanh nghiệp “vô danh” lại có thể thâu tóm tới 65% “miếng bánh” BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ, trong khi hai đơn vị sở hữu tiềm lực tài chính lẫn hàng chục năm kinh nghiệm trong ngành lại phải ngồi ở chiếu dưới.

Công ty Minh Phát sở hữu 65% vốn dự án BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ.
Chỉ định thầu dự án nghìn tỷ
Dự án đầu tư nâng cấp tuyến đường Pháp Vân – Cầu Giẽ có chiều dài 29 km, được thực hiện dưới hình thức xây dựng - vận hành - chuyển giao (BOT) và chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn 1 gồm cải tạo, nâng cấp đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Giai đoạn 2 mở rộng hoàn chỉnh, nâng quy mô từ 4 lên 6 làn xe cơ giới dự kiến hoàn thành vào năm 2018.

Tổng mức đầu tư của dự án là 6.731,78 tỷ đồng, 100% là vốn tư nhân. Nhà đầu tư được lập trạm thu phí để tự hoàn vốn cho dự án với mức phí ban đầu từ 45.000 đồng đến 175.000 đồng. Lộ trình tăng phí 18%/ 3 năm. Thời gian thu phí dự kiến kéo dài trong 17 năm, 2 tháng, 18 ngày.

Chủ đầu tư được chỉ định là liên danh Công ty CP Đầu tư phát triển xây dựng Minh Phát (Minh Phát), Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco1) và Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành (Phương Thành). Ba nhà đầu tư này sau đó thành lập doanh nghiệp dự án là Công ty CP BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ (MPC).

Trong đó, Minh Phát góp 535,05 tỷ đồng (65% vốn điều lệ); Cienco 1 góp 148,17 tỷ đồng (18%) và Phương Thành góp 139,93 tỷ đồng (17%). Tổng cộng, vốn góp chủ sở hữu của các đơn vị trên là 823,15 tỷ đồng, tương đương 12,2% tổng mức đầu tư của dự án. Có nghĩa rằng tới 9/10 nguồn vốn phục vụ dự án mở rộng đường Pháp Vân – Cầu Giẽ phụ thuộc ngân hàng.

Trong số ba doanh nghiệp hợp tác thực hiện dự án, Phương Thành và Cienco1 là những cái tên uy tín trong lĩnh vực cầu đường. Cienco1 có truyền thống hơn nửa thế kỷ, là doanh nghiệp hàng đầu về xây dựng cơ sở hạ tầng của Bộ GTVT.

Phương Thành Tranconsin cũng là một “ông lớn” trong ngành với một loạt dự án lớn đã tham gia như QL37 Bắc Giang- Thái Nguyên; QL 38 Hải Dương – Cầu Tràng; Gói thầu số 2 Dự án QL1 đoạn Mỹ Thuận- Cần Thơ; Đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai...

Ở chiều ngược lại, Minh Phát lại là cái tên không mấy tiếng tăm trong ngành giao thông. Điều này không khỏi khiến dư luận băn khoăn tại sao một doanh nghiệp “vô danh” lại có thể thâu tóm tới 65% “miếng bánh” BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ, trong khi hai đơn vị sở hữu tiềm lực tài chính lẫn hàng chục năm kinh nghiệm trong ngành lại phải ngồi ở chiếu dưới.

Đại gia đất Kinh Bắc

Theo tìm hiểu của Người Đưa Tin, Công ty CP Đầu tư phát triển xây dựng Minh Phát được thành lập năm 2008, có trụ sở tại phường Suối Hoa, TP. Bắc Ninh.

Đầu năm 2014, Minh Phát thực hiện tăng vốn điều lệ từ 369 tỷ đồng lên 568 tỷ đồng, trong đó ông Đỗ Ngọc Minh trú tại Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội góp 312,4 tỷ đồng, tương đương 55%; ông Đỗ Minh Đức và bà Nguyễn Thị Cẩm Tú (cùng trú tại 19 Thái Phiên, Hai Bà Trưng, Hà Nội) góp lần lượt 39% và 6% vốn (bà Nguyễn Thị Cẩm Tú cũng đồng thời là tổng giám đốc của MPC, nơi Minh Phát góp 65% vốn).

Tuy nhiên ngay sau đó, cơ cấu cổ đông đã được thay đổi, khi ông Nguyễn Văn Quân trú tại Mỹ Đình, Hà Nội bất ngờ nắm giữ 23% vốn cổ phần của Minh Phát, tỷ lệ sở hữu của ông Đỗ Minh Đức giảm về 0%.

Nhóm các thể nhân này cũng sở hữu một doanh nghiệp khác có quy mô vốn khá lớn trong ngành cầu đường – là Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Công Thành.

Công ty Công Thành được thành lập vào tháng 6/2014. Đến giữa năm 2015, doanh nghiệp này có vốn điều lệ 1.556 tỷ đồng, với các cổ đông sáng lập là ông Đỗ Minh Đức góp 52% vốn, bà Nguyễn Thị Cẩm Tú – 33% và ông Nguyễn Văn Quân góp 15%.

Bởi vậy, có thể thấy Minh Phát hay Công Thành chỉ khác nhau ở tên gọi cùng tư cách pháp nhân, còn thực tế thuộc sở hữu của một nhóm người.

Tương tự trường hợp của Minh Phát, dù chỉ mới hoạt động và không có tên tuổi trong ngành xây dựng, song Công ty Công Thành tháng 5/2015 đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án Dự án Đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn và cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 18 đoạn Hạ Long - Mông Dương theo hình thức hợp đồng BOT, có tổng mức đầu tư gần 14.000 tỷ đồng.

Liên danh đầu tư với Công Thành là một cái tên quen thuộc – Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Phương Thành.

Quay trở lại dự án BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ, với tỷ lệ sở hữu chỉ 18%, Cienco1 gần như không có “tiếng nói” trong liên danh MPC.

Giữa năm 2016, Cienco1 đăng đàn tố MPC gian lận và cản trở minh bạch hóa hoạt động thu phí. Ban lãnh đạo MPC khi đó gồm các đại diện từ Minh Phát và Phương Thành đã nhanh chóng phủ nhận cáo buộc và cho rằng Cienco1 không có quyền can thiệp trực tiếp vào hoạt động của doanh nghiệp dự án.

Không những không đòi được quyền lợi, mà Cienco1 sau đó còn bị “đá” khỏi dự án béo bở này. Hội đồng quản trị Cienco1 tháng 1/2017 đã phải quyết định rút khỏi dự án thông qua chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp cho Công ty Phương Thành.

Nghi Điền

http://www.nguoiduatin.vn/lo-dien-ong-lon-dung-sau-du-an-bot-phap-van-cau-gie-a336260.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét