Thứ Tư, 9 tháng 8, 2017

Áp lực trả nợ, Chính phủ đẩy mạnh vay đảo nợ

Áp lực trả nợ tăng, Chính phủ đẩy mạnh vay đảo nợ
Thời gian gần đây, áp lực trả nợ của Việt Nam đang tăng lên khá cao và Chính phủ phải đẩy mạnh hoạt động vay đảo nợ trong bối cảnh nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng ngày càng cấp bách.

Đó là nhận định của nhóm phân tích CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam trong báo cáo vĩ mô mới nhất vừa cập nhật. Tính đến 15/07/2017, tổng thu ngân sách ước tính đạt 584,6 nghìn tỷ đồng, bằng 48,2% dự toán năm. Trong đó, thu nội địa đạt 462,6 nghìn tỷ đồng, bằng 46,7% dự toán năm, theo sau bởi thu từ dầu thô (24,6 nghìn tỷ đồng, 64,1%) và thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu (96,1 nghìn tỷ đồng, 53,4%).

Tổng chi ngân sách Nhà nước ước tính đạt 646,4 nghìn tỷ đồng, bằng 46,5% dự toán năm. Trong đó, chi thường xuyên đạt 474 nghìn tỷ đồng, bằng 52,9% dự toán. Chi đầu tư phát triển mới đạt 110,4 nghìn tỷ đồng, bằng 30,9% dự toán năm. Chi trả nợ gốc ước tính đạt 110 nghìn tỷ đồng, bằng 67,1% dự toán năm. Do đó, tính đến 15/07, Ngân sách Nhà nước (NSNN) thâm hụt 61,8 nghìn tỷ đồng.



Trong các tháng cuối năm, thâm hụt NSNN sẽ tiếp tục tăng cao như chu kỳ các năm gần đây. Trong đó, hoạt động giải ngân vốn đầu tư công sẽ được đẩy mạnh khi chi đầu tư phát triển mới chỉ đạt 30,9% dự toán năm. Đáng chú ý, mới đây thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu rà soát lại vướng mắc và đẩy cao tốc độ giải ngân vốn vay ODA.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kể từ khi nối lại quan hệ với cộng đồng tài trợ quốc tế vào năm 1993 đến tháng 6/2017, Việt Nam đã ký kết các khoản vay và viện trợ không hoàn lại có giá trị khoảng 82,61 tỷ USD (trong đó vốn vay 74,92 tỷ USD).

Tính đến hết tháng 6/2017, có 810 chương trình dự án đang triển khai với số vốn ODA và vốn vay ưu đãi còn lại chưa giải ngân khoảng 21,167 tỷ USD. Số vốn này sẽ giải ngân theo tiến độ hiệp định từ nay đến hết năm 2026, tuy nhiên sẽ tập trung khối lượng lớn vào giai đoạn 2017 - 2020 là 17,485 tỷ USD. Để bảo đảm giải ngân số vốn còn lại đã ký kết, trong giai đoạn này trung bình mỗi năm cần giải ngân được 4,37 tỷ USD.

Năm 2017, tổng vốn ODA và vốn vay ưu đã có khả năng giải ngân khoảng 4,6 tỷ USD. Trong 6 tháng đầu năm, đã giải ngân được 1,5 tỷ USD, bằng 32,6% số vốn dự kiến giải ngân cả năm. Trong nửa cuối năm, vẫn còn đó khoảng 3,1 tỷ USD có khả năng giải ngân.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã giao Bộ Kế hoạch đầu tư, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ phối hợp rà soát, cập nhật định hướng thu hút ODA trong năm 2018, nghiên cứu đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, trong vấn đề vốn đối ứng, kế hoạch vốn nước ngoài ODA. Về vấn đề điều hòa nguồn vốn ODA, Thủ tướng cho rằng cần giải quyết theo hướng tăng cường tính tự chủ của Chính phủ cũng như các bộ ngành địa phương. Cùng với đó, Thủ tướng cũng yêu cầu cần kiểm soát chặt chẽ thủ tục điều chỉnh nguồn vốn đầu tư này.

Liên quan đến vốn vay ODA, từ tháng 7/2017, Việt Nam sẽ không còn được vay theo điều kiện ODA mà tiến tới vay theo điều kiện thị trường. Nguồn vốn ODA sẽ có thời gian trả nợ nhanh hơn cùng lãi suất tăng lên từ 2%-3,5%. Trước năm 2010, thời gian trả nợ trung bình (bao gồm thêm giai đoạn gia hạn) của Việt Nam là 30-40 năm với mức lãi suất khoảng 0,7- 0,8%/năm. Đến giai đoạn 2010-2015, thời gian trả nợ giảm xuống còn 10-20 năm và mức lãi suất tối thiểu là 2%/năm.



Thời gian gần đây, theo đánh giá của nhóm phân tích CTCK KIS Việt Nam thấy rằng áp lực trả nợ của Việt Nam đang tăng lên khá cao và Chính phủ phải đẩy mạnh hoạt động vay đảo nợ trong bối cảnh nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng ngày càng cấp bách.

Cụ thể, vay nước ngoài ngắn hạn và dài hạn lần lượt tăng 34,0% YoY và 15,3%YoY lên 4,740 và 1,602 tỷ USD trong quý I/2017. Trả nợ gốc nước ngoài ngoài ngắn hạn và dài hạn đạt 3,578 và 0,986 tỷ USD, chiếm 75,4% và 61,5% vốn vay mới.
Linh Nga
http://enternews.vn/ap-luc-tra-no-tang-chinh-phu-day-manh-vay-dao-no-115014.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét