Thứ Năm, 6 tháng 7, 2017

Nỗi nhục của người khác cũng là của chính mình

NỖI NHỤC CỦA NGƯỜI KHÁC LÀ NỖI NHỤC CỦA CHÍNH MÌNH
"Mỗi người dân là một bộ mặt của quốc gia, nếu không thể coi tổ quốc là niềm tự hào và thiêng liêng trong tâm khảm, thì chúng ta sẽ luôn để sẵn sàng thực hiện hoặc bỏ mặc người khác gây nên những điều tồi tệ".
Tại sao tôi lại nói điều có vẻ nghịch lý này ở đây và với mục đích gì? Tại sao người khác hành động mà lại mang nhục cho bản thân mình là thế nào? Tôi thì có liên quan gì đến anh, anh thì liên quan gì đến người khác mà lại nghiêm trọng như vậy? Và mỗi cá nhân phải tự chịu trách nhiệm với hành vi của mình chứ lôi chuyện thể diện quốc gia vào đây là cớ ra làm sao?

Nếu ai đó đặt ra câu hỏi kiểu như thế là vì từ trước đến nay anh ta chỉ có quan tâm đến chén cơm và xó nhà của mình thôi chứ chẳng để tâm thứ gì khác. Thực là một đất nước bất hạnh nếu mà lại tồn tại lắm loại người kiểu như vậy.

Chúng ta thử đặt giả dụ thế này. Một người ở đất nước chúng ta ra nước ngoài làm ăn, với tâm lý chụp giựt, không trung thực lại hay tắt mắt. Rồi một ngày người này ăn cắp đồ của siêu thị và bị bắt. Xin xỏ chính quyền sở tại không được, hối lộ để chạy tội không xong, vì luật pháp nước họ nghiêm minh và rõ ràng, không có nể nang hay phụ thuộc gì vào vị thế gia cảnh, địa vị chính trị của người nào mà xét xử. Thế là bị xử phạt thật nặng và bị trục xuất về nước. 

Các bạn là người Việt Nam có thấy chút xấu hổ nào không về một hành vi của một người cùng tổ quốc với mình như thế? Tôi nghĩ là người có lương tâm thì có đấy. Nhưng chúng ta thử tưởng tượng rằng, chúng ta cứ tặc lưỡi và mặc kệ mà tự nhủ là "chuyện người ta hơi đâu mà lo", thế thì một ngày khác có tới vài người cũng lại ăn cắp, vài kẻ khác lại thực hiện hành vi dâm ô với trẻ em và bị trục xuất về nước, hoặc số khác thì làm ăn gian dối mà giao hàng không đúng hợp đồng nên bị tẩy chay và xua đuổi. 

Lúc này, tôi nghĩ không chỉ cá nhân đó thiệt hại đâu, mà hình ảnh quốc gia của chúng ta cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì bị nước ngoài cảnh giác, đánh giá không tốt. Mà đã như thế là mất đi lợi thế để làm ăn, sẽ bị hủy bỏ các hợp đồng mới và cơ hội đầu tư giữa hai quốc gia, nhiều người dân của chúng ta sẽ không được họ tiếp nhận hoặc nếu có thì hạn chế mà còn bị soi xét rất kỹ lưỡng. 

Mà mỗi khi nước người ta nhắc về chúng ta là người ta cứ chỉ nói "người Việt Nam" đã trộm cắp hay gian manh thế nào thôi chứ người ta đâu có nhắc ông này hay bà kia một cách cụ thể nào đâu. Thế thì chúng ta có nhục nhã và có đúng là đất nước chúng ta phải gánh hậu quả dù đó là hành động đơn lẻ của cá nhân hay không?

Thế nên, làm sao mà mỗi công dân của Việt Nam phải luôn coi hành động của mình là thể diện của quốc gia, nỗi nhục của mỗi cá nhân là nỗi nhục của quốc gia. Ra nước ngoài mà nghe được người khác chửi rủa hay khinh bỉ, miệt thị hoặc xua đuổi đồng bào mình thì chúng ta có thấy hổ nhục không? Có đau đớn và cảm thấy bị xúc phạm như chính mình bị tạt một xô nước bẩn vào mặt không?

Cũng giống như một cái làng mà gồm hầu hết những kẻ sống trong đó là quen thói làm ăn gian dối, trộm cắp, thêa thì lúc đi ra làng ngoài giao du, khi người ta biết là chúng xuất thân từ cái làng đó thì người ta sẽ dè bỉu và đề phòng bằng sự khinh miệt mà không ngại nói rằng, cái làng đó toàn là lưu manh, cứ cẩn thận và chớ làm ăn hay giao du gì với chúng. Quả là tủi nhục và sót xa.

Mà cũng chẳng chừa ra được người ta sẽ cũng đánh giá là các bộ máy quản lý của cái quốc gia đó quả là kém cỏi, không có hữu dụng hoặc quá mức tệ hại thì mới tạo ra và tồn tại những con người công dân như thế, chứ một chính phủ mạnh và nghiêm minh thì đâu ra lắm kẻ lưu manh và phường trộm cướp như vậy.

Thế nên, để quốc gia cường thịnh và văn minh, để được tôn trọng thì mỗi công dân chúng ta phải là một người luôn mang tâm thế là hành động của mình là thể diện của quốc gia, cũng như vậy nỗi nhục của mình sẽ trở thành nỗi nhục của quốc gia. Có như thế thì chúng ta mới có thể ngẩng đầu lên với bạn bè quốc tế về sự đàng hoàng và tử tế được.

Trích: Một Người Quốc Dân
Ls: Luân Lê

1 nhận xét:

  1. Ilya Grigoryevich Ehrenburg (Илья́ Григо́рьевич (Ги́ршевич) Эренбу́рг, 27 tháng 1 năm 1891 – 31 tháng 8 năm 1967) – nhà thơ, nhà văn, nhà hoạt động xã hội Nga Xô Viết :
    " Dòng suối đổ vào sông, sông đổ ra đại trường giang Vonga, con sông Vonga đi ra biển. Lòng yêu làng yêu xóm trở nên lòng yêu Tổ Quốc"
    Tôi nhớ đại khái như thế.

    Trả lờiXóa