Thứ Hai, 24 tháng 7, 2017

Nhớ anh Hai!

Bài này hay, cảm động. Mình vừa đọc vừa nhớ tới tới những năm tháng đi sơ tán chiến tranh Giôn Xơn (1964-1969) rồi chiến tranh Ních Xơn (1972). Trong chuyện dưới đây, anh Hai có 3 người em, mình có 2 người em, nhiều lần cũng chỉ có 3 anh em mình ở với nhau nơi sơ tán trong khi bố mẹ làm việc ở Hà Nội. Lúc đó con người sống có tình, đặc biệt anh em thương yêu nhau lắm, sẵn sàng giả vờ no đủ để nhường cơm, sẻ áo cho các em. Nhớ lại cảnh xưa, sống dưới làn bom, hàng ngày nhìn, chạy bom rơi, nhiều chuyện tình cảm muốn rơi nước mắt. Xã hội hồi đó khác hẳn bây giờ... Bài hay nhưng có hạt sạn to tướng là cái đoạn kết bốc phét kiểu ta luôn luôn thắng, địch luôn luôn thua, ta 1 người thắng địch vạn người. Mà địch ở đây là ai ? Là cùng người Việt chúng ta, chỉ có điều họ ở Nam, họ cũng buộc phải cầm súng ra trận... Hạt sạn đó là: "có hai anh bộ đội với khẩu pháo cùng vài du kích đã chặn bước tiến của cả một tiểu đoàn địch. Cuối cùng, chúng phải nhờ đến pháo bầy biến trận địa, bụi tre nơi công sự của hai anh thành bình địa…".
Nhớ anh Hai!
SGGP, 23/7/2017 Anh Hai hy sinh ngày 24 tháng 4 năm Nhâm Tí (nhằm ngày 05 tháng 6 năm 1972) tại xã Điện Thắng, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Anh hy sinh cùng một chiến sĩ trẻ Hà Nội với khẩu đại liên 12,7 ly mà anh là chỉ huy trong trận chiến đơn vị tăng cường cùng du kích xã Điện Thắng chống càn vào mùa hè đỏ lửa. Sau này tôi đến đây rất nhiều lần để thăm, nghe chuyện kể từ hai nữ du kích chôn cất anh và đồng đội ngày ấy. Nơi chôn hai anh bây giờ là ruộng lúa xanh ngát.
Tác giả và người thân thăm mộ của anh trai - liệt sĩ 
Nguyễn Quang Đức tại Nghĩa trang Liệt sĩ Điện Bàn
Nhà tôi có bốn anh em trai. Anh Hai sinh năm 1950, khi mà cả ba má cùng tham gia kháng chiến chống Pháp tại Xưởng Quân giới Liên khu V (Trà Bồng, Quảng Ngãi). Má tôi kể, khi anh Hai ra đời, má về sống tạm cùng gia đình bên nội ở Quảng Ngãi. Năm 1954, ba tôi theo đoàn quân tập kết ra miền Bắc với ước hẹn hai năm đoàn tụ. Má tôi được phân công ở lại quản lý cơ sở ruộng, vườn của đơn vị. 

Tưởng rằng kẻ Bắc, người Nam, nhưng chỉ vài tháng sau khi tình hình bất ổn, má cũng gánh anh Hai ra Bắc bằng đường bộ, một bên là anh Hai và bên kia là những cục đá. Ngày chia tay gia đình bên nội, cũng là ngày anh Hai có bức ảnh kỷ niệm bốn tuổi tại tiệm hình thị xã Quảng Ngãi (sau này trở thành bức ảnh duy nhất của anh Hai - báu vật của gia đình). Cùng tập kết, nhưng kẻ trước, người sau, phải mất hai năm ba má mới sum họp.
Những ngày đầu trên đất Bắc vô cùng gian khổ, anh Hai dù chỉ hơn bốn tuổi cũng phải ăn cháo cám heo sinh ra phù thũng khắp người do thiếu dinh dưỡng. Sau khi gặp lại ba, cuộc sống gia đình cũng dần ổn định theo kiểu xã hội mới ở miền Bắc với tinh thần “Tất cả vì miền Nam thân yêu”, rồi ba anh em tôi liên tiếp ra đời. Mới học vỡ lòng vài tháng, chiến tranh phá hoại miền Bắc xảy ra. Người ta gọi là chiến tranh Giôn Xơn, tức là máy bay Mỹ ném bom.

Cả bốn anh em đều sơ tán về vùng quê tiếp tục việc học, cha mẹ vẫn ở lại thủ đô làm việc. Đây cũng là quãng đời tự lập kéo dài tới bốn năm. Do lớn hơn đứa em kế tới bảy tuổi nên anh Hai đã thể hiện rõ bản tính nghiêm khắc, cai quản đàn em đang tuổi chơi, tuổi lớn. “Lộc, Trung, Thành” là tiếng hét của anh mỗi khi đến giờ ăn, giờ học, khiến cho ở bất kỳ trò chơi nào, xó xỉnh nào, cả ba đứa đều “dạ” thật to và có mặt liền. Nghiêm khắc, thế nhưng anh Hai cũng hết mực thương yêu ba đứa em trong đói khổ. 

Thời ấy làm gì có thức ăn, cơm độn khoai, sắn, ngô với thường trực là muối hột rang nếu may mắn được miếng hành dính vào cho thơm, còn như khó nuốt trôi thì chan nước vối. Mỗi bữa ăn, anh Hai đều nhìn các em ăn trước sau đó mới vét những gì còn sót lại. Tiêu chuẩn lương thực cấp phát còn có bột mỳ (hàng viện trợ của Liên Xô), nhưng cũng chẳng biết làm gì để ăn, chỉ duy nhất nhồi bột vo tròn đem luộc, sau đó chỉ cạp được bên ngoài nhão nhoét, bên trong bột sống nhăn lại nhồi luộc tiếp. Thế là cuộc sống cứ dần trôi, buổi sáng đi học, buổi chiều học bài trong lúc chăn trâu, cắt cỏ. 

Tôi thứ tư, nhưng anh Hai lại thương nhất. Có lẽ vì tôi trắng trẻo ngược với nước da bánh mật của anh, cũng có lẽ do tôi dạn dĩ thường được anh nhờ đi cùng mỗi tối đi ngoài bãi tha ma đầu làng (vì anh sợ ma). Thế là mỗi tháng, đến kỳ phiên chợ huyện anh lại dắt tôi đi, chỉ là đi xem bãi chợ người ta mua mua, bán bán lèo tèo và phần thưởng chỉ là nắm ốc hút với cách ăn điệu nghệ là để mày ốc dính đầy trên môi không rớt đất… 

Qua bốn năm sơ tán vì chiến tranh, anh em tôi trưởng thành nhanh bằng cuộc sống tự lập xa cha mẹ. Đầu năm 1969, bốn anh em tôi trở về Hà Nội. Anh Hai cũng tốt nghiệp phổ thông nơi trường huyện và thi vào đại học, được chọn đi học ở Liên Xô do tiêu chuẩn học sinh miền Nam tập kết. Nhưng anh cương quyết không đi, không học nữa mà đăng ký đi bộ đội. Đương nhiên ba má tôi không chấp nhận, anh Hai xin làm thợ rèn để luyện thêm sức khỏe chờ ngày lên đường. 

Rồi một ngày đầu năm 1969, anh Hai tự nhiên biến mất, cả nhà đổ xô tìm kiếm mọi nơi, mọi chỗ, hỏi thăm tất cả bạn bè của anh, nhưng vô vọng. Bẵng gần một tháng trôi qua, bỗng có lá thư lạ từ Quảng Bình báo tin anh Hai đang luyện quân chuẩn bị vào Nam. Đó là thư từ chủ nhà nơi anh Hai đóng quân, phát hiện anh không có tư trang, đồ lạnh, không liên hệ gia đình như những tân binh khác và thậm chí ngơ ngác không nhớ tên mình. Hóa ra, anh ra đi dưới tên một người khác. Ba tôi vội lấy xe Commăngca cơ quan chạy ra Quảng Bình và thỏa thuận với chỉ huy cho anh tham gia quân đội, nhưng đơn vị không chấp nhận mà phải trở về tham gia tuyển quân lại từ đầu. Kết quả, ba má đã đồng ý cho anh Hai tham gia đợt tuyển quân kế tiếp.

Trước ngày ra đi, anh Hai đã đốt sạch những gì thuộc về anh, kể cả những ảnh gia đình hiếm hoi được Ban Thống nhất Trung ương chụp dùng để gửi về Nam. Anh nói, ra đi tự nhiên và chấp nhận hy sinh tự nhiên không gì phải vướng bận. Mãi về sau này, ba mới kể lại, hồi đó anh Hai nói: “Nhà mình có bốn anh em trai, con xin ra đi để các em con sống”.

Ngày cuối cùng trước khi lên đường, anh Hai chở tôi bằng xe đạp, đi cùng một người bạn thân nhất của anh một vòng Hà Nội với toàn những điểm mơ ước của thanh niên. Đó là bánh tôm Hồ Tây, kem Thủy Tạ hồ Gươm và trên đường Nam Bộ lúc trở về có cả ly nước dừa hạt sen với những sợi dừa sắt nhỏ. Tôi mê tít chỉ lo thưởng thức món ngon cả đời mơ ước mà không để ý câu chuyện tâm tình của anh Hai. Bẵng đi hơn năm, có người từ chiến trường trở về, tin tức duy nhất là anh Hai đang ở đơn vị pháo binh (phụ trách khẩu đại liên 12,7 ly), đó cũng là tin tức cuối cùng của anh.

Đầu năm 1973, khi chiến tranh ném bom miền Bắc lần hai vừa kết thúc, trong một buổi chiều đi học về, thấy trong nhà có nhiều người lạ, ba má ngồi trong góc nhà nước mắt tuôn rơi. Người ta trao giấy báo tử, anh Hai đã hy sinh với dòng chữ: “Hy sinh tại chiến trường B2”… Lúc đó, tôi bàng hoàng không thể tin được. Người anh nhanh nhẹn, khỏe mạnh suốt đời chỉ biết thương yêu, nhường nhịn và bảo vệ các em, một đứa trẻ trải qua những ngày kháng chiến chống Pháp gian nan ở miền Nam, lớn lên và trưởng thành như chàng trai Hà Nội, một người anh mà tôi chưa từng thấy có bạn gái... Tôi vùng bỏ chạy trong cái lạnh buốt của mùa đông và tôi đã khóc như chưa từng được khóc.

Sau ngày đất nước thống nhất, gia đình tôi lại về TPHCM, má tôi vẫn thường nói, ước gì anh Hai trở về, anh Hai vẫn còn đâu đó. Cứ sau mỗi bữa cơm chiều, bà lại ngồi đăm chiêu trên ghế trường kỷ như đợi, như trông. Tất cả tìm kiếm, kể cả nhờ cậy tâm linh chỉ là vô vọng. Sức khỏe yếu dần, má phải ngồi xe lăn.

Một buổi trưa hè năm 2008, khi đang dự triển lãm vườn tượng tại Công viên Tao Đàn, tôi nhận được điện thoại từ người bạn thân tên Phong: “Mẹ Phong tập thể dục nghe các bà nói chuyện đã tìm được mộ anh Hai tại Điện Bàn, Quảng Nam nhưng không liên lạc được với người thân do gia đình chuyển về Nam”. Cuối cùng ngày ấy cũng đến, trong cái tin đau thương nhưng lại chứa cả niềm vui đem anh Hai về với má, với gia đình.

Mặc dù đã quy tập hai anh về Nghĩa Trang Liệt sĩ Điện Bàn từ năm 1980, nhưng nhân dân trong vùng vẫn chừa một gò nhỏ nơi chôn cất ban đầu để thắp nhang, tưởng nhớ. Người dân Điện Thắng vẫn kể cho nhau nghe, có hai anh bộ đội với khẩu pháo cùng vài du kích đã chặn bước tiến của cả một tiểu đoàn địch. Cuối cùng, chúng phải nhờ đến pháo bầy biến trận địa, bụi tre nơi công sự của hai anh thành bình địa… Tôi thường đến nghĩa trang nơi anh yên nghỉ để nghe tiếng gió reo, tiếng lá dừa xào xạc như bản giao hưởng của thiên nhiên, để cảm nhận yêu thương cuộc sống. Tôi vẫn nhớ và khóc khi nghĩ về câu nói của anh lúc ra đi: “Con xin ra đi để các em con sống”…

NGUYỄN TRUNG
http://www.sggp.org.vn/nho-anh-hai-457191.html

1 nhận xét:

  1. Đọc bài viết bất kỳ nào, hễ nói về các LS đều có đoạn tương tự như đoạn: "...có hai anh bộ đội với khẩu pháo cùng vài du kích đã chặn bước tiến của cả một tiểu đoàn địch...", ấy thế mà sao khắp trên đất VN bây giờ, đi đến đâu cũng gặp la liệt những nghĩa trang LS. Điển hình nhất (có lẽ) là ở Quảng Trị. Ai lại chỉ một cái tỉnh nho nhỏ mà có đến 72 cái NT (đấy là 1 cái NT chung cho cả ta và ngụy là NT Thành cổ), cái nào cái nấy đều to vật. Mà đâu đã tất cả các LS đều được quy tập đầy đủ về những nơi đó.
    Tóm lại những bài viết kiểu như này độ xác thực của nó được mấy % ?

    Trả lờiXóa