Thứ Hai, 24 tháng 7, 2017

(1) Bức thư gửi lại người đang sống

Bức thư gửi lại người đang sống
20-04-2016 LTS: “Bức thư gửi lại người đang sống” là câu chuyện rất cảm động của cố Thượng tướng Trần Văn Trà, được in trong tập hồi ký “Kết thúc cuộc chiến tranh 30 năm” của ông. Chuyện kể rằng: Sau trận đánh thắng lợi của quân ta ở Bông Trang - Nhà Đỏ, nhằm bảo đảm rút lui an toàn, quân ta đã thực hiện mưu kế nghi binh. Đơn vị được giao nhiệm vụ này là: Chiến sĩ Tiểu đội 1, Trung đội “Ký Con” của Trung đoàn Bình Giã chủ lực Quân giải phóng miền Nam Việt Nam. 
Trung đoàn 1 chủ lực Miền chiến thắng trận Bình Giã nhận danh hiệu mang tên “Đoàn Bình Giã”, tháng 1 năm 1965 (ảnh tư liệu)
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ nghi binh, tiểu đội chỉ còn lại 3 người bị thương rất nặng, họ giăng võng giữa rừng Chiến khu Đ và lần lượt trút hơi thở cuối cùng. Sau ngày hòa bình, người ta phát hiện có 3 bộ hài cốt nằm giữa rừng, trong đó có một “Bức thư gửi người đang sống”… Nội dung bức thư là một thông điệp cực kỳ sâu sắc, là bản anh hùng ca một thuở cháy bỏng lòng yêu nước. Con người, sự kiện trong câu chuyện này là một ẩn số đang được độc giả cả nước rất quan tâm. Nhân kỷ niệm 41 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, Báo Bình Dương trân trọng giới thiệu toàn bộ truyện ngắn này đến độc giả.

Suốt một ngày trời mà đoàn người chưa đi được bao nhiêu đường đất. Bởi lẽ họ mất gần hết buổi sáng thả dọc sông Đồng Nai, mê mải ngắm nhìn màu xanh ngút ngàn của nông trường “giải phóng” được xây dựng từ ngày hòa bình lập lại. Vừa buông tay súng, một bộ phận cán bộ và chiến sĩ Quân giải phóng miền Đông đã cầm ngay dao, rựa, cuốc, xẻng, lái máy ủi đất, phá rừng vỡ hoang, trồng cây lương thực, định kế lâu dài. Tiếp tục cuộc đời chiến sĩ trên mặt trận sản xuất, họ vẫn bám núi rừng đất đai màu mỡ, cái vốn bao dung dân tộc muôn đời sẵn có, để làm giàu cho đất nước còn nghèo nàn lạc hậu lại bị tàn phá suốt mấy mươi năm. Bên bờ tả ngạn, ba nghìn mẫu ruộng thấp vừa thu hoạch xong vụ lúa đông xuân và nay đang chuẩn bị cho vụ hè thu. Xa xa về phía bắc trên các ngọn đồi cao, cây bị chặt thấp cho ra nhiều cành lá, một đàn dê, cừu đông đúc rướn mình trẩy từng chùm lá xanh ngon. Còn bên hữu ngạn nơi họ đang đi theo con đường ngoằn ngoèo men dọc bờ sông thì hàng trăm mẫu chuối, mỗi buồng có đến chục nải; hàng trăm mẫu đu đủ thấp lè tè, trĩu trái, trồng ngay hàng thẳng lối. Xen kẽ thưa thưa giữa chuối và đu đủ là những cây cọ dầu vươn hẳn lên cao, tạo thành một tầng lá đẹp đẽ reo vui trước gió. Thấy mọi người nhìn ngó trầm trồ, Tín - Phó Giám đốc nông trường cùng đi với đoàn, giải thích:



Nói thật với các anh, chúng tôi đã phải đổ mồ hôi sôi nước mắt mới có được như ngày nay. Mà khó nhất lại là thắng những cám dỗ của cái cảnh phồn hoa đô hội của thành phố. Nhiều anh em nghĩ rằng thắng giặc rồi ta bỏ rừng núi về đô thị tha hồ mà sướng, cái gì cũng có, chỉ trong vài bốn năm, nước ta sẽ giàu mạnh không kém ai. Đâu phải chuyện giỡn, họ lầm giữa tiềm năng và hiện thực!

Đúng - ông già Trí trong đoàn nói - cánh lính chúng mình thực tế thật. Chiến đấu không thể mơ mộng được. Làm ăn cũng vậy thôi. Đánh giặc khó rồi, sản xuất càng không dễ. Chỉ khác là đánh giặc tồi thì hậu quả là chết hàng loạt ngay trước mắt, còn sản xuất kém thì chết dần chết mòn. Đến vỡ nợ rồi mới biết. Chung quy là phải lấy kết quả thực tế mà kiểm nghiệm và kịp thời rút ra kết luận thôi.

Một người khác xen vào:

Dù sao các anh đã có cơ sở vững vàng rồi, chúng tôi bây giờ mới khó hơn, bắt đầu xây dựng mà.

Kỹ sư Phố trẻ tuổi hăng hái nói ngay:

Nhưng đừng chủ quan nhé, chúng tôi tìm được đất trồng cây trái xuất khẩu, lập nhà máy chế biến tại chỗ với nguồn điện Đa Nhim và sau này điện Trị An nữa thì có thể… Chúng tôi sẽ vượt các anh, anh Tín ạ.

Hay đấy - Tín trả lời - các anh cố gắng mà vượt. Chúng tôi cố gắng không để các anh vượt. Chúng ta cùng đi lên, hai bên đều có lợi thôi.

Đó là vào mùa xuân 1984, đoàn người từ thành phố lên đây, dựa vào nông trường “giải phóng” đi sâu vào rừng mênh mông chưa khai thác để tìm nơi đất tốt lập nông trường trồng cam, quýt… xuất khẩu. Trưởng đoàn là Nhân - một người đứng tuổi, to lớn khỏe mạnh, nước da ngăm đen, tánh tình điềm đạm ít nói. Vốn là một thượng tá quân đội chuyển ngành, trước đây đã dày dạn chiến đấu khắp các tỉnh miền Đông này và đã từng là tham mưu trưởng của một sư đoàn chủ lực. Anh em thường nhận xét về anh: dường như anh Nhân chỉ nói khi cần thiết phải nói thôi. Anh quen biết nhiều với Tín khi Tín còn là tiểu đoàn trưởng rồi sau là trung đoàn trưởng của một sư đoàn khác, nhưng cùng chiến trường. Tín là công nhân xe lửa Sài Gòn, đi chiến đấu từng ngày Pháp quay trở lại đánh ta, người rất chín chắn. Đã nói là làm không sai chạy. Rất kiên dũng khi đánh giặc. Trong đoàn còn có kỹ sư nông nghiệp Phố, kỹ sư địa chất Hà, đều mới ra trường và nhiều người khác ở nhiều lứa tuổi như ông Trí - người chiến sĩ bộ đội địa phương năm xưa của tỉnh Thủ Biên rành địa thế. Ông hay trầm ngâm suy nghĩ, đố ai biết ông nghĩ những gì. Điều ấy đặc biệt phù hợp với nét mặt xương xương và thân hình gầy guộc của ông. Tất cả ăn bận gọn gàng, cõng ba lô trên vai, bi đông, võng, dép râu như các chiến binh thời chiến. Mới qua chín năm hòa bình, thói sinh hoạt, thói quen, suy nghĩ trước đây chưa đến nỗi phai mờ trong họ.

Họ tách khỏi bờ ở một đoạn sông ngoằn ngoèo, đi về hướng tây rồi ra khỏi giới hạn nông trường, xuyên vào rừng rậm. Đây là một cụm rừng nguyên thủy, chưa bị tàn phá và khai thác, có lẽ vì xa xôi và trước đây không có đường sá thuận lợi, toàn là cây to lâu năm như cẩm lai, gõ, mun, bằng lăng mặt võng, nu, sao… Tín sôi nổi giới thiệu:

Khu rừng này rộng đến 30 nghìn mẫu, gỗ quý nhiều, thú rừng lắm loại. Chúng tôi cực nhọc lắm mới bảo vệ được. Đã bắt và đuổi đi một số tên bất trị định vào đốn cây, làm củi cũng như các thợ săn tinh ranh, mới giữ được nguyên vẹn như thế này đây. Chiến sĩ ta ai mà không quý rừng, anh Nhân nhỉ?

Phải, hồi chiến tranh, chúng ta xuýt xoa tiếc rẻ khi nhìn những cây gỗ quý mấy người ôm bị bom đào trốc gốc và những cánh rừng già bị chất độc hóa học làm cho tàn tạ xác xơ.

Anh nhớ không? Ông Năm Quốc Đăng ấy mà. Gặp chiến sĩ nào chặt một cây gỗ quý, cốt một cây xoài mút hái trái ăn thì chết với ông ấy. Đã có lần ở Khu A, ông vác gậy đuổi cán bộ chiến sĩ chạy khắp rừng - Ông nói: “Bao nhiêu năm mới được một cây lớn như vậy sao không biết quý? Năm nay chặt cây xuống ăn trái thì sang năm lấy gì mà ăn?”. Chí lý lắm chứ anh!

Mãi chuyện trò họ đã đến một nơi rừng thưa, trũng, có con suối nhỏ chảy róc rách trong lòng cạn đầy sỏi đá. Chiều rồi, mặt trời đã lặn từ bao giờ. Xa xa bóng tối đã bắt đầu hạn chế tầm nhìn và không mấy chốc màn đêm như sắp choàng lên ngọn cây quanh họ. Đoàn trưởng quyết định hạ trại trên bờ suối, gom củi đốt thành một đống lửa to tướng, treo ga-mên nấu nước uống và đưa cơm vắt thịt kho ra ăn. Họ giăng võng quanh đống lửa, ngủ một đêm rừng dưới bầu trời sao để sống lại giây lát thời chiến tranh. Thích thú là những thanh niên mới lớn lên, chưa biết rừng núi, chưa biết giăng võng kiểu anh chiến sĩ giải phóng ngày trước. Họ xem như một buổi đi cắm trại, đắm say trước cảnh yên lặng của rừng đêm và ánh sáng bập bùng của lửa.

Sáng tinh mơ họ đã dậy. Gà rừng gáy vang khắp phía. Một cặp nai ngơ ngác kiếm ăn dọc suối, bị bất ngờ gặp người, “bép” mấy tiếng hoảng sợ rồi cất vó lao nhanh khuất vào bụi rậm. Họ lại lên đường dò theo bản đồ và địa bàn - giữ đúng hướng đi. Ra khỏi rừng già, họ mệt nhọc vượt mấy ngọn đồi liên tục, cây thưa đất sỏi cằn cỗi. Mặt trời đã nhô khỏi ngọn rừng, tỏa nắng vàng rực rỡ ôm trùm cảnh vật. Vượt khu đồi, băng qua một trảng trống rộng đầy cỏ - có lẽ ở đây chăn nuôi tốt. Họ lại đi vào rừng, phát hiện một dải đất đỏ ba-zan khá rộng - đất trồng cây công nghiệp đây rồi. Nhưng ra khỏi dải đất đỏ lại tiếp một vùng đất đen màu mỡ, cây cối xanh tươi. Trưa rồi, nhưng họ cứ hồ hởi tiến bước, quên cả mệt nhọc, cố xác định chiều rộng của vùng đất phì nhiêu. Qua mỗi vùng, họ đào lấy một mớ đất đá cho vào túi ni-lông mang theo, ghi chép cây cỏ họ gặp, xác định chiều cao của rừng và chiều dày của đất. Càng đi tới, cây càng tốt và trước mặt họ hiện ra một dãy rừng tuyệt đẹp, cây không to và mọc không dày lắm, gần giống như một rừng trồng, mặt đất khô ráo, gió thoang thoảng hương hoa. (Còn tiếp)

Đoàn chọn nơi này nghỉ trưa, mỗi người ngồi dựa vào một gốc cây thoải mái. Chim chóc trên cành líu lo hót như chào mừng khách lạ hiếm hoi. Một thanh niên trong đoàn say sưa với cảnh trí, lững thững đi quanh như một du khách giữa rừng xanh. Bỗng anh hớt hải chạy về báo cho đoàn biết xa xa về phía trước có ba võng im lìm có người đang ngủ. Cả đoàn ngạc nhiên vì không nghĩ nơi rừng sâu xa vắng này lại có người đang trú - Ai? Người thì đoán là kẻ gian, người khác cho là thợ rừng... Trưởng đoàn Nhân lên tiếng: “Ta hãy đến tận nơi rồi sẽ biết rõ, cần gì phải đoán già, đoán non cho mệt. Nhưng cũng nên cảnh giác, sẵn sàng tư thế đón nhận bất ngờ”. Thế là cả đoàn đứng lên đi theo chàng thanh niên trinh sát. Họ chia hai cánh tiếp cận mục tiêu. Cách 100 thước, rồi 50 thước, chung quanh vẫn lặng ngắt như tờ, võng không hề động đậy. Họ tiến sát lại gần. Bỗng mọi người khựng lại, sững sờ: trên võng không phải người nằm mà là ba bộ xương còn nguyên chưa hề bị xáo trộn. Nhiều lá khô rơi rụng theo gió cuốn đi, còn vương lại trên võng lỗ chỗ như cố đan cho mỗi bộ xương một tấm đắp chưa thành. Một đám mây bay qua che ánh nắng mặt trời. Bóng mát bỗng trùm lên một khoảng rộng. Làn gió nhẹ hiu hiu lướt vờn lá cây ngọn cỏ. Vẻ huyền bí mông lung phủ lên cảnh vật lặng lẽ của rừng sâu.


Chiến sĩ Trung đoàn 1 (Đoàn Bình Giã) bắt sống xe M113 của Mỹ ở Bình Giã tháng 12-1964 (ảnh tư liệu Bảo tàng Quân đoàn 4)

Mấy phút bàng hoàng trôi qua. Đoàn trưởng trở về với nhiệm vụ, cắt đặt mấy người canh gác, rồi tất cả vây quanh quan sát, không rờ đụng vào hiện vật.

Võng bằng vải ni lông xanh đậm, dây buộc là những sợi dây dù chiến lợi phẩm. Ba đầu võng cột chụm chung vào một cây gõ tơ làm trụ giữa, còn ba đầu kia dang ra ba hướng tương đối đều nhau. Ba bộ xương châu đầu vào giữa, gần nhau ở đầu võng buộc vào gốc cây gõ, như để chuyện trò cho dễ. Bên phải mỗi bộ xương, để dọc theo người, là một khẩu tiểu liên AK han rỉ còn đủ băng đạn lắp vào súng. Quần áo đã mục nát từ bao giờ, một mũ tai bèo để trên đầu cũng chỉ còn hình dáng. Dưới chân một đôi dép râu cao su đựng đỡ một số lóng xương ngón chân đã rời rã. Trên đầu một chiếc võng, sát thân cây gõ, treo một cuộn tròn vo, bằng vải ni lông trong xanh. Toàn bộ hiện trường nằm trên một khu đồi thấp thoáng mát, cây cối thưa thớt, nên đất xám pha trộn sỏi còn sạch sẽ. Dưới gốc cây gõ, lăn lóc ba bình toong bằng nhôm móp méo, một đống vải đã mục, có lẽ đây là mấy cái bồng của chiến sĩ.

Tất cả chỉ có thế.

Mọi người ngồi lại trao đổi, xác định xác của ba chiến sĩ giải phóng hy sinh, nhưng từ bao giờ, chưa có thể xác định được. Mọi người đều chú ý đến một cuộn tròn ni lông treo một đầu võng. Đoàn trưởng quyết định xem xét cuộn ni lông nọ. Họ trân trọng gỡ ra khỏi võng một cách cẩn thận, đặt lên một nơi bằng phẳng và xúm quanh quan sát, tìm hiểu.

Đây là loại vải ni lông trong xanh được cuộn thật kỹ, buộc nhiều vòng bằng chỉ ruột dây dù, lâu ngày không mở được phải dùng dao cắt. Hết lớp ni lông này đến lớp khác dính vào nhau lột ra kêu xoàn xoạt. Tất cả ba tấm. Đúng là những tấm vải đi mưa phát cho chiến sĩ thời chiến tranh. Trong cùng là một tập giấy học trò, còn nguyên vẹn không hề bị rách hay ướt. Chữ viết to, nguệch ngoạc khó đọc. Có cảm giác là người viết run tay hoặc ngón tay không điều khiển được dễ dàng. Không phải chuyên môn chiết tự cũng có thể biết rõ là có ba người viết vì có ba đoạn nối tiếp với ba lối chữ khác nhau mà đoạn nào cũng lúc đầu còn dễ đọc, càng về sau càng khó. Tuy vậy vẫn đọc được đến cùng, không mất dòng nào, chữ nào. Đoàn trưởng phân công cho Văn - một thanh niên có giọng tốt, đọc cho mọi người cùng nghe.

*
* *

Nội dung toàn bộ tập viết như sau:

“Chúng tôi: 1) Lê Hoàng Vũ, quê Thái Bình
2) Nguyễn Chí, quê Quảng Ngãi
3) Trần Việt Dũng, quê thành phố Sài Gòn.
Chiến sĩ thuộc Tiểu đội 1, Trung đội “Ký Con” của Trung đoàn BG chủ lực Quân giải phóng miền Nam Việt Nam.

Chúng tôi không biết nên viết một bản báo cáo, một lá thư hay một tường trình vì lẽ rất đơn giản là chúng tôi không biết rằng ai sẽ đọc bản viết này. Nếu đơn vị của chúng tôi có cơ may tìm ra chúng tôi sau trận đánh kết thúc thì đây là bản báo cáo đầy đủ chi tiết về mọi diễn biến trong quá trình thi hành nhiệm vụ của tiểu đội chúng tôi gửi về Trung đoàn BG, về anh Năm “Sài Gòn” và các đồng chí lãnh đạo thân mến của chúng tôi...”.

- Thôi đúng rồi - đoàn trưởng Nhân cắt ngang - một đơn vị trong sư đoàn của mình! - Rồi trầm ngâm, anh thấp giọng: Trung đoàn trưởng của các đồng chí này. Lúc ấy được anh em quen gọi thân mật là “Năm Sài Gòn” tuy là người miền Bắc và đã hy sinh khi đang chỉ huy một sư đoàn những năm về trước...

Văn đọc tiếp:

“Nếu phát hiện ra chúng tôi khi nước nhà đã hoàn toàn tự do, độc lập, thống nhất, sau năm, mười năm kết thúc cuộc chiến tranh, hoặc giả muộn màng hơn nữa sau 50 hoặc 100 năm, thì đây là một bức thư của người đã ngã xuống trên một mảnh rừng của đất nước thương yêu gửi lại người đang sống.

Ôi, giờ đây thiên nhiên quanh chúng tôi tràn đầy không khí thanh bình, cây cối điểm những chồi non mơn mởn, vạn vật đang dạt dào nô nức sang xuân. Làn gió nhẹ lướt qua đang thì thầm trong muôn ngàn kẽ là như mách bảo chúng tôi rằng có lẽ phải đến một ngày hòa bình nào đó những dòng chữ này mới được về trong lòng đồng chí, đồng bào. Còn bây giờ chúng tôi cố động viên nhau ráng sống thêm một số giờ nữa cho bản viết hoàn thành, có đầy đủ ý kiến của ba chúng tôi. Phải, chúng tôi đã sống, chiến đấu và hoàn thành nhiệm vụ khiêm nhường nhất của chúng tôi, cũng nhờ cả tiểu đội chúng tôi hợp lực lại. Giờ đây tám đồng chí chúng tôi đã chết, họ không chết, họ chỉ ngừng hoạt động và chuyển những hoạt động lại cho chúng tôi sống và hành động đến giờ này. Rồi chưa biết đích xác lúc nào, mấy giờ nữa, ngày mai, hay thêm một đêm nữa, biết đâu chúng tôi cũng sẽ ngừng mọi cử động trong lúc vạn vật, xem kìa, đang rạo rực cảnh xuân của đất trời. Chiến tranh mà. Nó định đoạt vận mệnh con người một cách mù quáng, kinh khủng. Nhất định chúng tôi sẽ phải hoàn thành bản viết này - đó là ý chí cuối cùng - để vẹn tròn nhiệm vụ của mình, vẹn tròn cuộc đời của những chàng trai thời đại mà Tổ quốc đang cần được giải phóng, dân tộc đang cần phải đứng lên.

Chúng tôi xin viết, viết tất cả những gì đã xảy ra đối với tiểu đội chúng tôi khi thi hành nhiệm vụ, tất cả những suy nghĩ của chúng tôi trong giờ phút cuối cùng này”.

Văn ngừng đọc, cố nuốt vào bên trong vài giọi nước mắt nghẹn ngào cứ muốn trào ra, rồi lại tiếp:

“Thế là trận đánh của trung đoàn kết thúc. Một trận tiêu diệt gọn tiểu đoàn quân xâm lược, quân số chúng bằng cả trung đoàn chúng tôi. Thương vong ta không thiếu nhưng chiến lợi phẩm và tù binh thì nhiều lắm.

Đúng ba giờ sáng, chuông điện thoại riêng của trung đội reo - Chưa bao giờ trung đội lại có riêng một máy điện thoại còn gắn vào một máy tăng âm có loa nghe chung liên lạc trực tiếp với trung đoàn trưởng như vậy. Rõ ràng trung đội của chúng tôi đang giữ một trách nhiệm quan trọng, cả trung đội vây quanh đều nghe rõ rành rọt tiếng của anh Năm “Sài Gòn”:

- A lô! “Sài Gòn” đây, Trung đội “Ký Con” đó phải không?

Trung đội trưởng báo cáo, tất cả trung đội đang tập trung sẵn sàng và đều nghe rõ tiếng đồng chí.

Anh Năm “Sài Gòn” nói:

- Chào tất cả các cậu, trung đoàn chúng ta có thể thắng to nếu phần cuối cùng này của trận đánh trót lọt mà phần này là do hành động dũng cảm và mưu lược của các cậu quyết định. Hãy triển khai thực hiện ngay kế hoạch “Mưa rừng” đã định. Toàn trung đoàn tin tưởng và chờ chiến công xuất sắc của các cậu. Chúc toàn thắng!

Chúng tôi hiểu rõ nhiệm vụ nghi binh thu hút địch cho trung đoàn rút lui an toàn - Trung đội lập tức chia làm ba tiểu đội đi ba hướng. Tiểu đội 1 chúng tôi có trung đội trưởng cùng đi gồm 11 người, hành quân nhanh về hướng đông bắc. Tiểu đội trưởng tự mang đài vô tuyến điện thoại PRC 10 lấy của địch. Tới đường 16, chúng tôi triển khai làm các vệt đường hành quân giả rồi chiếm lĩnh mặt đường, mỗi người cách nhau cỡ 20 mét. Dùng quẹt lửa được trang bị, thỉnh thoảng chúng tôi đánh lửa rồi tắt, mỗi lần đánh lửa lại xê dịch chỗ khác, giống như rất nhiều người. Tiểu đội trưởng chốc chốc lại nói vào máy PRC 10: “Đây trực ban tác chiến tham mưu trung đoàn, tiểu đoàn X qua mau lên... tiểu đoàn X qua mau lên, dồn đội hình lại... rồi... tiểu đoàn pháo các anh ì ạch quá, không được cản trở đơn vị Y đi sau đội hình các anh đó, nghe rõ chưa, đơn vị Y đó...”.

Một thanh niên thắc mắc:

- Sao lại xưng và nói thế? Có nghĩa gì?

(Còn tiếp)

Cố thượng tướng TRẦN VĂN TRÀ

http://baobinhduong.vn/buc-thu-gui-lai-nguoi-dang-song-a140159.html
http://baobinhduong.vn/buc-thu-gui-lai-nguoi-dang-song-a140230.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét