Thứ Ba, 11 tháng 7, 2017

Nghìn tỷ xuất khẩu cử nhân đi... hái rau, làm vườn ?

Nghìn tỷ xuất khẩu cử nhân: Sợ nhất phải đi hái rau
Theo đề án đang được Bộ LĐ-TB&XH lấy ý kiến, từ nay đến năm 2025 cần hơn 1.300 tỷ đồng để đưa hơn 54.000 lao động tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp thiếu việc làm có nhu cầu đi làm tại Nhật Bản, Hàn Quốc và Đức ở một số quốc gia cần lao động kỹ thuật. Điều PGS.TS Dương Văn Chín lo ngại nhất là phía nước ngoài mời cử nhân Việt Nam sang nhưng sau đó giao việc hái rau như công nhân.
Lao động xếp hàng chờ vào phòng thi tiếng Hàn
đi xuất khẩu, tháng 6/2017. Ảnh: VnExpress
Xuất khẩu kèm thêm phiên dịch?
PGS.TS Dương Văn Chín, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Định Thành (Tập đoàn Lộc Trời) bày tỏ lo ngại về tính khả thi của dự án này.

Theo đó, ông cho rằng, nếu xuất khẩu lao động là công nhân thì Việt Nam cứ làm bởi nước nào cũng cần dạng lao động này, Việt Nam lại có lao động giá rẻ. Do đó, nếu đưa lao động Việt Nam vào làm tại các nhà máy, xí nghiệp của nước ngoài để nâng cao tay nghề, thu ngoại tệ về nước là điều tốt.


Tuy nhiên, đối với dự án này, điều ông lo ngại nhất chính là các "ông cử", "bà cử" sang nước người đi làm công nhân, lao động chân tay như hái hoa, hái rau. Điều đó quá lãng phí và làm mất thể diện quốc gia của Việt Nam .

Nguy cơ này, theo ông, rất có khả năng xảy ra khi trình độ lao động Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu của bên tiếp nhận, đặc biệt là về trình độ ngoại ngữ.

"Phía nước ngoài sẽ chọn người và ai rành ngoại ngữ thì họ mới chọn. Chứ qua bên đó mà còn phải dẫn theo một ông phiên dịch thì làm được cái gì?", PGS.TS Dương Văn Chín đặt câu hỏi.

Ông cho rằng nếu Việt Nam xuất khẩu chuyên gia thì hẵng làm. Theo đó, nếu nước nào thấy rằng chuyên gia Việt Nam có trình độ cao mà họ cần thì mời chuyên gia đó sang. Tất cả các chi phí liên quan nước mời chuyên gia phải chịu, không được lấy ngân sách nhà nước để lo chuyện này.

"Nếu Việt Nam xuất khẩu chuyên gia thì đòi hỏi người đó ngoài trình độ phải rành ngoại ngữ của nước định sang và đích thân nước đó phải mời, đồng thời trả mọi chi phí ăn ở, đi lại, lương, bảo hiểm... Họ mời tức là trân trọng trí tuệ Việt Nam, khi ấy hãy nhận lời và đi", PGS Chín nói.

Về phía Bộ LĐ-TB&XH, khi gửi chuyên gia đi thì phải lập một loạt danh sách những người về hưu hoặc những người có trình độ cao đang làm Nhà nước mà sắp nghỉ hưu, hoặc những người giỏi trong bộ máy chính quyền mà Nhà nước cho phép đi giúp các nước

"Việt Nam có nhiều người giỏi nhưng khi gửi chuyên gia đi phải chọn lựa, lập danh sách thật kỹ, đi nước nào, phải rành ngôn ngữ nước đó, phải trao đổi kỹ lương bổng, đi lại thế nào...rồi mới gửi người đi.

Chuyên gia là người sẽ giúp cho nước bạn một ngành nào đó, chẳng hạn nông nghiệp, GTVT, quản lý nước... tức người ta phải phục mình về việc đó. Đừng đưa cử nhân mới ra trường, ngoại ngữ không biết sang đó làm mà thua chuyên viên của nước sở tại", PGS.TS Dương Văn Chín lưu ý.

Vị chuyên gia bày tỏ nghi ngại chương trình xuất khẩu cử nhân này được vẽ ra như màn sương khói để trong nước nghĩ rằng trình độ cử nhân của Việt Nam cao, nước ngoài trân trọng mời. Thế nhưng, với năng lực của "ông cử", "bà cử" Việt Nam, khả năng xuất khẩu đi... hái rau, làm như công nhân là rất rõ.

Bởi vậy, theo PGS.TS Dương Văn Chín, dự án này chỉ tiêu tốn tiền nhà nước.

"Nếu nước ngoài có nhu cầu thì họ phải trang trải hết mọi chi phí để mời sang, chứ phía Việt Nam không phải bỏ cả ngàn tỷ để lo chuyện này", ông nhấn mạnh.

Điều quan trọng nhất

Từ đề án xuất khẩu cử nhân của Bộ LĐ-TB&XH cũng như số lượng sinh viên thất nghiệp sau khi ra trường của Việt Nam, PGS.TS Dương Văn Chín đặc biệt lo ngại về sự lệch pha giữa cung và cầu lao động. Nền kinh tế không tạo ra việc làm, trong khi đào tạo lại không theo nhu cầu của nền kinh tế.

"Lâu nay ở Việt Nam có kiểu đào tạo thì cứ đào tạo cho đạt chỉ tiêu, không biết người được đào tạo ra làm gì, ở đâu, tay nghề thế nào... Nhiều trường hợp học lý thuyết một kiểu, nhưng ra thực tế lại khác hoàn toàn. Có sinh viên ra đồng ruộng không biết cây lúa ra sao, đẻ nhánh thế nào.

Đào tạo của Việt Nam cần thay đổi, vừa lý thuyết vừa phải sát thực tế, đào tạo theo nhu cầu.

Tập đoàn ô tô Trường Hải có kinh nghiệm rất hay: trong công ty họ lập một trường trung cấp nghề, trong đó đào tạo chuyên môn gò, hàn, thiết kế mẫu xe... Sau khi đào tạo xong, lao động sẽ làm việc trong tập đoàn luôn.

Như vậy mới đúng nghĩa đào tạo và lao động sau khi được đào tạo lý thuyết ở trong phòng được xuống xưởng làm ngay, nâng cao trình độ tay nghề", PGS Chín nói.

Chỉ ra đề án của Bộ chỉ là giải pháp tình thế, PGS.TS Dương Văn Chín cho rằng, điều quan trọng nhất là phải tạo công ăn việc làm trong nước để thu hút lao động, còn về lâu dài cứ gửi người đi nước ngoài lao động mãi, bán sức lao động giá rẻ thì không ổn.

"Trong nước phải phát triển công nghiệp, dịch vụ. Ngay cả nông nghiệp, lao động cũng phải nâng cao trình độ cơ giới hóa, hiện đại hóa để sản phẩm làm ra có chất lượng cao và sạch, có thể bán đi thế giới và trong nước với giá trị gia tăng cao.

Khi ấy, đời sống của người nông dân được cải thiện và họ thấy làm nông nghiệp cũng có thể giàu", vị chuyên gia bày tỏ.

Thành Luân
http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/giao-duc/nghin-ty-xuat-khau-cu-nhan-so-nhat-phai-di-hai-rau-3338613/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét