Thứ Ba, 18 tháng 7, 2017

Cách nhận diện một chính quyền thượng tôn pháp luật

Cách nhận diện một chính quyền thượng tôn pháp luật
VI YÊN 16/07/2017 - Một chính quyền thượng tôn pháp luật sẽ dễ dàng được người dân tôn trọng và phục tùng, bởi họ tin rằng chính quyền này có khả năng đảm bảo công lý cho họ. Chính ý nghĩa này khiến cho chính quyền nào cũng muốn khoác lên mình cái danh xưng ấy. Nó đã trở thành câu cửa miệng của các chính trị gia, khiến họ liên tục kêu gọi thượng tôn pháp luật, mà Việt Nam cũng không là ngoại lệ.

Dòng chữ "Equal Justice Under Law" nổi tiếng được khắc trên
 toà nhà Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ ở Washington D.C. Ảnh: WSJ.
Vậy làm sao để ta biết được chính quyền nào thực sự thượng tôn pháp luật, còn chính quyền nào thì không?

Theo giáo sư luật học Brian Tamanaha, thượng tôn pháp luật có nghĩa là cả chính quyền lẫn người dân phải cùng chịu sự ràng buộc bởi luật, và phải tuân theo luật. Định nghĩa này chứa đựng ba hàm ý chính: giới hạn quyền lực nhà nước, đúng thủ tục pháp lý, và bình đẳng trước pháp luật. [1]

Giới hạn quyền lực nhà nước

Một chính quyền chỉ được coi là thượng tôn pháp luật khi nó bị ràng buộc bởi pháp luật hiện hành. Bằng không, cái việc nó coi trọng pháp luật thực ra chỉ là thượng tôn chính nó. Như vậy, quyền lực của nó phải bị giới hạn.

Trong quá khứ, người ta thường nhận diện một chính quyền thượng tôn pháp luật bằng cách xem xét nó có cam kết hay hứa hẹn gì về quyền lực của chính nó hay không.

Chính như Louis XIV, vị vua có triều đại cai trị dài nhất châu Âu, hình mẫu của một nhà độc tài chuyên chế, cũng từng tuyên bố: “Để mang lại hạnh phúc tối thượng cho một vương quốc, thì các thần dân phải tuân theo quốc vương và chính vị quốc vương ấy phải tuân theo pháp luật”. [2]

Magna Carta là một ví dụ nổi tiếng khác cho thấy nhà vua đồng ý bị ràng buộc bởi pháp luật, khi giới quý tộc Anh nổi dậy ép Vua John phải ký vào Đại hiến chương, trong đó định rõ nhà vua phải tuân theo những cam kết nhất định. Bản cam kết năm 1215 này cũng chính là nền tảng của hiến pháp bất thành văn của nước Anh sau này.

Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy rằng những cam kết kiểu này khó được đảm bảo khi mà vua hoặc giới cai trị trở nên mạnh hơn, lúc đó anh ta chẳng cần quan tâm mình đã từng cam kết những gì, và như thế anh ta lại tiếp tục cai trị tùy tiện.

Do đó, vào thế kỷ 18, nhà tư tưởng Montesquieu đã đề xuất một biện pháp khác. Đó chính là cơ chế phân chia và kiểm soát quyền lực, được các nhà lập quốc Hoa Kỳ áp dụng để xây dựng nên chính quyền Mỹ ngày nay. Giờ đây, cơ chế này được áp dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới như Hàn Quốc, Indonesia, Mexico. Ngoài ra, các quốc gia theo mô hình nghị viện như Nhật Bản, Anh, Canada cũng áp dụng một cơ chế kiểm soát và đối trọng tương tự.



Cụ thể, khi áp dụng cơ chế tam quyền phân lập thì quyền lực chính quyền không bị tập trung vào tay một người hay một tổ chức như trước đây, mà được phân chia thành ba nhánh là lập pháp, hành pháp, và tư pháp. Quyền lực của mỗi nhánh được quy định rõ ràng trong hiến pháp, và mỗi nhánh đều có khả năng chống lại sự lạm quyền của các nhánh kia. Chính sự đối trọng lẫn nhau giữa các nhánh chính quyền khiến cho quyền lực nhà nước được tự kiểm soát.

Ngày nay, để biết được quyền lực nhà nước có bị giới hạn hay không, chúng ta có thể xem xét hiến pháp của nó.

Đúng thủ tục pháp lý


Điều kiện thứ hai của một nhà nước thượng tôn pháp luật là chính pháp luật phải tuân theo một hình thức hoặc thủ tục được ấn định từ trước. Như giáo sư luật học Shen đã khẳng định “để đạt tới công lý, thì ta phải áp dụng một cách nhất quán các luật lệ và thủ tục đã tạo nên hệ thống.” [3]

Tại sao lại như vậy?

Thứ nhất, nếu không tuân theo các thủ tục được coi là công bình và hợp pháp, thì rất khó để cho ra một kết quả hợp pháp. Dĩ nhiên thôi, vì luật pháp còn có ý nghĩa gì nếu ta không tuân theo các thủ tục pháp lý của nó?

Thứ hai, khi chính quyền buộc phải tuân theo những thủ tục được quy định (trước khi họ có thể tước đoạt mạng sống, tự do hay tài sản của công dân), thì mức rủi ro cai trị chuyên quyền sẽ giảm thiểu, và cái viễn cảnh các quyền cá nhân bị tước đoạt một cách oan ức cũng sẽ được hạn chế.

Cuối cùng, việc tuân theo thủ tục giúp chúng ta có thể dự đoán trước được tiến trình của luật pháp, từ đó cho phép ta chủ động trong cuộc sống.

Tuy nhiên, chúng ta phải lưu ý rằng việc tuân theo thủ tục chỉ là một điều kiện cần của công lý, chứ không phải điều kiện đủ. Ta cần phải hiểu rằng, khi luật bất công thì việc tuân theo thủ tục pháp lý chỉ đơn thuần là củng cố sự bất công đó. Đã có vô số ví dụ về điều này, chẳng hạn như nạn phân biệt chủng tộc ở Mỹ và Nam Phi trước đây.

Nếu ta đánh đồng việc “đúng thủ tục” là “thượng tôn pháp luật”, thì ta chỉ đang đem lại tính chính danh về hình thức cho những chế độ độc tài. Bởi vì, theo tư tưởng của triết gia John Rawls, “một lý thuyết dù vẻ ngoài hay ho và hợp lý đến đâu cũng phải bị bác bỏ hoặc xem xét lại nếu nó không đúng đắn; tương tự như vậy, luật pháp và các thiết chế xã hội dù có được sắp đặt tốt và hữu hiệu đến đâu cũng cần phải cải cách hoặc hủy bỏ nếu chúng không công bằng.” [4]


John Rawls (1921-2002), triết gia chính trị người Mỹ.

Còn một lưu ý quan trọng khác, ấy là luật pháp có thể thay đổi, và như thế thủ tục cũng sẽ thay đổi theo. Tuy nhiên, chính quyền không thể tùy tiện muốn thay lúc nào thì thay, hay là thay thế nào cũng được. Nhà bình luận thời trung cổ Ulpian đã khẳng định rằng, “nếu luật được coi là công lý trong một thời gian dài, thì phải có lý do chính đáng ta mới có thể thay đổi nó”. [5]

Ngày nay, trước khi thay đổi luật pháp và đưa ra một bộ luật mới, ta phải xem xét nó có vi phạm quyền con người và quyền hiến pháp hay không. Nếu có, thì đó là một bộ luật bất công, và các công dân phải có nghĩa vụ chống lại nó thay vì tuân thủ theo các thủ tục của nó một cách cứng nhắc.

Bình đẳng trước pháp luật


Không thể nói rằng một xã hội là thượng tôn pháp luật khi mà các công dân của nó bị phân biệt đối xử.

Do đó, bình đẳng trước pháp luật phải là một trong các tiêu chuẩn tiên quyết của việc thượng tôn pháp luật. Một khẳng định của luật gia danh tiếng Dicey: “không một ai vượt trên được luật pháp, mỗi người dù ở bất cứ cấp bậc hay địa vị nào đều phải tuân theo luật pháp của quốc gia và phải phục tùng quyền tài phán của các tòa án. Bất kể là một quân nhân hay giáo sĩ, nếu có được miễn những nghĩa vụ pháp lý thông thường nhờ địa vị của họ, thì họ vẫn không thể trốn tránh những nghĩa vụ của một công dân bình thường”. [6]

Ở những quốc gia theo hệ thống thông luật, yếu tố “bình đẳng trước pháp luật” rất được coi trọng. Theo nguyên tắc tiền lệ pháp (stare decisis), những phán quyết của tòa trong một vụ án đều được đưa thành án lệ, làm khuôn mẫu xét xử để áp dụng cho những vụ việc tương tự.

***

Trên đây là ba điều kiện tiên quyết để xem xét một chính quyền có thượng tôn pháp luật hay không. Ta có thể nói rằng, chính quyền nào không thỏa mãn dù chỉ một trong ba điều kiện này thì không thể coi là thượng tôn pháp luật.

Từ những kiến thức cơ bản trên, ta có thể dễ dàng nhận diện các tuyên bố của giới chính trị gia, rằng đâu mới là một chính quyền thượng tôn pháp luật thực sự, và đâu là lời tuyên bố giả tạo trá hình. Mà một chính quyền không thượng tôn pháp luật thì không có tư cách gì để kêu gọi người dân phải tuân theo pháp luật cả.

Chú thích:
[1] Brian V. Tamanaha; The History and Elements of the Rule of Law; Singapore Journal of Legal Studies; 2012; trang 236.
[2] Andre Tunc, “The Royal Will and the Rule of Law” trong sách Arthur E. Sutherland biên tập; 1956; Government Under Law; Harvard University Press; trang 408.
[3] Yuanyuan Shen; “Conceptions and Receptions of Legality: Understanding the Complexity of the Law Reform in China”; trong sách Karen G. Turner, James V. Feinerman, R. Kent Guy (biên tập); The Limits of the Rule of Law in China; University of Washington Press; trang 31.
[4] Harry Gensler, Earl Spurgin, James Swindal; Ethics Contemporary Readings;Routledge Contemporary Readings in Philosophy Series; Routledge; trang 230.
[5] Jill Harries; 1999; Law and Empire in Late Antiquity; Cambridge University Press, trang 21.
[6] A. V. Dicey; 1982; Introduction to the Study of the Law of the Constitution; Liberty Fund; trang 114-115.

http://luatkhoa.org/2017/07/cach-nhan-dien-mot-chinh-quyen-thuong-ton-phap-luat/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét