Đường ra khỏi Thôn Hoành…
Bạch Hoàn - Khi ông Nguyễn Đức Chung, chủ tịch UBND TP Hà Nội đang ở huyện Mỹ Đức chờ đối thoại với dân, tôi lại viết tiếp câu chuyện Thôn Hoành… Xin lưu ý là, đường ra khỏi Thôn Hoành không phải cho cá nhân tôi mà cho chính quyền. Khi người dân trong nước mong ngóng, để có thể bước qua những gập ghềnh trên con đường ấy, lúc này thực sự vô cùng khó nhọc.Chúng ta hãy bắt đầu bằng thông tin này: “Ngày 15-4, khi bốn người trong xã bị bắt để phục điều tra vụ án gây rối trật tự công cộng bắt nguồn từ những vướng mắc trong giải phóng mặt bằng phục vụ mục đích quốc phòng, nhiều người dẫn xã Đồng Tâm đã phản ứng”, Vnexpress đưa tin chiều nay.
Còn đây là lời kể của người dân xã Đồng Tâm. Ngày 15-4, họ được yêu cầu đi đo mốc giới ở khu vực người dân thôn Hoành đang cho rằng đó là đất nông nghiệp, còn chính quyền Mỹ Đức khẳng định là đất quốc phòng. Nhưng khi ra đến nơi thì bị bắt lên xe, trong đó có cụ Lê Đình Kình, 82 tuổi. Cụ Bùi Viết Hiểu, 75 tuổi, chạy thoát.
Giữa hai nguồn tin, tôi thắc mắc vài điểm:
Một là, nếu việc bắt người là để phục vụ điều tra vụ án gây rối trật tự đã được khởi tố trước đó, thì quyết định bắt người có nêu tên cụ thể những cá nhân nào?
Hai là, cụ Lê Đình Kình đã 82 tuổi, có cần thiết phải bắt giữ hay không? Nếu cần thiết, hoàn toàn có thể mời, thậm chí triệu tập cụ lên cơ quan điều tra để làm việc. Hơn nữa, ngay cả trường hợp khởi tố bị can, tôi chỉ đặt giả thiết như vậy, thì một cụ già 82 tuổi đương nhiên không có khả năng chống cự những chiến sĩ cảnh sát lực lưỡng, được đào tào võ thuật. Vậy thì, tại sao lại trấn áp và vì sao cụ bị thương phải phẫu thuật?
Quay trở lại thôn Hoành. Cho đến bây giờ, khi để xảy ra đối đầu, chính quyền huyện Mỹ Đức đã thất bại. Xét trên bình diện dư luận xã hội thì một chính quyền để người dân phải bắt giữ con tin đổi lấy sự trở về của người dân quê họ, đổi lấy sự đối thoại của những người trách nhiệm, là một chính quyền thất bại cả về công tác dân vận và thực thi pháp luật. Xét trên bình diện hẹp hơn, chỉ ở bên trong Đồng Tâm, thì đầu thôn cho đến bên trong thôn Hoành, sự kiểm soát bây giờ thuộc về người dân. Tôi hỏi, từ hôm dân thôn Hoành bắt và tạm giữ 38 người được cho là cảnh sát cơ động ở nhà văn hoá thôn đến nay thì chủ tịch xã có tới gặp và làm việc với người dân không? Cụ Hiểu khẳng định, không hề thấy bóng dáng của chủ tịch xã đâu nữa!?
Cho đến giờ này vẫn còn 20 con tin là người của chính quyền bị giữ lại. Người của dân bị bắt giữ hôm 15-4 đã được thả hết, trừ cụ Kình đang phải nằm viện. Vì sao người dân thôn Hoành vẫn giữ 20 người? Người dân ở đó khẳng định, vì họ muốn chính quyền đối thoại với dân. Nhưng, nguyện vọng của người thôn Hoành giờ đã được gửi đến cấp cao hơn, đó là Chính phủ. Cụ Hiểu nói rằng, bây giờ người dân muốn Chính phủ trực tiếp chỉ đạo giải quyết vụ việc.
Trong khi đó, đến chiều tối nay, chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã xuất hiện tại huyện Mỹ Đức nhưng lại không xuống thôn Hoành. Ông Chung muốn mời người dân lên huyện làm việc, ngược lại người dân muốn ông Chung về Thôn Hoành.
Vậy, thực sự người dân muốn gì? Hẳn là nhiều anh chị đang thắc mắc điều này và tôi đã hỏi. Người thôn Hoành khẳng định, họ muốn được xem xét lại toàn bộ vụ việc (gồm cả khiếu kiện đất đai), nếu chính quyền sai, cán bộ nào sai thì phải xử lý. Còn nếu người dân sai thì người dân cũng chịu trách nhiệm.
Tôi thấy, lối ra khỏi Thôn Hoành đã được người dân dọn dẹp sẵn và chờ đợi bước đi của chính quyền. Khi lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của người dân, khi cảm nhận sức nóng hừng hực quyết tâm của người dân nơi ấy, tôi cho rằng nếu không xem xét vụ việc một cách thận trọng, thấu đáo, vẫn dùng biện pháp cứng rắn, thì căng thẳng sẽ còn tiếp diễn.
Dư luận cho rằng, đây là vụ việc nghiêm trọng, càng kéo dài thì niềm tin của nhân dân càng giảm sút. Trước mắt, nếu, xin nhấn mạnh là nếu chính quyền địa phương có đưa lực lượng nào vào khu vực Đồng Tâm thì nên rút về. Chính phủ nên quan tâm và chỉ đạo giải quyết vụ việc này nhanh hơn vụ quán cafe Xin Chào thì mới đúng là một Chính phủ kiến tạo.
Sau khi đối thoại và thoả hiệp với dân, nếu những ngày sau đó lại xảy ra trấn áp thì không khác nào đổ thêm dầu vào lửa. Trong vụ việc này, nếu người lãnh đạo ngồi một cái ghế ngang bằng với dân trong đối thoại, thì chính quyền được nhiều hơn mất. Đó là vụ việc ở Đồng Tâm được giải quyết và niềm tin trong nhân dân cả nước được giữ gìn. Đối đầu với dân chưa bao giờ là khôn ngoan. Và chịu nhún trước dân cũng chưa bao giờ là sự thua thiệt của chính quyền.
Hãy luôn nhớ rằng, lùi một bước trời cao đất rộng…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét