Thứ Sáu, 21 tháng 4, 2017

Thông điệp từ Dương Nội gửi tới Đồng Tâm

Thông điệp từ Dương Nội gửi tới Đồng Tâm
Gần 10 năm sau khi người dân của làng Dương Nội “vùng lên” để đòi lại đất đai của họ thì những người dân của Đồng Tâm - một xã khác cùng thành phố Hà Nội - cũng phải đứng lên đối chọi với chính quyền vì mất thực địa sản xuất. Những người dân của làng Dương Nội ở Hà Đông vẫn đang tiếp tục đấu tranh và người dân Đồng Tâm có thể học hỏi được gì từ 1 thập kỷ đấu tranh của người Dương Nội?

Xô xát giữa người dân Đồng Tâm, Mỹ Đức, và 
cảnh sát trong vụ tranh cãi về sỡ hữu đất đai.
Anh Trịnh Bá Phương, người dân xã Dương Nội, cho rằng những người dân Đồng Tâm đang thắng thế trong cuộc xung đột với chính quyền bởi “phía nhà cầm quyền Hà Nội đã phải nhượng bộ thả tất cả những người dân bị bắt giữ trái phép.” Theo người con trai của nhà đấu tranh quyền đất đai Cấn Thị Thêu đang bị nhà cầm quyền giam giữ, người Đồng Tâm có được sự ủng hộ từ nhiều tầng lớp.


Người dân làng Dương Nội biểu tình bên ngoài một tòa án trước vụ xử "dân oan" Cấn Thị Thêu vào tháng 6 năm 2016. Người dân Dương Nội, Hà Đông, cũng đã có gần 10 năm đấu tranh giành lại thực địa sản xuất từ chính quyền.

“Bà bí thư của xã Đồng Tâm, tức là người có quyền lực cao nhất ở xã Đồng Tâm đã đứng về phía nhân dân, đã cùng với cụ Kình, một người cao tuổi ở Đồng Tâm ra đấu tranh và sát cánh cùng với người dân trong cuộc đấu tranh giành lại thực địa sản xuất. Hiện nay cho dù nhà cầm quyền Hà Nội đang có lợi thế về số lượng báo chí, truyền hình, truyền thông cả hình và viết nhưng người dân Đồng Tâm với số lượng 6000 dân thì tôi tin rằng người dân Đồng Tâm cũng có biện pháp và họ cũng đã lường trước tất cả các tình huống đàn áp từ chính quyền Hà Nội và tôi nghĩ rằng họ đang ở thế thắng.”

Bắt đầu từ năm 2008, người dân Dương Nội, cũng giống như người dân Đồng Tâm hiện nay, đã đồng loạt đứng lên đấu tranh trước chính quyền với mọi tầng lớp từ già tới trẻ tham gia. Theo anh Phương, cũng giống như Đồng Tâm, cuộc “nổi dậy” đó của người Dương Nội đã “làm cho những người làm trong chính quyền cấp thôn xã đều đã phải bỏ trốn hoặc phải ngụy trang và hóa trang khi ra đường.”

 "Nhà cầm quyền Hà Nội đã sử dụng trăm mưu ngàn kế để đánh phá người dân Dương Nội....nhưng những người dân Dương Nội vẫn đang kiên cường và tạo thành khối đoàn kết để đấu tranh." Trịnh Bá Phương, nhà hoạt động quyền đất đai Dương Nội


"Nhà cầm quyền Hà Nội đã sử dụng trăm mưu ngàn kế để đánh phá người dân Dương Nội” – từ đe dọa tới bắt giam, theo anh Phương. Bà Cấn Thị Thêu, mẹ của anh đã bị kết án 9 năm tù giam vì đấu tranh cho quyền đất đai của Dương Nội. Nhưng anh Phương cho biết những người dân Dương Nội vẫn đang kiên cường và tạo thành khối đoàn kết để đấu tranh.

“Hiện nay bà con ít xuống đường hơn so với những năm trước. Đó là những phương pháp do bà con ở đây đưa ra đó là đấu tranh trường kỳ. Tức là bà con trong quá trình này sẽ làm những tập phim. Qua những tập phim của các đoàn làm phim có cả phụ đề tiếng Anh để cho toàn dư luận thế giới biết được những tội ác mà nhà cầm quyền Hà Nội đã gây ra đối với người dân Dương Nội.”

Người dân Dương Nội, theo anh Phương, sẽ đấu tranh đến cùng để giành lại đất đai và “bà con không coi việc nhà cầm quyền Hà Nội bắt giữ mẹ tôi là một nỗi đe dọa đối với bà con” và “cũng hiểu được rằng dư luận đang rất phẫn nộ và cũng hiểu được rằng có cộng đồng rất lớn – trong đó có các cơ quan và chính phủ các nước phương Tây rất quan tâm.” Anh Phương cho biết đại diện khối Liên minh châu Âu tại Hà Nội cũng như các đại sứ quán, Tổng thống Pháp và Cục phó Cục An ninh Mỹ Ben Rhodes quan tâm tới trường hợp của bà Cấn Thị Thêu và cuộc đấu tranh của làng Dương Nội.

Nhờ có sức ép của cộng đồng quốc tế mà chính quyền địa phương đã phải “xuống nước” và nhượng bộ. Anh Phương cho rằng về lâu dài người dân Đồng Tâm cũng cần có được sự chú ý và giúp đỡ từ cộng đồng quốc tế như người dân Dương Nội đã làm.

Người dân Đồng Tâm tiếp theo 1 năm sau hay 2 năm sau có thể áp dụng giống như Dương Nội tức là có thể họ sẽ tổ chức nhiều những cuộc xuống đường tại trung tâm thủ đô, như tại bờ hồ Hoàn Kiếm, theo anh Phương, và họ sẽ tiếp xúc gặp gỡ nhiều cơ quan báo chí và các tổ chức nhân quyền để các chính phủ phương Tây họ quan tâm đến vấn đề đất đai ở Việt Nam. Họ cũng sẽ làm giống như Dương Nội hiện nay là kêu gọi ủng hộ. Và họ không thỏa hiệp không đàm phán với chính quyền thì họ sẽ tiến tới thành công.

Sau 10 năm tranh chấp đất đai, xô xát đã nổ ra hôm 15/4 ở Đồng Tâm khi chính quyền muốn giao 47 ha đất cho công ty bưu chính của bộ Quốc Phòng Viettel. Hiện người dân Đồng Tâm vẫn đang giữ 20 cảnh sát cơ động được điều đến địa phương để “thi hành công vụ.”

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nói tại một cuộc họp tổng kết công tác năm 2016 của ngành tài chính vào đầu năm nay rằng nguồn lực công, đặc biệt từ đất đai không được định giá chính xác là tâm điểm của tham nhũng và lợi ích nhóm. Đất đai vẫn đang là một trong những vấn đề nóng bỏng nhất trong mối quan hệ giữa nhà nước với người dân ở Việt Nam. Số liệu trong báo cáo 2035 của chính phủ và Ngân hàng Thế giới cho thấy 70% trong số khoảng 700.000 đơn khiếu nại gửi đến chính quyền giai đoạn 2009-2011 có liên quan đến vấn đề thu hồi và mâu thuẫn về đất đai.

Mời xem Video: [Giải mật] Lý do tại sao Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung sợ gặp người dân ở Đồng Tâm Mỹ Đức?

VOA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét