Hợp đồng có điều khoản 3, mục 4: Bên B được ưu tiên gia hạn hợp đồng khi kết thúc thời hạn, nếu chủ trương chung không thay đổi. Điều 4: Nếu chủ quan của bên A do chủ trương cần thay đổi phương hướng sản xuất, bên A muốn thu hồi đất khoán một phần hay toàn phần, phải báo trước cho bên B ít nhất 2 tháng, đồng thời bồi thường cho bên B thỏa đáng trên cơ sở quy định chung của Nhà nước.
Với những cam kết và bảo đảm “chắc lụi” như vậy của các cấp Nhà nước, làm người ta vô cùng an tâm, dốc toàn lực toàn tâm lao vào sản xuất. Khổ nỗi, đây là vùng trũng phèn cực nặng, trước năm 1975 không một bóng người ở, dù chỉ cách trung tâm thành phố khoảng 20 km, và được xem là vùng oanh kích tự do cho các phi cơ chiến đấu xuất phát từ Tân sơn nhất và Biên hòa. Sau 1975, thanh niên xung phong được huy động để đào kênh thoát nước và quy hoạch thành 3 nông trường: Phạm Văn Hai, An Hạ, Lê Minh Xuân với tổng diện tích khoảng 3.000 ha. Dân đi kinh tế mới được chia mỗi hộ 1.000 m2 dọc theo trục lộ, ngang 20, dài 50 mét. Đến thời kỳ đổi mới, năm 1995 ra đời nghị định số 01/CP giao khoán đất cho nông dân, mỗi hộ nhận từ 1 đến 8 ha. Có tổng số khoảng 500 hộ nhận khoán, bởi thông tin được tiết lộ rất giới hạn, đặc biệt trong giới cán bộ đi kháng chiến. Lúc ban đầu bao nhiêu cây xoài trồng lên đều tàn lụi sau vài năm, vì rễ ăn sâu xuống gặp phải phèn. Cả nông trường lẫn hộ nhận khoán đều liên tục thay đổi cây trồng. Kết quả cũng giống nhau, chỉ tốt lúc ban đầu, sau đó tàn lụi. Vì thế tiền đầu tư đổ vào như đổ xuống giếng!
Anh Ba Nghi, lô 8A/K5, nay 68 tuổi vay nợ người em ruột tại Hoa kỳ 40.000 Mỹ kim, và bà con bên vợ 35 cây vàng, gây nên một vườn ổi, với mỗi cây là một đường ống nhỏ giọt theo kiểu Israel, cho đến nay vẫn không trả nổi một đồng nào. Vợ anh khóc ròng nói: phải bỏ xứ không dám trở về nhà nhìn mặt anh em. Riêng anh Nghi, khi nhận được thông báo: nhổ sạch cây trồng, giao trả đất lại đã phải ngất xỉu, đưa đi bệnh viện cấp cứu.
Anh Ba Phúc, 67 tuổi, lô 8A/K4 vay nợ bà con bên vợ tại Hoa kỳ 150.000 Mỹ kim, nay vẫn còn nguyên chưa trả được xu nào. Anh Lê Tấn Cẩm, 80 tuổi, vốn là đại tá, tham mưu trưởng Quân đoàn 4 đã về hưu tại Kênh 1, lương tháng 12 triệu, trút hết vào mảnh đất 4,5 ha suốt 20 năm, vị chi là 2,8 tỉ đồng chưa kể tiền của vợ hàng tỉ khác nữa, nay vườn bưởi khá xum xuê, bắt đầu thu hoạch, lại được thông báo … nhổ sạch giao trả đất! Nghe hung tin anh cũng bị choáng váng rồi ngã quỵ và được gia đình mang đi cấp cứu mấy ngày sau đó. Chị Đặng thị Ngọc Thúy, 60 tuổi, phu nhân cựu Giám đốc Sở Nông nghiệp Trương Hoàng, dưới thời bí thư thành ủy Trương Tấn Sang, đổ vào mảnh đất nhận khoán 2,5 ha, khoảng 7 tỉ đồng, tạo ra một vườn bưởi trứ danh. Chủ tịch nước Trương Tấn sang đã có lần mang bưởi này sang Pháp, tặng cho ông bác sĩ giải phẫu của mình. Nông trường Phạm Văn Hai nhiều lần đến mua bưởi của chị để … quảng cáo thành tích của mình! Cựu tổng giám đốc Tổng công ty Nông nghiệp Sài gòn Nguyễn Trung Tín, cũng trút hết lương hưu vào mảnh đất nhận khoán, chưa thu hoạch gì cả. Cựu đại tá Công An Nguyễn Duy Hùng đổ vào mảnh đất rộng 2 ha đã 3 tỉ đồng vẫn còn trắng tay. Anh Đặng Sĩ Thanh, 70 tuổi, đổ vào mảnh đất 2,5 ha 4 tỉ với một vườn bưởi đã thu hoạch, nhưng năm 2015 bị ngập nước chết sạch. Cựu trung tướng Nguyễn văn Chia (ba Chia), tư lệnh quân khu 7 đã trút hết tài sản mình vào mảnh đất khoán 3 ha, thuộc kinh 6 An hạ, trước khi bất ngờ qua đời cách nay 7 năm vì té cầu thang. Hàng mấy trăm trường hợp đau lòng điển hình như thế.
Tất cả đều muốn nổi điên lên khi nhận được thông báo nhổ sạch cây trồng, dọn nhà, trả đất lại cho công ty Cây trồng TP-HCM! Họ ùn ùn lên công ty để yêu cầu giải trình, nhưng Giám đốc biến mất, viện lý cớ đi họp, dù đã được báo trước 1 tuần lễ, chỉ để cho phó phòng tổ chức hành chánh Cao Mạnh Hoàng tiếp hàng trăm hộ nhận khoán, và y không trả lời được câu hỏi nào. Tiếng kêu thấu trời, oán than ngập đất.
Kịch bản này giống hệt như Đoàn Văn Vươn 5 năm trước đây. Để tránh tái diễn thảm kịch đó, Quốc hội đã ban hành luật đất đai năm 2013, và nghị định Chính phủ số 43-2014/NĐ-CP hướng dẫn thi hành, trong đó điều 74 khoản 2 quy định: Hộ gia đình, cá nhân, trực tiếp sản xuất nông nghiệp, đang xử dụng đất nông nghiệp được Nhà nước giao, công nhận, nhận chuyển quyền xử dụng đất, khi hết thời hạn xử dụng đất thì được tiếp tục xử dụng đất theo thời hạn quy định tại khoản 1 điều 126 (là 50 năm) và khoản 3 điều 210 (thời hạn tiếp tục bắt đầu từ lúc hết hạn 20 năm) của luật đất đai mà không phải làm thủ tục điều chỉnh thời hạn xử dụng đất. Kỹ lưỡng hơn nữa, nghị định số 168/2016/NĐ-CP ngày 27-12-2016 do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc còn nói rất rõ về khoán rừng, vườn cây và diện tích mặt nước trong các ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên nông lâm nghiệp Nhà nước. Điều 6, khoản 1 quy định thời hạn khoán: Thời hạn khoán ổn định, theo chu kỳ cây trồng, vật nuôi, hoặc chu kỳ sản xuất kinh doanh hoặc theo thỏa thuận giữa bên khoán và bên nhận khoán, nhưng tối đa không quá 20 năm và trong thời hạn bên khoán được nhà nước giao đất, cho thuê đất nông nghiệp. Trường hợp hợp đồng hết hạn, nếu bên khoán không vi phạm hợp đồng, đáp ứng được các tiêu chí quy định tại điều 4 nghị định này, có nhu cầu nhận khoán thì được tiếp tục ký hợp đồng.
Tóm lại mọi quy định pháp luật, kể cả ngay trong hợp đồng mà hộ nhận khoán đã từng ký kết với nông trường cách nay 20 năm đều cho phép ưu tiên tiếp tục nhận khoán. Do đó thông báo dọn sạch cây trồng, vật nuôi, giao trả lại đất là hoàn toàn không có căn bản pháp lý nào cả, không dựa vào đạo lý nào cả. Mà chỉ là luật giang hồ, kẻ mạnh đàn áp kẻ yếu thế. Không có giá trị thực hiện, ngoại trừ bạo lực. Nhưng bạo lực chắc chắn sẽ được đáp trả bằng bạo lực, đổ vỡ cho tất cả 2 bên.
Vì sao giám đốc công ty Hứa Văn Hưng lại cả gan ký một thông báo như thế, bất chấp luật pháp và tình người? Bởi vì khai khẩn một vùng đất hoang vu, không người ở hoàn toàn, không phải đơn giản như là chuyện cắm một cây cọc sắt xuống đất, đến hết thời hạn thì nhổ cọc đi, trả lại đất. Đó là trồng một vườn cây, phải đổ ra bao nhiêu mồ hôi, công sức và tiền của mới được xanh um, tươi tốt. Chỉ cần buông lỏng trong 2 tháng không chăm sóc là cỏ mọc che kín, hoang hóa trở lại như ban đầu. Với thời gian, nó sanh sôi gốc rễ, tàn lá xum xuê, nhổ đi là cả một vấn đề. Đó là chưa kể cây đã phải trồng đi trồng lại nhiều lần. Các nhà làm luật và mọi người bình thường ai ai cũng biết rõ chuyện này, nên đã có những văn bản pháp luật chặt chẽ để bảo vệ quyền lợi người nông dân. Khi bị truy hỏi, ông Hưng trả lời lấp liếm: Do lệnh của tổng công ty Nông nghiệp Sài gòn chủ quản, ban xuống phải thi hành, nếu không sẽ bị đuổi việc! Cứ cho là như thế. Vậy Tổng công ty Nông nghiệp Sài gòn là ai? Ai chỉ đạo? Không ai khác ngoài TGĐ Lê Tấn Hưng, em ruột của … cựu bí thư thành ủy Lê Thanh Hải! Không cần nói nhiều, ai cũng biết rõ nhân vật này như thế nào rồi. Chỉ cần vào YouTube hay Google, gõ tên là biết ngay “thành tích” của các đại ca!
Giao một tài sản đất đai khổng lồ cho những con người bất chấp luật pháp và tình người như thế quản lý, thử hỏi đất nước và nhân dân này sẽ đi về đâu? Chắc chắn 500 quả bom Đoàn Văn Vươn này sẽ làm long trời lở đất vùng ngoại ô phía bắc thành phố Hồ Chí Minh, nếu không có ai đó dập tắt kịp thời cái ngòi nổ mà giám đốc Hứa Văn Hưng đã châm lửa.
Một số nạn nhân trong vụ cướp này
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét