Thứ Hai, 10 tháng 4, 2017

GDP vẫn phải “cậy nhờ” giá dầu

GDP vẫn phải “cậy nhờ” giá dầu
Đề xuất “múc” thêm 1 triệu tấn dầu lên bán để “cứu vãn” GDP chứng tỏ nền kinh tế vẫn chưa thay đổi về chất. Tăng trưởng GDP quý I/2017 chỉ đạt 5,1%, thấp nhất trong 3 năm trở lại đây. Một trong những nguyên nhân được nêu ra là do sụt giảm của ngành khai khoáng. Trước bối cảnh này, đại diện Chính phủ cho biết nhiều khả năng năm nay có thể tăng khai thác 1 triệu tấn dầu nữa.
Công nhân làm việc trên mỏ Thỏ Trắng
ngoài khơi biển Vũng Tàu - Ảnh: BÍCH NGỌC
Trái với kỳ vọng
TS Cấn Văn Lực cho rằng tuy công nghiệp khai khoáng quý I vừa qua giảm mạnh nhưng đó là do chủ định của chúng ta. 
Cụ thể, Chính phủ đặt kế hoạch khai thác 12,28 triệu tấn dầu trong năm nay, giảm 3,1 triệu tấn so với năm 2016. Riêng quý I/2017, sản lượng dầu khai thác giảm 600.000 tấn so với cùng kỳ năm ngoái. Chưa kể, nhiều lý do có thể tác động đến GDP như giải ngân đầu tư công quá chậm, chỉ đạt 12,4% kế hoạch; bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng nếu loại trừ yếu tố giá thì chỉ tăng 6,2% - thấp hơn mức 7% của năm ngoái.

Theo TS Đặng Đức Anh, Trưởng Ban Phân tích và Dự báo Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF - Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong quý II/2017, nếu như niềm tin kinh doanh của doanh nghiệp (DN) tiếp tục ổn định, bất chấp những suy giảm và khó khăn trong quý I vừa qua và mức sụt giảm công nghiệp khai khoáng thấp hơn thì GDP có thể tăng khoảng 5,6%. Trong đó, công nghiệp có mức tăng mạnh nhất, đạt 6,3%; nông nghiệp và dịch vụ chuyển biến tích cực với mức tăng lần lượt là 2,3% và 6,8%.

Điều đáng lưu ý, dự báo kịch bản tăng trưởng như trên cho quý thứ 2 trong năm chỉ có thể thành sự thật khi công nghiệp khai khoáng không sụt giảm mạnh như quý I vừa qua. “Nền kinh tế về chất chưa thay đổi nhiều nên chưa bù đắp được bao nhiêu. Năm 2015-2016, chúng ta vẫn phải khai thác thêm dầu thô để duy trì tăng trưởng. Cơ cấu kinh tế phụ thuộc nhiều vào DN nhà nước, mà DN nhà nước thì ì ạch, còn DN tư nhân lại nhỏ. Các dấu hiệu của quý I/2017 cho thấy tình hình càng trở nên sâu sắc, quá trình tái cơ cấu kinh tế từ năm 2013 chuyển biến mới chủ yếu là chiều rộng” - TS Đặng Đức Anh phân tích.

Như vậy, dù luôn đặt mục tiêu giảm khai khoáng để hướng tới nền kinh tế “chất lượng” hơn nhưng thực tế, chỉ cần giảm khai khoáng là tăng trưởng GDP sẽ giảm ngay. Bởi theo tính toán từ cơ quan chuyên ngành, nếu như khai thác dầu bằng năm ngoái thì tăng trưởng của 3 tháng đầu năm nay sẽ là 5,95%, cao hơn cùng kỳ. Do đó, không thể chối cãi việc giảm “múc” dầu là nguyên nhân trực diện ảnh hưởng tới tăng trưởng và nền kinh tế vẫn phải dựa vào khai thác dầu thô để mang đi bán, trái với kỳ vọng của chúng ta.

Có dấu hiệu “tăng trưởng ảo”

Ở khía cạnh khác, TS Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng tuy giá dầu ảnh hưởng tới tăng trưởng, thu ngân sách và lạm phát của Việt Nam nhưng không đáng lo lắng bằng việc nhập khẩu nguyên liệu phục vụ sản xuất trong nước. Điều này cho thấy nền kinh tế của Việt Nam vẫn chủ yếu là gia công.

“Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương có khả năng sẽ sụp đổ nhưng Việt Nam nên tiến hành đàm phán với Mỹ bằng một hiệp định thương mại tự do khác để được hưởng chế độ bảo hộ toàn diện, từ công nghiệp hỗ trợ cho tới DN. Có thế, chúng ta mới lột xác khỏi “kiếp” gia công” - ông Sang nhìn nhận.

Theo chuyên gia kinh tế - TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, tăng trưởng GDP quý I/2017 thấp nhất trong 3 năm trở lại đây trong khi lạm phát có khả năng tăng trở lại chứng tỏ có dấu hiệu của “tăng trưởng ảo”. “Thời gian qua, mối quan hệ này rất tốt, tức là lạm phát thấp nên tăng trưởng thấp nhưng từ quý I năm nay, lạm phát tăng cao ngoài dự báo mà tăng trưởng lại chùng xuống. Nếu cứ để tình trạng này xảy ra trong cả năm thì có nguy cơ vòng xoáy khủng hoảng kinh tế những năm 2010-2012 sẽ trở lại, phải mất 5-7 năm sau mới tạo được bức tranh kinh tế như vừa qua” - TS Hồ cảnh báo.

Một mối lo ngại khác về nền kinh tế Việt Nam được TS Cấn Văn Lực chỉ ra là số lượng DN tăng nhưng GDP lại giảm. “Phải chăng con số tăng DN là ảo? Quý I cũng chứng kiến số lượng DN giải thể không hề nhỏ. Phải chăng cạnh tranh, năng lực quản trị kém hay do sức ép hành chính giết chết DN?” - ông Lực đặt câu hỏi.

Vị chuyên gia ngân hàng này cũng lưu ý tăng trưởng dự đoán cao nhưng các nút thắt còn nhiều, ví dụ: chất lượng tăng trưởng đa số thiên về lượng; trụ cột cho nền kinh tế là tái cơ cấu chưa đạt thành tựu khi không có DN lớn nào được cổ phần hóa trong quý I vừa qua...

Sẽ tăng khai thác khi giá dầu hồi phục

Theo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), kế hoạch sản lượng khai thác dầu thô năm 2017 của PVN được trình Chính phủ từ tháng 8-2016 và đã được các bộ, ngành tổng hợp để đưa vào tính toán khi xây dựng chỉ số tăng trưởng GDP.

Thực tế, trong quý I/2017, PVN đã khai thác vượt mức 5,5% so với kế hoạch đề ra. Tập đoàn cũng đã nộp ngân sách nhà nước 20.800 tỉ đồng, vượt 12,2% so với kế hoạch. Những yếu tố này cũng có phần tác động tích cực đến GDP và chỉ số sản xuất công nghiệp cả nước.

PVN cho biết giá dầu đang ở mức thấp nên tập đoàn sẽ tập trung phát triển các mỏ tiềm năng để chuẩn bị sản lượng khi giá cao trở lại.

Thùy Dương
http://nld.com.vn/kinh-te/gdp-van-phai-cay-nho-gia-dau-20170409211947677.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét