Xu hướng tự trị của các xứ đạo miền Trung và cuộc chiến chống Formosa
Kiều Phong - Cuộc chiến giữa phe bảo thủ trong chóp bu đảng cộng sản Việt Nam và khối công giáo chống Formosa đang bước vào hồi kịch tính. Kết quả có lẽ chỉ là vấn đề thời gian.Xu hướng tự trị
Cách đây 63 năm, cuộc di dân vĩ đại ở Việt Nam năm 1954, giáo dân Công giáo ngoài ở vĩ tuyến 17 rủ nhau đi vào Nam ồ ạt. Những người cộng sản Bắc Việt tin rằng họ đã thiết lập nền chuyên chính vô sản hoàn thành ở toàn miền Bắc. Nào ngờ đâu, con số ít ỏi những người giáo dân còn bám trụ lại làng quê năm đó qua mấy thế hệ đã sinh sản đông đúc, hình thành nên những xóm đạo tự trị khắp miền Trung.
Điểm mạnh của khối công giáo miền Trung là còn giữ được văn hóa làng-xã. “Trưởng làng” là một ông linh mục ( thường gọi là cha xứ), các “quan chức” trong làng là và hội đồng mục vụ giáo xứ ( còn gọi là ban hành giáo- một hội đồng gồm những “trưởng lão” ). Làng đạo chẳng khác gì một khu tự trị riêng biệt. Từ đầu làng đến cuối làng, hết thảy đều là người công giáo ( thực ra cũng có người lương với tỉ lệ rất nhỏ, đa số đã chuyển đi vì không chịu được tiếng chuông nhà thờ vào mỗi buổi sáng sớm). Tất cả dưới sự lãnh đạo của ông cha xứ, với đội ngũ thừa hành là hội đồng mục vụ, giáo dân và giáo chức ràng buộc với nhau bằng yếu tố tâm linh ( nhà thờ tự hào có thần học thuyết phục được nhiều người). Hai gia đình công giáo tranh chấp nhau khoản gì thì họ sẽ không lên thưa chính quyền, nhà nào nhà nấy tranh thủ lên thưa chuyện với ông linh mục. Ông linh mục ở nông thôn Việt Nam do đó giống như quan tòa, xử lý các tranh chấp trong văn phòng giáo xứ, kết án- khen thưởng một ai trong nhà thờ .
Về địa lý, đó càng là những khu tự trị. Ở nông thôn Việt Nam xã hội chủ nghĩa, tranh chấp nhiều nhất phát sinh liên quan đến đất đai. Riêng đất nông nghiệp của các làng đạo thì lại càng gay gắt. Giáo dân trong làng đạo không đồng ý cho hợp tác xã chia lại đất ruộng, bởi sự thật rằng càng chia thì càng nhỏ- nhiều ông linh mục nói thẳng ra như vậy về cách ăn chia đất của cán bộ địa phương. Sau mỗi lần xã chia lại cánh đồng cho dân thì lại có một khoảng ruộng bị bớt ra để phân lô bán nền, qua một hai lần trò này chẳng còn lừa được ai. Muốn lấy đất của xứ đạo thì phải được dân đồng ý, mà muốn được dân đồng ý, UBND xã luôn luôn phải thương lượng với ông cha xứ. Và khi ông cha xứ nói không với chia lại đất, toàn dân sẽ kiên quyết giữ đất không cho xã chia.
“Đất của làng khẩn hoang- không phải của nhà nước”, câu nói đó gần như là tuyên ngôn, là luật bất di bất dịch của các xóm đạo. Người già trong làng khẩn hoang đất, người trẻ lớn lên làm sân bóng đá trên đất đó. Đất sân bóng là mảnh đất ngàn vàng, mà quan chức nhà nước thì chẳng làm được gì sinh ra tiền ngoại trừ bán đất. Chính quyền địa phương, với lý lẽ “đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do nhà nước đại diện quản lý” cho quân đến để cưỡng đoạt sân bóng. Quan địa phương sai công an huyện kéo xuống làm việc, rồi tự tin hôm sau cho máy ủi đến ủi sân bóng của làng đạo. Thanh niên trong làng đạo biết được, rủ nhau cầm rựa (dao) ra các đường vào sân bóng ngồi gọt dừa để uống. Anh lái máy ủi thấy dân cầm dao như vậy, sợ quá bỏ máy ủi chạy mất. Điều đó chứng tỏ rằng, đến anh máy ủi cũng đã biết được sức mạnh tự trị ghê gớm của xóm đạo.
Một ví dụ khác, một tên trộm chó bị dân làng phát hiện, dân làng báo với ông linh mục. Ông linh mục sai người rung chuông nhà thờ, ngay lập tức dân làng phong tỏa hai con đường đầu làng cuối làng, tên trộm chó có chạy đằng trời. Vào-ra các xóm đạo không phải là chuyện dễ dàng như trước. Tuy không đến nỗi phải có giấy phép mới được vào như các khu công nhân Trung Quốc ở Hà Tĩnh hay Đà Nẵng, làng đạo miền Trung cũng không phải nơi muốn vào thì vào, muốn ra thì ra và muốn làm gì thì làm. Đây đích thị là dấu hiệu của nền tự trị.
Lực lượng thay đổi nền chính trị ?
Nếu tính một thế hệ là 20 năm thì từ cuộc di tản năm 1954 đến năm 2017 là hơn 3 thế hệ ( 63 năm chia 20 năm một thế hệ thì được 3,15 thế hệ). Người công giáo sinh sản theo luật thiên nhiên- không hề kế hoạch hóa gia đình theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Kể cả bây giờ, mỗi cặp vợ chồng người công giáo ở Nghệ- Tĩnh có ít cũng 4 đứa con trở lên, có nhà đến 12-13 đứa. Có những trường mầm non ở nông thôn mà cô giáo lương dân buộc phải làm thân với các phụ huynh giáo dân, bởi học sinh công giáo đã chiếm tỉ lệ cao lắm. Dễ dàng nhận thấy rằng khối công giáo là khối có nhân lực đông nhất trong các công cuộc của dân tộc, nhất là cuộc chiến chống lại tập đoàn gây ô nhiễm Formosa.
Sức mạnh số đông đó đã thể hiện rõ ràng trong chỉ mấy tháng đầu năm 2017 này. Các làng đạo ở Nghệ An- Hà Tĩnh- Quảng Bình đang chống lại thảm họa Formosa hết sức mạnh mẽ. Ban đầu trong làng một, hai người chống đối, chính quyền còn đến tách ra rồi đàn áp cách này cách khác được. Nhưng bây giờ, khi cả xứ đạo đều chống đối, tình thế hoàn toàn đổi khác. Đến lúc này, Bộ chính trị và ngành công an cũng không dám làm căng, thay vào đó họ chọn biện pháp mềm mỏng vừa đấm vừa xoa. Nhất là, họ đuối lý trong vụ Formosa, nên không có cớ để kêu quân đội vào cuộc.
Thảm họa Formosa càng làm cho người công giáo có lý do để đoàn kết. Từ trước đến nay, ở hầu hết mọi xứ đạo ở miền Trung nào, mâu thuẫn giữa ông linh mục và hội đồng mục vụ, hay mâu thuẫn giữa hàng các trưởng lão trong hội đồng mục vụ là luôn luôn có, không thiếu gì những trường hợp kiện tụng nhau ra cả tòa giám mục. Từ ngày có vụ Formosa, những mục tiêu lẻ tẻ đó được gác lại để tập trung cho một mục tiêu vĩ đại : Đuổi hung thần Formosa ra khỏi Việt Nam, cứu giống nòi thoát khỏi gánh nặng non nước này. Trong lịch sử Việt Nam, chưa bao giờ người công giáo có lý do để đoàn kết với nhau như vậy.
Nhất là khi, đúng-sai trong thảm họa Formosa đã quá rõ ràng, ông cha xứ vốn kín kẽ cũng công khai chống đối tập đoàn thép, có ông còn chỉ trích thẳng thế lực bảo kê cho nó giày xéo quê hương. Các khối Phật giáo hay lương dân vô thần không làm được như vậy, vì họ không thể tổ chức nền tự trị. Lời nói của ông sư trụ trì chùa hay lời nói của vị trưởng thôn không có tác dụng hiệu triệu quần chúng. Trong khi đó, một yêu cầu được ông cha xứ được ban hành được thực hiện nhanh chóng, không lề mề như khối lương dân. Giáo dân có chính nghĩa trong vụ này và có lực lượng, tất yếu dẫn đến biểu tình. Thanh niên công giáo miền Trung trước đây nhiều người còn sợ hãi không tham gia đấu tranh, ngày nay cả giáo phận và giáo xứ đều đấu tranh thì đã biết tổ chức với nhau thành từng nhóm. Nhất là, giáo hội công giáo Vatican tổ chức khá chặt chẽ- trên “giáo hội” cộng sản một bậc. Suốt một năm kể từ ngày bắt đầu thảm họa cá chết, chúng ta đã thấy các giáo xứ và giáo dân liên kết với các tổ chức xã hội dân sự mạnh mẽ thế nào.
Cuộc chiến giữa phe bảo thủ trong chóp bu đảng cộng sản Việt Nam và khối công giáo chống Formosa đang bước vào hồi kịch tính. Kết quả có lẽ chỉ là vấn đề thời gian.
Kiều Phong
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét