Kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo
QĐND - Các thành phần kinh tế ngoài nhà nước càng phát triển thì đóng góp vào ngân sách càng lớn, tức là làm cho một bộ phận của KTNN phát triển. Các thành phần kinh tế ngoài nhà nước càng phát triển sẽ góp phần thúc đẩy thành phần KTNN có cải cách, phát triển hiệu quả hơn. Bởi lẽ, trong nền kinh tế quốc dân, các thành phần đều có mối quan hệ biện chứng với nhau, đan xen, liên kết vào nhau, tác động qua lại lẫn nhau.
TS LÊ HỮU THÀNH (áo đen, bên trái)
Cùng với lịch sử và trải qua các kỳ đại hội của Đảng, quan niệm về vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước (KTNN) có những sự thay đổi về chất; càng về sau càng toàn diện và hợp lý hơn. Sự thay đổi này phù hợp với sự thay đổi về nhận thức đối với thành phần KTNN; đối với vai trò của Nhà nước trong quản lý kinh tế.Trong mối quan hệ với các thành phần kinh tế khác, Đảng ta khẳng định: KTNN không lãnh đạo các thành phần kinh tế khác, mà “bình đẳng trước pháp luật, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh". Đảng cũng chỉ rõ: KTNN “là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng và điều tiết nền kinh tế, tạo môi trường và điều kiện thúc đẩy các thành phần kinh tế cùng phát triển”.
Nói đến vai trò chủ đạo trong nền kinh tế của một bộ phận kinh tế nào đó tức là nói đến tầm quan trọng của nó và tính chất quyết định của nó đối với một chế độ xã hội. Bộ phận kinh tế chủ đạo đó phải chi phối và dẫn dắt các bộ phận kinh tế khác cùng phát triển. Như vậy, việc Đảng ta xác định: “KTNN giữ vai trò chủ đạo” là đúng đắn, cần thiết, phù hợp với quy luật phát triển.
Nghiên cứu về mặt kinh tế cho thấy: KTNN dựa trên chế độ công hữu (sở hữu Nhà nước) về tư liệu sản xuất; là chế độ sở hữu phù hợp với xu hướng xã hội hóa của lực lượng sản xuất. Thành phần KTNN không chỉ bao hàm doanh nghiệp nhà nước, mà còn bao hàm sức mạnh kinh tế đứng đằng sau các chính sách và hoạt động quản lý kinh tế của Nhà nước; bao hàm khả năng tổ chức và hoạch định chính sách đúng đắn của Nhà nước; bao hàm sự gắn kết hợp lý của hệ thống doanh nghiệp nhà nước, tài chính nhà nước, luật pháp và hiệu lực quản lý của Nhà nước. Với sức mạnh kinh tế tổng hợp đó, thành phần KTNN có khả năng tạo ra các điều kiện vật chất, các tiền đề kinh tế-xã hội để phát triển tất cả các thành phần kinh tế. KTNN nắm giữ những vị trí then chốt, yết hầu, xương sống của nền kinh tế, do đó, nó có khả năng, có điều kiện chi phối hoạt động của các thành phần kinh tế khác, bảo đảm cho nền kinh tế phát triển theo hướng đã định. KTNN là lực lượng bảo đảm cho sự phát triển ổn định của nền kinh tế; là lực lượng có khả năng can thiệp, điều tiết, hướng dẫn, giúp đỡ và liên kết, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế khác cùng phát triển. KTNN còn đảm nhận các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh có tính chiến lược đối với sự phát triển kinh tế-xã hội đòi hỏi vốn đầu tư lớn vượt quá khả năng của tư nhân. KTNN tham gia vào những lĩnh vực khoa học, công nghệ mũi nhọn, có hệ số rủi ro cao…
Về mặt chính trị, KTNN là “hòn đá thử vàng” để xem xét sự đúng hướng hay chệch hướng xã hội chủ nghĩa trong tiến trình phát triển kinh tế. Bởi vì, Nhà nước ta là nhà nước xã hội chủ nghĩa, nhà nước công nông, nhà nước của những người lao động. Để giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, cần thiết phải khẳng định KTNN giữ vai trò chủ đạo và thành phần này phải ngày càng phát triển trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Nếu không củng cố và tăng cường KTNN thì không thể nói tới chủ nghĩa xã hội. Không thực hiện tốt vai trò chủ đạo của KTNN thì cũng không thể nói tới định hướng xã hội chủ nghĩa, nói tới con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.
Về mặt xã hội, do bản chất về mặt sở hữu và mục đích hoạt động, nên thành phần KTNN gánh vác chức năng và vai trò xã hội to lớn. Đối với bộ phận phi doanh nghiệp (ngân sách, dự trữ quốc gia...) thì đương nhiên, bên cạnh chức năng kinh tế, chính trị, còn có cả chức năng xã hội. Đó là điều không cần phải bàn. Đối với bộ phận “doanh nghiệp” trong thành phần KTNN, hoạt động theo nguyên tắc thị trường cũng đảm nhận những vai trò xã hội lớn. Điều này thể hiện ở chỗ, các doanh nghiệp này phải đảm nhận những ngành ở những địa bàn khó khăn có ý nghĩa chính trị-xã hội mà tư nhân không muốn đầu tư, thực hiện sự bảo đảm cân bằng về đầu tư phát triển theo vùng, miền, đảm nhận các ngành sản xuất hàng hóa công cộng thiết yếu. Đó là những “người lính đi đầu” trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trong cuộc chiến chống đói, nghèo và tụt hậu. Ngay cả những người phản biện nghiêm khắc nhất đối với các doanh nghiệp nhà nước cũng không thể phủ nhận được thực tế đó.
Như vậy, xét trên cả 3 khía cạnh kinh tế, chính trị và xã hội, chúng ta có thể khẳng định rằng, trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, KTNN giữ vai trò chủ đạo là đúng đắn, cần thiết. KTNN là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng, điều tiết nền kinh tế, tạo môi trường và điều kiện thúc đẩy các thành phần kinh tế cùng phát triển vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Tuy nhiên, để KTNN giữ vai trò chủ đạo thì trước hết cần tập trung xây dựng các doanh nghiệp nhà nước vững mạnh. Bởi, doanh nghiệp nhà nước là bộ phận cấu thành KTNN, là công cụ quan trọng để thông qua đó, Nhà nước can thiệp vào nền kinh tế khi cần thiết, chi phối, dẫn dắt và tạo môi trường hoạt động cho các thành phần kinh tế khác, góp phần làm cho KTNN thực hiện tốt vai trò chủ đạo của mình. Phải phát triển và xây dựng khu vực doanh nghiệp mạnh, nắm giữ những lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, nhưng có chọn lọc, không nặng về tỷ trọng, về số lượng doanh nghiệp mà phải chú trọng chất lượng, hiệu quả của các doanh nghiệp nhà nước. Vấn đề này phụ thuộc rất nhiều vào công cuộc tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, mà trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Đây là vấn đề mà chúng ta đang tiến hành hiện nay.
Đối với các bộ phận phi doanh nghiệp của KTNN phải được quản lý sử dụng tốt để thực sự trở thành công cụ đắc lực của Nhà nước trong việc định hướng, hỗ trợ phát triển cho các doanh nghiệp thuộc tất cả các thành phần kinh tế, là công cụ để giải quyết tốt các vấn đề xã hội, tạo môi trường ổn định cho phát triển kinh tế. Khu vực phi doanh nghiệp của KTNN chỉ có thể phát huy được hiệu quả và vai trò của mình khi Nhà nước có một đội ngũ công chức, viên chức mẫn cảm, tinh thông nghiệp vụ, có đạo đức. Nhưng vấn đề này phụ thuộc rất nhiều vào công cuộc cải cách hành chính theo hướng chuyên nghiệp hóa bộ máy Nhà nước và tái cấu trúc đầu tư công, hệ thống tài chính, tiền tệ. Đây cũng là những vấn đề mà Việt Nam đang thực hiện.
Việc khẳng định thành phần KTNN giữ vai trò chủ đạo không có nghĩa là phân biệt, đối xử hay hạn chế các thành phần kinh tế khác. Ngược lại, khuyến khích các thành phần kinh tế ngoài nhà nước (tư nhân, có vốn đầu tư nước ngoài…) có tác động tích cực đến sự phát triển của KTNN, để KTNN thực hiện tốt hơn vai trò chủ đạo của mình. Điều đó thể hiện trên những khía cạnh chủ yếu sau: Các thành phần kinh tế ngoài nhà nước càng phát triển thì đóng góp vào ngân sách càng lớn, tức là làm cho một bộ phận của KTNN phát triển. Các thành phần kinh tế ngoài nhà nước càng phát triển sẽ góp phần thúc đẩy thành phần KTNN có cải cách, phát triển hiệu quả hơn. Bởi lẽ, trong nền kinh tế quốc dân, các thành phần đều có mối quan hệ biện chứng với nhau, đan xen, liên kết vào nhau, tác động qua lại lẫn nhau. Sự phát triển năng động, hiệu quả của thành phần kinh tế ngoài nhà nước là nhân tố vừa trực tiếp, vừa gián tiếp thúc đẩy khu vực nhà nước thay đổi theo hướng hiệu lực, hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, đối với các thành phần kinh tế này, trong quá trình vận động và phát triển luôn cần phải có những định hướng, quản lý, điều hành của Nhà nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng để bảo đảm lợi ích của quốc gia, dân tộc, vì mục tiêu xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa ngày càng phồn vinh, hạnh phúc mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn.
TS LÊ HỮU THÀNH (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam)
http://www.qdnd.vn/thuc-hien-hieu-qua-nghi-quyet-trung-uong-iv-khoa-xii-cua-dang/kinh-te-nha-nuoc-giu-vai-tro-chu-dao-501779
Loại Tiến sĩ 3 xu này cũng ngang hàng với tiến sĩ xây dựng đảng! Hu hu!
Trả lờiXóa