Thứ Bảy, 4 tháng 3, 2017

Thương mại tác động tới tiền lương như thế nào?

Thương mại tác động tới tiền lương như thế nào?
Thương mại có ảnh hưởng xấu đến tiền lương không? Hay chính xác hơn, việc nhập khẩu từ các nền kinh tế có mức lương thấp có làm tổn hại công nhân ở các nền kinh tế có mức lương cao không? Nhiều người cho là như vậy.
Các nhà kinh tế học thì giải thích thuyết phục hơn một chút. Quay trở lại những năm 1930, một nhà kinh tế học về thương mại, Gottfried Haberler, đã lập luận rằng ” tổng thể tầng lớp lao động không có gì phải lo sợ về thương mại quốc tế” – ít nhất là trong dài hạn. Sự tin tưởng này được căn cứ trên ba quan sát.

Lao động, không giống như nhiều nguồn lực sản xuất khác, là cần thiết trong tất cả các ngành nghề. Do đó sẽ luôn có nhu cầu đối với lao động cho dù toàn cầu hóa làm đảo lộn cơ cấu công nghiệp của một quốc gia tới mức nào đi nữa. Qua thời gian, lao động cũng trở nên linh hoạt. Người lao động có thể di chuyển và được đào tạo lại; những người mới gia nhập có thể được thu hút vào các ngành mới nổi thay vì các ngành công nghiệp đang suy giảm. Cuối cùng, công nhân cũng là người tiêu dùng, những người thường xuyên mua hàng hoá nước ngoài tại các cửa hàng địa phương. Ngay cả khi sự cạnh tranh từ hàng nhập khẩu giá rẻ kéo mức tiền lương (danh nghĩa) của họ xuống, rốt cuộc họ sẽ vẫn thu được phúc lợi nếu giá giảm nhiều hơn.

Tuy nhiên niềm tin của Haberler đã không được chia sẻ rộng rãi. Wolfgang Stolper, một nhà kinh tế học Harvard, nghi ngờ rằng sự cạnh tranh từ các quốc gia dư thừa lao động có thể làm tổn hại người lao động ở những quốc gia khác. Năm 1941, ông cộng tác với Paul Samuelson, đồng nghiệp tại Harvard, để chứng minh điều đó.

Định lý Stolper-Samuelson kết luận rằng loại bỏ thuế quan đối với hàng hóa thâm dụng lao động sẽ làm giảm tiền lương nhiều hơn giá, làm tổn hại đến tầng lớp người lao động, ngay cả khi phúc lợi tăng lên đối với tổng thể nền kinh tế. Logic của định lý này dựa trên sự tương tác giữa các ngành công nghiệp có mức độ thâm dụng lao động khác nhau. Tốt nhất nên giải thích định lý này với một ví dụ.

Giả sử một nền kinh tế có mức lương cao được chia thành hai ngành công nghiệp: trồng lúa mỳ (thâm dụng đất) và sản xuất đồng hồ, một ngành sử dụng nhiều lao động và được bảo vệ với mức thuế [nhập khẩu đồng hồ] 10%. Nếu bảo hộ [thuế] được dỡ bỏ, giá đồng hồ sẽ giảm 10%. Điều đó sẽ buộc ngành công nghiệp này phải thu hẹp [quy mô], sa thải lao động và bỏ trống đất (đóng cửa doanh nghiệp). Điều đó tới lượt nó sẽ tạo áp lực làm giảm tiền lương và tiền thuê đất. Đáp lại, người trồng lúa mì sẽ mở rộng sản xuất, lợi dụng nguồn đất và lao động mới có sẵn. Xu hướng này sẽ tiếp tục cho đến khi chi phí sản xuất đồng hồ giảm 10%, cho phép ngành công nghiệp này cạnh tranh với hàng nhập khẩu miễn thuế.

Stolper và Samuelson chú ý đến sự kết hợp của chi phí thuê đất và tiền lương để giúp đạt được mức sụt giảm chi phí này. Người ta có thể giả định rằng cả hai sẽ giảm 10%. Nhưng điều đó là sai lầm. Bởi vì sản xuất đồng hồ là ngành thâm dụng lao động, sự thu hẹp sản xuất của nó sẽ tạo ra nhiều lao động dư thừa hơn đất, gây sức ép làm giảm tiền lương nhiều hơn so với tiền thuê đất. 

Ngược lại, sự mở rộng sản xuất của người trồng lúa mì sẽ gây áp lực làm tăng tiền thuê đất nhiều hơn so với tiền lương. Kết quả cuối cùng là tiền lương sẽ giảm nhiều hơn 10% do tiền thuê đất sẽ giảm ít hơn. Tiền thuê đất sẽ tăng lên một cách nghịch lý. Sự kết hợp của lao động rẻ hơn nhiều và đất đắt hơn một chút sẽ khôi phục lại “giao kèo” giữa hai ngành sản xuất. Nó sẽ ngăn chặn sự thu hẹp của các nhà sản xuất đồng hồ (vì lao động rẻ hơn sẽ có lợi cho họ nhiều hơn mức mà tiền thuê đất cao hơn gây hại cho họ). Nó cũng sẽ kìm hãm sự mở rộng của người trồng lúa mì (vì tiền thuê đất cao hơn ảnh hưởng xấu đến họ nhiều hơn mức mà lao động giá rẻ sẽ giúp họ).

Trong ví dụ này, tự do hóa thương mại làm sụt giảm tiền lương nhiều hơn giá cả hàng hóa, gây tổn hại đến người lao động trong điều kiện thực tế. Kết luận ảm đạm này đã chứng minh là có ảnh hưởng đáng kể. Nó xuất hiện ngay cả 75 năm sau, trong cuộc tranh luận về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương giữa Mỹ và 11 quốc gia khác, nhiều trong số đó là các nền kinh tế có mức lương thấp. 

Một số nhà kinh tế thấy tiếc về tác động này, cho rằng kết luận rõ ràng của định lý không đứng vững nếu đặt ra ngoài các bối cảnh ước lệ mà trong đó định lý được hình thành lúc ban đầu. Ngay cả đồng tác giả của định lý, Paul Samuelson, cũng do dự với kết quả này. Về sau ông viết: “Mặc dù thừa nhận đây là một điều khá có khả năng về mặt lý thuyết, hầu hết các nhà kinh tế vẫn có khuynh hướng nghĩ rằng chân lý trong định lý đó là quá ít ỏi nếu xét đến những cân nhắc khác thực tế hơn.”
Nguồn: “The relationship between trade and wages“, The Economist, 04/09/2016

Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
 http://nghiencuuquocte.org/2016/09/14/thuong-mai-tac-dong-tien-luong/#sthash.4bbXo0Jb.dpuf

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét