Thứ Tư, 8 tháng 3, 2017

Thủ tướng làm gì để ‘đổ vỏ” 63 ngàn tỷ nợ Vinashin?

Thủ tướng Phúc có xuất ngân sách để ‘đổ vỏ” 63 ngàn tỷ đồng cho Vinashin?
Bây giờ là năm 2017. Món nợ khổng lồ của Vinashin vẫn còn gần như nguyên vẹn, và trách nhiệm phải xử lý không ai khác là “tân chính phủ” của người vẫn còn bị một số dư luận xem là “tân thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc”. Quả là chưa có một đời thủ tướng cộng sản nào phải “đổ vỏ” ghê gớm như thời ông Nguyễn Xuân Phúc. Chỉ riêng trong khu vực các tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước mà con số nợ vay đã lên đến 237 tỷ USD, Chính phủ đã bảo lãnh đến bảo lãnh 21 tỷ USD và phải có trách nhiệm trả nợ cho số tiền mà vào thời buổi này “không biết đào đâu ra”.
Trong đó, những cái tên như Vinalines, Vinashin (Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam) vẫn là nỗi ám ảnh thường trực. Chuẩn bị cho một kỳ họp quốc hội mới vào cuối quý 1 năm 2017, phía chính phủ của ông Phúc lại một lần nữa “kêu”: dự phòng ngân sách nhà nước phải ứng trả thay cho Vinashin trong 10 năm tới lên tới 63.2 nghìn tỷ đồng.

Lấy đâu ra số tiền trên? Lại xuất ngân sách để đổ vỏ?

Vào thời thủ tướng cũ là Nguyễn Tấn Dũng, số nợ của Vinashin đã lên tới khoảng 86 ngàn tỷ đồng, tức khoảng 4 tỷ USD, chiếm đến 2.5% GDP vào thời gian đó.

Không thể rút ngân sách để “bù đắp khó khăn” cho Vinashin, vào năm 2005, chính phủ Việt Nam đã tìm cách phát hành trái phiếu quốc tế tại thị trường chứng khoán New York để vay 750 triệu đôla, với kỳ hạn 10 năm và lãi suất 7.125%/năm. Số trái phiếu này đến hạn trả nợ gốc và lãi vào năm 2016. Sau đó chính phủ đã cho Vinashin vay lại toàn bộ số trái phiếu nói trên, nhưng khoản vay này không hiểu do nguồn cơn nào mà đã tiêu tán, để cuối cùng Vinashin hầu như không có khả năng trả nợ cho chính phủ. Tuy thế, hồ sơ vụ này gần như bị đóng lại. Báo chí chỉ dám hé môi rồi sau đó im bặt.

Về sau này, một chuyên gia tài chính là ông Bùi Kiến Thành đã phải nói rằng việc chính phủ giao toàn bộ 750 triệu đôla vào tay Vinashin mà không cần có các dự án cụ thể để giải ngân là “lỗi cực kỳ lớn”.
Đến năm 2010, số dư nợ của Vinashin đã lên đến 80 ngàn tỷ đồng và trở nên “vô phương cứu chữa”.

Vào năm 2010, chính phủ Việt Nam lại phát hành 1 tỷ đôla trái phiếu kỳ hạn 10 năm tại Sở giao dịch chứng khoán Singapore, với lãi suất 6.75%/năm. Số tiền này sau đó được chính phủ cho một số tập đoàn kinh tế lớn như dầu khí, điện lực, Vinalines… vay lại. Tuy thế, cũng không thấy tăm hơi nào từ số tiền “tái cơ cấu Vinashin”. Doanh nghiệp được mệnh danh là “con tàu đắm” này cứ lần lượt nuốt chửng các khoản tiền khổng lồ.

Vào năm 2014, lần thứ ba chính phủ Việt Nam tìm cách phát hành 1 tỷ USD trái phiếu. Tuy nhiên lần này có vẻ không còn “thành công” như hai lần trước đó. Đây cũng là thời gian mà những xung đột chính trị trong chính trường Việt Nam trở nên quyết liệt hơn hẳn trên cung đường “lập thành tích chào mừng đại hội 12 của đảng”.

Cuối năm 2015, chính phủ thêm một lần nữa cố gắng tạo ra kế hoạch “phát hành 3 tỷ USD trái phiếu đặc biệt ra quốc tế”. Nhưng đến giữa năm 2016 thì kế hoạch này đã hoàn toàn tan vỡ.

Còn bây giờ là năm 2017. Món nợ khổng lồ của Vinashin vẫn còn gần như nguyên vẹn, và trách nhiệm phải xử lý không ai khác là “tân chính phủ” của người vẫn còn bị một số dư luận xem là “tân thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc”.

Trong khi đó, một quan chức là ông Nguyễn Ngọc Sự, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC – tên gọi mới của Vinashin) lại trơ tráo: Tất cả các khoản nợ trước đây của Vinashin giờ Bộ Tài chính đứng ra xử lý (!?).

Lê Dung

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét