Thứ Bảy, 11 tháng 3, 2017

Ông Chung và điều khó nói

Ông Chung và điều khó nói
Người ta còn chờ nhiều hơn một lời tuyên bố của chủ tịch Chung để truy đến cùng rằng: Ai bảo kê những điều vi phạm luật công nhiên đó tồn tại. Nếu chỉ dừng lại ở lời tuyên bố thực trạng "ai cũng biết", tôi và bạn sẽ lại phải an ủi nhau bằng một câu rất dễ nói: Cái cơ chế này nó thế.
Một lần, tôi hẹn phỏng vấn một cán bộ của một cơ quan hành pháp cấp tỉnh. Tôi bay từ Hà Nội vào Đà Nẵng. Rồi từ sân bay Đà Nẵng chạy xe vào đến tỉnh mấy trăm cây số nữa, mới gọi điện cho anh, hẹn gặp. Vì tôi biết câu trả lời đầu tiên sẽ là gì: anh sẽ nói rằng tôi phải gửi văn bản đến cơ quan, chờ lãnh đạo phân công, anh mới có thể trả lời.


Nhưng tôi nói, mình đã ở đây rồi, và đã đi gần một nghìn cây số để nói chuyện với anh. Việc đánh vào sự áy náy thành công. Người cán bộ bên kia đầu dây ngần ngại, rồi nói tôi chờ trước cổng cơ quan một chút.

Đúng giờ tan sở, anh phóng xe máy ra, không ngoái lại nhìn tôi đang đứng chờ ngay cổng, mà đi thẳng. Tôi leo lên taxi và nói tài xế đi theo. Chúng tôi cứ bám đuôi nhau chạy lòng vòng một hồi, rồi tấp vào một quán cà phê rất vắng. Quán nằm trong góc đường, ngoài mấy người chúng tôi, không có một vị khách nào.

Cuộc trò chuyện hôm đó, nội dung rất đơn giản. Chúng tôi nói về khó khăn trong công việc của anh, điều mà tất nhiên, trong mắt của tôi, là thứ có thể chia sẻ để nhân dân hiểu - mà thực tế là nhân dân cũng hiểu rồi. Sau này, trong phóng sự của mình, tôi cũng chẳng trích dẫn ý kiến của anh. Nhưng có vẻ như anh nghĩ khác: chuyện đó có chút sắc thái nghiêm trọng.

Cứ mỗi khi tôi nghĩ đến phương thức hoạt động của các cơ quan công quyền, hình ảnh người cán bộ ấy lại hiện lên. Anh đi từ trong sân cơ quan ra, sắc mặt bình thản, đi ngang qua các đồng nghiệp đang ngồi uống nước trước cổng, dắt đường cho phóng viên bám đuôi để đến một quán cà phê vắng trao đổi. Ở hình ảnh đó, thấp thoáng sắc thái của một bộ phim phản gián.

Hình ảnh ấy, nói rằng đằng sau hoạt động của nhiều cơ quan công, có những điều “khó nói”. Những điều khó nói muôn hình vạn trạng: đó có thể là sự an toàn cho vận mệnh chính trị của cấp trên; là những chỉ dấu về sự bảo kê; là những sai sót trong nghiệp vụ; hay thậm chí là những vi phạm nghiêm trọng hơn, không ai biết được cho đến khi có một cuộc điều tra. Hoặc thậm chí, không có gì đáng kể, nhưng phản xạ tự vệ khiến mọi thứ đều trở nên “khó nói” hết.

Như mọi điều khó nói khác trong cuộc sống, những thứ khó nói này, được tạo ra từ những quan hệ rối rắm về lợi ích và cả nỗi sợ đánh mất sự an toàn đang có. Đằng sau rất nhiều thứ mà chúng ta quan sát được ngoài xã hội hôm nay có bóng dáng những điều khó nói.

Tại sao lại có những quán hàng và bãi gửi xe ngang nhiên lấn chiếm vỉa hè như thể đã được cấp một đặc quyền vô hình? Không khó để có câu trả lời nhưng người ta lại thấy: "khó nói". Tại sao vẫn có hãng xe khách dừng đỗ tại một điểm cố định trên đường mà không bị bắt phạt? Cũng dễ biết nhưng lại thật "khó nói"; Tại sao một cán bộ không chuyên môn, năng lực yếu lại được cất nhắc lên vị trí lãnh đạo?

Hay như mới đây, ông Đinh Thế Huynh, Thường trực Ban bí thư lại nêu ra một thực trạng ở các cơ sở Đảng: nhiều đơn vị có 100% cá nhân hoàn thành và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nhưng tập thể đó lại chỉ hoàn thành ở mức trung bình, thậm chí không hoàn thành nhiệm vụ?

Nhiều người đã né tránh các câu trả lời dạng đó bằng một kiểu cười nụ. Và ai hiểu sao cũng được, miễn sao họ không phải là người nói ra cái sự thật ai cũng biết ấy.

Thế nên tuần này, khi ông chủ tịch Hà Nội nói ra được một điều rất khó nói, thì thật dễ hiểu khi nó được người dân hưởng ứng tích cực. Ông nói khái quát: 180 quán bia ở Hà Nội thì hơn 150 quán có công an đứng sau. Câu nói này càng trở nên giá trị khi ông chủ tịch Hà Nội đã sử dụng kinh nghiệm và dữ liệu của một điều tra viên, một người từng đứng đầu ngành công an thành phố để tổng kết.

Sẽ có nhiều người quan niệm rằng nói thì dễ, hành động mới khó. Nhưng chắc chắn cũng sẽ có người hiểu rằng, trong một số trường hợp, bản thân việc nói ra được một thực tế đã là điều rất đáng kể. Nó đã cho phép người ta khơi lại niềm hy vọng ở sự bắt đầu thay đổi.

Cho dù buổi nói chuyện của tôi và anh cán bộ năm xưa rất tệ - tôi không thu được gì mấy, và cái quán trong góc nhỏ ấy, đầy muỗi - nhưng tôi vẫn rất tôn trọng anh, vì ít nhất anh đã dám nói, dù việc đó có thể ảnh hưởng đến sự "an toàn" của chính anh.

Hy vọng rằng việc nhìn vào một thực tế khó nói này của ông chủ tịch, sẽ dẫn đến được những điều... khó nói hơn, và chạm được vào đến bản chất của vỉa hè, hay rộng hơn, là trật tự đô thị, và thậm chí là quy hoạch đô thị. Người ta chờ đợi được đọc và nghe thêm nhiều điều khó nói khác, không chỉ là về cái vỉa hè. Và người ta còn chờ nhiều hơn một lời tuyên bố của chủ tịch để truy đến cùng rằng: Ai bảo kê những điều vi phạm luật công nhiên đó tồn tại.

Nếu chỉ dừng lại ở lời tuyên bố thực trạng "ai cũng biết", tôi và bạn sẽ lại phải an ủi nhau bằng một câu rất dễ nói: Cái cơ chế này nó thế.

Đức Hoàng
http://vnexpress.net/tin-tuc/goc-nhin/ong-chung-va-dieu-kho-noi-3551387.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét