Đổi mới lần 2: Ai làm, đi đâu?
Cuộc tranh luận về ai sẽ đứng mũi chịu sào cho Cuộc đổi mới đợt hai, đổi mới ra sao và để làm gì đang diễn ra giữa chính phủ, các chuyên gia kinh tế, tài chính và giới kinh doanh trong nước. Các cuộc bàn thảo này, được tấp nập thực hiện trước thềm Hội nghị Trung ương 5 (tháng 5/2017) bàn về kế hoạch "Đổi mới" đợt hai, hay "Tái cơ cấu kinh tế lần thứ 2" của Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam.
Đổi mới lần 2 ai làm, đi đâu?
Ông Lê Kiên Thành (con trai nguyên Tổng Bí thư Lê Duẩn) đã kêu gọi một cuộc đoàn kết nội bộ để chống lại những kẻ “nội thù” chống Đổi mới lần 2. Ông vận động: "Đổi mới lần này, chúng ta sẽ phải đứng về một phía chống lại 1/3 chúng ta, mà 1/3 này là những người vừa có tiền vừa có quyền, những người đang được hưởng lợi từ cơ chế quản lý hiện giờ. Vì lẽ đó, lực lượng hưởng ứng tích cực cuộc đổi mới lần 2, tôi tin là sẽ ít hơn 30 năm trước, sẽ khó khăn hơn 30 năm trước, nhưng bằng cách này hay cách khác, họ sẽ được ủng hộ."Việt Nam, sau 30 năm Đổi mới là một Thanh niên đã lớn nhưng chưa đứng vững bằng đôi chân mình. Trước mắt anh ta là một xã hội bất công nhiều mặt, giầu nghèo cách biệt và những đặc quyền đặc lợi đã nằm trong tay các phần tử có chức có quyền.
Sau lưng còn lại là những lời hứa dân chủ, công bằng và văn minh đã bị lãnh đạo bỏ quên vì họ sợ đổi mới chính trị sẽ mất quyền cai trị đất nước.
Trong bối cảnh như thế là cuộc tranh luận về ai sẽ đứng mũi chịu sào cho Cuộc đổi mới đợt hai, đổi mới ra sao và để làm gì đang diễn ra giữa chính phủ, các chuyên gia kinh tế, tài chính và giới kinh doanh trong nước.
Các cuộc bàn thảo này, được tấp nập thực hiện trước thềm Hội nghị Trung ương 5 (tháng 5/2017) bàn về kế hoạch "Đổi mới" đợt hai, hay "Tái cơ cấu kinh tế lần thứ 2" của Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam.
Quyết định Đổi mới đầu tiên diễn ra năm 1986 tại Đại hội đảng lần thứ VI đưa Nguyễn Văn Linh lên làm Tổng Bí thư đảng. Và đợt "Tái cơ cấu" đầu tiên bắt đấu từ năm 2012, một năm sau khi ông Trọng được khóa Đảng XI bầu vào chức Tổng Bí thư, đồng thời có quyết định tái lập Ban Kinh tế Trung ương để tham mưu cho Đảng "về đường lối, chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội."
Đã thấy gì sau 30 năm?
Nhưng sau 30 năm đổi mới, tình hình kinh tế-xã hội Việt Nam ra sao?
Thắc mắc này đã được Tiến Sỹ Lê Kiên Thành, con trai nguyên Tổng bí thư đảng Lê Duẩn trả lời trong bài viết "Sau 30 năm, nghĩ về cuộc đổi mới lần thứ hai", do báo An Ninh Thế giới (Bộ Công an) phổ biến ngày 19/02/2017.
Ông Thành là một thương gia thành công trong chức vụ Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Thực phẩm Thái Minh (TP.HCM).
Ông viết: "30 năm sau đổi mới, không thể không thừa nhận những gì mà chúng ta đã cùng nhau đạt được, nhưng cũng không thể không thẳng thắn và sòng phẳng nói rằng, đây là thời điểm mà chúng ta phải nghiêm túc nghĩ về cuộc đổi mới lần thứ 2 - và cuộc đổi mới này - giống như 30 năm trước cũng sẽ phải là mệnh lệnh!
Cái được mà kinh tế thị trường (KTTT) mang lại đã rõ, nhưng mặt trái của nó cũng khốc liệt không kém.
Khi đổi mới, Đảng và Nhà nước đặt mục tiêu về một nền KTTT định hướng XHCN (Xã hội Chủ nghĩa). Với định hướng đó, chúng ta tìm cách phát triển các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và định hướng nó trở thành mục tiêu chủ đạo của nền kinh tế.
Nhưng qua năm tháng, thay vì biến thành trụ cột, thì chính những DNNN này lại đã và đang trở thành khối ung nhọt đáng sợ nhất của nền kinh tế, nơi mà thất thoát, lãng phí, sự tha hóa và tham ô đều là lớn nhất.
Thay vì trở thành trụ cột, DNNN lại là gánh nặng khủng khiếp của nền kinh tế và làm nền KTTT của chúng ta bị méo mó, biến dạng vì tư duy kinh tế độc quyền, không lành mạnh.
Ngoài sự méo mó đó, chúng ta cũng đối mặt với sự bất công, bất bình đẳng, sự chênh lệch giàu nghèo trong xã hội ngày càng lớn, mà đó vốn là những điều thuộc về lý tưởng của chúng ta, là lời hứa của Đảng và Nhà nước với nhân dân."
Chữ nghĩa của ông Lê Kiên Thành không phải để nói cho vui tai. Chúng phải được coi là những viên đạn bắn thẳng vào hệ thống cầm quyền của đảng và nhà nước Cộng sản Việt Nam. Nó cho ta thấy tham nhũng, lợi ích nhóm, tình trạng bao che cho nhau, cấu kết rút ruột nhân dân và là nguyên nhân của bất công xã hội kéo dài trong nhiều năm thối nát của giới cầm quyền.
Nhưng quan trọng hơn là đảng đã phản bội lời hứa cứu đói, giảm nghèo và tạo công bằng xã hội cho nhân dân.
Những con số
Hậu thuẫn cho cáo buộc của ông Thành, báo chí trong nước đã đồng loạt đưa tin ngày 20/07/2016, dựa vào báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, theo đó rất nhiều Doanh nghiệp Nhà nước đã thua lỗ trong nhiều năm mà vẫn được giúp cho tồn tại.
Điển hình như trường hợp Tổng Công ty tầu biển Vinalines. Báo VietNamNet tường thuật: "Báo cáo cũng chỉ ra rằng, 5/38 tập đoàn, tổng công ty, công ty kinh doanh thua lỗ, mà đứng đầu là Vinalines với số lỗ khủng lên đến gần 3.500 tỷ đồng. Riêng con số này đã gấp nhiều lần số lỗ của 4 đơn vị khác cộng lại."
"Kiểm toán Nhà nước cũng cho biết, còn nhiều đơn vị đầu tư không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp. Trong đó, cái tên Vinalines liên tục được nhắc đến. Có tới 51/63 đơn vị có vốn đầu tư của Công ty mẹ Vinalines thua lỗ hoặc hiệu quả thấp, cổ tức thu được năm 2014 chỉ vỏn vẹn 0,46% vốn đầu tư.
Hay Công ty mẹ Tổng công ty cơ khí xây dựng (COMA), lợi nhuận được chia năm 2014 từ các công ty con chỉ bằng 1,05% vốn đầu tư. Trong 10 công ty con thì có tới 6 công ty thua lỗ với 4 công ty mất vốn chủ sở hữu là COMA 3, COMA 7, COMAEL, Cổ phần Khóa Minh Khai."
VNNET cũng cho biết: "Cơ quan kiểm toán không quên “điểm danh” việc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đầu tư 800 tỷ đồng vào Oceanbank và ngân hàng này bị mua lại với giá không đồng.
Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra nhiều “ông lớn” nhà nước góp vốn vào các DN (doanh nghiệp) có tình trạng tài chính xấu, có nguy cơ ngừng hoạt động hoặc phải giải thể. Trong đó, có những khoản đầu tư vào các DN có số lỗ lớn hơn cả vốn đầu tư của chủ sở hữu.
Chẳng hạn, Tổng công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương TNHH MTV đầu tư vào Công ty Cổ phần Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hạnh Phúc. Đơn vị này có số vốn chủ sở hữu là gần 210 tỷ đồng nhưng lỗ đến trên 852 tỷ đồng.
Nhiều khoản đầu tư vào các đơn vị có lỗ lũy kế lớn. Chẳng hạn PVN rót vốn vào Nhà máy xơ sợi Đình Vũ Hải Phòng (PVTex) lỗ gần 1.500 tỷ đồng,...
Khi góp vốn vào các công ty liên doanh, liên kết, các “ông lớn” nhà nước cũng không thu được nhiều thành quả.
Tổng công ty Lâm nghiệp có 6 công ty liên doanh, liên kết thì lỗ lũy kế 54,7 tỷ đồng và 657.218 USD; Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) có tới 15/19 công ty liên doanh, liên kết lỗ lũy kế hơn 94 tỷ đồng; 3/12 khoản đầu tư dài hạn khác lỗ lũy kế gần 70 tỷ đồng.
Công ty Cổ phần Mía đường La Ngà đầu tư chứng khoán trái quy định, không hiệu quả. Đầu tư chứng khoán chỉ do cá nhân Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc quyết định, không thông qua Hội đồng quản trị theo quy định. Kết quả đầu tư chứng khoán từ 24/9/2007 đến 31/12/2014 lỗ trên 18 tỷ đồng."
Dân được gì?
Bài viết “nặng ký” của con trai nguyên Tổng Bí thư Lê Duẩn đã được thảo luận rộng rãi trong nhiều giới ở trong nước, nhất là khi bài này lại được chính thức phổ biến trên báo của ngành Công an, nơi em ông Thành là Thiếu tướng Lê Kiên Trung đang giữ chức Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, Bộ Công an.
Nhưng liệu có ai đứng sau chống lưng để ông Thành được tự do phát biểu những lời nói như chọc vào tai Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Bộ Chính trị như thế chăng?
Hay là ông Thành đã được linh tính báo cho biết có khuynh hướng muốn lái đảng đến chỗ tự tan nên ông mới hô hào phải “đổi mới” mạnh hơn để cứu đảng thoát trận cuồng phong?
Dù thế nào chăng nữa thì những gì ông Lê Kiên Thành đã nói những điều mà rất nhiều người, kể cả các đảng viên kỳ cựu hay “lão thành cách mạng”, hoặc tranh đấu dân chủ không dám hé răng cũng đã gây nhiều tiếng vang.
Chẳng hạn như khi ông viết thẳng như ruột ngựa: "Giờ nước ta đang là nước xuất khẩu lương thực nhất nhì thế giới, nhưng người nông dân lại là những người khổ nhất trong xã hội này, đó là điều không công bằng. Việc 70% người Việt Nam là nông dân và đang nghèo hơn phần còn lại là không công bằng; việc con em của 70% này không được tiếp cận với nền giáo dục tốt nhất, không được hưởng thụ sự chăm sóc y tế đầy đủ nhất, chính là không công bằng."
"Thế hệ chúng tôi ngày xưa, dù học ở nông thôn hay ở thành thị, thì sự chênh lệch cũng không đáng kể. Nhưng giờ cứ nhìn cách mà những đứa trẻ thành phố được thừa hưởng nền giáo dục, tôi hiểu rằng có ít vô cùng những cơ hội để những đứa trẻ nông thôn có thể cạnh tranh được với những đứa trẻ thành phố khi chúng trưởng thành. Đó là điều vô cùng không công bằng."
Ai làm chủ đất nước?
Hoặc như: "Chúng ta cũng phải đối mặt với sự không dân chủ thể hiện trong rất nhiều vấn đề: Như việc những cán bộ phường, xã không do người dân trực tiếp bầu ra, trực tiếp lựa chọn, mà những cán bộ đó là những người ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống thường nhật của họ; ở nhiều nơi trên đất nước này, công lý đang không thuộc về những người có lẽ phải, mà thuộc về những người có tiền, có quyền.
Cho đến giờ chúng ta mới đang xem xét dự án Luật Biểu tình. Luật Biểu tình đã bị lỗi hẹn tại các kỳ họp Quốc hội từ lần này sang lần khác.
Sẽ là không quá nếu chúng ta nói rằng, dù đã có những thay đổi về kinh tế, nhưng chúng ta đang tồn tại nhiều vấn đề về công bằng, dân chủ, văn minh."
Tuy nhiên ông Lê Kiên Thành không đỏi đảng cũng phải "đổi mới chính trị" để nhân dân thực hành quyền làm chủ đất nước. Nhưng hẳn ông cũng biết "công bằng, dân chủ và văn minh" chỉ có thể xảy ra khi có chính quyền thật sự là của dân, do dân và vì dân.
Vì chính quyền hiện nay chỉ là “của dân” trên bánh vẽ nên “dân chủ” và “tự do”, dù đã quy định trong Hiến pháp, vẫn còn là giấc mộng xa vời.
Hãy nghe ông Thành nói tiếp: "Như tôi đã nói ở trên, cuộc đổi mới năm 1986 về bản chất là vượt qua nỗi sợ hãi của chính chúng ta, để chúng ta dám làm những điều mà chúng ta vì sợ hãi mà đã ngăn cấm. Ví dụ năm 1986, nếu trong 10 điều chúng ta sợ hãi, có lẽ chúng ta đã bỏ được 4 điều. Chỉ bỏ được 4 điều đó thôi, thì nó đã tạo ra sự thay đổi đáng kinh ngạc trong những năm tiếp theo.
Nhưng có một vấn đề nảy sinh là sau 30 năm, chúng ta bỏ được 4 điều, nhưng xã hội chúng ta lại nảy sinh ra 10 điều mới khác cộng với 6 điều của cái cũ mà lẽ ra chúng ta nên làm nhưng chưa dám làm, nó khiến cho vấn đề của chúng ta hôm nay không kém trầm trọng, không kém thách thức hơn 30 năm trước. Thậm chí, có những vấn đề còn phức tạp hơn 30 năm trước."
Nếu ai đó, kể cả giới Đại biểu Quốc hội dám phát biểu như ông Lê Kiên Thành thì cả nước đã vỗ tay hoan hô, báo chí nhà nước cũng đã vào cuộc để “tát nước theo mưa” lấy điểm để cho Bộ Thông tin và Truyền thông khoe Việt Nam có tự do báo chí.
Rất tiếc ước mơ này đã không xảy ra, nhưng tuyệt nhiên cũng không thấy Ban Tuyên giáo chỉ đạo thợ viết nào đứng ra phản bác bài viết của Tiến sỹ Lê Kiên Thành.
Thế chính trị khá đặc biệt của ông Lê Kiên Thành trong tình hình chính trị Việt Nam đầu năm 2017 còn chứng minh bằng lời nói khá thẳng thắn của ông: "Ngày xưa xã hội chúng ta không nhiều tật xấu như bây giờ, không nhiều tệ nạn như bây giờ. Ngày xưa, chúng ta đổi mới vì hiểu rằng đói nữa thì đổ. Giờ thì nếu những người có chức có quyền giàu lên nữa thì đất nước này sẽ đổ. Đó là những nghịch lý mà chúng ta đang phải đối mặt bây giờ.
Năm xưa, chúng ta e ngại KTTT vì lo sợ KTTT sẽ kéo theo đó những mặt xấu nhất của CNTB (chủ nghĩa Tư Bản) vào đất nước của chúng ta. Nhưng đáng buồn là, trong khi nhiều nước CNTB đang tự hoàn thiện mình và thay đổi được những gì vốn thuộc về bản chất xấu xí nhất của họ, thì đất nước chúng ta giờ lại đang giữ trong lòng mình những gì xấu xí nhất của CNTB trước đây, cộng hưởng với những tiêu cực do định hướng XHCN chưa rõ ràng đưa lại."
Cảnh giác nội thù
Sau khi không ngại nói thẳng ra những thói hư tật xấu của đảng sau 30 năm gọi là đổi mới, Tiến sỹ Lê Kiên Thành đặt nghi vấn: "Khi tôi hình dung về cuộc đổi mới lần 2, tôi vẫn luôn tự hỏi một điều: ai sẽ là người khởi xướng và lãnh trách nhiệm lãnh đạo cuộc đổi mới lần 2, nếu cuộc đổi mới này diễn ra trong thời gian tới?
Trong cuộc đổi mới năm 1986, người khởi xướng chính là những người lãnh đạo. Họ kêu gọi đổi mới vì sự bức thiết của xã hội và vì sự trong sáng, không mưu cầu lợi ích cá nhân của bản thân họ."
"Nhưng đến hôm nay", ông Thành nhấn mạnh, "chính một bộ phận trong lực lượng này có lẽ sẽ không sẵn sàng cho đổi mới nữa, vì với những cơ chế đang tồn tại này, nhờ sự bất cập của họ mà họ đã có trong tay rất nhiều lợi ích. Và tôi e rằng họ chính là những người sẽ ngăn cản đổi mới, vì đổi mới sẽ khiến cho nhóm lợi ích của họ bị thiệt thòi. Đổi mới sẽ khiến những lợi ích mà họ có được nhờ những kẽ hở của xã hội sẽ vì thế mà mất đi."
Người con trai của nguyên Tổng Bí thư Lê Duẩn không đi xa hơn nên khó mà biết ông đã ám chỉ thành phần nào đang mưu toan chống đổi mới lần 2. Nhưng ai cũng biết chỉ có những kẻ có chức có quyền mới có thể tham nhũng và tạo phe cánh để bảo vệ quyền lợi cho nhau. Chính thành phần này mới sợ mất quyền lợi khi đổi mới lần này còn có nghĩa “phải thanh toán cái cũ và những con người không còn hợp thời nữa”.
Vậy có phải chúng là những phần tử mà Nghị quyết trung ương 4/Khóa đảng XII gọi là thành phần đang “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” chăng?
Chúng là ai kệ thây. Chỉ biết ông Lê Kiên Thành đã kêu gọi một cuộc đoàn kết nội bộ để chống lại những kẻ “nội thù” chống Đổi mới lần 2.
Ông vận động: "Đổi mới lần này, chúng ta sẽ phải đứng về một phía chống lại 1/3 chúng ta, mà 1/3 này là những người vừa có tiền vừa có quyền, những người đang được hưởng lợi từ cơ chế quản lý hiện giờ. Vì lẽ đó, lực lượng hưởng ứng tích cực cuộc đổi mới lần 2, tôi tin là sẽ ít hơn 30 năm trước, sẽ khó khăn hơn 30 năm trước, nhưng bằng cách này hay cách khác, họ sẽ được ủng hộ."
Kinh tế nhà nước của ai?
Dường như lời cảnh giác của Tiến sỹ Lê Kiến Thành đã “chạm” đến quyền lợi của một bộ phận vẫn muốn Kinh tế nhà nước (KTNN), trong đó có Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) phải “giữ vai trò chủ đạo”.
Phản ứng này xuất hiện trên báo Quân đội Nhân dân (QĐND) ngày 13/03/2017, qua bài viết của Tiếc sỹ Lê Hữu Thành thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
Ông Lê Hữu Thành giáo đầu: "Nói đến vai trò chủ đạo trong nền kinh tế của một bộ phận kinh tế nào đó tức là nói đến tầm quan trọng của nó và tính chất quyết định của nó đối với một chế độ xã hội. Bộ phận kinh tế chủ đạo đó phải chi phối và dẫn dắt các bộ phận kinh tế khác cùng phát triển. Như vậy, việc Đảng ta xác định: “KTNN giữ vai trò chủ đạo” là đúng đắn, cần thiết, phù hợp với quy luật phát triển."
Sau đó ông lý luận: "Phần KTNN không chỉ bao hàm doanh nghiệp nhà nước, mà còn bao hàm sức mạnh kinh tế đứng đằng sau các chính sách và hoạt động quản lý kinh tế của Nhà nước; bao hàm khả năng tổ chức và hoạch định chính sách đúng đắn của Nhà nước; bao hàm sự gắn kết hợp lý của hệ thống doanh nghiệp nhà nước, tài chính nhà nước, luật pháp và hiệu lực quản lý của Nhà nước. Với sức mạnh kinh tế tổng hợp đó, thành phần KTNN có khả năng tạo ra các điều kiện vật chất, các tiền đề kinh tế-xã hội để phát triển tất cả các thành phần kinh tế. KTNN nắm giữ những vị trí then chốt, yết hầu, xương sống của nền kinh tế, do đó, nó có khả năng, có điều kiện chi phối hoạt động của các thành phần kinh tế khác, bảo đảm cho nền kinh tế phát triển theo hướng đã định. KTNN là lực lượng bảo đảm cho sự phát triển ổn định của nền kinh tế; là lực lượng có khả năng can thiệp, điều tiết, hướng dẫn, giúp đỡ và liên kết, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế khác cùng phát triển. KTNN còn đảm nhận các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh có tính chiến lược đối với sự phát triển kinh tế-xã hội đòi hỏi vốn đầu tư lớn vượt quá khả năng của tư nhân. KTNN tham gia vào những lĩnh vực khoa học, công nghệ mũi nhọn, có hệ số rủi ro cao…"
Quanh co “bảo hoàng hơn vua” như thế nhưng ông Tiến sỹ Hữu Thành này đã làm như không biết vô số kể các Doanh nghiệp Nhà nước hay các Tập đoàn Kinh tế của Nhà nước đã ăn hại đái nát và phá hoại nền kinh tế quốc gia bao nhiêu năm rồi?
Mặt trái của chúng đã bị Tiến sỹ Lê Kiên Thành phanh phui ra cho cả nước thấy. Viện Kiểm Toán nhà nước cũng đã phải công khai hoá những cái vòi bạch tuộc hút mất không biết bao nghìn tỷ đồng tiền của dân trong báo cáo năm 2014 như đã trình bầy ở trên.
Nhưng vì không muốn nhìn nhận đảng đã thất bại ê chề trong 30 năm lãnh đạo nền kinh tế gọi là "thị trường theo định hướng Xã hội chủ nghĩa" chả ai hiểu là cái quái gì nên ông Hữu Thành vẫn khăng khăng nói như máy nước chảy rằng: "Về mặt chính trị, KTNN là “hòn đá thử vàng” để xem xét sự đúng hướng hay chệch hướng xã hội chủ nghĩa trong tiến trình phát triển kinh tế. Bởi vì, Nhà nước ta là nhà nước xã hội chủ nghĩa, nhà nước công nông, nhà nước của những người lao động. Để giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, cần thiết phải khẳng định KTNN giữ vai trò chủ đạo và thành phần này phải ngày càng phát triển trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Nếu không củng cố và tăng cường KTNN thì không thể nói tới chủ nghĩa xã hội. Không thực hiện tốt vai trò chủ đạo của KTNN thì cũng không thể nói tới định hướng xã hội chủ nghĩa, nói tới con đường đi lên chủ nghĩa xã hội."
Đi ngược đầu?
Ông Hữu Thành còn quan trọng hóa vai trò của những DNNN nằm trong KTNN để tuyên dương chúng là những: "Người lính đi đầu" trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trong cuộc chiến chống đói, nghèo và tụt hậu. Ngay cả những người phản biện nghiêm khắc nhất đối với các doanh nghiệp nhà nước cũng không thể phủ nhận được thực tế đó."
Nhưng cũng rất thực tế là chẳng có nhà kinh tế nào hiểu nổi đường lối "kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa" giở giăng giở đèn của đảng và nhà nước Việt Nam. Ngược lại ai cũng thấy rõ nhà nước muốn nắm hết và giành hết những khối tiền mồ hôi và nước mắt của dân để độc quyền kinh tế, tự mình thao túng và kiểm soát thị trường để bảo vệ quyền lợi cho đảng cầm quyền.
Chính vì khối DNNN đã phá hoại kinh tế quốc gia trong nhiều năm nên The Global Debt Clock trên trang Economist.com, tính đến thời điểm hiện tại (2017), nợ công Việt Nam đang là 94,85 tỷ USD (U.S. dollars), tương đương 45,6% GDP (gross domestic product, san lượng nội địa), chia bình quân đầu người là 1.039 USD, mức gia tăng nợ là 9,3% /năm.
Sự phát triển kinh tế của Việt Nam cũng chỉ là nền kinh tế làm thuê, hay gia công cho nước ngoài để sống. Kinh tế Việt Nam đã được chứng minh không thể tồn tại nếu không có đầu tư và viện trợ từ nước ngoài.
Và nền kinh tế này cũng không thể sống qua ngày nếu không lệ thuộc vào kinh tế của Trung Quốc.
Do đó, không có gì là cơ bản khi thấy ông Tiến sỹ Hữu Thành vẫn hồ hởi trên báo QĐND: "Như vậy, xét trên cả 3 khía cạnh kinh tế, chính trị và xã hội, chúng ta có thể khẳng định rằng, trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, KTNN giữ vai trò chủ đạo là đúng đắn, cần thiết. KTNN là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng, điều tiết nền kinh tế, tạo môi trường và điều kiện thúc đẩy các thành phần kinh tế cùng phát triển vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh."
Hô hoán như thế thì rõ ràng là ông Hữu Thành chưa đọc bài viết của Tiến sỹ Lê Kiên Thành và nghe lời phát biểu của nhiều chuyên gia kinh tế hàng đầu của Việt Nam tại buổi tọa đàm về chủ đề "Kinh tế 2017 và sinh khí mới từ Chính phủ kiến tạo" được tổ chức tại Thời báo Kinh tế Việt Nam ngày 12/1/2017.
Nhiều người quan ngại kinh tế Việt Nam sẽ bị thiệt hại nhiều trong xuất khẩu và đầu tư từ nước ngoài vì Hoa Kỳ đã rút khỏi TPP (Trans Pacific Partnership), Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược Xuyên Thái Bình Dương.
Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển hy vọng có thể có một môi trường đầu tư tốt do hiệu quả cải thiện của những năm trước, đặc biệt là ở năm 2016 sẽ phát huy tác dụng cao hơn ở 2017.
Ngoài ra nền kinh tế còn có yếu tố động lực từ sự gia tăng của tầng lớp trung lưu dẫn đến tăng cầu nội địa, rồi khu vực doanh nghiệp tư nhân bắt đầu khởi sắc, đặc biệt là phong trào khởi nghiệp.
Tuy nhiên, theo Thời báo Kinh tế: "Về lực cản, ông Tuyển nói, thứ nhất là có nguy cơ bất ổn của kinh tế vĩ mô không được giải quyết. Nợ công tăng, nợ xấu không được giải quyết, đặc biệt là nợ xấu trong ngân hàng không được giải quyết cơ bản.
“Lực cản cực lớn, theo ông Tuyển chính là tăng tưởng chủ yếu vẫn dựa vào đầu tư, vẫn dựa vào xuất khẩu chứ không dựa vào các ngành có giá trị gia tăng cao.
Có chấp nhận giảm tăng trưởng trong ngắn hạn để tái cơ cấu nền kinh tế thực sự hay không là vấn đề cần đặt ra, vừa muốn tái cơ cấu vừa muốn tăng trưởng cao trong ngắn hạn thì rất khó."
Như vậy thì Cuộc đổi mới lần hai sắp diễn ra tại Hội nghị Trương 5 của đảng CSVN chưa biết sẽ đi về đâu vì định hướng của Hội nghị này còn phải tùy thuộc vào chính sách kinh tế của Chính quyền Mỹ Donald Trump đối với kinh tế Trung Quốc trong thời gian tới.
Ấy là chưa biết Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hay nhóm nào ở Việt Nam sẽ cầm đầu cuộc đổi mới sinh tử lần này như cảnh giác của Tiến sỹ Lê Kiên Thành. -/-
(03/017)
© Phạm Trần
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét