Thứ Tư, 5 tháng 7, 2023

Hầu hết người Mỹ cho rằng tự do ngôn luận đang bị xói mòn

Hầu hết người Mỹ cho rằng tự do ngôn luận đang bị xói mòn
1. Quyền tự do ngôn luận bị hạn chế nhiều hơn so với 10 năm trước
Không chỉ riêng quý vị mới tin rằng tự do ngôn luận theo Hiến Pháp đã bị hạn chế ở Mỹ quốc. Một cuộc thăm dò do Quỹ Khối Thịnh Vượng Chung (Commonwealth Foundation) ở Pennsylvania tiến hành trong tháng Sáu cho thấy hầu hết mọi người — 56% số người được hỏi — cảm thấy quyền tự do ngôn luận bị hạn chế nhiều hơn so với 10 năm trước, và 41% cho biết họ hoặc ai đó mà họ biết đã phải kiềm chế nói chuyện một cách tự do trong năm vừa qua vì sợ bị trả thù hoặc bị chỉ trích gay gắt.

Một người phụ nữ giẫm lên tấm biển tự do ngôn luận tại Đại học California – Berkeley ở Berkeley, California, vào ngày 24/09/2017. (Ảnh: Josh Edelson/AFP/Getty Images)

Ông Jeremy Samek, cố vấn cao cấp tại Viện Gia đình Pennsylvania, nói với The Epoch Times rằng, “Chúng tôi đã nghe từ nhiều cá nhân, những người bị uy hiếp phải im lặng và sợ bị trả thù nếu họ lên tiếng. Họ sợ các chủ doanh nghiệp tư nhân, nhà tuyển dụng chính phủ, và thậm chí những người trong giới truyền thông trả thù.”

“Họ từng chứng kiến các bậc cha mẹ và thậm chí cả trẻ em vị thành niên — những người lên tiếng phản đối việc nam giới ở trong phòng thay đồ nữ, hoặc nam giới chơi trong đội thể thao nữ — bị nhân viên nhà trường so sánh với những kẻ phân biệt chủng tộc, và bị đe dọa rằng ngay cả khi lên tiếng trái chiều cũng có thể bị bắt nạt,” ông nói thêm. “Ngay cả những cá nhân không lên tiếng về một chủ đề nào cũng bị đe dọa tung thông tin cá nhân chỉ vì thân nhân gia đình của họ nói về các vấn đề mà các nhà hoạt động tư tưởng về chuyển giới phản đối.”

Ông Samek kể rằng, ở Vermont, một người cha cùng với con gái đã phàn nàn về một người đàn ông ở trong phòng thay đồ nữ và bé gái này đã bị đình chỉ [đến trường] vì đã phàn nàn, còn ở Massachusetts, một học sinh bị đình chỉ [đến trường] vì mặc một chiếc áo có dòng chữ “chỉ có hai giới tính.”

Ông Samek cho biết: “Ngay cả khi những vấn đề này được giải quyết tường tận theo hướng có lợi cho người nói bằng cách ra tòa hoặc bằng một sự thỏa thuận, thì các cuộc tấn công liên tục vào tự do ngôn luận vẫn dẫn đến một tác động ức chế đối với những ai không thể chịu được hàng loạt cuộc tấn công hoặc lo sợ cho sinh kế của mình.”

2. Quá khoáng đạt trong thời gian quá dài

Ông Ilan Srulovicz, người sáng lập kiêm Tổng giám đốc của Egard Watches và là một diễn viên Hollywood. (Ảnh: Được đăng dưới sự cho phép của Ilan Srulovicz)

Ông Ilan Srulovicz, nhà làm phim, diễn viên, và là Tổng giám đốc của hãng đồng hồ Egard Watches, nói rằng những người theo phái bảo tồn truyền thống đã quá lịch thiệp.

“Chúng ta đã trải qua nhiều thập niên khi mà tính khoáng đạt bị lợi dụng để chống lại chúng ta, nền giáo dục đang dần bại hoại, kết hợp với việc vũ khí hóa công nghệ hiện đại/mạng xã hội để kiểm duyệt bất kỳ ai không đồng ý với cách đưa tin của các hãng truyền thông thiên tả,” ông Srulovicz nói. “Tôi chắc chắn đã nhận ra điều đó và cảm nhận được những tác động của chuyện này đối với thương hiệu của mình. Ngày nay, việc nói những điều thông thường lại giống như đang nói lời thù ghét. Chúng ta nên ngừng chấp nhận điều đó và hãy bắt đầu lên tiếng. Chúng ta nên ủng hộ các ngành và doanh nghiệp nào đặt tự do ngôn luận lên trên hết và quan trọng nhất là không tự kiểm duyệt những quyết định có nhận thức.”

Luật sư dân quyền Alan Dershowitz nói rằng tự do ngôn luận đang gặp hiểm họa ở nhiều nơi trên khắp đất nước này.

“Phe cực tả đang dẫn đầu chiến dịch nhằm hạn chế tự do ngôn luận trong các trường đại học, mạng Internet, công sở, và các địa điểm khác,” ông Dershowitz nói. “Các giáo sư đang giảng dạy rằng Tu chính án thứ Nhất là sự bảo vệ cho chủ nghĩa người da trắng thượng đẳng, chế độ gia trưởng, và chủ nghĩa đế quốc vốn làm suy yếu những người cấp tiến. Tình trạng này đang trở nên tồi tệ hơn, chứ không hề tốt hơn.”

Luật sư Alan Dershowitz, thời điểm còn đang là thành viên nhóm pháp lý của Tổng thống Donald Trump, nói chuyện với giới báo chí trong Phòng Tiếp tân Thượng viện trong phiên đàn hặc tại Thượng viện ở Điện Capitol, Hoa Thịnh Đốn vào ngày 29/01/2020. (Ảnh: Mario Tama/Getty Images)

Luật sư Bruce L. Castor Jr. của Pennsylvania nói với The Epoch Times rằng, người ta dễ dàng quên rằng tự do ngôn luận, bắt nguồn từ Tu chánh án thứ Nhất, là một quyền được phát ngôn công khai mà không bị chính phủ can thiệp, đồng thời cho biết thêm rằng một cơ quan chính phủ không thể trừng phạt một người nào đó vì đã phát ngôn công khai, trừ phi tuyên bố đó là sai sự thật và ngay lập tức gây ra rủi ro cho sự an toàn của người khác, chẳng hạn như la hét “cháy” trong một nhà hát đông đúc dù không có hỏa hoạn.

Ông Castor, người từng giúp dẫn đầu nhóm pháp lý bào chữa thành công trong phiên đàn hặc cựu Tổng thống Donald Trump trước Thượng viện Hoa Kỳ hồi năm 2021, giải thích rằng, rủi ro đối với quyền được an toàn của mọi người lớn hơn so với quyền của người phát ngôn khi tuyên bố sai sự thật về một vụ hỏa hoạn, thứ có thể gây ra một vụ hoảng loạn khiến mọi người bị thương, do đó sẽ khiến cho người phát ngôn có thể bị truy tố.

3. Phát ngôn luôn đi kèm với hậu quả

Ông cho rằng không có quyền tự do ngôn luận nào mà không chịu sự đe dọa từ một hành động của chính phủ.

Ví dụ, khi nói thật với ông chủ của quý vị, vốn không phải là một nhân viên chính phủ, rằng ông ấy là kẻ nói dối hoặc là kẻ gian lận thì quý vị có thể bị sa thải, nhưng thường là không bị truy tố. Có một vài ngoại lệ nếu chủ doanh nghiệp khá thân thiết với chính phủ đến mức như một nhân viên [chính phủ], nhưng đó là gợi ý cơ bản. Việc sa thải là một hành động thuộc về lĩnh vực tư nhân.

Ông Castor nói: “Bị truy tố là một hành động thuộc về chính phủ. Tu chính án thứ Nhất bảo vệ chống lại hành động của chính phủ: ‘Quốc hội không nên ban hành luật.’”

“Với cảnh báo đó, giờ đây người dân không còn thoải mái nói lên suy nghĩ của mình như trước nữa vì sợ bị xóa sổ. Lo ngại bị xa lánh, do bầu không khí chính trị với nhiều quan điểm trái chiều được thúc đẩy bởi giới truyền thông hầu như rất thiên vị, người dân bình thường hoàn toàn im lặng vì sợ lỡ nói điều gì đó mà người khác cảm thấy xúc phạm, mà điều đó sẽ bị người dùng mạng xã hội Twitter và giới truyền thông thiên tả vớ lấy, khiến cho người đó bị xem là thứ gì đó — tùy quý vị gọi — và từ đó không xứng đáng tồn tại nữa,” ông Castor chia sẻ

“Có một quan điểm phổ biến trong 10 năm qua hoàn toàn khiến những người như tôi, những người được đào tạo để tin vào quy thức pháp lý do luật định và giả định vô tội, vô cùng sợ hãi: đó là, một số người ‘xấu’ đến mức họ không xứng đáng để có được các quyền, đặc quyền, và sự bảo vệ của công dân,” ông nói. “‘Sự giả định có tội’ tự động gán cho những người như vậy trong tâm trí của đám đông và, thậm chí còn đáng kinh ngạc hơn, giả định có tội đó gán cho tất cả những ai có liên quan đến người ‘rất xấu’ này.”

4. Truyền thông xã hội gây phương hại cho những lời phát ngôn

Trong ảnh chụp màn hình được lấy từ một webcast của quốc hội này là ông Bruce Castor, luật sư bào chữa cho cựu Tổng thống Donald Trump, trình bày tại Hoa Thịnh Đốn, hôm 08/02/2023. (Ảnh: congress.gov qua Getty Images)

Ông cho rằng người ta giữ im lặng để tránh tâm lý đám đông, hoặc tránh bị mạng xã hội phóng đại hay một hãng truyền thông thiên tả đồng lõa cổ súy.

“Nhưng họ bỏ phiếu,” ông Castor nói. “Đây là lý do tại sao quý vị chứng kiến việc thăm dò chính trị trên khắp mọi nơi và [thường] không chính xác. Người ta nói với những người thăm dò ý kiến điều họ nghĩ là đám đông muốn nghe, sau đó sẽ bỏ phiếu theo cách họ nghĩ. Chúng ta đi đến nước này là bởi vì mạng xã hội và bởi vì giới truyền thông thiên tả không hiểu rằng mạng xã hội không phản ánh tâm lý chung của công chúng. Điều này cũng khiến cho tôi ngỡ ngàng, vì người ta rất dễ cho rằng mạng xã hội phản ánh một bộ phận của nước Mỹ. Không phải vậy. Mạng xã hội chỉ phản ánh một bộ phận nhỏ, cấp tiến trong công chúng. Tôi biết, thật lạ đời thế chứ. Tuy nhiên, khi biện hộ cho Tổng thống Trump trong cuộc đàn hặc, tôi trở về nhà bên một người vợ đang kinh hoàng trước việc tôi và đội ngũ của mình bị ‘tin tức’ đối xử ra sao”.

Ông Castor nhận ra rằng vợ mình đã nhận được tin tức đến từ mạng xã hội, và để kiểm tra một giả thuyết rằng mạng xã hội không phản ánh cho dư luận, ông đã xem lại thư tín và thư điện tử tại văn phòng, nơi nhận được hàng ngàn thư tín và thư điện tử trong một tuần. Mọi thứ được chia thành hai nhóm, tán thành hoặc không tán thành đối với đội ngũ của ông.

Vào cuối tuần, số thư nhận được là 15 tán thành và 1 không tán thành, trái ngược với những tin tức trên mạng xã hội mà vợ ông đã đọc.

“Sự dấy loạn của mạng xã hội và việc các hãng truyền thông bình thường không công bằng một cách khách quan, mà thay vào đó là thỏa mãn những thứ mà họ tưởng nhầm là tâm lý phổ biến được phản ánh trên mạng xã hội, đã đưa chúng ta đến nước này hôm nay,” ông Castor nói. “Tôi nghĩ rằng giới truyền thông bình thường đang nhận thức được sự thật rằng mạng xã hội không phản ánh chính xác một bộ phận tiêu biểu cho lối suy nghĩ của người Mỹ, nhưng việc này đã mất một thời gian dài.”

Ông Castor nói rằng ông đã chứng kiến sự tự do biểu đạt bị mai một trong hệ thống tư pháp với các vụ truy tố chính trị và sự bất tuân quy thức pháp lý.

“Các công tố viên và thẩm phán phải là những người giám sát những sự tự do này bởi vì hệ thống bồi thẩm đoàn bị ảnh hưởng bởi sự thiên vị rành rành do mạng xã hội tạo ra, và các hãng truyền thông truyền thống không ngăn chặn được điều đó, dẫn đến lối nghĩ cho rằng ‘ông ta/cô ta thật rất xấu’ vì có liên kết với một người, một nhóm, hoặc một động cơ nào đó,’ rằng sự bảo vệ của Hiến Pháp và quy thức pháp lý không áp dụng cho những người này,” ông nói.

Ông Castor muốn thấy Quốc sửa đổi luật để cho phép các tập đoàn truyền thông xã hội như Twitter và Facebook có thể bị khởi kiện vì tội phỉ báng khi mọi người đăng những điều mang tính phỉ báng gây tổn hại đến danh tiếng của người khác.

5. Ai là người phân xử về ngôn luận

Ông Jeff Bermant, Giám đốc điều hành của trình duyệt web TUSK — công cụ tìm kiếm chống kiểm duyệt, nguồn cấp tin tức, và chatbot — nói lịch sử đằng sau việc hạn chế tự do ngôn luận là một trong những trụ cột của chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản.

“Các giáo sư đại học của chúng ta đã dạy rằng tự do ngôn luận chỉ có thể tự do nếu được kiểm soát. Cho rằng không phải tất cả tự do ngôn luận đều có thể đạt được vì họ phải chặn những phát ngôn thù ghét hoặc ‘tin giả.’ Điều này trở nên rất nguy hiểm, bởi vì ai sẽ là người phân xử cho những phát ngôn này?” ông Bermant nói. 

“Chính quyền Trung Quốc đã xây dựng tường lửa vì họ tuyên bố rằng họ không muốn người dân Trung Quốc nhận tin giả. Nghe có vẻ quen thuộc nhỉ! Có phải chúng ta đang trên đường làm điều tương tự? Hãy xem câu chuyện về máy điện toán xách tay của ông [Hunter] Biden, không phải là tin giả, mà nhà nước ngầm lại tuyên bố rằng đó là thông tin sai lệch. Nhiều người tin rằng nếu câu chuyện này không bị kiểm duyệt, có lẽ ông Trump đã thắng cử.”

Ông Berment cho biết Tusk đã bị kiểm duyệt và tắt ChatGPT vì quảng bá quan điểm có tư tưởng bảo tồn truyền thống. Ông nói rằng chính phủ đã đóng một vai trò trong việc kiểm duyệt câu chuyện về máy điện toán xách tay của ông [Hunter] Biden.

“Theo Hiến Pháp, chính phủ tuyệt đối không bao giờ cân nhắc về tự do ngôn luận và không thể là tổ chức ra quyết định về điều gì là sự thật hay là tin giả,” ông nói. “Các công ty như Truth Social, Tusk, và Rumble phải phát triển vì ngay cả khi chính phủ không bóp nghẹt tự do ngôn luận, thì nhiều đại công ty tin rằng họ cũng có thể kiểm soát ngôn luận.”

Tác giả: Beth Brelje.
Nguồn: Trên mạng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét