Thứ Sáu, 4 tháng 9, 2020

Vợ con Nguyễn Đức Chung đều có công ty sân sau

Chuyện vợ con Chung Con có các công ty sân sau rất lớn đã được dư luận lên tiếng từ lâu; bây giờ Chung Con bị bắt mọi người mới dám nói ra. Lưu bài này vì thấy có tên ông GSTS Phùng Hữu Phú, đương kim Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận TƯ dù đã 72 tuổi (sinh năm 1948). Tưởng ông này đã già, cả đời chẳng làm được gì có ích cho dân cho nước, thì im đi; nhưng không, ông ta còn chủ trì tọa đàm và đưa ra những lời dạy dỗ cán bộ như bố dạy con, thật đáng xấu hổ. Thời Phú làm Phó Bí thư thường trực Thành ủy và Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội (2001-2006), dân Hà Nội có câu tục ngữ "Giàu như Phú - Lú như Trọng - Lật lọng như Nghiên - Tiêu tiền như Triệu" để nói về tính cách của 4 nhân vật đang giữ các chức quan trọng nhất thành phố, là các ông Phùng Hữu Phú, chủ tịch HĐND; Nguyễn Phú Trọng, bí thư thành ủy; Hoàng Văn Nghiên, chủ tịch UBND và Nguyễn Quốc Triệu, phó bí thư thành ủy.
Người đứng đầu không vượt lên chính mình thì khó chống tham nhũng
04/09/2020 Nói về vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong phòng, chống tham nhũng, nhiều đại biểu nhắc đến ông Nguyễn Đức Chung và việc vợ, con ông có công ty sân sau. 
PGS.TS Vũ Văn Phúc nói: "Bây giờ mới lộ ra việc chính vợ ông ta là công ty sân sau, rồi con trai ông ta cũng có công ty sân sau rất lớn. Chủ tịch một TP lớn như này mà vợ con đều là công ty sân sau".
Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học.
Phát biểu khai mạc tọa đàm khoa học "vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp trong phòng, chống tham nhũng - vấn đề lý luận và thực tiễn", Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học nhấn mạnh: Người đứng đầu có vai trò rất quan trọng, đôi khi có ý nghĩa quyết định đến quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ, trong đó có công tác phòng chống tham nhũng (PCTN).

Nhiều người đứng đầu tham nhũng hoặc tiếp tay cho tham nhũng 


Theo ông Học, bài học kinh nghiệm quan trọng được rút ra từ thực tiễn đấu tranh PCTN thời gian qua đó là quyết tâm chính trị là yếu tố quan trọng, nhưng nếu không có sự gương mẫu, quyết liệt, nói đi đôi với làm của người đứng đầu thì quyết tâm chính trị cũng không thể trở thành hiện thực.


"Chỉ khi nào, ở đâu người lãnh đạo gương mẫu đi đầu, kiên quyết đấu tranh PCTN thì ở đó tham nhũng ít xảy ra. Ngược lại, ở đâu người đứng đầu có biểu hiện buông lỏng, không muốn và không dám chống tham nhũng, nói không đi đôi với làm thì ở đó tham nhũng diễn ra nghiêm trọng, phức tạp", Phó ban Nội chính TƯ nói.

Ông Học nêu, những chuyển biến tích cực, rõ nét trong công tác PCTN thời gian qua, nhất là từ nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay đã khẳng định rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đặc biệt là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng - Trưởng ban Chỉ đạo TƯ về PCTN đã rất kiên quyết, kiên trì chỉ đạo phát hiện, xử lý nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp. Qua đó, xử lý nghiêm nhiều cán bộ lãnh đạo cấp cao có hành vi tham nhũng với tinh thần không có vùng cấm, không có ngoại lệ bất kể người đó là ai.

Từ 2016 đến nay đã phát hiện 1.121 vụ án với 2.473 bị can tham nhũng; trong đó, chỉ có 38 vụ với 44 người có hành vi sai phạm liên quan đến tham nhũng được phát hiện qua công tác kiểm tra, giám sát trong nội bộ.

5 năm qua, cả nước chỉ có 140 người đứng đầu bị đề nghị xử lý trách nhiệm, trong đó đã xử lý hình sự 8 người, xử lý kỷ luật 82 người

"Chính phương châm chỉ đạo của người đứng đầu Đảng, Nhà nước đã tạo bước đột phá trong công tác PCTN, góp phần siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, được nhân dân đồng tình ủng hộ, đánh giá cao", Phó ban Nội chính TƯ nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Thái Học lưu ý, ở nhiều nơi, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được phát huy tốt, có mặt chưa đáp ứng yêu cầu. Có trường hợp nể nang, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, thậm chí bao che cho trường hợp tham nhũng, tiêu cực. Nghiêm trọng hơn, nhiều người đứng đầu đã thực hiện hành vi tiêu cực, tham nhũng hoặc tiếp tay cho tham nhũng bị phát hiện xử lý.

Người nhiều của cải giàu có lại càng tham nhũng

PGS.TS Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng khoa học các cơ quan TƯ, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản cho rằng, suy cho cùng là người đứng đầu có làm hay không, có thực hiện hay không là vấn đề quan trọng.


PGS-TS Vũ Văn Phúc.

“Chánh thanh tra Bộ Nội vụ nói rằng phải tăng lương, nhưng tôi xin thưa là càng những ông của cải giàu có nhiều lại càng tham nhũng, chứ có phải anh ít lương mới tham nhũng đâu”, ông Phúc lưu ý.

Theo ông Phúc, nghị quyết của Đảng, quy định pháp luật tương đối đầy đủ, vấn đề là người đứng đầu có làm hay không, đấy là cái gốc. "Nếu người đứng đầu không thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, quy định của Nhà nước thì vẫn thế thôi".

"Hôm qua xem tivi, tôi xem hình ảnh Bộ Chính trị làm việc với Ban Thường vụ TP.HCM đến đoạn Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nói rất gay gắt: Các anh cứ nói cơ chế, tôi không tán thành đổ cho cơ chế”, ông Phúc đặt vấn đề: "Cũng cơ chế sao có người làm tốt, có nơi không tham nhũng? Tôi nghĩ rằng mọi nghị quyết, quy định, mọi lý luận đều phụ thuộc vào người đứng đầu thực hiện như thế nào trong thực tiễn".

Dẫn lại vụ việc ông Nguyễn Đức Chung vừa bị bắt, PGS.TS Vũ Văn Phúc nói: "Bây giờ mới lộ ra việc chính vợ ông ta là công ty sân sau, rồi con trai ông ta cũng có công ty sân sau rất lớn. Chủ tịch một TP lớn như này mà vợ con đều là công ty sân sau".

Ông Phúc nhắc lại vụ ông Đinh La Thăng lúc làm Bộ trưởng GTVT cho cơ chế để Út Trọc thu phí cao tốc Trung Lương gây thiệt hại 725 tỷ đồng.

"Hiến pháp có rồi, luật đầy đủ rồi, nghị quyết của Đảng đầy đủ, còn lại phụ thuộc cuối cùng vào một nhân vật, đó là người đứng đầu có làm hay không? Nếu người đứng đầu làm từng ấy quy định, nghị quyết, tôi tin sẽ không có chuyện Ban Nội chính vất vả tham mưu, Ban Chỉ đạo PCTN họp liên tục như vậy", ông Phúc nói.

Ông Phúc cho rằng, con người cụ thể, từ trưởng phòng đến vụ trưởng, cục trưởng, bộ trưởng… nếu làm không đúng theo quy định, không vượt lên chính mình thì có bàn bao nhiêu biện pháp cũng thế.

Đạn chiến trường không chết nhưng chết vì đạn "thị trường"


Nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực UB Kiểm tra TƯ Vũ Quốc Hùng đề nghị chọn 10 người từng là người đứng đầu "đang bóc lịch" xem xét lại họ trưởng thành, trở thành người đứng đầu như thế nào.

Ông Hùng kể, khi ông Nguyễn Đức Chung được cử làm Chủ tịch TP Hà Nội, một Phó ban Tổ chức Thành ủy đến gặp ông "gần như khóc và nói là không thể nào chấp nhận được” nhưng đành chịu.


Nguyên Phó Chủ nhiệm UB Kiểm tra Trung ương Vũ Quốc Hùng.

"Đến bây giờ sự việc xảy ra không muộn tí nào cả. Cái đau chung là mất một con người, một anh hùng nhưng cái đau hơn là tổ chức làm sao lại để như thế. Bây giờ phải xem lại", ông Vũ Quốc Hùng đề nghị tổng rà soát lại người đứng đầu có dư luận phản ánh.

Kết luận hội nghị, GS.TS Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận TƯ cho rằng, thực tế diễn ra rất là đau lòng, có thế chọn đúng cán bộ và cán bộ phát huy rất tốt, nhưng chỉ cần buông lỏng, thiếu rèn luyện là sa cơ lỡ vận như thường.

"Đau lòng khi xử lý anh hùng lăn lộn chiến trường, bom đạn; đạn chiến trường không chết nhưng đạn "thị trường" thì chết. Ông Nguyễn Đức Chung khi làm ở Hà Nội chỉ mới là đội trưởng hình sự, anh hùng phá án rất giỏi giờ thành như thế này", ông Phú dẫn chứng

Ông Phú đúc kết, các giải pháp tựu trung lại là làm tốt các khâu: chọn đúng người, trao quyền, bảo vệ và kiểm soát chặt chẽ.

Thu Hằng

https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chong-tham-nhung/ong-nguyen-duc-chung-bi-bat-moi-lo-ra-ca-vo-con-co-cong-ty-san-sau-669805.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét