Thứ Bảy, 12 tháng 9, 2020

Vì sao xử vụ Đồng Tâm rút ngắn hơn dự kiến?

Vì sao phiên xét xử vụ án Đồng Tâm phải rút ngắn hơn dự kiến?
Diễm Thi, RFA 2020-09-11 Luật sư Hà Huy Sơn, một trong các luật sư bảo vệ pháp lý cho các bị cáo nêu quan điểm của ông: “Theo tôi, phiên tòa kéo dài thì thường ở phần tranh tụng giữa người bào chữa với bên công tố, có cả đại diện các bên có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người làm chứng. Phiên tòa này bị cắt ngắn vì không có những người đó. Điều tra viên và giám định viên cũng không được triệu tập nên không có người để cho các luật sư hỏi và chất vấn. Chính vì vậy phiên tòa bị cắt ngắn nhiều.

Bị cáo Lê Đình Chức nói lời sau cùng chiều
ngày 10 tháng 9 năm 2020 tại phiên sơ thẩm.
Cắt ngắn phần tranh tụng
Sáng ngày 7 tháng 9 năm 2020, Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử 29 người dân Đồng Tâm. Họ bị cáo buộc đổ xăng thiêu chết ba sĩ quan công an mà theo cơ quan chức năng là đến làm nhiệm vụ ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội vào rạng sáng ngày 9 tháng 1.

Phiên tòa dự kiến diễn ra trong 10 ngày. Thẩm phán Trương Việt Toàn làm Chủ tọa phiên tòa. Hai kiểm sát viên Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội được phân công thực hành quyền công tố và giám sát hoạt động xét xử tại phiên tòa. Hơn 30 luật sư đăng ký tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị cáo tại phiên tòa.

Tuy dự kiến diễn ra 10 ngày nhưng đến chiều ngày 10 tháng 9, phiên xét xử sơ thẩm này đã kết thúc phần tranh luận và cho các bị cáo nói lời sau cùng. Hội đồng Xét xử tuyên bố nghỉ để nghị án. Dự kiến chiều thứ hai, ngày 14 tháng 9 năm 2020 tòa sẽ tuyên án.

Trước đó, chỉ sau hai ngày thẩm vấn, sáng ngày 9 tháng 9, Viện Kiểm sát nhân dân TP.Hà Nội đã đề nghị hai án tử hình với tội danh ‘Giết người’ đối với ông Lê Đình Công và ông Lê Đình Chức; án chung thân với ông Lê Đình Doanh với cùng tội danh.

Theo những người quan tâm vụ án thì một phiên tòa với 29 bị cáo, có đề nghị mức án cao nhất là tử hình, mà lại kết thúc chỉ sau bốn ngày xét xử là quá nhanh. Vậy phiên tòa có cắt ngắn quy trình tố tụng hay không?

Luật sư Hà Huy Sơn, một trong các luật sư bảo vệ pháp lý cho các bị cáo nêu quan điểm của ông:

“Theo tôi, phiên tòa kéo dài thì thường ở phần tranh tụng giữa người bào chữa với bên công tố, có cả đại diện các bên có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người làm chứng. Phiên tòa này bị cắt ngắn vì không có những người đó. Điều tra viên và giám định viên cũng không được triệu tập nên không có người để cho các luật sư hỏi và chất vấn. Chính vì vậy phiên tòa bị cắt ngắn nhiều.

Trong phần đối đáp giữa luật sư và Viện kiểm sát thì Viện kiểm sát chỉ đối đáp tóm gọn có một lần thế thôi chứ không đối đáp tất cả các chất vấn của luật sư. Tôi cho rằng phần này bị cắt ngắn bởi chủ tọa. Còn các thủ tục khác thì tương đối đầy đủ.”

Luật sư Ngô Anh Tuấn cho rằng, quy trình tố tụng thì đầy đủ tất cả các bước. Vấn đề là mỗi bước diễn ra quá nhanh hoặc bị cắt bớt, chẳng hạn như phần đối đáp giữa luật sư và Viện kiểm sát. Ông giải thích:

“Phần tranh luận luôn luôn là phần người ta chờ đợi nhất trong một phiên tòa thì nó lại ngắn nhất. Đáng lẽ nó phải diễn ra một cách công bằng và dân chủ cho các bên, bên buộc tội và bên gỡ tội. Tuy nhiên bên buộc tội thì làm và nói rất ít.

Có việc này tôi cũng rất ghi nhận, đó là khi hết phần đối đáp lần đầu tiên thì vị đại diện viện kiểm sát, ông Đặng Hoàng Giang có nói rằng nếu các luật sư cần đối đáp thì chúng tôi sẵn sàng đối đáp với các luật sư.

Khi họ gợi ý như thế thì chúng tôi đối đáp rất nhiều với Viện kiểm sát. Tuy nhiên, ông chủ tọa phiên tòa bất ngờ tuyên bố họ thấy không cần thiết nữa và cắt luôn phần đối đáp của Viện kiểm sát mà không cần phải hỏi Viện kiểm sát là có muốn đối đáp tiếp hay không. Ông chủ tọa hơi vượt quá quyền của mình.”

Theo cáo trạng, mặc dù biết rõ đất cánh đồng Sênh, xã Đồng Tâm là đất quốc phòng đã được Thanh tra thành phố Hà Nội và Thanh tra Chính phủ kết luận, nhưng từ năm 2013, ông Lê Đình Kình đã cùng các ông Lê Đình Công, Bùi Viết Hiểu, Nguyễn Văn Tuyển thành lập “Tổ đồng thuận” với mục đích chiếm lại đất đồng Sênh chia nhau.

Rạng sáng 9 tháng 1 năm 2020, khi lực lượng công an đến chốt cổng làng thôn Hoành, xã Đồng Tâm để bảo vệ mục tiêu theo kế hoạch đã đề ra thì ông Lê Đình Chức đẩy ba công an xuống hố và ông Lê Đình Doanh châm lửa đốt chậu xăng bưng hất xuống hố…

Vào lúc đó, tổ công tác phát hiện thấy ông Lê Đình Kình đang cầm một quả lựu đạn và hô hào chống đối nên đã bắn tiêu diệt.

Trong khi đó, theo người dân Đồng Tâm thì rạng sáng ngày 9 tháng 1 năm 2020, chính quyền Hà Nội đã huy động hàng ngàn quân có trang bị vũ khí và chó nghiệp vụ đến thôn Hoành, xã Đồng Tâm để bắt giữ những người dân phản đối việc cưỡng chế đất nông nghiệp ở khu đồng Sênh. Họ giết chết ông Lê Đình Kình và bắt đi 29 người dân.


Phiên tòa xét xử 29 bị cáo trong vụ án xảy ra tại xã Đồng Tâm.

Một luật sư khác trong nhóm các luật sư bảo vệ các bị cáo Đồng Tâm đánh giá đây là phiên tòa phức tạp với nhiều tình tiết cần làm sáng tỏ, thế nhưng phần đối đáp giữa các luật sư và Viện kiểm sát đột ngột bị cắt bởi vị chủ tọa phiên tòa. Phiên xử diễn ra quá ngắn so với dự kiến nên không có thời gian đối đáp nhiều và các luật sư chỉ hỏi được khoảng 30% những câu muốn hỏi.


Không triệu tập những người liên quan

Ngoài yêu cầu dựng lại hiện trường vụ án, các luật sư còn đề nghị triệu tập hơn 20 cơ quan và cá nhân có liên quan trách nhiệm trong sự kiện Đồng Tâm. Chẳng hạn như triệu tập ông Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ công an; ông Nguyễn Đức Chung, nguyên Chủ tịch Thành phố Hà Nội; đại diện Thành ủy Hà Nội; chỉ huy của các đơn vị quân đội như Lữ đoàn 28 công binh thuộc Quân chủng Phòng quân Không quân; Công an thành phố Hà Nội; trung đoàn Cảnh sát thủ đô; Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ động thuộc Bộ công an; bà Dư Thị Thành là vợ ông Lê Đình Kình và cô Nguyễn Thị Duyên là vợ bị cáo Lê Đình Uy…

Tuy vậy, vị chủ tọa phiên tòa nói rằng họ thấy không liên quan nên họ không triệu tập. Chỉ có hai cá nhân đại diện cho hai đơn vị là ông Phó chủ tịch Ủy ban xã Đồng Tâm và đại diện cho Ủy ban Nhân dân Huyện Mỹ Đức là có mặt.

Nhận xét về điều này, Luật sư Hà Huy Sơn cho rằng, theo luật thì cũng không cấm việc từ chối triệu tập nếu họ thấy không cần thiết. Nhưng để có một bản án thuyết phục thì cần phải triệu tập đầy đủ các thành phần. Phải có cả chuyên gia về các lãnh vực như chất cháy, vũ khí…. Nếu không triệu tập đầy đủ thì bản án khó mà thuyết phục được mọi người.

Cũng cùng quan điểm, Luật sư Ngô Anh Tuấn nhận xét thêm rằng, vấn đề này thuộc về mặt chủ quan của Hội đồng Xét xử. Có nghĩa là họ cảm thấy cần thiết hay không là quyền của họ. Các luật sư gỡ tội thì thấy như vậy là chưa đầy đủ và tố tụng cũng chưa đầy đủ. Nhất là việc dựng lại hiện trường. Ông Tuấn nói:

“Đối với một vụ án có chết người, có án tử hình thì nhất thiết phải dựng lại hiện trường. Tại sao người ta không làm? Thực tế là vì người ta không muốn vụ án được kéo dài. Vấn đề truyền thông thì truyền thông nhà nước có vẻ đang hụt hơi so với truyền thông mạng xã hội cho nên có thể họ không hài lòng. Việc cắt ngắn phiên tòa cũng có thể vì một trong những nguyên nhân đó.”

Theo thông tin từ các luật sư mà RFA trò chuyện, với kế hoạch của công an thành phố Hà Nội đột kích vào Đồng Tâm mà trong cáo trạng có đề cập, các luật sư đề nghị phải khởi tố tại tòa vụ án giết người mà nạn nhân là ông Lê Đình Kình theo Đơn Tố Giác Tội Phạm của bà Dư Thị Thành hồi tháng 3 năm 2020. Có ba luật sư được bà Thành viết giấy mời hỗ trợ pháp lý là Luật sư Ngô Anh Tuấn, Luật sư Đặng Đình Mạnh và Luật sư Lê Văn Hòa.

Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ Đồng Tâm, hôm 10 tháng 9, các luật sư bên gỡ tội đã đề nghị Viện Kiểm sát công bố một bản kế hoạch được cho là thuộc diện “tối mật” của Công an Hà Nội liên quan đến cuộc đột kích vào thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội hôm 9 tháng 1 năm 2020.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/why-is-dongtam-s-trial-shorter-than-expected-dt-09112020151611.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét