Thứ Bảy, 16 tháng 5, 2020

Vì sao bạn mãi nghèo bền vững?

Vì sao bạn mãi nghèo bền vững? 
Đồng tiền không tự nhiên "trên trời rơi xuống" mà phụ thuộc vào mức thu nhập bạn kiếm được. Trong trường hợp bạn làm ra tiền và biết chi tiêu sao cho hợp lý thì rất đáng mừng, bởi bạn có thể chủ động về tiền bạc trong những tình huống kinh tế khó khăn, ví dụ như giai đoạn dịch Covid-19 vừa rồi chẳng hạn. Những lý do dưới đây sẽ khiến bạn luôn nghèo. Nếu đã nhiều năm làm việc nhưng không có khoản tiết kiệm nào, bạn nên đặt câu hỏi về việc chi tiêu đã hợp lý chưa, nhất là trong những giai đoạn eo hẹp.

Theo các chuyên gia tài chính, bạn có thể thẳng thắn từ chối các lời chào mời và tập trung vào kế hoạch chi tiêu của mình. Dưới đây là lời khuyên của chuyên gia về những việc bạn không nên làm trong thời điểm đang chưa dư dả tiền bạc.



Sĩ diện hão

Khi bạn không có nhiều tiền, mọi khoản chi tiêu đều nên được tính toán thật kỹ lưỡng. Việc bạn mua sắm, sinh hoạt như sẵn tiền trong ví là sai lầm lớn. Ví dụ, nếu bạn bè rủ ăn tối ngoài hàng, bạn sẵn lòng đồng ý thay vì từ chối và ở nhà dùng cơm. Bạn muốn chứng tỏ với bạn bè rằng mình có tiền nên thậm chí sẵn sàng "bao" họ, trong khi khoản tiền đó có thể là một nửa chi phí sinh hoạt của cả tháng.

Trường hợp khác, người nào đó đã lâu không liên lạc, đột nhiên mời đám cưới. Bạn ngại từ chối, bạn muốn giữ thể diện, nên lại gửi phong bì mừng. Khoản tiền này cũng làm hao hụt ngân sách vốn eo hẹp của bạn.

Hay khi bạn thích một trang phục mới, một món đồ công nghệ mới nào đó và nhất quyết mua, dù tài chính của bạn lúc này không hề dư dả.

Theo các chuyên gia, khi khó khăn về tài chính, tốt nhất là bạn không nên bận tâm quá nhiều về hai chữ "thể diện". Hãy sẵn sàng nói lời từ chối. Bạn có thể thẳng thắn từ chối các cuộc vui, các lời chào mời... và tập trung vào kế hoạch chi tiêu của mình. Sĩ diện hão chỉ khiến cho bạn đau đầu về tiền bạc thêm mà thôi.

Tin vào việc "kiếm tiền dễ dàng"

Khi không có tiền, tâm lý con người ta càng "khát" tiền bạc và mong muốn kiếm tiền. Vì thế, họ dễ dàng bị dụ dỗ và trở nên tin vào lời của người khác về việc làm giàu chóng vánh.

Trên thực tế, việc kiếm tiền chân chính luôn đòi hỏi kiến thức chuyên môn, năng lực thực tế, trong khi kiếm tiền chóng vánh đi liền với rủi ro cao, chưa kể có thể vi phạm pháp luật.

Nếu một người nói với bạn về việc kiếm tiền dễ dàng, nên đặt câu hỏi: Người đó thực sự đã kiếm được nhiều tiền hay chưa? Điều người đó nói có đáng tin cậy hay không? Đừng lao mình vào việc kiếm tiền nhanh chóng và rồi khiến rắc rối tiền bạc của bạn càng trở thành một mớ bòng bong, khiến bạn mắc nợ nần.

An phận và thụ động

Nhiều người luôn đặt ra câu hỏi: Vì sao họ mãi nghèo? Đôi khi họ đổ tại may mắn, tại số phận. Nhưng kỳ thực, câu trả lời nằm ở chính mỗi người.

Có những người biếng lười, thậm chí không chịu làm những công việc mà họ thấy "chả lợi lộc gì". Cơ hội ẩn sau khó khăn và họ đã bỏ qua nó. Ngược lại, có những người sẵn sàng thử thách bản thân, nắm lấy cơ hội chinh phục khó khăn. Quá trình vượt lên chính mình đó, họ tích lũy kinh nghiệm. Kết hợp với tham vọng, họ có thể giành được những thành quả giá trị.

Cũng có những người mang tâm lý bán thứ mình có để mua thứ mình thích, thay vì nghĩ cách kiếm thêm tiền. Ví dụ như bán nhà cửa, đất đai, để đổi lấy niềm vui sở hữu một chiếc ô tô, một chiếc điện thoại đắt đỏ... Tâm lý của họ là chấp nhận đánh đổi, tức là dễ bằng lòng, an phận.

Khi bạn nhìn từ bên ngoài, bạn có thể ngưỡng mộ một người nào đó vì họ giàu có, may mắn, sung sướng, nhàn nhã. Nhưng bạn có thể không biết rằng họ đã phải làm việc chăm chỉ, trải qua nhiều khó khăn để có thể đạt được thành quả như hiện nay.

Còn bản thân bạn, nếu bạn thấy cuộc sống của mình không hề dễ dàng, làm mãi mà vẫn nghèo, thì liệu có phải vì bạn đã chưa chi tiêu đúng cách, chưa nỗ lực đủ hay không?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét