Thứ Hai, 6 tháng 8, 2018

Thầm lặng trên nóc tòa tháp 81 tầng ở Sài Gòn

Ở trên cao thế này chắc thích lắm vì không khí trong lành, căn hộ thoáng mát... Nhưng cho ở thì mình chẳng dám vì chẳng bao giờ tin vào những ông chủ VN dưới thời cộng sản. Lỡ chất lượng có vấn đề thì những tầng trên sẽ đổ nghiêng theo chiều gió. Khi đó...; thôi không dám nói gở trước khi tòa nhà được đưa vào hoạt động.
Người Việt thầm lặng trên nóc tòa tháp 81 tầng ở Sài Gòn
05/08/2018 - Những phần việc cuối cùng trên đỉnh của tòa nhà cao nhất Việt Nam đang được nhiều người thợ bình thường đến từ các tỉnh thành cả nước góp tay thực hiện. Hình ảnh ấn tượng nhất là đội thi công đỉnh khối tháp spire. Tháp cao 61 mét và nặng 160 tấn với từng khối thép được hệ thống cẩu đưa lên lắp giữa lộng gió. Một chiếc máy cẩu chuyên dụng được lắp đặt trên tầng thượng (tầng 82 của tòa nhà) để đưa vật liệu lên xây dựng đỉnh tháp.

Tòa nhà cao nhất Việt Nam lúc bình minh. Ảnh: Hoàng Hà.

Bình minh trên đỉnh tòa nhà cao nhất Việt Nam. Ảnh: Hoàng Hà.
Cuối tháng 7/2018, hạng mục đầu tiên của Landmark 81, trung tâm thương mại trong tòa nhà cao nhất Việt Nam đi vào vận hành. Giữa nhộn nhịp khách mua sắm vui chơi, trên nóc tòa nhà, hơn 2.000 công nhân, chuyên gia, cán bộ kỹ sư vẫn miệt mài với phần việc của mình, để kịp tiến độ hoàn thiện công trình dịp Tết Nguyên đán 2019.

Thời điểm này, phần việc được coi là trọng điểm của công trình nằm trên các tầng thượng. Ở độ cao 400 m trên nóc tòa nhà, các công nhân, kỹ sư hối hả thi công giữa không gian bao quát toàn thành phố. Tại tầng 80, đến ngày 31/7, hệ thống kính đã được lắp đặt gần như hoàn tất. Bộ phận vệ sinh công trình tất bật làm sạch phần sàn.
Sài Gòn mùa mưa và mồ hôi trên áo người thợ

Kỹ sư Võ Thanh Tân, phụ trách bộ phận vận hành thang máy của tòa nhà, đưa chúng tôi lên nóc Landmark 81. Anh bảo hơn tháng nay trời Sài Gòn thoắt nắng thoắt mưa, đứng dưới đất nhìn lên đỉnh công trình vừa chói chang nắng đã lại chìm trong mây mù.


Tân bắt đầu phần việc của mình từ khoảng tháng 6/2017 đến nay. Thời điểm này đã có trên 10 thang vận hành, và đội của anh sẽ làm nhiệm vụ đảm bảo an toàn cho hệ thống thang máy hoạt động, đưa công nhân, cán bộ kỹ thuật, vật liệu… lên xuống công trình mỗi ngày.

Cũng theo Tân, sau khi tòa nhà vận hành chính thức, mỗi hệ thống thang máy sẽ phục vụ cho từng hạng mục riêng biệt, như trung tâm thương mại, khu căn hộ, văn phòng, khách sạn… Còn bây giờ chúng tôi được “đi một mạch” từ sảnh tòa nhà lên tầng 80, với thời gian di chuyển gần 1 phút.

Thông tin từ ban quản lý kỹ thuật tòa nhà, có hơn 2.000 công nhân, kỹ sư, chuyên gia đang làm việc 3 ca liên tục tại công trình này.

Hình ảnh ấn tượng nhất là đội thi công đỉnh khối tháp spire. Tháp cao 61 mét và nặng 160 tấn với từng khối thép được hệ thống cẩu đưa lên lắp giữa lộng gió. Một chiếc máy cẩu chuyên dụng được lắp đặt trên tầng thượng (tầng 82 của tòa nhà) để đưa vật liệu lên xây dựng đỉnh tháp.

Tài xế Danh Phong, người lái cẩu trên công trình, được anh em công nhân, kỹ sư ví như người có thần kinh thép. Không ai có thể khiến anh phân tâm trong quá trình điều khiển cẩu. Trong ca làm việc của mình, ánh mắt anh luôn quan sát “canh” mục tiêu thật chuẩn để lắp chính xác từng chi tiết của khối tháp.

Mé bên ngoài tầng 81, nhóm công nhân thi công hoàn thiện phần đèn chiếu và kính như những người nhện treo mình lơ lửng giữa không trung.


Từ bên trong khu vực các tầng thượng, các công nhân thi công lơ lửng trên những khung sắt, lớp kính . Ảnh: Lê Quân.

Vừa lắp đai an toàn cho công nhân “đu dây” lên làm tiếp phần việc của mình, anh Khanh, kỹ sư lắp đặt hệ thống đèn Led bên ngoài tòa nhà, tươi cười quệt mồ hôi trên trán. Anh nói không thể diễn tả được niềm tự hào là người trực tiếp tham gia hoàn thiện công trình cao nhất Việt Nam này.

"Tôi vừa làm xong công trình Sài Gòn Center thì sang Landmark thi công luôn. Trong hơn 15 năm tham gia các dự án ở thành phố, tôi đã làm khá nhiều công trình cao tầng, nhưng có lẽ Landmark 81 là công trình để lại cho tôi nhiều ấn tượng nhất cho đến sau này. Bởi khó có cơ hội để mình có thể được tham gia vào một dự án đặc biệt hơn nữa", anh Khanh chia sẻ.

Kỹ sư trẻ Đinh Văn Hợp quê Thanh Hóa của nhà thầu Hyundai Aluminum JV, đơn vị chịu trách nhiệm hoàn thiện vỏ bọc bên ngoài tòa nhà, gọi việc được tham gia công trình này là sự may mắn đặc biệt. Hyundai Aluminum JV tham gia từ thời điểm khởi công năm 2016, và Hợp cũng ở công trình gần 2 năm nay.

“Trước khi đến Landmark 81, công trình lớn nhất tôi làm là nhà máy Samsung Bắc Ninh - một công trình trọng điểm của công ty. Nhưng so với phần việc ở đây thì nhỏ hơn nhiều”, anh cho biết.


Khối tháp spire với độ cao 60,8 m đang được hoàn thiện, nâng tổng chiều cao tòa nhà này đạt 461,2 m. Ảnh: Lê Quân.

May mắn theo cách nói của kỹ sư quê Thanh Hóa, là công ty anh thi công rất nhiều công trình có tiếng tại Việt Nam, trong đó có tòa nhà Keangnam tại Hà Nội - tòa nhà giữ kỷ lục cao nhất Việt Nam suốt 8 năm trước khi Landmark 81 thành hình. Hợp bảo đầu quân về Hyundai sau này, anh cũng ấp ủ, mong có ngày mình được thực hiện những công trình tầm cỡ như thế, và không ngờ mong ước của anh lại thành hiện thực rất nhanh, với cao ốc này.

“Trên công trình có nhiều chuyên gia, kỹ sư nước ngoài, và tôi rất hãnh diện trước họ, vì người Việt mình đã làm được công trình đẳng cấp như vậy. Đó cũng là điều đặc biệt với một kỹ sư xây dựng như tôi. Nếu trong tương lai Việt Nam có tòa nhà nào cao hơn thì cũng chưa chắc mình vinh dự được làm”, Hợp nói.


Những người bình thường trên nóc công trình đặc biệt


Ông Dư Văn Bàn, 50 tuổi, từ huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp lên công trình này làm công từ thời điểm bắt đầu xây dựng đến nay. Việc của ông là vận chuyển vật liêu xây dựng đến các khu vực trên tầng cao sau khi vật liệu được máy cẩu đưa lên.

Ông cho biết đã theo nghề xây dựng hơn 10 năm, đi khắp các công trình, nhưng đây là công trình đặc biệt nhất, dù phần việc của ông bình thường nhất.


Các kỹ sư, công nhân chờ thang máy lên xuống tầng trệt và tầng 80 . Ảnh: Lê Quân.

Chị Như Ý, công nhân đội vệ sinh, tay thoăn thoát dùng búa đục phần xi măng, vôi vữa bám trên sàn, vừa chia sẻ chuyện hơn 1 năm làm việc tại tòa nhà mà chị bảo, mấy ngày nay “vui khó tả” khi chiều đi làm về đọc báo, biết nhiều người đến tham quan, chia sẻ hình ảnh.

“Cũng một năm rồi, tầm này năm ngoái, khi kết thúc công trình 30 tầng ở Cần Thơ, tôi cùng chồng lên Sài Gòn làm ở tòa nhà này. Chồng làm công nhân xây dựng, tôi phụ trách phần vệ sinh, việc quen thuộc mà tôi đã gắn bó hơn 5 năm nay. Quen làm công trình, cũng đã làm ở nhà cao tầng rồi, nhưng khi lên Landmark 81 đúng là ngoài sự tưởng tượng. Thật khó diễn tả cảm giác của mình mỗi buổi sáng sớm, đứng dưới nhìn nóc tòa nhà lẩn trong mây, và một lúc sau tôi lại có mặt ở nơi mây bay đó”, chị Như Ý vệt mồ hôi chảy trên má, kể chuyện.

Tổ vệ sinh với 7 chị em nữ phụ trách vệ sinh các tầng trên cùng của tòa nhà có những người lần đầu đến với công việc này. Trong những phút tạm nghỉ vì cơn mưa, Diệp Thị Muội, quê Bạc Liêu năm nay mới 22 tuổi, trẻ nhất trong các chị em làm việc ở đây, cho biết mới đi theo chồng “làm hồ” vào đầu năm 2018, và làm luôn tại chính công trình cao tầng này.


Trên công trình có khoảng 50 phụ nữ phụ trách công việc vệ sinh các tầng. Họ đa phần đến từ miền Tây như Bạc Liêu, Sóc Trăng, Đồng Tháp. Ảnh: Lê Quân.

Cũng như các chị em khác, công việc của Muội là dọn dẹp vệ sinh các sàn khi phần xây dựng hoàn thiện.

Muội bảo vì “chồng đâu vợ đó” và vì công việc này giúp chị kiếm được thu nhập tốt, lại có thể chủ động thời gian về thăm con. Con nhỏ 28 tháng gửi bà nội ở quê chăm sóc, hai vợ chồng chịu khó tăng ca cũng có thu nhập mỗi tháng trung bình 20-22 triệu đồng. Thỉnh thoảng chị xin nghỉ một vài ngày chạy 4 tiếng về quê thăm con rồi lại lên.

Vợ chồng Muội thuê nhà trọ gần công trình. Cũng như các chị em công nhân nữ cùng tổ, hàng ngày đều đặn mỗi sáng, người phụ nữ trẻ này xách cơm đã chuẩn bị sẵn ở nhà, “vượt” 400 mét độ cao lên công trình làm việc. Giờ nghỉ trưa, các chị em lại chia sẻ niềm vui rất phụ nữ, là khoe hình con cái, nhà cửa ở quê với nhau trước khi đến giờ làm việc buổi chiều.

37 tuổi và cũng mới tham gia công trình được 6 tháng, chị Tiên quê Sóc Trăng là người lớn tuổi nhất đội vệ sinh nữ đang làm việc trên tầng 80. Chị bảo cũng lăn lộn cùng chồng đi hết công trình này đến công trình khác nhưng chủ yếu ở tỉnh, công trình cao nhất chị làm trước khi đến Landmark 81, là tòa nhà cao 6 tầng ở Tây Ninh.


Diệp Thị Muội, quê Bạc Liêu năm nay mới 22 tuổi, trẻ nhất trong các chị em làm việc ở đây, cho biết mới đi theo chồng “làm hồ” vào đầu năm 2018, và làm luôn tại chính công trình cao tầng này. Ảnh: Lê Quân.

Không quen làm trên cao, những ngày đầu chị rất sợ và luôn thấy chóng mặt. Nhưng công việc cuốn chị quen dần. Để đảm bảo sức khỏe, chị Tiên chỉ làm hết ngày, chiều tối về nghỉ ngơi chuẩn bị cơm nước cho ngày làm việc tiếp theo của hai vợ chồng, chứ không tăng ca.

“Hồi đó giờ mình đâu có nghĩ sẽ làm việc trong công trình cao như thế này đâu. Mà giờ công trình cũng sắp kết thúc rồi, chắc mai mốt hết việc, đi công trình khác, tôi cũng không có cơ hội lên lại những tầng cao này nữa”, chị Tiên nói.

Không chỉ có nhóm của chị Tiên, Muội, Như Ý, trên công trình có khoảng 50 phụ nữ phụ trách công việc vệ sinh các tầng. Họ đa phần đến từ miền Tây như Bạc Liêu, Sóc Trăng, Đồng Tháp. Lý do chọn công việc này của họ gần như nhau, là ở quê không có ruộng đất sản xuất. Chồng đi công trình và mình cũng muốn đi làm cùng. Công việc vệ sinh trên công trình cũng phù hợp khả năng và giúp họ kiếm thu nhập ổn định.
Tòa nhà Việt của người Việt

Tháng 6/2016, ngành xây dựng trong nước ghi dấu một sự kiện mang tính lịch sử, khi lần đầu tiên, một nhà thầu nội địa đã vượt qua các nhà thầu quốc tế, giành quyền thi công kết cấu phần hầm và thân tòa nhà Landmark 81, tòa nhà cao nhất Việt Nam.

Thời điểm đó, Coteccons, dù là nhà thầu số 1 Việt Nam, nhưng chưa có kinh nghiệm thi công các công trình trên 60 tầng, đã vượt qua 2 đối thủ lớn nước ngoài, là Lotte và SsangYong (Hàn Quốc), được chủ đầu tư giao thi công tòa tháp với tổng giá trị gói thầu đến 6.000 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Bá Dương - Chủ tịch HĐQT Coteccons, chia sẻ với truyền thông vào năm 2014, Vingroup cho đấu thầu công khai Landmark 81. Coteccons tham gia đấu thầu nhưng "lép vế", do báo giá cao và chưa có kinh nghiệm làm công trình trên 60 tầng.


Tòa nhà Landmark 81 nhìn từ độ cao 500 m. Ảnh: Hoàng Hà.

“Sau khi nộp hồ sơ, phỏng vấn, thuyết trình cho chủ đầu tư nhưng rất lâu không nhận được phản hồi, tôi nghĩ chắc họ cần hình ảnh nhà thầu quốc tế. Nhưng, một hôm anh Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Vingroup, gọi cho tôi và muốn giao cho một nhà thầu Việt Nam làm. Bất ngờ, nhưng tôi hiểu ý nghĩa sâu xa của lời đề nghị từ anh Vượng", ông Dương chia sẻ.

Ngay trong đêm, toàn bộ ban giám đốc của Coteccons đã ra Hà Nội gặp ông Phạm Nhật Vượng. Và với Coteccons, vấn đề không còn là chuyện lời hay lỗ khi thi công tòa tháp, mà đó là bộ mặt của Việt Nam. Trước Landmark 81, Việt Nam có 3 tòa nhà trên 60 tầng đều do các nhà thầu quốc tế thực hiện.

Ông Dương cũng cho biết vì đây là công trình lớn nhất của doanh nghiệp từ trước tới giờ, nên đơn vị đã nhờ đến sự hỗ trợ từ tập đoàn Obayashi (Nhật Bản).

Tháng 8/2016, nhà thầu lớn nhất Việt Nam bắt tay thi công khối móng cho tòa nhà với độ phức tạp và quy mô chưa từng có tại thị trường xây dựng trong nước. Để làm phần móng, hơn 5.000 tấn thép và 17.000 khối bê tông được sử dụng ở độ sâu hơn 21 m, diện tích móng 3.000 m2 và quần thể gần 3 ha xung quanh.

Những người thợ nông dân trên nóc công trình Landmark 81 Ở độ cao 400 m trên nóc tòa nhà Landmark 81, hàng nghìn lao động hối hả làm việc. Nhiều người thợ ở đây là những nông dân miền Tây lần đầu đến công trường xây dựng.

Kỹ sư Nguyễn Phúc Thanh của Coteccons cho biết ở dự án có rất nhiều đặc điểm kỹ thuật mới, như bê tông khối lớn, hệ lõi thép cực lớn và phức tạp được thi công để tạo nên bộ khung vững chãi cho tòa nhà. Ở Việt Nam chưa có dự án nào áp dụng các kỹ thuật quá mới này, và phải thi công những sàn cao 30 m, những cột đứng độc lập cao đến hơn 25 m.

Thi công trên tầng cao, công nhân không chịu được sức gió quá mạnh nên khoảng 4 tiếng phải đổi ca một lần. Địa hình trên cao cũng không cho phép đông người, đơn vị thi công chỉ chọn khoảng 20 công nhân có trình độ, sức khỏe tốt để đảm trách nhiệm vụ khó khăn.


“Chúng tôi ai cũng đặt rất nặng trách nhiệm với dự án này vì đó là dự án đặc biệt, quá cao và quá lớn, người Việt Nam mình chưa bao giờ làm cả. Tiến độ cũng được đẩy quá gấp, trung bình 3,5 ngày phải đổ một sàn, chúng tôi phải làm việc suốt 14 tháng và trong 14 tháng đó, mỗi ngày chúng tôi phải làm 24 tiếng liên tục. Nếu không kiên trì và dũng cảm thì không thể làm nổi”, anh Thanh nói.

Tháng 2/2018, Coteccons vượt tiến độ phần thô toàn dự án 45 ngày và cất nóc. Khi cất nóc, công trình đã đạt độ cao gần 400 m.

Tòa nhà ghi dấu kỷ lục về thời gian với hơn 9 triệu giờ công, hơn 2.000 công nhân cùng hàng trăm kỹ sư làm việc liên tục. Landmark 81 có tổng diện tích sàn xây dựng lên tới 203.829 m2, 90.000 m2 diện tích hầm, sử dụng hơn 170.000 m3 bê tông, 80.000 tấn thép.

Sau khi hạng mục đầu tiên của tòa nhà cao nhất Việt Nam - khu trung tâm thương mại 5 tầng hầm và 1 tầng nổi, đi vào hoạt động, tối 26/7, hệ thống ánh sáng nghệ thuật của tòa nhà cũng được ra mắt, trình chiếu để người dân TP.HCM và du khách đến tham quan, vui chơi.

Chủ đầu tư cho biết tháng 1/2019, toàn bộ tòa nhà sẽ hoàn thiện và đưa vào vận hành. Công trình chỉ còn khâu hoàn thiện bên trong và phần đài quan sát.

Chưa vận hành toàn bộ, nhưng công trình đang thu hút rất đông giới trẻ, người dân tới tham quan. Tòa nhà này trở thành một điểm vui chơi mới ở TP.HCM, giảm tải cho khu vực trung tâm.

Landmark 81 được xây dựng ngay tại trung tâm khu đô thị Vinhomes Central Park, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Tòa nhà với chiều cao hơn 461 m này đang ở vị trí cao thứ 15 của thế giới.

Danh sách 10 tòa nhà cao nhất Việt Nam xáo trộn ra sao qua 8 năm?
Trong danh sách 10 tòa nhà cao nhất Việt Nam có nhiều công trình đã trở thành biểu tượng của 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM.


Hà Linh - Lê Quân
https://news.zing.vn/nguoi-viet-tham-lang-tren-noc-toa-thap-81-tang-o-sai-gon-post865766.html


Ý KIẾN BẠN ĐỌC (15)


  • Lê Hùng

    Mình cũng từng thi công điện nước bên Sài Gòn Central Garden kế bên sông SG đối diện Landmark. Có 50 tầng thôi mà cũng phê rồi. Đúng là đi công trinh cực nhất là thời điểm vào tiến độ để kịp với tg bàn giao. Làm 24/24 không biết nghỉ là gì. Mệt, cực, khổ nhưng đổi lại cũng có nhiều niềm vui và vinh dự lắm.
    Trả lời93 Thích14 giờ trước
  • Thuý

    Mình không hiểu lắm về các công trình. Nhưng nghe một người bạn nói toà nhà này thiết kế hình khối lập thể, góc cạnh, như vậy sức gió trên cao sẽ tạt rất mạnh, nguy hiểm, nhất là tại các điểm góc của toà nhà thì tốc độ gió bị nhân lên cực mạnh không như toà nhà Bitexco thiết kế bầu tròn nhằm làm giảm độ di chuyển của gió. Không biết đúng ko? Ai am hiểu kỹ thuật xin cho lời bình với!
    Trả lời2 Thích8 giờ trước
  • Hieu Tr

    Thật sự, nhìn những con người này cười trên những giọt mồ hôi thấy thật ngưỡng mộ và vui lây, điều mà 1 dân văn phòng như mình không cảm nhận dk khi vất vả, khó khăn( chỉ thấy bực bội, mệt mỏi, chán nản) . Thế mới thấy, thoải mái với công việc mình làm còn hơn làm 1 công việc thoải mái!
    Trả lời2 Thích10 giờ trước
  • vân

    Họ hạnh phúc vì được lao động cùng nhau, cùng xây nên những công trình tầm cỡ . Cùng sẽ chia công sức xây những công trình . Cùng góp nhặt những niềm vui nhỏ . Xây nên tòa lâu đài hạnh phúc đời thường . Đâu phải ai cũng cảm nhận được điều này
    Trả lời21 Thích13 giờ trước
    • Hi

      Hạnh phúc cái gì chứ, vì miếng cơm manh áo mới phải làm thôi, nếu được lựa chọn chẳng ai muốn làm cả, đi công trình khổ cực lắm
      Trả lời3 Thích8 giờ trước
  • Ks.tr

    Những người công nhân miền Tây đã góp phần rất lớn tạo nên những công trình như vậy, không thể nào phủ nhận công sức của họ, mặc dù đa phần là công việc tay chân.
    Trả lời55 Thích14 giờ trước
    • Trần Anh Kiệt

      Đúng r bạn, ai cũng chọn việc nhẹ nhàng thì gian khổ để dành phần ai .
      Trả lời20 Thích14 giờ trước
  • Trần Công Lâm

    Tòa nhà tượng trưng cho tinh thần dân tộc của người Việt, cao hơn các tòa nhà do nhà thầu nước ngoài làm. Trên đất nước Việt Nam, người Việt vẫn đứng nhất!
    Trả lời33 Thích17 giờ trước
  • Minh tiến

    Biết ơn những người hy sinh thầm lặng cho tp nơi tôi đang sống. Mong mọi người nhiều sức khoẻ để có thể có được những công trình tuyệt đẹp cho to này. Xin chân thành cảm ơn😊😊😊😊
    Trả lời13 Thích13 giờ trước
  • Tự

    Những con người bình thường làm nên công trình vĩ đại nhưng nhìn lại họ chả bình thường tý nào. Hi vọng sau này VN còn có những công trình tầm cỡ như vậy.
    Trả lời12 Thích19 giờ trước
  • Nông Dân

    Nụ cười của chị công nhân đó rất đẹp rất hiền và rất phụ nữ Việt Nam, tuyệt vời.
    Trả lời30 Thích18 giờ trước
  • VIET NGUYEN

    Mới 22 tuổi sao làm hồ nhỉ, phụ nữ còn trẻ còn nhiều việc khác mà chắc giờ làm việc này lương cao hơn chăng
    Trả lời6 Thích15 giờ trước
    • Lê hiển

      Làm hồ thì sao. Nghề nào cũng cao quí cả, không trộm cướp hay lừa đảo, không vi phạm pháp luật. Người ta biết khả năng người ta tới đâu nên chọn việc thích hợp với bản thân. Và nhất là họ muốn chồng ở đâu, vợ ở đó.
      Trả lời40 Thích13 giờ trước
    • Xem thêm 2 trả lời
  • Phan Cuong

    Hình cô em công nhân đẹp quá... Đẹp hơn các người mẫu tô son, trát phấn nhiều ..
    Trả lời25 Thích12 giờ trước
  • nguyenbang

    Ko biết có thắng nỗi sức gió 200km/h ko. Mong mọi sự bình an đên với người dân VN
    Trả lời4 Thích18 giờ trước
  • Hà Phương

    Em Muội đẹp quá... 22t đã lấy chồng tiếc thiệt
    Trả lời17 Thích18 giờ trước
  • Casa

    Đọc đến đâu sướng đến đấy - Hàng Việt nam chất lượng cao!
    Trả lời6 Thích16 giờ trước
  • Oliver bao sang

    Xinh vậy mà đi theo chồng phụ hồ khổ vậy em ơi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét