Quyền được sống - nhìn từ Luật Đất đai
30/07/2018 - Nhớ câu nói nổi tiếng và nhói lòng của nhân vật Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên của nhà văn Nam Cao năm xưa: “Tôi muốn làm người lương thiện. Ai cho tôi lương thiện?”. Hóa ra, đã là con người, dù có thân phận bình thường hay cùng đinh như Chí Phèo thì cũng chỉ cầu mong cơ bản là được sống và làm ăn lương thiện. Quyền được sống, từ góc độ pháp luật, không phải là một ngôn từ đẹp đẽ hay cao thượng mà chính là trách nhiệm và nghĩa vụ của Nhà nước bảo đảm cho người dân có được một không gian an toàn để sinh nhai và mưu cầu hạnh phúc. Vậy, hệ thống pháp luật nói chung do chúng ta tạo nên đã làm được điều đó chưa?
Ảnh: CTV
Ngày 12.7, Tòa án Nhân dân Cấp cao tại TP.HCM đã phúc thẩm vụ nổ súng trong tranh chấp đất đai gây chết người vào rạng sáng 23.10.2016 ở Đắk Nông. Bản án đã được tuyên sửa một phần nhưng vẫn giữ nguyên án tử hình đối với Đặng Văn Hiến (ảnh dưới). Một phiên tòa đẫm nước mắt! Tại sao?Tội ác và quyền được sống
Hiến rõ ràng đã phạm tội giết người và đáng bị trừng phạt theo luật pháp, nhưng anh ta có phải là một tội phạm không? Hiến và gia đình, cũng như bao người dân nghèo khác phải lang bạt, di cư để kiếm sống bằng những mảnh đất mà mình khai phá. Rồi một ngày, những cái văn bản về pháp lý ở đâu đó được ban ra và tai họa ập đến. Ba mạng người đã bị cướp đi và giờ đây sắp là Hiến với tư cách thủ phạm. Nếu pháp luật là nhân văn bởi nó sinh ra vì con người, theo đó mọi tội ác chống lại con người đều phải bị trừng trị thì câu hỏi trong vụ án này vẫn còn đó: tội ác ấy ở đâu ra?
Tôi liên tưởng như một nỗi ám ảnh khôn nguôi đến vụ án Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng, Hải Phòng sáu năm trước. Lúc đó, trùng với thời điểm góp ý sửa Luật Đất đai, tôi đã nêu (trên tạp chí Tia Sáng 2.2012) quan điểm rằng đừng tầm thường hóa đất đai khi coi nó chỉ như một tài sản hay phương tiện sản xuất - kinh doanh kiếm lời mà phải trân trọng nó như “không gian sống” hay không gian sinh tồn, gắn bó với máu thịt và linh hồn của con người. Chỉ như thế chúng ta mới hiểu được động cơ của hành vi chống chính quyền để sẵn sàng chết của anh em ông Đoàn Văn Vươn.
Giờ đây, với vụ án Đặng Văn Hiến có nhiều điểm tương tự, tôi càng khẳng định mạnh mẽ rằng nếu việc tiếp tục sửa Luật Đất đai sắp tới không đi theo hướng như vậy thì bao nước mắt còn rơi và máu không tránh được lại đổ nữa ở trên mảnh đất hình chữ S do cha ông để lại này.
Lần đầu tiên trong lịch sử, hòa nhập với tư tưởng chung của nhân loại, Hiến pháp năm 2013 nước CHXHCN Việt Nam long trọng ghi nhận tại điều 19 rằng: “Mọi người có quyền được sống...”. Sẽ có rất nhiều người bỏ qua điều này khi đọc Hiến pháp bởi dường như đó là điều hiển nhiên, nhưng nghĩ sâu hơn thì không hẳn vậy. Điều luật này thực ra gần lắm với một câu nói nổi tiếng và nhói lòng của nhân vật Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên của nhà văn Nam Cao năm xưa: “Tôi muốn làm người lương thiện. Ai cho tôi lương thiện?”.
Hóa ra, đã là con người, dù có thân phận bình thường hay cùng đinh như Chí Phèo thì cũng chỉ cầu mong cơ bản là được sống và làm ăn lương thiện. Quyền được sống, từ góc độ pháp luật, không phải là một ngôn từ đẹp đẽ hay cao thượng mà chính là trách nhiệm và nghĩa vụ của Nhà nước bảo đảm cho người dân có được một không gian an toàn để sinh nhai và mưu cầu hạnh phúc. Vậy, hệ thống pháp luật nói chung do chúng ta tạo nên đã làm được điều đó chưa?
Nhìn lại bốn vấn đề của Luật Đất đai
Từ góc độ một luật sư, điều khiến tôi băn khoăn nhiều năm qua có tính song hành: một bên, Nhà nước luôn luôn nỗ lực sửa đổi và hoàn thiện luật; còn bên kia, phía người dân, các khiếu kiện và tranh chấp đất đai vẫn không ngừng tiếp diễn và gia tăng. Vậy, thực chất điều đó là gì? Ai cũng hiểu người dân luôn có xu hướng hành xử theo các quy luật tự nhiên của đời sống, trong khi đó luật pháp lại vừa không tương thích, vừa không theo kịp. Cụ thể, kể từ khi quốc hữu hóa đất đai năm 1980, trong cả bốn biện pháp mà Nhà nước sử dụng để quản lý đất đai cũng như can thiệp vào nền kinh tế và đời sống dân sự thì cả bốn đều có vấn đề! Đó là:
Thứ nhất, Nhà nước quyết định mục đích sử dụng đất với tư cách chủ sở hữu. Điều này hợp logic về hình thức nhưng bất hợp lý về thực tế. Đó là vì không có chủ thể nào lại sử dụng một mảnh đất trống mà không xây dựng công trình hay trồng trọt, chăn nuôi trên đó. Từ đây có hai vấn đề pháp lý phát sinh: cứ mỗi lần do nhu cầu cuộc sống mà phải thay đổi mục đích sử dụng, người sử dụng đất lại phải xin phép Nhà nước; ngoài ra, các tài sản hình thành trên đất không thể được xác lập quyền sở hữu về dân sự một cách rõ ràng và chắc chắn một khi đất luôn thuộc về chủ thể khác là Nhà nước. Nếu thực tiễn này mãi như vậy, người dân Việt Nam có thể phấn đấu giàu lên về của cải và thu nhập nhưng không bao giờ có các quyền sở hữu thực sự và vững bền.
Thứ hai, Nhà nước quyết định thời hạn sử dụng đất. Điều này có thể đúng xét từ góc độ quản lý đất như một tài sản độc lập. Tuy nhiên, các tài sản được hình thành từ đất và trên đất thì lại không tồn tại và vận hành theo logic quản lý như vậy. Có thể nêu ra hai ví dụ. Đối với đất nông nghiệp, trong vụ án Đoàn Văn Vươn, những khu đất mới được khai khẩn vất vả để tạo thành tài sản có giá trị không thể chấm dứt thời hạn sử dụng chỉ sau 20 năm đối với người tạo lập nó. Còn đối với đất thương mại hay công nghiệp, dù một nhà đầu tư có được cấp thời hạn sử dụng tới 50 hay thậm chí 70 năm thì ngày nay về khách quan, không thể đòi hỏi anh ta theo đuổi dự án đầu tư hay ngành nghề ấy trong suốt chừng ấy năm.
Thứ ba, Nhà nước quyết định cơ chế tài chính đối với đất. Chưa bàn đến câu chuyện giá đất mà điều quan trọng là, liệu Nhà nước với tư cách chủ sở hữu nên và có thể chủ trương kinh doanh đất để thu lời không? Vừa qua có ý kiến ở một địa phương cho rằng, nếu chính quyền mang đấu giá quỹ đất còn dư thì có thể thu về cho ngân sách một số tiền khổng lồ hàng triệu tỉ đồng. Cá nhân tôi e rằng, một khi Nhà nước tiến hành thương mại hóa đất đai đối với chính người dân của mình thì liệu trong bối cảnh toàn cầu hóa, Việt Nam còn có thể xây dựng nổi một nền kinh tế quốc dân có sức cạnh tranh?
Cuối cùng, như một sự “phái sinh” từ ba quyền quản lý nói trên, kết hợp với đặc quyền quản lý phát triển kinh tế - xã hội, Nhà nước có quyền thu hồi đất. Căn cứ thu hồi đất có thể từ bất cứ lý do nào sau đây: với quyền của chủ sở hữu, Nhà nước thu hồi do có vi phạm mục đích sử dụng, hết thời hạn sử dụng hoặc không nộp tiền sử dụng hay thuê đất. Nếu ba lý do này không tồn tại, Nhà nước với quyền năng quản lý chung của mình vẫn có quyền thu hồi đất cho mục tiêu chung phát triển kinh tế - xã hội. Có thể nói với quyền thu hồi đất của Nhà nước rộng rãi như vậy, rủi ro mất đất dẫn đến mất các tài sản gắn liền với nó luôn là một thanh gươm treo lơ lửng trên đầu bất cứ người sử dụng đất nào.
Pháp luật, công lý và chiếc... van an toàn
Trở lại với vụ án Đặng Văn Hiến ở Đắk Nông, một vùng cao nguyên trù phú nơi có dân nghèo từ khắp các miền tìm đến với hy vọng đổi đời từ lao động bám đất. Từ góc độ pháp lý, có lẽ khó đưa ra bằng chứng về các sai sót kỹ thuật của cơ quan xét xử khi tuyên án tử cho Hiến và nhiều năm tù cho những người có liên quan. Tuy nhiên, nếu cái nguyên lý “giết người thì phải đền mạng” từ thuở xưa không còn được chấp nhận ở thời văn minh này, thì nên chăng cần đặt tiếp những câu hỏi xung quanh ý nghĩa công lý của bản án tử hình đối với Hiến?
Một ngày sau khi nhận án tử hình, Đặng Văn Hiến đã có đơn gởi Chủ tịch nước xin ân xá. Trong khi đó Văn phòng Chủ tịch nước cũng đã có công văn truyền đạt ý kiến của Chủ tịch nước Trần Đại Quang yêu cầu chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao phối hợp với Bộ Công an chỉ đạo, kiểm tra việc điều tra, truy tố, xét xử vụ án Đặng Văn Hiến để báo cáo Chủ tịch nước.
Từ xa xưa, con người đã đạt đến nhận thức không đơn giản đồng nhất pháp luật với công lý. Nếu pháp luật là sản phẩm của một bộ máy chuyên nghiệp do nhà nước tạo nên thì công lý luôn luôn tồn tại tự nhiên trên cơ sở các ý niệm về chuẩn mực đạo đức xã hội và niềm tin của con người về lẽ công bằng. Pháp luật dù có tinh vi đến đâu nhưng nếu không tiệm cận hay thậm chí xa rời công lý thì sẽ dẫn cả xã hội vào trạng thái nguy hiểm. Đó là hoàn cảnh người dân “tự xử” và những kẻ mạnh sẽ ứng xử theo cách “thay trời hành đạo”.
Bởi thế, để khắc phục những rủi ro có thể có của công cụ pháp lý hình sự, hoặc đó là sự nhầm lẫn trong kết tội, hoặc là việc kết tội đúng quy trình và thủ tục (due and fair process) nhưng công lý vẫn không được bảo đảm, hiến pháp các nước đều có điều khoản “van an toàn”, một cơ chế thông minh và đầy tính nhân văn. Theo đó, người đứng đầu của quốc gia có đặc quyền xem xét lại các bản án hình sự, đặc biệt án tử hình, cho mục đích ân giảm hình phạt. Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam cũng có thẩm quyền như vậy, thể hiện trọng trách và địa vị cao nhất mà nhân dân dành cho ông.
Đặng Văn Hiến đang xin Chủ tịch nước ân giảm tội chết cho mình. Tin tức từ truyền thông cho biết, mặc dù vụ án đã được xử xong, cả Hiến, gia đình và những người dân nghèo ở nơi xảy ra vụ án vẫn có hai điều thắc mắc về cả pháp luật và công lý: một là, tranh chấp đất đai còn chưa được giải quyết thì tại sao một doanh nghiệp lại có quyền “cưỡng chế” thu hồi đất thay cho chính quyền và tàn phá cây cối, tài sản của họ; hai là, tại sao người dân đã sinh sống lương thiện, trồng trọt và canh tác hiệu quả từ lâu trên những mảnh đất đó mà chính quyền lại không bảo vệ họ? Hai thắc mắc này, e rằng với các khiếm khuyết hiện nay, hệ thống pháp luật đất đai không thể có câu trả lời.
Tác giả đưa ra các phân tích trên với tâm huyết xin Chủ tịch nước xem xét để không lấy đi quyền được sống của người nông dân phạm tội Đặng Văn Hiến, đồng thời với tâm nguyện của một luật sư, kiến nghị Quốc hội xem xét sửa đổi Luật Đất đai để đạo luật quan trọng bậc nhất với đời sống nhân dân này thật sự phục vụ quyền sống và mưu cầu hạnh phúc của họ.
Luật sư Nguyễn Tiến Lập - Thành viên NHQuang & Cộng sự, trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam
http://nguoidothi.net.vn/quyen-duoc-song-nhin-tu-luat-dat-dai-14582.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét