Thứ Tư, 8 tháng 8, 2018

Ko so sánh Kền Kền với người xỉa xói đời tư người khác!

Không được mượn danh Kền Kền để chỉ đám đông xỉa xói đời tư người khác!
Hoàng Hải Vân, 6 Tháng 8 - Từ lâu tôi cẩn trọng không dùng con vật để mô tả sự xấu xa của con người, vì vậy mà vốn ngôn ngữ của tôi có nghèo nàn hơn so với nhiều người khác. Những con vật từ chó, kền kền, quạ đến rắn rết sâu bọ … được các bậc “thánh nhân” như Khổng Tử cũng như các bậc trí giả văn hay chữ tốt ngày nay mượn tên để rủa sả những kẻ tiểu nhân, đều là các chúng sanh vô tội.

(Hình : kền kền trên Tháp im lặng)
Chẳng hạn, không dùng “bầy kền kền” hay “lũ quạ” để chỉ đám đông xỉa xói vào đời tư người khác. Kền kền hay quạ là những con vật cực kỳ hữu ích, chúng chính là những chiến sĩ bảo vệ môi trường. Có vô số những điều hay ho xung quanh những con vật bị lạm dụng tên tuổi, ở đây xin nói về đám kền kền.

Cách đây trên dưới 20 năm, Ấn Độ đối mặt với một cuộc khủng hoảng sinh thái suýt rơi vào thảm họa. Đó là việc số lượng chim kền kền của nước này bất ngờ suy giảm đến 95% tính vào thời điểm năm 2003. Tình trạng đó gây chấn động thế giới. Có 2 lý do : Thứ nhất, Ấn Độ coi bò là một linh vật, phần lớn dân chúng không ăn thịt bò, cho nên bò chết do già chất thành những đống to như núi. Giải quyết những thi thể bò chết kia là nhiệm vụ của đám kền kền. Không có kền kền, Ấn Độ sẽ rơi vào thảm họa sinh thái. Thứ hai, một số bộ tộc của Ấn Độ, như bộ tộc Parsi, có tục thiên táng, tức là người chết không được chôn cất hay hỏa thiêu mà đặt trên một đài cao gọi là Tháp im lặng (Dakhma) cho kền kền rỉa xác làm sạch thi thể, chỉ còn lại xương. Không có kền kền, cũng sẽ gây ra thảm họa sinh thái.

Các nhà khoa học vẫn không tìm ra nguyên nhân, chỉ biết kền kền ở đây bị suy thận. Một cuộc khảo sát công phu với sự tham gia của các nhà khoa học quốc tế, đứng đầu là một nhà khoa học Mỹ (rất tiếc tôi đã quên tên), với hơn 4000 mẫu bò chết được nghiên cứu, ngươi ta phát hiện trong xác bò có dư lượng thuốc giảm đau diclofenac, là nguyên nhân gây suy thận. Do người Ấn coi bò như người, nên người dân dùng thứ thuốc kia để giảm đau đớn cho những con bò bị bệnh. Dư lượng thuốc kia tồn tại trong các xác bò chết, kền kền ăn vào đã suy thận. Một cuộc vận động có thể nói là vô tiền khoáng hậu trên thế giới gây sức ép buộc Chính phủ Ấn Độ ra lệnh cấm sử dụng thứ thuốc này. Chỉ một năm rưỡi sau, vào tháng 3 năm 2005 diclofenac bị cấm hẳn ở nước này. (Diclofenac cho đến ngày hôm nay vẫn được lưu hành hợp pháp ở Việt Nam, kể cả cho gia súc và cho người).

Và các nhà khoa học cùng những người tình nguyện đã chăm sóc vô cùng chu đáo những chú kền kền con, từng bước đưa chúng trở lại môi trường để khôi phục lại lượng kền kền như cũ. Sự kiện này được kênh truyền hình National Geographic làm thành một phóng sự rất hay từ hơn 10 năm trước.

Những đám đông người trên mạng xã hội đang hàng ngày từng bầy từng đàn xỉa xói vào đời tư của người khác, bất chấp luật pháp, bất chấp đạo lý, ai cũng có nguy cơ trở thành nạn nhân. Hãy dùng thứ rác rưởi gì đó để ví với họ, chớ nên mượn danh những con vật đáng kính như kền kền nhé !

HOÀNG HẢI VÂN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét