Thứ Tư, 8 tháng 8, 2018

Chiến tranh thương mại: VN ‘cần thoát Trung’

Rất đồng tình với TS Chí trong bài này. Phải thừa nhận là kiến thức của TS Chí khoảng 10 năm gần đây tốt hơn xưa rất nhiều. Trước đây tôi rất thân với TS Chí, có lẽ tôi là người đầu tiên lôi kéo và mời TS Chí từ Mỹ về VN từ năm 2000 rồi tổ chức các hội thảo đình đám (từ các hội thảo đã tổng hợp thành bộ sách 3 tập: "Đánh thức con rồng ngủ quên - Kinh tế VN đi vào thế kỷ 21", xuất bản ở VN và ở Mỹ), sau đó đã hợp tác cùng nhau làm nhiều chuyện. Thời là bạn, tôi hay trực diện chê TS dốt quá và đòi hỏi thông tin nhiều quá, nhưng TS vẫn vui vẻ chấp nhận, chỉ thỉnh thoảng khoe anh đâu có dốt vì có bằng tiến sĩ xịn của đại học Pensylvania. Tuy nhiên, cuối cùng năm 2004 tôi đã tự quyết định chấm dứt tình bạn này, đã nói thẳng với TS trong văn phòng làm việc của TS tại Vientiane (Lào) điều đó, đồng thời cũng thẳng thắn giải thích với TS bằng 2 lý do nêu trên. 
Chiến tranh thương mại: Việt Nam ‘cần dứt khoát thoát Trung’
6 tháng 8 2018 - Lối ứng xử khôn ngoan của Việt Nam là hãy dứt khoát thoát Trung, hướng theo thế giới tự do bằng những cải cách thể chế cấp thiết mà giới trí thức và các tổ chức xã hội dân sự đã đề xuất trong vài năm nay. Và khôn ngoan điều chỉnh guồng máy sản xuất theo hướng thị trường Âu Mỹ đòi hỏi để nắm được thời cơ mới do cuộc thương chiến toàn cầu gây ra. Về tiền tệ, nếu tiền đồng giảm tới mức 24,500-25,000 VNĐ/$1, Ngân hàng Nhà nước VN đừng cố bảo vệ tỷ giá bằng cách dùng khối dự trữ ngoại tệ như hiện nay: con số ít ỏi trên 70 tỷ đôla sẽ có thể bay mất trong vòng 1 tháng do nhu cầu dân chúng và giới đầu cơ quốc tế.

Sở giao dịch chứng khoán New York- hình chụp ngày 2/8
Trung Quốc đang có cuộc chiến thương mại gia tăng với Hoa Kỳ kể từ tháng Bảy, trong lúc có lo ngại tăng trưởng của các quốc gia khác bị ảnh hưởng. Trong diễn biến mới nhất, Trung Quốc nói sẽ áp thuế mới lên 5.200 sản phẩm Hoa Kỳ nếu Washington tiến hành áp thuế 25% lên hàng hóa Trung Quốc trị giá 200 tỉ đôla.


Từ Washington DC, chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Phạm Đỗ Chí, bày tỏ quan điểm riêng về cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và tác động tới Việt Nam.

BBC:Cuộc chiến thương mại mà Tổng thống Donald Trump khởi xướng nhắm vào Trung Quốc, EU và cả không ít các đối tác đồng minh như Canada, Hàn Quốc có vẻ đã thực sự bắt đầu. Hiện theo ông quan sát thì các giới chỉ trích chủ yếu ở Phương Tây nói gì về chính sách này của Tổng thống Trump?
Phạm Đỗ Chí: Chính phủ Donald Trump đã tuyên bố nhiều lần rằng thuế quan (tariffs) là cần thiết để cắt giảm thậm hụt mậu dịch với EU và các đồng minh khác như Canada, Nhật và Hàn Quốc.
Dĩ nhiên phương Tây chỉ trích và lên án mạnh mẽ thuế quan là chính sách thương mại dân túy (America First) và không khác gì chủ nghĩa bảo hộ (protectionism). Họ chống lại đương nhiên cũng vì quyền lợi quốc gia của họ.
Điều phấn khởi là Mỹ và EU mới đây đồng ý hoãn lại việc đánh thuế quan và thương lượng để tháo gỡ rào cản thương mại. Đây phải là dấu hiệu rất khích lệ.


BBC: Mục đích thực sự đi xa hơn ngoài các biểu quan thuế khổng lồ nhắm vào hàng Trung Quốc của ông Trump là gì?
Thuế quan Mỹ đánh vào hàng Trung Quốc nhắm vào việc cắt giảm thâm hụt mậu dịch, bảo vệ tài sản trí tuệ, để tạo nền thương mại công bằng (fair trade).
Ông Trump đã hứa nhiều lần ngay lúc còn là ứng cử viên TT năm 2016. Và ông cương quyết giữ lời hứa này. Tuy nhiên, nếu cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung lan rộng, người ta cũng hiểu rằng đây không phải là cuộc chiến hoàn toàn về kinh tế mà còn về chính trị và quân sự để tái xác định siêu cường số một của Hoa Kỳ, kiểu "một hòn đá hạ hai con chim", trước tham vọng bá quyền công khai toàn cầu của Trung Quốc.

Một nhà máy làm cờ Mỹ ở tỉnh An Huy, Trung QuốcBản quyền hình ảnhGETTY IMAGES
Image captionMột nhà máy làm cờ Mỹ ở tỉnh An Huy, Trung Quốc

BBC: Có quan điểm ở Việt Nam lo ngại chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ gây thiệt hại cho Việt Nam, có quan điểm khác vui mừng thấy Bắc Kinh bị tổn thươn. Vậy thái độ nào và hành động nào là phù hợp hơn cả vào lúc này?
Phải nói ngay là một thành phần nhỏ đang thiên về Trung Quốc và muốn Trung Quốc chiến thắng. Một cách thẳng thắn, tôi phải đưa ra ngay một thí dụ là có hẳn một nhóm trí thức, có cấp bằng Cao học hay Tiến sĩ, đang nghiên cứu việc thành lập và quản trị 3 đặc khu kinh tế và hành chính theo hướng làm lợi cho Trung Quốc, mong muốn Trung Quốc làm đầu tàu hướng dẫn "phát triển Việt Nam". Họ kêu gọi cả người viết tham dự nhiều buổi hội thảo ở Hà nội hay Paris từ dạo đầu năm và nhờ mời thêm một số cựu lãnh đạo Mỹ đảng Dân chủ. Tất nhiên lương tâm một con dân gốc Việt bắt tôi phải từ chối.
Những dấu hiệu hiện tại chưa cho thấy rõ Việt Nam bị thiệt hại hay hưởng lợi bao nhiêu trong cuộc chiến thương mại này. Song nếu cuộc chiến lan rộng nó sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam và mọi quốc gia khác trên thế giới, vì giá sản phẩm sẽ tăng cao hơn cho mọi người tiêu thụ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump từng thăm Việt Nam tháng 11/2017Bản quyền hình ảnhGETTY IMAGES
Image captionTổng thống Mỹ Donald Trump từng thăm Việt Nam tháng 11/2017

Nhưng quan trọng nhất là về phương diện tiền tệ, sự phá giá của tiền đồng VNĐ theo đuôi một cách bắt buộc tiền Nhân dân tệ —giống như trường hợp nhiều nước Đông Nam Á khác đang chịu cùng áp lực để giữ cạnh tranh cho hàng hoá, sẽ tạo nhiều áp lực khủng hoảng kinh tế và chính trị.
Đơn cử một trường hợp nợ ngắn hạn bằng USD mà các nước này đã mượn trong 5-7 năm qua vì lãi suất Mỹ thấp. Nay lúc tiền Mỹ lên giá mạnh, gánh nợ ngắn hạn sẽ đưa các nước này vào khủng hoảng tiền tệ. Thí dụ của Thái Lan các năm 1997-98 còn rõ trong trí nhớ nhiều chuyên gia: tiền baht đã mất nửa giá từ 25 baht/$1 xuống 50 baht/$1; và cố gắng bảo vệ tỷ giá đã làm tiêu tan sạch cả khối dự trữ quốc gia hàng trăm tỷ đô của ngân hàng trung ương nước này.


Tham vọng bá quyền ngang ngược của Trung Quốc tại Biển Đông và toàn cầu phải khiến Việt Nam lo ngại cho tương lai bị Hán hóa. Nếu Hà Nội đứng về phía Bắc Kinh, tiếp tay với Trung Quốc tránh né thuế quan của Mỹ bằng cách xuất khẩu qua những Đặc khu Kinh tế đang theo đuổi, Mỹ sẽ làm cho Việt Nam thiệt hại bằng trừng phạt trả đũa. Nên nhớ Mỹ hiện đang có thâm hụt mậu dịch với Việt Nam. Và Mỹ sẽ gây áp lực giảm nó.
Do đó, lối ứng xử khôn ngoan của Việt Nam là hãy dứt khoát thoát Trung, hướng theo thế giới tự do bằng những cải cách thể chế cấp thiết mà giới trí thức và các tổ chức xã hội dân sự đã đề xuất trong vài năm nay. Và khôn ngoan điều chỉnh guồng máy sản xuất theo hướng thị trường Âu Mỹ đòi hỏi để nắm được thời cơ mới do cuộc thương chiến toàn cầu gây ra.
Về tiền tệ, nếu tiền đồng giảm tới mức 24,500-25,000 VNĐ/$1, đó sẽ là áp lực tiền tệ đã nêu trên. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đừng cố bảo vệ tỷ giá bằng cách dùng khối dự trữ ngoại tệ như hiện nay: con số ít ỏi trên 70 tỷ đôla (tuy là kỷ lục cho Việt Nam) sẽ có thể bay mất trong vòng 1 tháng do nhu cầu dân chúng và giới đầu cơ quốc tế.
TS Phạm Đỗ Chí muốn cám ơn Kỹ sư Dương Chí Thành về vài góp ý quan trọng cho bài phỏng vấn.
https://www.bbc.com/vietnamese/business-45083424

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét