Thứ Năm, 9 tháng 8, 2018

Đảng ơi!, Quốc hội ơi! Hãy lắng nghe dân!

"Toàn dân tộc Việt Nam đã nghe theo lời Đảng làm cuộc trường chinh giải phóng dân tộc ròng rã 30 năm. Biết bao con dân ưu tú đã ngã xuống, máu chảy thành sông, thây chất thành núi. Nhiều gia đình tuyệt tự vì các con trai con gái đã lần lượt ra mặt trận, và đều đã hy sinh. Có thể nói mỗi hạt cát, mỗi viên sỏi, mỗi thân cây, gốc lúa đều thấm đẫm máu xương con dân đất Việt qua ngàn đời, để có mảnh đất Việt Nam hình chữ S ngày nay. Sự hy sinh to lớn của dân tộc suốt chiều dài lịch sử để có một lãnh thổ như ngày nay, trao vào tay Đảng, vào tay Quốc hội. Vậy thì đất đai sông núi kia là của toàn dân chứ đâu phải của riêng Đảng, của riêng Quốc hội? Thế mà việc lớn có quan hệ đến sự mất còn của cả sinh mệnh quốc gia, dân tộc, Đảng và Quốc hội không nỡ hỏi ý dân. Có đúng là dân không có quyền tham gia việc nước?".
ĐẢNG ƠI!, 
QUỐC HỘI ƠI!
HÃY BÌNH TĨNH LẮNG NGHE DÂN!
FB Nguyễn Trọng Tạo - Chiều ăn cơm với nhà văn Hoàng Quốc Hải tại Vũng Tàu, thấy anh nói vừa viết xong bài đau lòng về 3 dự án đặc khu kinh tế của đất nước. Mong nước ta sẽ dừng lại...Trong hình ảnh có thể có: má»™t hoặc nhiều người
Ý KIẾN CÔNG DÂN của nhà văn Hoàng Quốc Hải
Chỉ mới nghe Quốc Hội thảo luận về Dự án luật cho ba Đặc khu kinh tế, với quyền ưu tiên vượt trội cho nhà đầu tư tới 99 năm và họ có quyền chuyển nhượng cho người khác kể cả quyền thừa kế. Ba đặc khu với ba cái tên: Vân Đồn - Bắc Vân Phong – Phú Quốc, nằm ở ba vùng đắc địa về kinh tế, hiểm địa về an ninh quốc phòng. Tôi vô cùng sửng sốt và có phần hoang mang nữa.

Những nhà kinh tế và khoa học đã phân tích tính lỗi thời của các đặc khu kinh tế so với thời đại 4.0
Không một nhà đầu tư nào tự nguyện đem công nghệ cao đến chuyển giao cho ta đâu. 

Mà họ chỉ cần thuê đất, thuê nhân công rẻ mạt và không chịu sức ép về bảo vệ môi trường.
Nếu thật sự là công nghệ cao thì không cần nhiều đất đến thế. Và tại sao phải đem ra tận ba nơi có vị trí chiến lược quan trọng mang tầm quốc tế này để mời gọi.

Ta đã có “Khu công nghệ cao Hòa Lạc”, mở ra cả chục năm rồi, chỗ còn rộng lắm mà có nhà đầu tư nào tới đâu. Và cái gọi là công nghệ cao ấy đã có sản phẩm công nghệ nào góp vào nền kinh tế?

Xin bỏ qua yếu tố kinh tế mà đi thẳng vào các vấn đề có liên quan đến lịch sử qua mô hình đặc khu với ba vùng đất, lẽ ra phải nghiêm cấm người nước ngoài tiếp cận.

Ba đặc khu ấy, nếu tính cả không gian biển và thềm lục địa mà nó có quyền tài phán theo luật Unclos, thì lên tới cả vạn km2. Các đặc khu kinh tế ấy “con quỉ” nào đội lốt “phượng hoàng” sẽ nhảy vào đây lót ổ?

Chắc chắn là người Trung Quốc. Nhưng Trung Quốc nham hiểm, họ tạm né để dân Việt an tâm. Vài ba năm sau họ sẽ mua lại. Mua bằng bất cứ giá nào, với họ cũng vô cùng rẻ mạt. Như vậy nghe êm hơn.

Việc mua lại xét ra không khó. Dù chủ cũ có là người Mỹ, người Nhật, người Hàn..... hễ cứ có lời là họ bán. Đó là quy luật của lợi nhuận trong kinh doanh. Họ không có bất kì nghĩa vụ nào đối với an ninh quốc gia của chúng ta. Bởi tổ quốc của nhà tư bản chính là lợi nhuận. Còn Tổ quốc của chúng ta lại chính là đất đai, trời, biển.

Tuy nhiên, họ cũng chẳng cần tế nhị, bởi lũ tiếp tay như Võ Kim Cự thiếu gì. Luật về đặc khu này, thử ra một điều đặc biệt: “Không chấp nhận các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc. Các chủ đầu tư không được thế chấp tài sản, chuyển nhượng tài sản cho người Trung Quốc, hoặc có yếu tố Trung Quốc”. Thử làm thế xem, liệu có nhà đầu tư nào mò tới không? Chắc là không! Bởi chỉ có người Trung Quốc là khát đất Việt Nam, nằm trong chiến lược thôn tính Việt Nam bằng giải pháp mềm: TIỀN!
Nếu ba đặc khu kinh tế với luật đặc khu như trong dự thảo, thì chỉ độ 3 tới 5 năm sau sẽ lọt vào tay người Trung Quốc hết, bởi luật Đặc khu cho phép chủ đầu tư có quyền chuyển nhượng, kể cả quyền thừa kế.
Và như vậy, chắc chắn ba Đặc khu ấy sẽ là ba thành phố Trung Hoa khổng lồ. Và chỉ trong vòng 30 năm vừa tăng trưởng dân số cơ học và di dân, tối thiểu mỗi nơi ít nhất có từ 7 triệu đến 10 triệu người.

Vài ba chục triệu người Trung Hoa nối đời sinh ra trên mảnh đất 99 năm ấy. Đương nhiên, nơi đó sẽ là quê hương của họ, tổ quốc họ. Ai xua đuổi nổi khối người khổng lồ ấy ra khỏi mảnh đất mà tổ tiên họ đã mua một cách hợp pháp.

Lại thử hỏi, với huyết thống bành trướng di truyền, liệu mấy chục triệu người ấy họ có chịu giam hãm trong giới hạn Đặc khu. Mặc nhiên, họ tỏa ra bốn phương tám hướng mà lấn chiếm, mà gieo rắc dòng máu Hán tộc trong cộng đồng người Việt.

Tới lúc này, họ chẳng cần tranh chấp thì dải đất hình chữ S này đương nhiên là của người Trung Hoa. Thành thử ta chỉ bán đợ (bán có thời hạn) ba vùng đất hẹp, lại hóa ra ta bán cả nước ta cho kẻ thù truyền kiếp.

Xin nói một cách chắc chắn rằng, nếu để người Trung Quốc đặt chân vào bất cứ nơi nào trên đất nước ta, thì không một thứ luật lệ nào chế tài được họ , họ là loài bạch tuộc triệu vòi.

Quốc hội ơi! Quốc hội có hình dung ra cảnh đất nước như thế nào sau 30 năm các người bấm nút xanh biểu quyết.

Các vị nên nhớ năm 1946, trong tình hình vận mệnh đất nước như vật nặng ngàn cân treo trên đầu sợi tóc. Pháp đã đem 15.000 quân theo chân quân Anh vào giải giáp vũ khí quân Nhật đầu hàng đồng minh. Quân pháp ra tối hậu thư cho chính quyền Nam Bộ phải đầu hàng. Thế là Nam Bộ kháng chiến. Trong khi đó 20 vạn quân Tàu Tưởng vào miền Bắc Việt Nam để giải giáp vũ khí chỉ có 35.000 quân Nhật đã đầu hàng.

Trong tình thế như vậy, buộc phải chọn một trong hai kẻ thù. Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn giải pháp đuổi 20 vạn quân thù truyền kiếp ra khỏi nước ta, đau đớn chấp nhận cho 15.000 quân Pháp vào miền Bắc nước ta thay thế 20 vạn quân Trung Hoa qua Hiệp định ngày mồng 6 tháng 3 năm 1946. Đó là sáng kiến vĩ đại của một người yêu nước vĩ đại, dám chịu trách nhiệm trước toàn dân và lịch sử.

Quân Trung Hoa phải rút khỏi Việt Nam từ ngày 1 đến 15 tháng 3 năm 1946, và chậm nhất là ngày 31 tháng 3 năm 1946. Điều khoản thứ 2 của Hiệp định này ghi rõ: “Nước Việt Nam thỏa thuận để 15.000 quân Pháp vào miền Bắc Việt Nam thay thế cho quân đội Trung Hoa giải giáp quân Nhật. Số quân Pháp này sẽ phải rút hết trong thời hạn 5 năm.”

Trong tình thế đất nước cực kỳ nguy nan, mà người cầm lái còn sáng suốt lựa chọn, và việc ký kết vẫn tỏ rõ một nước có chủ quyền.

Vậy mà trong tình hình yên bình như thế này, với số dân 95 triệu đâu phải nước nhỏ, và người Việt Nam chưa từng cúi đầu trước kẻ xâm lược nào, dù chúng đến từ phương trời nào. Thế mà tự nhiên lại lập ra ba cái gọi là Đặc khu để rồi trước sau cũng rơi vào bẫy giặc.
Xin Đảng, xin Quốc Hội hãy nhìn tấm gương hành xử của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua Hiệp ước 6/03/1946, vì Đảng luôn nêu cao tinh thần “Học tập tư tưởng Hồ Chí Minh”. Đây là bài học lịch sử rất gần, tấm gương vẫn còn đủ sáng để ta soi.

Người Trung Quốc đông như kiến, họ Hán hóa rất nhanh, rất tài tình và bài bản.
Thử xem dân tộc Uyghur ở Trung Á bị Thanh Càn Long xâm lược và nhập vào lãnh thổ Trung Hoa từ cuối thế kỉ 19, và đổi tên xứ này thành Tân Cương. Tân Cương có diện tích rộng tới 1.600.000 km2 và có biên giới với 8 quốc gia như Nga, Mông Cổ, Ấn Độ v.v...

Theo điều tra dân số của Trung Quốc năm 1949, tỉ lệ người Hán trên vùng lãnh thổ này chỉ chiếm 4%. Tới năm 2000 (50 năm sau) người Hán đã chiếm tỉ trọng 46%. Vài năm gần đây người Hán đã áp đảo với tỉ lệ 60/40.

Việc Hán hóa này cũng đang diễn ra cấp tập trên đất Tây Tạng.

Còn vùng Mãn Châu, quê hương của nhà Thanh, dân tộc đã thống trị Trung Hoa từ cuối thế kỉ 17 đến tận đầu thế kỉ 20, bây giờ ra sao?

Người Mãn Châu oanh liệt là vậy, bây giờ đã mất tiêu văn hóa Mãn, chỉ còn lại người Mãn mang hồn Trung Hoa. Nhà văn hóa người Mãn cuối cùng là Lão Xá (1899-1966) còn giữ được cái hồn văn hóa Mãn. Nhưng rồi không chịu nổi sự kỳ thị và ngược đãi, ông đã nhảy xuống hồ Thái Bình tự tử ngày 24 tháng 8 năm 1966.

Tấm gương ấy liệu có cảnh tỉnh cho “Ba Đặc khu kinh tế” sắp ra đời?

Tổ tiên ta đã chết đi sống lại trong cả ngàn năm Bắc thuộc, để gìn giữ dòng máu Lạc Hồng không bị Hán hóa.
Đầu thế kỷ 15, Lê Lợi cùng toàn dân đã kiên cường đánh đuổi giặc Minh hiểm ác. 

Chúng vừa thống trị vừa tiêu diệt đến cùng nền văn hóa Việt và dòng máu Việt. Trong 20 năm (1407-1427) giặc Minh chiếm đóng nước ta, dân ta đã bị quân Tàu nướng, thui, phanh, mổ...
Nếu ngày ấy dân ta không tỉnh táo đi theo cờ nghĩa của Lê Lợị, mà nông nổi nghe theo bè lũ Bùi Bá Ký hàng Minh, liệu dân tộc Việt Nam có tồn tại đến ngày nay?
Đảng ơi! Quốc Hội ơi!
Toàn dân tộc Việt Nam đã nghe theo lời Đảng, nghe theo lời hiệu triệu của Quốc Hội làm cuộc trường chinh giải phóng dân tộc ròng rã 30 năm. Biết bao con dân ưu tú đã ngã xuống, máu chảy thành sông, thây chất thành núi. Nhiều gia đình tuyệt tự vì các con trai con gái đã lần lượt ra mặt trận, và đều đã hy sinh. Có thể nói mỗi hạt cát, mỗi viên sỏi, mỗi thân cây, gốc lúa đều thấm đẫm máu xương con dân đất Việt qua ngàn đời, để có mảnh đất Việt Nam hình chữ S ngày nay.

Sự hy sinh to lớn của dân tộc suốt chiều dài lịch sử để có một lãnh thổ như ngày nay, trao vào tay Đảng, vào tay Quốc hội.
Vậy thì đất đai sông núi kia là của toàn dân chứ đâu phải của riêng Đảng, của riêng Quốc hội? Thế mà việc lớn có quan hệ đến sự mất còn của cả sinh mệnh quốc gia, dân tộc, Đảng và Quốc hội không nỡ hỏi ý dân. Có đúng là dân không có quyền tham gia việc nước?
Nếu Đảng và Quốc hội vẫn giữ chủ trương lập ba Đặc khu kinh tế, thì nên hỏi nguyện vọng của toàn dân qua trưng cầu dân ý.
Hãy nhìn sâu thêm một chút vào lịch sử. Cuối thế kỷ 13, mệnh nước như chuông treo chỉ mảnh. Nhà Trần chỉ dựa vào dân mà thắng cường địch. Giặc đã lấp ló biên thùy, triều đình còn mở hội Diên Hồng hỏi ý dân. Vì thế mà cố kết được lòng người, mà thắng giặc.
Nhà Quốc hội to lớn của ta ngày nay, cũng có một phòng họp mang tên “Diên Hồng”, nhưng chưa một lần Quốc hội lên tiếng hỏi dân.
Hãy khiêm tốn lắng nghe ý dân! Ý dân là chung đúc từ hồn thiêng sông núi, là lời Tổ quốc khuyên răn.
Đảng ơi! Quốc hội ơi!
Đội ngũ cán bộ của Đảng của Quốc hội nhiều kẻ đã rơi vào tình trạng hôn mê, nên mới xảy ra loại người như Trịnh Xuân Thanh, Đinh La Thăng, Võ Kim Cự....
Võ Kim Cự nhanh chóng dâng mảnh đất thiêng mang tầm chiến lược có cảng nước sâu Sơn Dương, để ngoại bang lập thành một căn cứ hủy diệt mang tên Formosa. Nó mới phun nọc độc có một lần, mà hàng vạn tấn cá chết trắng dọc 200 cây số bờ biển bốn tỉnh miền Trung, khiến cả triệu người lao đao mất nghề. Dân chài lưới bốn tỉnh này có nguy cơ bỏ biển. 

Võ Kim Cự rước một thứ công nghiệp bẩn nhất thế giới là thép và nhiệt điện vào địa phương, với chủ trương xây dựng 50km bờ biển Hà Tĩnh thành vùng du lịch sinh thái, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước để làm giàu cho Hà Tĩnh.

Than ôi, kẻ ngu dốt này mà đứng đầu cả một tỉnh, trách sao cảnh nước nhược dân nghèo!
Và nữa, những chuyên gia soạn thảo luật cho Đặc khu với những lỗ hổng pháp lý khổng lồ, có nguy cơ gây mất an ninh, mất quyền tài phán. Liệu có phải họ chưa có kinh nghiệm, họ bị hụt hẫng về kiến thức? Nếu đúng như thế, còn là đại phúc cho dân, cho nước.

Đảng ơi! Quốc hội ơi!
Không phải vô lý mà Hiến pháp năm 1982 của nước ta có hẳn một điều xác quyết: “Trung Quốc là kẻ thù truyền kiếp”.
Đó là điều Quốc hội nói ra từ nỗi đau của dân tộc, qua mấy ngàn năm lịch sử được chung đúc lại. Nhưng đưa vào Hiến pháp lại là một sự vụng về, ấu trĩ.

Tôi viết bài này với quyền của công dân được lên tiếng với các việc có quan hệ đến mệnh nước. Mong rằng ba Đặc khu kinh tế Phú Quốc - Vân Đồn - Bắc Vân Phong, ba tử huyệt quốc gia sẽ chỉ là cơn ác mộng thoáng qua.

Ngày 03 tháng 06 năm 2018
Hoàng Quốc Hải

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét