‘Việt Nam dừng dự án Repsol không làm Trung Quốc thôi tham vọng’
"Việt Nam vì lý do nào đó mà hủy hợp đồng khai thác với Talisman thì không phải vì Việt Nam thôi việc này mà Trung Quốc lại thôi các tính toán của họ để tiến hành bằng được chiến lược độc chiếm Biển Đông của mình. Tôi cho rằng chủ trương của Trung Quốc không thay đổi. Nó không phụ thuộc vào việc Việt Nam đình hoãn hay chịu chấp nhận rút dàn khoan. Nguyên nhân chính là tham vọng của họ. Nguyên nhân chính là cuộc tranh chấp địa chính trị giữa Trung Quốc với Hoa Kỳ. Cho dù Việt Nam có thôi đi, điều đó không có nghĩa là Trung Quốc sẽ thôi đâu, mà chiến lược của họ vẫn tiếp tục, thậm chí còn mạnh hơn, nếu Mỹ, ASEAN, quốc tế không có những hoạt động mạnh mẽ cản trở, vô hiệu hóa tất cả các biện pháp vô lý cua Trung Quốc" - Tiến sĩ Trần Công TrụcPhát ngôn viên BNG TQ Lục Khảng kêu gọi "bên liên quan" dừng khoan dầu ở địa điểm tranh chấp thuộc BĐ (ảnh tư liệu, tháng 7/2016). Cả Việt Nam lẫn Trung Quốc đều chưa xác nhận hay phủ nhận tin của BBC hôm 24/7 nói Bắc Kinh đe dọa dẫn đến việc Hà Nội “lệnh” cho hãng Repsol ngừng khoan dầu khí ở Biển Đông.
Đến cuối buổi chiều 25/7, chính quyền Việt Nam vẫn chưa ra tuyên bố nào. Trong khi đó, mới có tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi dừng khoan dầu ở một địa điểm tranh chấp thuộc Biển Đông, theo tin Reuters hôm 25/7.
Địa điểm được nhắc đến là nơi hãng dầu Repsol của Tây Ban Nha lâu nay có hoạt động hợp tác với Việt Nam.
Tường thuật của Reuters cho hay, tại một cuộc họp báo thường kỳ, ông Lục Khảng, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đã được hỏi có phải Trung Quốc đã ép Việt Nam hay công ty dầu của Tây Ban Nha phải dừng khoan hay không.
Ông Lục trả lời rằng: “Trung Quốc thúc giục bên liên quan dừng các hoạt động vi phạm đơn phương và có hành động thiết thực bảo vệ cho tình hình tích cực phải khó khăn mới có được ở Biển Đông”. Ngoài ra, ông không cung cấp thêm chi tiết.
Người phát ngôn ở Bắc Kinh cũng nhắc lại là nước ông có chủ quyền không tranh cãi về quần đảo Trường Sa, được Trung Quốc gọi là Nam Sa, cũng như có quyền tài phán về các vùng biển và thềm lục địa liên quan, theo tin của Reuters.
Talisman-Vietnam, công ty con của Repsol, đã bắt đầu khoan tại địa điểm tranh chấp hồi giữa tháng 6. Việt Nam gọi đó là lô 136-03. Lô này cũng nằm bên trong “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc dùng để đòi chủ quyền về hầu hết Biển Đông.
Tin của BBC hôm 24/7 nói Bắc Kinh đã cảnh báo hồi tuần trước với Hà Nội rằng họ sẽ tấn công các căn cứ của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa nếu hoạt động khoan vẫn tiếp tục.
Tuy nhiên, dữ liệu của hãng Thomson Reuters cho thấy hôm 24/7 tàu mang dàn khoan Deepsea Metro I vẫn ở đúng vị trí cũ như khi bắt đầu tiến hành khoan ở lô này hồi giữa tháng 6.
Vẫn theo tin Reuters, một tàu hải quân Indonesia đi ngang qua đó hôm 22/7 tường trình lại là họ thấy 3 tàu cảnh sát biển và 2 tàu cá Việt Nam gần đó, và không có dấu hiệu rắc rối nào.
Sự thiếu vắng những phản ứng chính thức ồn ào của cả Việt Nam và Trung Quốc được giới quan sát cho là trái ngược với những tranh cãi, căng thẳng mà hai nước từng có liên quan đến chủ quyền, biển đảo trước đây.
Vụ việc từng làm nổ ra đối đầu và đấu khẩu gay gắt giữa hai nước trong thời gian gần đây là khi Trung Quốc đưa dàn khoan khổng lồ Hải dương 981 vào trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam hồi hè năm 2014.
Về sự “yên ắng tương đối” hiện nay, tiến sĩ Trần Công Trục, cựu Trưởng ban Biên giới Chính phủ Việt Nam, phân tích với VOA về thái độ và hành động của Trung Quốc:
“Trung Quốc, trong sự kiện này, họ có thể có những tính toán để mà thực hiện cho đúng cam kết của họ là họ tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng các quyền, lợi ích chính đáng của các nước khác. Nên là họ không tạo ra những scandal trong mối quan hệ để có thể làm phức tạp hóa vấn đề”.
Ở thời điểm này, thông tin Trung Quốc đe dọa dùng vũ lực đối với các vị trí của Việt Nam ở Trường Sa vẫn chưa được xác nhận.
Nhưng tiến sĩ Trục lưu ý đến những sự kiện trong quá khứ, như hải chiến Hoàng Sa 1974, đụng độ Trường Sa 1988, hay việc Trung Quốc xây đảo, quân sự hóa các đảo gần đây. Ông nói điều này nhắc nhở rằng tính đến việc Trung Quốc dùng biện pháp quân sự là một “suy diễn logic”.
Cũng như nhiều nhà phân tích khác, vị cựu Trưởng ban Biên giới Chính phủ khẳng định Bắc Kinh không bao giờ từ bỏ tham vọng kiểm soát Biển Đông.
Vì vậy, ông cho rằng dù Việt Nam có chấp nhận nhượng bộ ở một hay một vài dự án dầu khí, điều đó cũng vẫn không làm thay đổi tham vọng của Trung Quốc đối với vùng biển giàu tài nguyên:
“Việt Nam vì lý do nào đó mà hủy hợp đồng khai thác với Talisman thì không phải vì Việt Nam thôi việc này mà Trung Quốc lại thôi các tính toán của họ để tiến hành bằng được chiến lược độc chiếm Biển Đông của mình. Tôi cho rằng chủ trương của Trung Quốc không thay đổi. Nó không phụ thuộc vào việc Việt Nam đình hoãn hay chịu chấp nhận rút dàn khoan. Nguyên nhân chính là tham vọng của họ. Nguyên nhân chính là cuộc tranh chấp địa chính trị giữa Trung Quốc với Hoa Kỳ. Cho dù Việt Nam có thôi đi, điều đó không có nghĩa là Trung Quốc sẽ thôi đâu, mà chiến lược của họ vẫn tiếp tục, thậm chí còn mạnh hơn, nếu Mỹ, ASEAN, quốc tế không có những hoạt động mạnh mẽ cản trở, vô hiệu hóa tất cả các biện pháp vô lý cua Trung Quốc”.
Về việc Việt Nam chưa lên tiếng, theo tiến sĩ Trần Công Trục, có thể là vì Hà Nội thấy các quyền và lợi ích “chưa bị đe dọa”.
Những ngày qua, thông tin về việc Việt Nam đề nghị Repsol ngừng khoan dưới sức ép của Trung Quốc đã được một số người có tầm ảnh hưởng lớn chia sẻ trên mạng xã hội. Hàng nghìn người đã bình luận với đa số ý kiến cho rằng đây là “một bước lùi” hay “một thất bại” của Việt Nam.
Cũng có nhiều ý kiến trên mạng xã hội cho việc này sẽ dẫn đến sự ngại ngần của các công ty và các nước khác trong hợp tác dầu khí với Việt Nam, càng làm Việt Nam đơn độc trong tranh chấp ở Biển Đông với Trung Quốc.
VOA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét