Thứ Sáu, 14 tháng 7, 2017

Socola ngon nhất thế giới tại VN: Người Việt thiếu... tài?

Socola ngon nhất thế giới tại TP.HCM: Người Việt thiếu... tài?
Việt Nam có rất nhiều sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng, chất lượng tốt nhưng đang để lãng phí vì chỉ trông chờ vào thu hoạch tươi. PGS.TS Nguyễn Minh Châu, nguyên Viện trưởng Viện cây ăn quả miền Nam vui mừng trước thông tin sản phẩm socola làm tại Việt Nam đã được đánh giá là ngon nhất thế giới, không thua kém các cường quốc lâu đời như Bỉ, Thụy Sĩ, Đức.

Socola sử dụng nguyên liệu Việt được vinh danh khắp thế giới.
Đáng chú ý, sản phẩm sử dụng nguyên liệu từ nguồn cacao của Việt Nam. Điều này cho thấy, Việt Nam có lợi thế rất lớn về nguồn tài nguyên, nhân lực cũng như điều kiện để phát triển, kinh doanh. Vị PGS tỏ ra tiếc nuối vì với một điều kiện thuận lợi như vậy nhưng tạo nên thương hiệu của sản phẩm lại không phải là người Việt mà là hai người Pháp và Nhật.

"Cái Việt Nam thiếu là ý tưởng và công nghệ chế biến sau thu hoạch quá kém", vị chuyên gia không ngại nói thẳng.

PGS Nguyễn Minh Châu cho biết, Việt Nam có rất nhiều sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng, chất lượng tốt nhưng đang để lãng phí vì chỉ trông chờ vào thu hoạch tươi và xuất khẩu thô.

"Bình Thuận, Ninh Thuận là vựa nho nổi tiếng nhưng Việt Nam vẫn không có được một sản phẩm rượu vang nổi tiếng. Hay, nhãn lồng Hưng Yên, vải thiều Bắc Giang... rất ngon, rất nổi tiếng nhưng trong nước vẫn phải ăn vải sấy, vải hộp đóng gói từ Thái Lan. Rất đáng tiếc", PGS Nguyễn Minh Châu chia sẻ.

Với cacao cũng vậy, ông cho biết, Việt Nam có nguyên liệu, có điều kiện nhưng không có công nghệ chế biến sau thu hoạch, vì vậy, tài nguyên dù sẵn cũng chỉ biết nhìn mà không làm gì được.

Cũng theo vị chuyên gia, chính việc xuất khẩu sản phẩm thô đã khiến Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào Trung Quốc, được mùa mất giá và quan trọng hơn là nhận phần giá trị rất thấp.

Theo vị PGS, đây là nguyên nhân lý giải vì sao năm nào cả nước cũng cứ phải hô hào giải cứu hết vải, nhãn, thanh long, đến dưa hấu.

PGS.TS Nguyễn Minh Châu nhấn mạnh, không chỉ socola hay một số thương hiệu gạo như trường hợp Lộc Trời, Việt Nam có rất nhiều lợi thế để tạo ra sản phẩm từ nông nghiệp hàng đầu thế giới.

Hay như ở vùng ĐBSCL có nhiều trái cây ngon, nổi tiếng thế giới như xoài cát Hòa Lộc, thanh long, bưởi da xanh, quýt đường, chôm chôm nhãn, sầu riêng Ri 6…

Tuy nhiên, sản phẩm khi bán đi vẫn còn hạn chế cả về số lượng và giá trị, chưa chú ý xây dựng thương hiệu, nhãn mác...

"Cứ làm mãi theo kiểu cắt buồng chuối trong vườn đi bán mà không có thương hiệu gì thì chỉ có nước bán rẻ, thậm chí không bán được. Việt Nam đã có những nông dân trồng chuối xuất khẩu sang Mỹ và được đóng gói với thương hiệu chuối Dole nhưng số này rất ít", PGS.TS Nguyễn Minh Châu nói.

Lỗi tại ai?

Ông nói thẳng, thực trạng trên có nguyên nhân từ cả phía quản lý lẫn cả phía doanh nghiệp cũng như người nông dân.

Về phía doanh nghiệp, ông cho biết còn nhiều thụ động, chưa chủ động tìm kiếm, mở rộng thị trường, thiếu liên kết với người nông dân.

Thực tế, đến cả logo dán lên sản phẩm để người tiêu dùng nhận diện đó là sản phẩm của người Việt cũng thiếu, không phân biệt được thật giả.

Về phần người nông dân, hiện vẫn giữ thói quen sản xuất tự phát, mạnh ai người đó làm. Không tuân thủ quy trình VietGAP, GlobalGAP, sản phẩm tạo ra không đảm bảo chất lượng.

"Muốn xây dựng được thương hiệu có tiếng tăm trên thế giới, phải bắt đầu bằng một chuỗi sản xuất, trong đó có sự gắn kết chặt chẽ với người nông dân để nông sản làm ra theo quy trình khép kín, có kiểm tra, truy xuất nguồn gốc... Trong đó, HTX có vai trò rất quan trọng", ông nói.

Về phần nhà nước, ông cho rằng giá trị đầu tư cho công nghệ chế biến sau thu hoạch quá thấp, không được quan tâm đúng mức, máy móc thiết bị không có gì, vì vậy, vải hay nhãn, hoa quả cũng chỉ thu hoạch tươi chứ không làm được gì khác.

Ngoài ra, vai trò của nhà nước rất quan trọng. Ngoài chức năng quy hoạch phát triển sản xuất, Nhà nước cũng cần phải tạo cơ chế thu hút đầu tư, hỗ trợ sản xuất theo mô hình HTX kiểu mới, phù hợp với tình hình sản xuất mới. Các HTX này phải liên kết với doanh nghiệp xuất khẩu để đảm bảo đầu ra ổn định.

Nguyên Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam tỏ ra tâm đắc về cách làm thị trường của Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc). Theo đó, ở Nhật có những liên hợp hợp tác xã có cửa hàng bán lẻ khắp nơi to như siêu thị loại lớn, giúp nông dân trong vùng bán được sản phẩm họ đã làm ra, ví dụ như Liên hiệp HTX JA, một liên hiệp HTX rất lớn ở Nhật.

Ở Nhật để hỗ trợ sản xuất thì Nhà nước sẽ đào tạo, hỗ trợ cho cả hệ thống sản xuất mà trung tâm của hệ thống này là người nông dân.

Còn Liên minh hợp tác xã nông nghiệp JA giúp tiêu thụ sản phẩm cho từng hợp tác xã thành viên. Nông dân bán nông sản cho liên hiệp hợp tác xã với giá cao hơn giá thương lái mua trong khi giá bán lẻ rất thấp, người tiêu dùng mua rất đông ở các cửa hàng JA này. Nông dân chỉ cần làm đúng tiêu chuẩn mà JA đề ra rồi sản phẩm được đưa vào hệ thống cửa hàng của tổ chức này.

Vị PGS cho biết, ở Việt Nam để làm được như vậy cũng không hề khó. Việt Nam đã có sẵn hệ thống Co.opmart của Liên hiệp hợp tác xã thương mại TP.HCM có thể giúp nông dân tiêu thụ hàng hóa như JA. Theo đó, chính quyền từng địa phương hỗ trợ nông dân làm GAP, rồi liên hệ với Co.opmart để giúp nông dân đưa nông sản vào siêu thị.

''Chúng ta đang thiếu một nhạc trưởng điều hành sản xuất và tiêu thụ hàng hóa cho nông dân. Ở Nhật, vai trò này là của nhà nước, còn ở ta, có người cho là vai trò của doanh nghiệp... Tuy nhiên, tôi cho rằng rất cần có sự kết nối của Nhà nước", ông Châu đề xuất.

Hoài An
http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/socola-ngon-nhat-the-gioi-tai-tphcm-nguoi-viet-thieu-tai-3338693/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét