Thứ Tư, 5 tháng 7, 2017

NHỮNG CÔNG DÂN ĐẦU GỖ

Nội dung bài này không mới, lãng phí trong giáo dục đào tạo (đào tạo những thức đất nước không cần) vô cùng phổ biến. Cái mới đang gây bức xúc là Bộ Lao động nghĩ ra dự án chi 1300 tỷ đồng tiền thuế của dân để làm cái việc vô bổ.
NHỮNG CÔNG DÂN ĐẦU GỖ
Luân Lê - Theo thống kê thì đến năm 2017 sẽ có khoảng gần 400.000 (bốn trăm nghìn) cử nhân, thạc sỹ thất nghiệp. Và theo đề án này thì với 54.000 người thất nghiệp để xuất khẩu đi được ra nước ngoài tìm việc thì phải tốn 1.300 tỷ đồng. Chưa tính các chi phí phát sinh khác.
Điều này cho chúng ta thấy điều gì về thực trạng giáo dục của đất nước và nền kinh tế?
Thứ nhất, việc đào tạo đại học, cao đẳng và sau đại học đã trở nên dư thừa và không có tác dụng khi tốt nghiệp ra trường mà không thể có nơi để làm việc phù hợp. Nếu không có tiền chạy chọt hoặc quan hệ thì cái bằng họ cầm trên tay trở nên vô giá trị. Kỹ năng sống, làm việc và ngoại ngữ yếu kém trở thành một vấn đề trở ngại cho nhân lực này làm việc với các doanh nghiệp nước ngoài.

Thứ hai, nền kinh tế không đủ để đáp ứng cho sự dôi dư lao động, đặc biệt là đối với đối tượng được đào tạo đại học chính quy. Nền kinh tế hoặc là nếu tạo ra được việc làm thì lương quá thấp, hoặc họ đòi hỏi trình độ cao hơn ở lực lượng có tri thức mà những cử nhân, thạc sỹ này không đáp ứng nổi. Nền kinh tế cũng không đủ chỗ cho nhu cầu việc làm vì kinh tế tư nhân đang chiếm tỷ phần rất nhỏ trên thị trường toàn quốc.

Thứ ba, việc chính những cử nhân, thạc sỹ này cũng là nạn nhân nhưng chính họ cũng là những kẻ lười biếng, chỉ biết học vẹt, học lấy bằng và học cho xong nhưng không xác định nổi mục tiêu và đam mê thực sự của mình. Mất một đống tiền để học cốt cho xong rồi ra trường lại với tâm lý sẽ nhờ cạy quan hệ hoặc chạy chọt vào đâu đó để ổn định hoặc an thân. Họ ăn bám từ nhỏ tới lớn, ỷ lại vào cha mẹ, người thân hoặc đồng tiền có thể mua bán công việc cho họ, họ ỷ lại vào xã hội khi không tìm kiếm cơ hội và thậm chí không biết tự tạo cơ hội bằng cách đấu tranh cho xã hội tươi đẹp mà tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho mình hơn.

Và chúng ta có quá nhiều những đứa trẻ 30 tuổi. Suốt đời sống nhỏ mọn, ăn bám, lười biếng và chỉ còm cõi sống như một kẻ ở đợ trên chính quê hương mình. Khi không thể tìm được việc làm trong nước thì lại tiếp tục để ngân sách nhà nước gánh nợ bằng cách phải bỏ tiền ra để cho họ ra nước ngoài tìm kiếm việc làm.

Con người thấp kém, quốc gia trì trệ, đó là điều dễ hiểu. Đó là lý do tôi đã viết hai bài trong cuốn MỘT NGƯỜI QUỐC DÂN với tựa: Những công dân đầu gỗ và Những ông chủ lười biếng và an phận làm công ăn lương là vậy.

Đất nước chờ mong gì vào những đứa trẻ to xác và ước mơ nhỏ mọn chỉ cốt sống vật vờ và ăn bám trên quê hương và tổ quốc mình như thế?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét