Ngồi ở sân bay
18/07/2017 - Trong những chuyến đi tôi thường đến sân bay sớm và ngồi chờ đến giờ bay. Tâm lý đi tàu xe thời bao cấp làm cho tôi có thói quen luôn sợ trễ giờ. Bây giờ người đi máy bay cũng đông như đi xe đò nên càng củng cố thêm thói quen đó, dù máy bay lại hay trễ giờ hệt như xe đò ngày xưa.Nếp sống văn minh nơi công cộng chưa phổ biến ở sân bay: ngồi gác chân lên ghế, nằm ngủ như chốn không người, gọi nhau ơi ới như ngoài chợ… Ảnh mang tính minh họa (Nguồn ảnh: Zing)
Những năm 80 của thế kỷ trước khách đi máy bay phần lớn là công chức và du khách nước ngoài, dân thường ít có dịp đi máy bay vì chỉ có một hãng VNA, vé đắt và thủ tục khó khăn. Ngày ấy mua vé máy bay đi công tác, ngoài chứng minh thư còn phải có công văn, công lệnh của cơ quan, có khi còn phải thêm vài chữ viết tay “phê duyệt” ở dưới.
Xếp hàng cả ngày đến lượt lại hết vé đúng ngày mình cần đi, về và phải đăng ký “vé chờ” xem có ai không đi thì mình “lấp chỗ trống”, đương nhiên sẽ đắt hơn. Sau này mới biết có những “vé chờ” là vé dự phòng cho khách VIP hoặc “tiêu chuẩn” của “người trong ngành”, thế nên có người nhà làm ở hàng không “oai” hơn người làm ngành thương nghiệp. Nếu nhà ở xa có việc hiếu hỉ thì phải nhờ cậy qua mấy lượt người quen để mua vé máy bay trong khi vẫn phải chầu chực mua vé tàu Sài Gòn – Hà Nội vì không chắc có vé… Cũng là tình trạng chung của thời bao cấp, việc gì cũng phải “nhất thân nhì quen” vì thiếu thốn và tình trạng cửa quyền phổ biến.
Đi ra sân bay cũng vất vả không kém. Ở Sài Gòn sân bay gần thành phố nhưng ít taxi, xe bus không có, phải nhờ người nhà chở ra sân bay bằng xe máy cồng kềnh túi xách, ba lô. Từ Hà Nội đến sân bay Gia Lâm hay sau này là Nội Bài chưa có đường cao tốc, xe ca “Hải Âu” của hàng không đi con đường qua làng xóm và những ruộng lúa ruộng rau, ổ gà ổ trâu xóc nảy tung người, chưa lên máy bay đã có người say xe xanh mặt.
Ở sân bay nghe tiếng loa thông báo cũng lạ, thấy cánh cửa tự động đóng mở cũng sợ, nhìn sàn nhà lau bóng loáng cũng ngại… Ít người có thái độ tự tin và tự nhiên, phần lớn ai trông cũng bối rối, tồi tội. Nhà ga thời đó khá yên tĩnh, chỉ thỉnh thoảng rộ lên khi có chuyến bay đến hay khi có đoàn người đi xuât khẩu lao động kéo theo những người đưa tiễn. Người đi người tiễn đều rụt rè và nhếch nhác dù xung quanh là vali hòm xiểng mới toanh.
Chừng từ đầu những năm 2000 (“Sài Gòn cô tiên năm hai ngàn” – lời hát của thiếu nhi như một ước mơ của thời ấy) đi lại bằng máy bay dễ dàng hơn: nhiều chuyến bay tuy giá còn cao nhưng dân đi lại thuận tiện hơn. Rồi hàng không giá rẻ cạnh tranh, rồi đại lý vé máy bay có khắp các tỉnh thành… Mua vé, thậm chí vé đi nước ngài cũng chỉ cần alo hay lên mạng tìm kiếm, ứng giá vé thì có người mang đến tận nhà mới lấy tiền, đổi trả dễ dàng miễn bù thêm tiền. Nhiều người đi công việc bằng máy bay như đi chợ, sáng Sài Gòn trưa Hà Nội tối đã lại Sài Gòn. Nhiều tỉnh nhỏ cũng xây sân bay, đi Côn Đảo, Phú Quốc không còn phải lo lắng vì thời tiết xấu biển động… Việc đi máy bay dễ dàng như đi xe lửa, xe đò.
Nhưng trong khi bến tàu xe trở nên sạch đẹp xe chạy đúng giờ hơn thì sân bay bắt đầu giống bến xe đò xe lửa hồi nào, dù ngày càng to hơn và máy bay là phương tiện thông dụng hơn cho mọi người. Lượng hành khách tăng vọt nhưng cơ sở vật chất phục vụ và nhà ga thay đổi chậm chạp, nơi đưa đón hay phòng chờ lên máy bay luôn quá tải, đông đúc và lộn xộn nhất là khi tình trạng delay phổ biến. Người đi máy bay thì tay xách nách mang đồ đạc lỉnh kỉnh túi bọc, ngoài thói quen còn do ngại gửi hoặc không gửi vì quá cân cho phép, nhất là hành khách đi máy bay giá rẻ. Khi qua cửa an ninh vừa mất thời gian vừa hay nhầm lẫn…
Nếp sống văn minh nơi công cộng chưa phổ biến ở sân bay: ngồi gác chân lên ghế, nằm ngủ như chốn không người, gọi nhau ơi ới như ngoài chợ… Và phải xếp hàng thì vẫn chen chúc: chen lên rồi chen xuống dù thế nào cũng được lên máy bay và ai cũng đã có chỗ ngồi, đến nơi thì ai cũng phải ra khỏi máy bay… Lên máy bay thì tùy tiện đổi chỗ để “ngồi cạnh người quen” – nhất là khách các đoàn du lịch – làm cho việc sắp xếp hành khách, hành lý chậm chạp và bất tiện. Điện thoại cứ sử dụng bất kể tiếp viên đã nhắc nhở mà có phải chuyện gì khẩn cấp đâu…
Nên chăng ở nơi công cộng, nhà ga và thậm chí trên máy bay, xe lửa xe đò nên dán lời nhắc nhở “Đề nghị quý khách nói vừa đủ nghe” bên cạnh một số lời nhắc đã có như “không xả rác bừa bãi” hay “đề nghị xếp hàng”… Các công ty du lịch và hướng dẫn viên cần phổ biến quy tắc ứng xử nơi công cộng đến du khách, thường xuyên nhắc nhở, giải thích và điều chỉnh những hành vi không phù hợp của du khách. Chúng ta cứ chê bai du khách TQ nhưng thực sự nhiều du khách Việt cũng không khác.
Hiện đại hóa cơ sở hạ tầng ở các đô thị, trong đó có các phương tiện giao thông cần đi cùng việc giáo dục ý thức và phổ biến quy tắc, cách thức sử dụng vì phần lớn người dân chưa biết cách sử dụng cho phù hợp, không phải ai cũng biết thích nghi nếu không học hỏi và được nhắc nhở thường xuyên. Đồng thời, không chỉ người sử dụng mà cả người quản lý cũng phải thay đổi tư duy, phương thức điều hành. Nếu cứ giữ tư duy và trình độ “đi xe đạp” thì không thể sử dụng hay điều hành hệ thống phương tiện hiện đại như BRT, Metro hay máy bay… mang lại hiệu quả tốt.
Nguyễn Thị Hậu
Sài Gòn 7.2017
http://www.nguoidothi.vn/vn/news/nguoi-tre/loi-song/9023/ngoi-o-san-bay.ndt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét