Chủ Nhật, 23 tháng 7, 2017

Lịch sử được kể bằng dòng chữ trên bia mộ...

Lịch sử được kể bằng dòng chữ trên bia mộ... 
Du lịch & lịch sử
LÊ ĐỨC DỤC 22.07.2017, TTCT - Ngay sau khi công trình đài tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma được khánh thành tại Cam Hải (Cam Lâm, Khánh Hòa), một công ty du lịch ở TP.HCM đã quyết định đưa địa điểm này trở thành một trong những điểm tham quan cho tour du lịch Nha Trang.

Nhạc sĩ Trương Quý Hải hát thương đồng đội ở 
nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên (Hà Giang). -Ảnh: Ngọc Quang
Điểm tham quan mới này tất nhiên không chỉ là một điểm dừng chân đơn thuần của một tour du lịch như bao nhiêu tour khác, đó còn là lịch sử của đất nước được kể lại bằng hình khối của tượng đài chất chứa nhiều ý nghĩa, là những tư liệu về trận chiến bảo vệ Gạc Ma - hòn đảo chìm thiêng liêng của Tổ quốc giữa trùng khơi và 64 người lính hải quân đã hi sinh trong một buổi sáng.

Du khách sẽ hiểu thêm về những ngôi “mộ gió” được đắp tượng trưng ở quảng trường Hòa Bình trong khuôn viên khu tưởng niệm.

“Vạn kẻ nô nức, mấy người 
rẽ qua?”

Nhưng một đất nước mà những trang biên niên sử tiếp nối luôn thắm máu những người lính thì câu chuyện về ngày hôm qua bi tráng ấy cần được kể ở bất cứ nơi đâu.

Những giá trị của ngày hôm nay được đổi bằng máu xương sẽ được kể lại thuyết phục nhất khi đứng trước hàng hàng mộ bia của những người lính.

Từ tượng đài Gạc Ma lại nghĩ về Hà Giang, miền cao nguyên đá ấy bây giờ là một hấp lực khó cưỡng với những du khách mê phượt, nhất là các bạn trẻ.

Hà Giang với cả một bát quái trận đồ đá tai mèo đầy mê hoặc chập chùng trải dọc cung đường Hạnh Phúc, qua đèo Mã Pí Lèng, hẻm Tu Sản, biếc xanh dòng Nho Quế... Hà Giang với những mùa hoa tam giác mạch yêu kiều trong nắng gió.

Hà Giang với cột cờ Lũng Cú kiêu hãnh mà ai cũng muốn đến đó, chụp một tấm hình bên lá cờ đỏ sao vàng bạt gió tung bay trên biên viễn cực Bắc.

Nhưng để lá cờ Tổ quốc hôm nay tung bay kiêu hãnh nơi ải Bắc như thế, có xương máu của hàng ngàn người lính đã nằm lại dọc dài cuộc chiến tranh biên giới chống Trung Quốc xâm lược từ năm 1979-1989.

Và trong những đoàn người nườm nượp lên với mùa hoa tam giác mạch, lên với cực Bắc Lũng Cú... nào mấy người đã dừng lại để ghé vào nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên ở ngoại vi thành phố?

Một người bạn của tôi, trong lần đứng trước cổng nghĩa trang nhìn đoàn đoàn lớp lớp các phượt thủ, xe lớn xe bé lao nườm nượp về phía Quản Bạ, Đồng Văn, Mèo Vạc... đã cảm khái: “Vạn kẻ nô nức, mấy người rẽ qua?”.

Nếu trước khi hút theo tiếng gọi của mùa hoa tam giác mạch, những đỉnh cực khát khao chinh phục, chỉ cần dừng lại mươi phút trước hàng ngàn mộ bia những người lính, hẳn sau đó, cảm xúc của chúng ta về vẻ đẹp cao nguyên đá sẽ sâu lắng hơn.

Nếu nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên là nơi những người lính, dù hi sinh nhưng vẫn còn may mắn đưa được thân xác về thì chỉ cách đó chưa tới 20km, trên những quả đồi đá phía Thanh Thủy, những điểm cao 685, 772, 1100 rất nhiều xương cốt người lính vẫn bị lấp chìm dưới những căn hầm mà hơn 30 năm qua nắng mưa đã xóa nhòa dấu vết...

Mà máu những người lính đâu chỉ đổ xuống ở Vị Xuyên, ở Hà Giang... Dọc dài biên ải, những trang sử vệ quốc bi tráng vẫn im lặng chờ bước chân du khách lần giở và biết rằng trang sử ấy được viết bằng những dòng chữ là tên là tuổi, là quê quán, là ngày tháng hi sinh khắc tạc vào bia đá.

Lịch sử được kể bởi những tượng đài ở Pò Hèn (Móng Cái, Quảng Ninh). Lịch sử dắt chúng ta lên pháo đài ở Đồng Đăng (Lạng Sơn) hay chỉ là cái giếng sâu nơi bờ tre thuộc Tổng Chúp (Cao Bằng) hoặc rất nhiều tấm bia khắc tên liệt sĩ trước rất nhiều đồn biên phòng trên biên giới Việt - Trung.

Ngọn núi có hình Mặt Quỷ trong dãy Kai Kinh (Lạng Sơn). -Ảnh: T.Thế Dũng

Bây giờ là tháng 7...

Ở Quảng Trị quê tôi, tháng 7 bao giờ cũng là mùa vọng. Cái tỉnh nghèo khó giữa miền Trung bời bời cát trắng dịp này dường như trở nên chật chội hơn bởi những đoàn người từ muôn nơi hành hương về đây tưởng niệm.

Đất nước không thiếu những miền đất hoa thơm quả ngọt, thắng cảnh danh lam..., nhưng những người lính ngã xuống trong cuộc kháng chiến chống Mỹ đã về đây, như một câu thơ lẫm liệt của Nguyễn Quốc Việt: “Cả những liệt sĩ Trường Sơn / Cũng chọn nơi này làm đất sống”.

Cái tỉnh nghèo nhưng có hai nghĩa trang liệt sĩ quốc gia là Trường Sơn và Đường 9. Và dòng sông Thạch Hãn được ví như một nghĩa trang quốc gia thứ ba bởi rất nhiều người lính đã hi sinh khi vượt sông vào giữ thành cổ Quảng Trị. Nhiều người gọi khúc sông chảy qua thị xã thành cổ Quảng Trị này là “Nghĩa trang liệt sĩ không bia mộ”. ■

Du lịch hoài niệm 
trở thành “thương hiệu”

Quảng Trị những ngày này rất nhộn nhịp, 178 khách sạn từ 2-4 sao ở đây không còn chỗ trống. Ông Hồ Tất Ái, trưởng ban quản lý nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, nói không phải chờ gần đến ngày kỷ niệm 27-7, ngay từ đầu tháng 7 khách thập phương đã theo nhau về Quảng Trị.

Theo ông Ái, cứ như một lời hẹn, tháng 7 đến là hàng trăm ngàn lượt người lại về nơi đây. Trong số đó có những đoàn cựu binh từ tận Tây Bắc, khách du lịch đến từ các tỉnh phía Nam.

Thành cổ Quảng Trị nằm gần với tuyến quốc lộ 1 nên những ngày này, ngoài những cựu chiến binh về thăm đồng đội, còn có cả những người đi ngang ghé vào. Gia đình ông Lê Thanh Bình, TP Đồng Hới (Quảng Bình), là một trong số đó.

Ông Bình kể cả nhà ông vừa từ Đà Nẵng về. Đến địa phận Quảng Trị chợt nhớ ra bây giờ là tháng 7 - tháng tri ân - nên quyết định ghé vào thành cổ thắp hương.

“Cũng có lần vội quá quên mất, suốt chặng đường tôi cứ thấy không yên trong lòng như có lỗi. Khi về tôi tự nhắc mình phải ghé vào” - ông Bình nói.

Ông Nguyễn Huy Hùng, phó giám đốc phụ trách Sở VH-TT&DL Quảng Trị, nói những cuộc trở về, những chuyến du lịch hoài niệm vốn đã trở thành thương hiệu của Quảng Trị từ nhiều năm nay.

Không chỉ cựu chiến binh mà còn nhiều nhóm người khác, kể cả khách nước ngoài. Những điểm đến như thành cổ Quảng Trị, nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn hay đôi bờ Hiền Lương, địa đạo Vịnh Mốc đã gắn liền với hình ảnh Quảng Trị.

“Xương máu của các anh hùng liệt sĩ là vô giá, thật khó để nói hết lòng biết ơn. Nên nhiều người chia sẻ với tôi rằng cứ đến tháng 7 mà không tìm về mảnh đất nhuộm đầy xương máu này là thấy lòng như lửa đốt. Có lẽ chữ trung tâm hoài niệm dành cho mảnh đất này là bắt nguồn từ đó” - ông Hùng nói.

QUỐC NAM

Du lịch & lịch sử

Trong những chuyến làm hướng dẫn cho du khách, tôi vẫn thường hỏi: Với bạn, những ý nghĩa lớn nhất của việc đi du lịch là gì?

Người thì bảo là du lịch để thư giãn cho bản thân sau những tháng ngày làm việc căng thẳng, người thì bảo đi du lịch để trải nghiệm cuộc sống. Có người thì nói đi du lịch giúp họ có thêm nhiều mối quan hệ bạn bè...

Trên tạp chí Elite, tôi có đọc được một bài đúc kết, rút ra bảy ý nghĩa lớn nhất của việc đi du lịch: 

1. Gia đình là... số 1 (phải có dịp đi du lịch đâu đó và xa nhà một khoảng thời gian, bạn mới nhận ra là mình nhớ nhà và gia đình như thế nào)! 

2. Sự vô nghĩa của lòng đố kỵ (bạn sẽ nhận ra những sự ganh ghét đố kỵ trong cuộc sống là chuyện không đáng lưu tâm khi bạn có cơ hội ra bên ngoài khám phá thế giới).

3. Những tiện nghi của gia đình mình là những thứ tốt nhất thế giới.

Bạn có cơ hội tiếp xúc với nhiều nền văn minh mới, được ở những khách sạn sang trọng, khác biệt hẳn với những tiện nghi giản dị ở nhà. Nhưng bạn sẽ cảm thấy nhớ da diết chiếc gường quen thuộc và những tiện nghi khác của gia đình.

4. Nhận ra có những thứ không thể thiếu trong cuộc sống. 

5. Giá trị của sự giao tiếp. 

6. Hiểu hơn về thế giới nơi mình đang sống. 

7. Bạn sẽ học được cách sống độc lập.

Trong bảy ý nghĩa đó, tôi muốn nhấn mạnh ở điều thứ sáu, đó là hiểu hơn về thế giới mình đang sống. Có điều, trong bài đúc kết ấy, người ta chỉ nói sự hiểu biết có được khi đi du lịch chỉ mới là cảnh sắc non xanh nước biếc của quê hương; là kiến thức về văn hóa khi tìm hiểu các hình thái lễ hội, phong tục khác biệt ở mỗi vùng miền...

Điều tôi muốn bổ sung thêm, đó chính là ý nghĩa về lịch sử. Tôi có ông bạn, mỗi hè đều lên kế hoạch tổ chức cho vợ con đi du lịch xa và dành không ít thời gian thăm những di tích lịch sử. Trước khi đến bất cứ địa danh nào, ông cũng sưu tầm trước những tài liệu liên quan rồi truyền đạt lại cho con nhằm giúp cho con có cách nhìn thấu đáo về lịch sử.

Ông bảo: “Việc học sử qua sách vở, trường lớp còn nghèo nàn quá so với lịch sử hào hùng của đất nước, nên thông qua những chuyến đi, tôi muốn các cháu luôn khắc ghi sâu đậm những trang sử oai hùng của cha anh”.

Trăm nghe không bằng một thấy, nếu chưa được đặt chân tới tận Ải Chi Lăng - Lạng Sơn, thì khách làm sao có thể hình dung ra vị trí “tử địa” được cấu thành từ hàng nghìn ngọn núi la liệt, hàng nghìn khe suối quanh vòng, khí núi độc, địa thế hiểm trở như trận địa để quân ta bao phen mai phục tiêu diệt quân xâm lược phương Bắc.

Rồi ngọn núi có hình Mặt Quỷ trong dãy Kai Kinh đã khép chặt con đường độc đạo vào Quỷ Môn Quan là nỗi ám ảnh kinh hoàng của giặc ngoại xâm bởi binh lính qua đó thường bị phục binh giết rất nhiều...

Từ lâu, loại tour du lịch thăm lại những địa danh lịch sử, những chiến trường khốc liệt năm xưa đã được các công ty lữ hành khai thác, tuy nhiên phần nhiều được lồng ghép vào chương trình du lịch vui chơi, nghỉ dưỡng thuần túy nên sự chăm chút chưa thật xứng đáng.

Hãn hữu, một vài tour ngắn như DMZ ở Quảng Trị thì thu hút khách Tây nhiều hơn ta! Ngành du lịch nước ta nên đầu tư nhiều hơn để kết nối các di tích liên quan thành một chuỗi và đưa du khách đi từ điểm mở đầu đến điểm kết thúc, như một câu chuyện thì hấp dẫn biết bao!

Trần Thế Dũng 
(Công ty du lịch Thế Hệ Trẻ)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét