Thứ Hai, 24 tháng 7, 2017

(6) Bức thư gửi lại người đang sống

"Xin cho chúng tôi - gởi đến những người đang sống, sống đúng ý nghĩa của nó, trong một thời đại vinh quang, lời biết ơn sâu sắc vì các bạn đang làm cho cái chết của chúng tôi giữ được đầy đủ ý nghĩa. Các bạn đang lao động quên mình cũng như chúng tôi đã chiến đấu quên mình, cho đất nước ta ngày nay tươi đẹp, cho dân ta ngày càng ấm no hạnh phúc, cho xã hội ta ngày càng dân chủ, công bằng". Đọc những đoạn như thế này trong thư thấy muốn khóc và thật xấu hổ thay cho các thế hệ người Việt hậu chiến.  Thế hệ gồm những người dân chỉ biết cúi đầu nhẫn nhục chịu đựng trước lũ cai trị bất nhân bất nghĩa, gồm những phe nhóm cường hào tham lam đểu cáng đến cùng cực, hàng ngày hàng giờ không từ bất cứ thủ đoạn nào để tàn phá đất nước vì lợi ích riêng.
Bức thư gửi lại người đang sống
27-04-2016 | (Tiếp theo và hết) Ông Trí đứng bật dậy nhìn chăm chú vào ba bộ xương như tìm ở đó một cái gì làm Văn ngừng đọc ngó lên. Rồi ông lại ngồi xuống, nói:
- Sao có những cái chết đẹp đẽ sáng ngời như vậy. Và lại cũng có sự sống không còn lợi ích gì, vẫn sống? Ôi, giá trị thực của cái chết và cái sống - ông Trí chầm chậm lắc lắc cái đầu - như vậy đó!
Một phút im lặng, Gió rừng lao xao.
Bộ đội Sư đoàn 9 tấn công giải phóng Chi khu Quân sự Trị Tâm lúc 
9 giờ 40 phút ngày 12-3-1975. Ảnh tư liệu Bảo tàng Quân đoàn 4


Văn lại đọc tiếp:

“Nhìn cảnh vật xung quanh sao mà đẹp lạ. Màu xanh lá cây không phải chỉ một màu đơn điệu mà thành nhiều màu sắc xanh đậm, xanh lợt, có ánh nắng mặt trời chiếu rọi, nó sáng tươi lên, có gió thổi vào, lung tung thay đổi thật là ngoạn mục. Quanh chúng tôi đều như vậy, nó lại nằm trên một nền đất đá nhiều màu sắc xám, đỏ, vàng với những hòn sỏi trắng xinh xinh. Trời cao vời vợi, lất phất những áng mây cũng muôn màu, muôn sắc. Gió dịu dàng mơn man cành lá, vuốt ve chúng tôi. Vài con chim từ đâu bay lại, chuyền từ cành này sang cành khác, hát lên những điệu hát thánh thoát yêu đời. Sao mà trìu mến quá, ôi cảnh vật của đất trời, của con người muôn thuở. Rồi ký ức lần lượt trở về trong chúng tôi. Chúng tôi lôi hết đoạn này đến đoạn nọ của đời mình ra mà nói cho nhau nghe. Nhớ biết bao đến các đồng chí trong đơn vị. Những hình ảnh của bạn bè, đồng đội cực khổ luyện tập, hành quân, dũng mãnh xung phong trên trận địa, quây quần bên nhau trên một khóm rừng, chuyện trò hàn huyên trên các chiếc võng. Cái gì cũng đẹp đẽ, cũng nhớ, cũng thương. Rồi trở về làng xưa, phường cũ. Bà con ta thế nào rồi, đã qua cảnh làm ăn vất vả? Còn mẹ, vợ con ta giờ đây có đỡ lo chạy từng miếng cơm, manh áo, có phải chịu đựng nặng nề những cuộc càn quét, ném bom của quân man rợ. Rồi anh rồi em, không biết đã có vào du kích? Có bao giờ họ được về đoàn tụ quanh bếp lửa của gia đình? Ước gì trên mặt đất này không còn cảnh chiến tranh tàn phá. Ước gì ở thế gian này đều là bạn thân thương.

Phân đội ĐKZ Sư đoàn 9 nổ súng tiêu diệt M113 của Mỹ ở Bàu Bàng tháng 11-1965. Ảnh tư liệu Bảo tàng Quân đoàn 4

Vũ, quay nhìn về phương Bắc, nói: “Bố ơi! Suốt đời bố lao động cực nhọc! Ngày còn rời trường Đại học Bách khoa Hà Nội, sau mới 3 năm kỳ cục ở đấy, tình nguyện vào Nam chiến đấu, bố vừa thương, vừa đồng tình nhưng dặn: “Chiến đấu xong về học tiếp nghe con! Đời bố, đời ông có đâu dám mơ đại học”. Giờ thì con xin lỗi bố, không thực hiện được lời bố dặn. Dành cho các em con, các cháu nhỏ của xóm làng vậy”.

Chí thì lờn tuổi hơn Vũ, đã có người yêu ở quê nhà. Anh khoe: “Cả nhà mình đều là du kích đấy! Mẹ mình... rồi mắt anh nhìn xa xăm... đã già rồi nhưng vẫn đứng vững khi anh mình hy sinh ở trận Vạn Tường. Bây giờ đến mình, chắc chắn mẹ vẫn dũng cảm, mẹ nhỉ. Còn Hương của mình, khi chia tay nhau Hương thách thi đua giết giặc với mình. Anh chịu thua em rồi, Hương của anh...”.

Mỗi người là một tâm tình. Tôi thì cha mẹ mất sớm. Tôi thương vợ, thương con. Ôi bàn chân con mũm mĩm thật là xinh, ngày nay hẳn đã cứng cáp. Vợ tôi: Trâm, trong đội nữ biệt động Sài Gòn đã hẹn, ngày tôi ra khu xin vào chủ lực: Bao giờ chủ lực các anh đánh về thành, biệt động chúng em sẽ đánh kết hợp thật đẹp. Trâm ơi! Em gánh vác thêm nhiệm vụ của anh từ đây em nhé, con lớn sẽ thay anh nếu giặc vẫn còn”.

Ôi, giờ đây sao mà nhớ thương da diết bao người ruột thịt họ hàng, đồng chí, đồng đội, bạn bè hàng xóm. Tha thiết làm sao với từng vùng đất đã sống và chiến đấu, với bà con đã đùm bọc từng lon gạo hũ mắm... viết làm sao hết cho mọi người, về mọi thứ.

Nhưng rồi các bạn giục kết thúc lá thư đi thôi. Thời gian không chờ chúng tôi nữa. Chúng tôi đã cảm thấy sắp đến giờ phải từ giã cõi đời này rồi. Trước khi ra đi thơ phải được bảo quản cẩn thận để tránh thời gian mưa nắng phủ phàng. Thơ. Thơ phải về với tay những người đang sống.

Các bạn muốn nhắn nhủ quá nhiều điều làm sao mà viết ra hết được. Nhất là lúc mà tử thần đang đứng đợi trên đầu võng chúng tôi. Sao mà trước khi chết, ý kiến về cuộc sống lại phong phú dồi dào đến thế. Hỡi người đang sống đừng bỏ qua những trăng trối đầy nhiệt tình của chúng tôi trước lúc từ giã cõi trần.

Nếu lá thư này được về với đồng đội chúng tôi trong Trung đoàn BG Quân giải phóng miền Nam hay một đơn vị bạn nào đó đi qua đây, xin chuyển lên giùm cấp trên.

Tiểu đội Giải phóng quân chúng tôi trong Trung đội “Ký Con” đã hoàn thành nhiệm vụ. Chúng tôi mong được ghi nhận rằng chúng tôi đã từng sống, chiến đấu và đã chết trong một mùa xuân giữa đất trời như trăm ngàn cái chết của những người Việt Nam chân chính cho Tổ quốc và dân tộc sống còn.

Còn như chúng tôi được phát hiện muộn hơn sau 5 - 10 năm - tự do quý giá, thì xin cho chúng tôi - gởi đến những người đang sống, sống đúng ý nghĩa của nó, trong một thời đại vinh quang, lời biết ơn sâu sắc vì các bạn đang làm cho cái chết của chúng tôi giữ được đầy đủ ý nghĩa. Các bạn đang lao động quên mình cũng như chúng tôi đã chiến đấu quên mình, cho đất nước ta ngày nay tươi đẹp, cho dân ta ngày càng ấm no hạnh phúc, cho xã hội ta ngày càng dân chủ, công bằng.

Hay trong trường hợp đến 50 - 100 năm sau, thư này mới tới những người, có thể gọi là thế hệ mai sau, thì cho phép chúng tôi gởi lời chào xã hội chủ nghĩa, cho phép chúng tôi bày tỏ vui mừng tuyệt diệu vì hạnh phúc và hòa bình đang tràn ngập hành tinh chúng ta mà chúng tôi trở thành những hạt bụi có ích - Và hơn nữa nếu được, cho chúng tôi gởi lời chào niềm nở nhất đến những con người ở các vì sao xa xôi, những người bạn mới giữa các hành tinh.

Mùa xuân giữa rừng miền Đông Nam bộ.

Vũ - Chí - Dũng.

Ghi chú: Vũ và Chí của tôi đều đã đi rồi khi tôi viết những dòng cuối cùng này. Trước khi ký ba chữ Vũ - Chí - Dũng, tôi nhìn lên mặt hai bạn: Một vẻ bình thản thần diệu đẹp như mặt nước hồ thu trong trẻo êm đềm và bầu trời cao xanh sáng tuyệt vời, nét mặt các bạn tươi thắm như mỉm cười tựa các thiên thần trong giấc ngủ. Nó đã động viên tôi hoàn thành việc bảo quản bản viết với chút sức tàn gắng gượng. Rồi tôi sẽ nằm ngay ngắn trên võng y như các bạn, noi gương các bạn lòng thanh thản và tự hào đi vào cõi mông lung vô tận”.

22-12-1984.
Cố Thượng tướng TRẦN VĂN TRÀ
http://baobinhduong.vn/buc-thu-gui-lai-nguoi-dang-song-a140529.html

2 nhận xét:

  1. Cảm tưởng của tôi sau khi đọc hết 6 bài về chủ đề này, phải nói thật lòng rằng TÔI RẤT XÚC ĐỘNG. Tuy nhiên, tính tôi rất hay tìm các chứng cứ phản biện để mong được hiểu biết thêm một cách toàn diện trước bất cứ một sự kiện nào. Vì thế, sau nhiều ngày băn khoăn cùng rất nhiều do dự, cuối cùng, không thể đừng đặng, tôi buộc phải nêu lên suy ngẫm của mình qua mấy dòng dưới đây.
    Trước tiên, cho tôi được thắp một nén hương tạ lỗi vong linh các liệt sĩ, cụ thể, tạ lỗi trước vong linh các anh Vũ - Chí - Dũng, những nhân vật chính mà bài viết mô tả với lời khấn cầu rằng: Những điều tôi sắp nói ra đây, nếu không đúng, mong các anh (và cả các quý vị độc giả đáng kính) hãy bỏ quá, coi như chưa từng nghe thấy, chưa từng đọc đến. Được như vậy, tôi vô cùng cảm ơn bởi nó giúp tôi yên lòng viết ra những câu chữ dưới đây.
    Theo như những tình tiết nêu trong bài, tôi tạm nhẩm rằng: Một xác người, tính từ khi chính thức chết đi, nếu thây xác không bị động chạm đến, thì phải mất không dưới 3 năm mới phân hủy hết. Trường hợp 3 chiến sĩ trên (theo bài viết), sau khi chết không bị chôn vùi trong lòng đất, và suốt từ khi đó cho đến khi được đoàn công tác phát hiện cũng đã hề không bị bất cứ một tác động nào từ hoang thú cũng như từ thiên nhiên, thì tôi nghĩ quãng thời gian phân hủy cho đến chỉ còn mỗi bộ xương khô thôi cũng phải mất từ 3 đến 5 năm. Và tôi đặt giả sử rằng ngay sau đó (+, - vài năm) các liệt sĩ được đồng đội tìm kiếm và bắt gặp. Vậy, quãng thời gian 3 đến 5 năm ấy, tôi gọi đó là quãng thời gian tối thiểu của sự việc. Nhưng có lẽ sự kiện này không diễn ra nhanh là vậy!
    Vì bài viết không nêu rõ thời gian chính xác lúc các chiến sĩ hy sinh (lá thư để lại không nói ghi rõ ngày tháng viết từ những dòng đầu tiên đến những dòng cuối cùng). Nhưng tôi tạm lấy thời điểm sau trận đánh thắng lợi của quân ta ở Bông Trang - Nhà Đỏ. Đó là ngày 24 tháng 2 năm 1966 (theo google) làm mốc đầu. Và thời gian mà đơn vị của cố thượng tướng Trần Văn Trà đi tìm đồng đội (là vào năm 1984) làm mốc cuối. Quãng thời gian này là 18 năm. Cứ cho là các anh Vũ - Chí - Dũng
    hy sinh vào quãng giữa năm 1966 thì quãng thời gian còn lại, ít nhất cũng chừng từ 15 đến 17 năm. Đây là quãng thời gian các anh bắt đầu chăng võng làm chỗ nghĩ vĩnh viến của mình cho đến khi các bộ hài cốt được đoàn công tác của cố thượng tướng Trần Văn Trà phát hiện.
    Vấn đề tôi băn khoăn ở đây là: Với khoảng thời gian dài như vậy (gần 2 thập kỷ), liên tục và trực diện phơi trần trụi giữa trời với biết bao mưa nằng, nóng lạnh, khô ẩm... bốn mùa. Thời tiết khắc nghiệt đến độ sắt thép (các khẩu súng) còn bị han rỉ gần hết, vậy mà tăng bạt, dây võng... (chất liệu làm từ polymer, vốn rất dễ bị biến chất (phân hủy, mủn nát) đặc biệt, khi trực tiếp bị ánh nắng mặt trời chiếu rọi) lại... (dươmngf như) vẫn còn nguyên vẹn???... Một điều kỳ lạ mà với trình độ của mình, tôi không thể nào lý giải được. Do đó, thực hư câu chuyện về 3 liệt sỹ với "BỨC THƯ GỬI LẠI NGƯỜI ĐANG SỐNG" này đã để lại trong tôi một DẤU HỎI LỚN.
    Thế cho nên sau nhiều ngày do dự, tôi liều viết ra đây nỗi băn khoăn, tâm tư ấy. Và mong sẽ được ai đó hiểu biết hơn, lý giải giùm...

    Trả lờiXóa
  2. Cám ơn bạn ẩn danh đã có nhận xét rất tinh tế. Tôi cũng không thạo chuyện này. Tuy nhiên, từ bé được tiếp xúc với các trang bị quân sự, tôi thấy chúng tốt hơn nhiều so với cùng thứ đó phục vụ cho mục đích dân sự. Vì thế võng bạt, dây nylon, áo mưa... của bộ đội ta hồi đó rất. Liên Xô, Trung Quốc và cả các nước phương Tây thời đó đều sản xuất hàng cực bền, không tiếc nguyên liệu, nên thướng được gọi là hàng chày đồng cối đá, dùng không bao giờ tự nhiên hỏng. Cách làm này khác với ngày nay là chạy theo mốt, chỉ dùng thời gian ngắn rồi bỏ nên không cần độ bền như thời trước. Bây giờ nguyên nhiên vật liệu cũng hiếm hơn nên sản xuất gì cũng tiết kiệm, chất lượng tăng, bạt, võng rất kém.

    Viết dài dòng ở trên để nói tôi tin là trong điều kiện nào đó, với rừng cây đặc thù nào đó, thì các quân trang của các anh liệt sĩ vẫn có thể không bị phân hủy như trong bài đã viết.

    Riêng phân hữu cơ thể, nếu chôn xuống lòng đất, thời gian phân hủy sẽ lâu vì không có vi khuẩn, còn trên mặt đất, đầy vi khuẩn, chúng sẽ làm việc phân hủy diễn ra rất nhanh.

    Trả lờiXóa