Thứ Sáu, 14 tháng 4, 2017

MỘT LẦN QUÁ GIANG PHI TRƯỜNG BẮC KINH

MỘT LẦN QUÁ GIANG PHI TRƯỜNG BẮC KINH
“Họ dường như được tập sống theo chỉ định, bầy đàn và khuôn hộp. Chỉ ba trong số gần ba mươi người dám tách rời nhóm để đi riêng miễn cưỡng, vậy nếu nhen nhúm có một Thiên An Môn thứ hai thì sẽ có bao nhiêu thanh niên trong khoảng 1,5 tỉ dân can đảm tách rời bầy đàn, bước ra khỏi khuôn mẫu tư duy để làm một cuộc cách mạng?”.

Bắc Kinh chìm trong ô nhiễm
Tiếng của phi cơ trưởng cất lên, cắt ngang tiếng hát Châu Kiệt Luân đang phát qua máy khiến tôi tỉnh giấc, thông báo cho hành khách biết máy bay đã vào đến không phận Bắc Kinh và chuẩn bị đáp xuống trong vòng 40 phút.

Lần cuối cùng tôi nhìn vào bản đồ cập nhật đường bay từ Melbourne đến Bắc Kinh là còn 8 tiếng nữa trước khi thiếp vào giấc ngủ bằng nhạc Hoa. Chắc bạn sẽ thắc mắc vì sao tôi nghe nhạc Hoa để dỗ ngủ trên chuyến bay dài, đó là do không có lựa chọn nào khác vì tuyến bay từ Úc tới Bắc Kinh của chúng tôi là của Hãng Hàng không Air China, một hợp thương tại Trung Quốc của United Airline. Và vì thế, các mục giải trí phục vụ khách hàng trong lúc bay - từ phim tới nhạc - đều hầu hết ưu tiên cho hành khách gốc Hoa.

Tôi uể oải xoay mình, gói ghém các thứ linh tinh chuẩn bị rồi đánh thức hai nhóc tì dậy. Khoang máy trở nên ồn ào hơn, đèn được bật lên. Tiếng phi cơ trưởng lại phát lên một loạt tiếng Trung thông báo rất dài nhưng lại rất ngắn gọn bằng tiếng Anh rằng chuẩn bị hạ cánh, nhiệt độ bên ngoài là -6C, vậy thôi. Anh và tôi nhìn nhau nhún vai cười trừ sau khi nghe xong thay vì nhướng mắt phân vân như lúc đầu vì đã thích nghi với lối thông báo một cách khó hiểu giữa tiếng Hoa và Anh như thế này suốt chuyến bay.

Gần tới giờ đáp, chúng tôi bèn mặc áo ấm vào cho mình và tụi nhỏ. Một cô tiếp viên đi ngang qua, chợt dừng lại hỏi anh câu gì đó tôi không nghe rõ giữa tiếng ồn ào trong khoang máy, rồi chỉ vào hai đứa nhỏ.

- They're OK. Thank you - anh trả lời.

- But you... transit... - cô tiếp viên.

- OK, we're fine, thanks again.

Tôi nghe loáng thoáng tiếng được tiếng mất nên hỏi lại anh sau khi cô rời đi, anh kể sơ cô ấy thấy áo ấm của hai đứa mỏng quá, sợ không đủ ấm khi ra máy bay. Chúng tôi tự bảo nhau, tuy biết bên ngoài thời tiết Bắc Kinh rất lạnh nhưng nghĩ sẽ không sao vì chúng tôi dự định không ra bên ngoài tham quan nên áo mỏng cũng không hề chi. Lúc ở Melbourne trước khi bay, chúng tôi đã coi dự đoán thời tiết ở Bắc Kinh, weather app hiện báo là nhiệt độ rất lạnh, lại còn lưu ý “hazardous air zone”, vì thế nên anh bảo không đi đâu, chỉ ở trong phi trường tránh ô nhiễm.

Phi trường Bắc Kinh không dùng đường hộp nối liền từ cửa máy bay vào thẳng phi trường

Máy bay hạ cánh khá êm, chúng tôi nhìn nhau gật gù cười nhẹ, một thói quen mỗi lần bay của chúng tôi là chấm điểm khả năng tay lái của phi cơ trưởng dựa theo độ êm hay gập ghềnh của bánh xe phi cơ khi chạm đất. Xuống tới phi đạo nhưng vẫn phải đợi thêm 30 phút để vào được chỗ đậu, lúc này đã là 6h30 sáng ngày đầu năm ở Bắc Kinh. Chúng tôi đã đón giao thừa giờ Úc Châu trên máy bay, các cô tiếp viên mời hành khách rượu đỏ để cùng chào đón năm mới.

Khoản chờ rồi cũng qua, chúng tôi bắt đầu di chuyển ra ngoài, hai đứa nhỏ lanh chanh đi trước. Bước ra khỏi cửa máy bay, tôi ngỡ ngàng vì quá bất ngờ, nghe tiếng hai đứa loáng thoáng đằng trước kêu “mommy!”. Thì ra họ không dùng đường hộp nối liền từ cửa máy bay vào thẳng phi trường (jetway) như kiểu Mỹ hay Úc dùng cho các chuyến bay quốc tế, mà hành khách phải đi từ máy bay xuống bằng thang sắt rồi đi bộ ra xe buýt đậu gần đó, sau đó xe chở vô khu vực phi trường, hèn chi bọn nhỏ bị mất phương hướng lúng túng kêu mẹ.

Lúc này tôi mới hiểu vì sao cô tiếp viên đã cố gắng thuyết phục chúng tôi cần mặc áo dày cho chúng. Di chuyển giữa cái lạnh -6C, xung quanh mịt mờ trong ánh đèn vàng, tất cả sự vật chung quanh rất khó nhận ra, ập vào mũi là mùi tương tự như mùi dầu máy xe cháy khét trong không khí. Nhìn đâu cũng là một màn sương mù mờ dày đặc. Lên xe, tôi nói anh “trời mù sương quá ha...”, anh lắc đầu đáp nhẹ “không, ô nhiễm thế đó”. Tôi tiếp “em ngửi thấy mùi khí đốt, anh có ngửi thấy không?”. Anh gật đáp “do khí thải từ nhiều hãng xưởng đó”.

Dù đã biết trước, nhưng tôi không ngờ tình trạng ô nhiễm nơi đây tới mới mức trầm trọng như thế nào cho đến khi tận mắt thấy, mũi ngửi giữa không gian hiện thực...

Vào đến trong phi trường, chúng tôi theo đoàn người cùng chuyến và hệ thống bảng chỉ dẫn để để đến chỗ thủ tục nhập cảnh. Phi trường Bắc Kinh rất lớn và bề thế, đúng lối “chứng tỏ mình” vốn dĩ của người Trung Quốc như câu nói dân gian “nhân sao vật vậy”. Thậm chí đẹp và hoành tráng hơn cả phi trường các nước Phương Tây. Bên trong ga quốc tế, xen kẽ giữa các khu ghế nghỉ chân, họ xây những hồ giả, mái đình, vườn ngự uyển để hành khách có thể tưởng tượng mình đang ngồi ngoài thiên nhiên trong lúc ăn uống và nghỉ ngơi. Tôi thầm nghĩ thật chua chát, ở ngoài ô nhiễm quá không ai muốn ra với thiên nhiên, họ đành phải tạo thiên nhiên bên trong khung bê tông cốt thép để người thưởng lãm.

Bọn trẻ vô tư chơi đùa, không hề biết bên ngoài bầu không khí ô nhiễm đến mức nào

Dù gặp chút khó khăn để hiểu các bảng chỉ dẫn, cuối cùng chúng tôi cũng tìm được đến nơi cho nhập cảnh miễn visa 72 tiếng để có thể di chuyển xuyên ga giữa quốc tế và nội địa. Nhân viên hải quan của phi trường đều mặc đồng phục màu đen, đi giày bốt nhà binh theo kiểu quân phục hơn là dân phục. Hầu hết đều ở lứa tuổi chừng đôi mươi còn phảng phất nét ngây ngô. Họ nói năng nhỏ nhẹ, lịch sự nhưng dáng vẻ cứng ngắc, các thao tác đều mang tính đúng theo chỉ định, dường như họ không được phép hay được luyện tập để hiểu và biết mình cần phải làm gì, tự chủ ứng biến theo tình huống như thường thấy ở nhân viên phi trường Phương Tây.

Hai cô gái làm thủ tục cho nhóm hành khách chúng tôi cứ liên tục hỏi nhau phải làm sao bằng tiếng Tàu khi xem xét hộ chiếu của từng người. Thậm chí một cô không biết nên dùng loại ấn nào trong 2-3 cái để đóng mộc vào hộ chiếu. Cô cứ lúng túng đổi qua đổi lại, nhìn đi nhìn lại trước khi đóng xuống. Lúc này tôi thầm lo trong bụng vì nếu nhỡ cô ta đóng lộn dấu không khéo cả nhà bị kẹt lại thì toi. Tới phiên xét hộ chiếu của anh, cô ta giơ tấm hộ chiếu lên cao ngang tầm mặt anh để kiểm chứng hình và người giống nhau.

Sau đó cô bốc điện thoại gọi, một chút sau cô gái khác xuất hiện, tôi đoán đó là cấp trên của cô này, nhìn vào hộ chiếu của anh và nhận dạng xong cô bắt phone lên gọi mà không nói gì. Sau đó cô ta bỏ đi, cô gái cấp dưới hoàn tất đóng mộc mà chẳng hề hỏi han. Chúng tôi nhìn nhau nhíu mày không hiểu, sau này tôi đùa chắc mặt anh giống ai đó nằm trong danh sách “phản động” nên mới bị cần nhận diện hai lần.

Muốn đến phòng trọ nghỉ chân trả phí theo giờ, chúng tôi phải đi xe lửa điện từ Ga 3 quốc tế xuyên qua Ga 2 nội địa và Ga 1 cảng Đi. Trong lúc chờ xe đến, bỗng dưng tôi nghe tiếng ồn ào cười nói của một đám đông từ đằng sau. Thì ra đó là một nhóm chừng ba chục thanh niên nam nữ nhân viên phi trường tan ca ra về. Khi tàu trờ tới, chúng tôi và một số hành khách khác bước vào toa ngay cửa, họ ở phía sau bước theo nhưng lại rẽ sang chọn toa trống bên cạnh chưa có hành khách nào rồi vào chung cả nhóm.

Một vài trong số đó có vẻ lưỡng lự nửa muốn vào toa của chúng tôi, nửa muốn sang cùng nhập bọn với đồng nghiệp. Cuối cùng tất cả dồn vào một toa dù chật chội, chỉ có mỗi ba trong số ấy, một nữ hai nam là tách lẻ chọn vào toa chúng tôi. Những người bên kia nói với sang vài câu gì đó, ba người lắc đầu. Suốt chuyến đi, họ dường như có vẻ không thoải mái tự tin cho lắm khi phải tách rời đoàn nhóm, và cứ đăm đăm nhìn vào màn hình cell phone không rời.

Nhìn nhóm thanh niên nam nữ cười đùa vui vẻ cùng nhóm toa bên kia qua cửa kiếng, quay qua quan sát ba bạn trẻ bên này, tôi chợt nghĩ về cuộc thảm sát Thiên An Môn mà thầm tự hỏi: trong con số ấy, bao nhiêu biết về sự kiện này? Họ dường như được tập sống theo chỉ định, bầy đàn và khuôn hộp. Chỉ ba trong số gần ba mươi người dám tách rời nhóm để đi riêng miễn cưỡng, vậy nếu nhen nhúm có một Thiên An Môn thứ hai thì sẽ có bao nhiêu thanh niên trong khoảng 1 tỉ dân can đảm tách rời bầy đàn, bước ra khỏi khuôn mẫu tư duy để làm một cuộc cách mạng?

Ẩm thực tại phi trường

Bên ngoài, trời đã sáng hơn để tôi có thể nhận diện chung quanh một chút. Tàu điện chầm chậm lăn trên đường ray lượn lách giữa các bức tường xi măng được tô điểm với những bụi cây và dây leo. Nhìn những bụi cây tím ngắt giữa trời buốt giá mà không khỏi thắc mắc cây chết là do cái lạnh, do ô nhiễm, hay vì cả hai. Ở đây, nhìn Người - Vật - Cây Cỏ trong làn sương mù u ám quện mùi khí đốt mà lòng tôi bỗng chùng xuống thương cảm...

Vào đến ga, mọi người rời tàu tiếp tục đi. Riêng nhóm nhân viên thì khác hẳn, họ vẫn đi chung với nhau thành nhóm không rời, rồi đang từ một đám đông, họ chuyển đội hình thành hai hàng dừng lại sát bên thành tường. Một người trung niên mặc đồng phục áo đỏ cấp trên xuất hiện nói vài câu rồi dẫn đầu nhóm rẽ vào một lối ra khác. Chúng tôi chợt hiểu ra, có lẽ họ không được phép đi lông rông qua lại tự do trong phi trường như kiểu nhân viên ở Phương Tây ngoài giờ làm việc.

Đi ngược đi xuôi, lên lầu xuống lầu và nói chuyện với nhân viên bằng hai tay, cuối cùng chúng tôi cũng tìm thấy được nhà trọ. Mướn phòng xong, mặc dù có wifi (gọi là free airport wifi) nhưng không nhập được, chúng tôi phải xin số mật mã của nhà trọ. Để các túi ba lô lại trong phòng cho bớt nặng, chúng tôi bắt đầu “thám hiểm” phi trường và kiếm chút gì để lót dạ. Lúc này khoảng 9 giờ, phi trường bắt đầu có nhiều người nên bớt tĩnh mịch đôi chút.

Trong lúc dạo quanh, tình cờ chúng tôi thấy một đoàn chừng 20 chục cô gái túm chụm vào nhau di chuyển chầm chậm giữa lối đi như một tổ ong. Cô nào cũng tay giơ cao điện thoại cầm tay chụp hình liên tục, miệng kêu gì đó ý ới âm thanh vừa đủ không quá to hay nhỏ. Khi đến gần, chúng tôi mới biết, à thì ra trong giữa tổ ong thiếu nữ ấy là một anh thanh niên đeo băng che kín nửa khuôn mặt, có lẽ là ngôi sao ca sĩ hay diễn viên nổi tiếng nào đó của Trung Quốc. Anh cười cười nhận xét “chắc là anh celebrity nào đây, mấy em bu lại đi một đám giống như tổ ong vậy...”.

Có lẽ do ảnh hưởng K-pop của Hàn Quốc, nên có khá nhiều quán ăn Hàn kết hợp Tầu trong phi trường. Ngoài ra, chỉ có 1 tiệm hamburger, 1 tiệm gà chiên kiểu Mỹ, 1 tiệm pizza và 1 tiệm thức ăn Thái. Vì trời lạnh nên thèm chút súp nóng, chúng tôi ghé vào quán Tàu - Hàn. Trong lúc chờ thức ăn ra, tôi thử vào FB nhưng vẫn không nối kết được. Wifi dù đã kết nối nhưng liên tục bị cắt, cứ phải login lại sau 5-10 phút. Tất cả các hàng quán ăn uống ở Ga 1 nằm trên lầu hai, vì thế nên bạn có thể vừa ăn uống vừa ngắm toàn cảnh hoạt động ở tầng dưới từ ban công.

Cảnh thiên nhiên nhân tạo bên trong khung bê tông cốt thép

Sau khi nghe tôi than là vẫn không thể vào FB để cập nhật hành trình cho gia đình biết, anh cười chỉ xuống một cái trụ màu cam tầng dưới cho tôi thấy rồi nói “FB & Wi-Fi mạng vô không được nhưng muốn gọi điện thoại thì tha hồ, sim card on the go, only in China”. Họ để khá nhiều các trụ màu cam máy tự động như thế rải rác trong phi trường. Bạn chỉ cần nhét tiền vô máy, lấy một thẻ sim lắp vào phone là gọi được ngay, không cần phải thông qua công ty viễn liên gì sất.

Cách máy tự động bán thẻ sim không xa là máy rút tiền ATM. Ngay vừa lúc ấy, chúng tôi thấy nhân viên nhà băng đến để bỏ thêm tiền vào máy, hộ tống anh này là hai công an quân đội tay cầm AK47, nón cối và vũ trang đầy đủ. Tự dưng cảm thấy chút lạnh chạy dọc xương sống vì ở Mỹ, chỉ có trường hợp nguy hiểm tối đa hoặc quan trọng lắm bạn mới thấy cảnh sát đặc nhiệm (SWAT team) mang súng AK47 hay loại tầm cao xuất hiện. Còn bình thường, dù có mang súng tay thì cảnh sát cũng không để súng lồ lộ như thế giữa dòng người qua lại nơi công cộng. Hình ảnh công an cầm AK47 hiên ngang nơi công cộng này giống y như trong sân bay Nội Bài ở Hà Nội mà tôi từng thấy cách đây mười năm.

Thức ăn của chúng tôi cũng vừa được đem ra. Nhìn mấy miếng thịt bò Bulgogi mỏng lèo tèo trên dĩa của anh, thịt heo hai phần ba là mỡ trong món canh kim chi của tôi, ngó ra bên ngoài kia qua lớp kiếng toà nhà... đã gần trưa mà vẫn chưa thấy mặt trời sau màn sương mù, thỉnh thoảng vẫn ngửi mùi khí đốt len lỏi, rồi nhớ tới mấy thông tin gạo nhựa, trứng giả, thịt thối biến thành tươi mà chợt ngần ngại. Chúng tôi chỉ ghé chân tạm thời có vài tiếng, ăn tạm một bữa thôi, còn đối với những lớp người đang cười nói ở tầng dưới kia và bên ngoài khung kiếng là chuyện thường nhật qua năm này tháng nọ trong môi trường như thế, ăn cũng chết mà không ăn cũng chết...

Ăn xong, chúng tôi dạo qua các tiệm bán đồ lưu niệm xem chơi. Ở đây họ rất tự hào về gấu trúc Panda, tiệm nào cũng bán Panda đủ loại đủ cỡ từ thú nhồi bông, gối, tượng đất cho đến quần áo giả trang. Thứ nhì là các món đồ đặc thù văn hóa và nghệ thuật bản địa. Thứ ba là sâm và nguyên liệu thuốc Bắc. Không thấy gì hứng thú và bắt đầu thấm mệt nên chúng tôi trở về nhà nghỉ để ngả lưng một chút, đang đi bất chợt nghe tiếng la ó to tiếng của một phụ nữ cách đó không xa. Tuy phi trường rộng lớn nhưng không quá ồn nên có thể nghe tiếng chị chửi rõ mồn một.

Thì ra là chị bắt ghen tại trận anh chồng đưa bồ đi chơi vào ngày mùng một tết. Miệng vừa chửi, tay chị cầm bóp phang vào cô bồ vài cái rồi quay sang phang tới tấp vào anh chồng. Dù không hiểu nhưng có thể cảm nhận được nỗi uất nghẹn qua tiếng gào thét của chị... “Chắc chỉ có đại gia mới có tiền đưa bồ đi bay chơi ngày lễ này như thế”, anh suy đoán. Liên tưởng đến mấy chuyện chân dài với đại gia ở Việt Nam, tôi ngán ngẩm lắc đầu, đàn bà lấy phải đàn ông lăng nhăng ở đâu cũng khổ như nhau... hời!
*

Từ Cảng Đi ở Ga 1 nội địa, chúng tôi phải qua cửa khẩu thêm lần nữa để trở về lại Ga 3 quốc tế ban đầu. Chúng tôi tạm dừng bước, lưỡng lự xem phải đi lối nào cho đúng thì có một ông cỡ độ sáu mươi đứng gần đó bước đến hỏi chúng tôi đang tìm gì. Ông nói tiếng Anh rất lưu loát, phong cách tự tin, nhiệt tình. Chúng tôi hơi bất ngờ vì ông là người duy nhất bắt chuyện hỏi xem có cần giúp đỡ thay vì đợi bị hỏi. Nghe xong, ông chỉ tay và cười nói “các bạn đi đúng hướng rồi đó, cứ tiếp tục đi, vượt qua cửa chặn kia là có thể an tâm về nhà...”. Chúng tôi cám ơn và đi tiếp. Ông cụ chắc là Hoa kiều sống ngoại quốc lâu năm về thăm nhà vì phong thái giao thiệp khác hẳn so với người địa phương.

Tác giả bài viết

Về tới Ga 3, ở đây không gian khác hẳn so với hai Ga kia, chỉnh chu và đẳng cấp hơn với nhiều thương hiệu thời trang. Ghé vào một quán ăn, chúng tôi gọi mì hoành thánh, cơm chiên, cơm xá xíu để xem cùng món mà có khác vị so với ở Mỹ bao nhiêu. Mùi vị nêm nếm và cách nấu không khác so với ở Mỹ hay Úc là mấy. Tuy vậy, không biết có phải do tâm lý mà nhận xét thiên kiến, nguyên liệu thực phẩm ở đây chất lượng cao hơn so với Ga 1 nội địa. Có lẽ tiêu chuẩn bán hàng cho khách ngoại khác với khách nội.

Xa xa ở góc phòng một bàn gần lối đi ra vào bếp, nhân viên quây quần ăn uống vui vẻ giờ giải lao. Giờ tôi mới để ý, ai cũng đều có làn da rất trắng, mịn, đẹp cả nam lẫn nữ. Đặc biệt là nữ hầu hết để mặt mộc, ít phấn son. Tôi chỉ cho anh và hỏi khẽ “ở trong môi trường ô nhiễm vầy mà sao da họ đẹp còn hơn mình vậy ta?!?”. Anh cười lắc đầu vỏn vẹn “chắc có thuốc..”. Có lẽ vậy vì cái trắng là trắng xanh xao thiếu sắc thể, mỏng mảnh, yếu bịnh như thiếu ánh nắng lâu năm. Chợt nhớ lúc ở Sydney, tôi thấy các tiệm thuốc ở đó lúc nào cũng đông nghẹt người, phần nhiều là khách du lịch Trung Quốc. Cô em họ kể rằng dân Tàu qua Úc du lịch hay mua rất nhiều vitamin và sữa trẻ em để mang về.

Nghĩ thật tội, không khí ô nhiễm thấm qua thực phẩm, mà không ăn thì không được, người ta đành phải uống dược phẩm nhân tạo để nuôi dưỡng và duy trì sự sống cơ thể. Cũng chẳng ngạc nhiên gì khi biết ông Hoàng Kiều làm giàu nhờ từ thị trường Trung Quốc với các dược phẩm quảng bá chức năng giúp tẩy độc tố trong người. Trong tình trạng cùng quẫn, con người ta cúng bái thầy thuốc tứ phương bất kể có chắc hiệu quả hay không là tâm lý chung. Cuối cùng, cái giá phải trả của hàng hóa “Made In China” giá rẻ bán hàng loạt lan tràn trên thế giới có xứng không? Tầm mức ảnh hưởng của sự đánh đổi ấy không chỉ ở một thế hệ mà nhiều thế hệ về sau, không chỉ là thời gian ngắn 5-10 năm mà hàng chục năm về sau nữa...

Nhìn hai đứa nhỏ vẫn vô tư đùa giỡn với nhau trong lúc đợi, bên ngoài làn sương mù vẫn bất di bất dịch dù trời đã về chiều, tôi chụp hình ghi lại kỷ niệm con. Lại nghĩ tới mấy đứa bé đồng lứa chúng nó bên ngoài lớp kiếng kia mà lòng trùng xuống, bèn chụp lại vài tấm sương mù để lưu lại nhắc nhở mình. Tôi từng có ác cảm với dân du lịch Trung Quốc vì tánh xấu của họ, nhưng một ngày ở đây chứng kiến đủ để rồi có cái nhìn thông cảm với họ hơn...

*

Cuối cùng chúng tôi cũng an vị vào chỗ ngồi của mình trong máy bay. Cảm giác “nhà” thân quen trở về khi nghe tiếng chào hỏi của các tiếp viên người Mỹ. Anh mở phone mua wifi của hãng hàng không để liên lạc gia đình, song vẫn không thể kết nối vào mạng. Hỏi cô tiếp viên giúp kiểm chứng xem máy bay có mở wifi hay không thì cô xác định là có. Tới gần giờ cất cánh, cô đi ngang qua chúng tôi, ghé hỏi tình trạng wifi, anh lắc đầu vẫn chưa vào mạng được. Cô chia sẻ có một số hành khách khác cũng hỏi cô về wifi vì bị tương tự.

Anh cười nói đùa “cả ngày ở trong phi trường chúng tôi đã không thể vào mạng, có thể do họ chặn, chắc đợi ra đến hải phận quốc tế thì mới hết bị chặn...”. Cô cười theo gật gù “có thể lắm...”. Mà quả thật, sau khi cất cánh và phi đoàn trưởng cho phép hành khách có thể đi lại trong khoang khi cần thiết, chúng tôi vào mạng dễ dàng. Sau một ngày bị tù túng cách ly với thế giới thông tin, cảm giác tự do dấy lên khi được vào mạng trở lại. Y như là cảm giác vừa thoát ra khỏi cái hộp sau khi bị nhốt cả ngày, thở phào nhẹ nhõm. Thế mới biết trân quý những gì mình đang được thừa hưởng.

Bài và ảnh: Mai Vũ, từ Hoa Kỳ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét