Lê Luân: NHÀ BÁO KHÔNG THỂ NHƯ CON CHÓ !
Lê Luân - Khi đọc bài báo dưới đây, với bút danh Hồng Đức, một cái tên theo ngữ nghĩa khá đẹp đẽ, nhưng nhìn vào ngôn từ và cách lập luận bất chấp của người này như một kiểu mô tuýp quen thuộc đã hoành hành và phá nát xã hội, tôi không nghĩ đây là một nhà báo có trình độ và đạo đức như họ được mang mặc trên mình bằng tên gọi do cha mẹ đặt cho.Năm luật sư sát cánh với Đồng Tâm trong suốt 8 ngày qua. Từ trái sang: Nguyễn Hà Luân - Hoàng Hướng - Trần Vũ Hải - Ngô Anh Tuấn - Lê Văn Luân (3 trong số họ năm ngoái ứng cử Đại biểu quốc hội nhưng bị loại từ vòng gửi xe)
NẾU CÓ MỘT CƠ HỘI
Trong vụ việc ở Đồng Tâm, ngay khi sự việc đang thực sự rất nóng, nó giống như một chảo lửa, cộng thêm với những tin đồn mang tính thời sự như khung cảnh của một thời chinh biến của nửa thế kỷ đã qua. Chúng tôi, những luật sư, thực ra chỉ có ba người, đã lặn lội và không chút e dè để tìm về nơi đây theo lời mời của bà con, mặc dù trong họ vẫn còn những sự nghi ngờ dành cho chúng tôi. Chúng tôi đã lặng lẽ cùng người dẫn đường đi vào giữa làng, gặp những người đại diện nơi đây để trao đổi và làm việc thực tâm, cố gắng lắng nghe và chuyển tải những tiếng nói của họ một cách thành thực nhất, vì bao năm qua họ kêu kiện mà không thấu, hơn thế là họ còn nói "chúng tôi bị lừa nhiều rồi" - một cụm từ được lặp lại nhiều lần và bởi bất cứ ai là dân trong làng này.
Trong 3 ngày liên tiếp, tìm đủ mọi cách để kết nối, tư vấn cho dân làng, trợ giúp họ những việc cần thiết về pháp lý và không quên khuyên ngăn họ những điều cấp bách khác phải chú ý và giữ gìn.
Chúng tôi đứng giữa họ, trong sự nghi ngờ của cả hai phía, phía người dân và cả phía chính quyền. Nhưng những gì chúng tôi có thể, chúng tôi đã làm theo trí tâm của mình mách bảo mà không ngần ngại những sự nghi ngại, sự chỉ trích, bôi bác hay kể cả là đơm đặt nhằm miệt thị chúng tôi. Nhưng chỉ có người dân và những luật sư chúng tôi mới hiểu công việc của mình, trọng trách và sự "nhạy cảm" của thứ công việc mà người ta quen gọi là "vác tù và hàng tổng" này. Chẳng dễ gì để có niềm tin của người dân, chẳng dễ gì để không bị phán xét và bằng con mắt quy kết hằn học của phía chính quyền, hoặc kể cả ngôn luận tự do đầy ác ý từ phía thứ ba ngoài xã hội.
Thế nhưng chúng tôi vẫn miệt mài làm công việc, không một chút do dự hay toan tính nào, mà chúng tôi cho rằng đó là điều cần thiết, đúng đắn và hợp pháp, hơn thế là để đạt tới những giá trị khác mà sau cuộc biến sự rúng động này xã hội nhờ đó sẽ tốt hơn lên. Nếu chúng tôi e sợ những kẻ phán xét và quy chụp bằng sự ngu dốt, hoặc bởi những kẻ sẵn dã tâm, sự đê tiện luôn tìm cách để chà đạp người khác bằng ngòi bút vô cớ, trắng trợn và khốn nạn, thì chắc chắn rằng chúng tôi đã không còn tiếp tục đứng với bà con và tìm mọi cách để có cuộc đối thoại ngày hôm nay mà tháo gỡ sự bế tắc của cả hai phía khi niềm tin là chiếc cầu nối dường như đã đứt gãy từ quá lâu trước đó. Chúng tôi không cần công trạng, không cần ghi danh hay ơn huệ, và chúng tôi không sống bằng những "cơ hội chính trị" mà bài báo này đã khẳng định, thực sự rất hùng hồn và đanh thép.
Chính trị, là thứ giá trị dành cho tất cả mọi người, chứ không phải là cơ hội như của một người đi câu.
Làm báo, ngoài trình độ, mà chắc một người viết báo như bài báo kiểu ấy thì ắt hẳn sẽ khó có thể sở hữu nó, thì còn cần lương tâm của một con người, đó chính là giá trị tạo nên một nhà báo chân chính. Vì thế, đừng chỉ như ông Như Phong đã nói cách đây không lâu trước khi nghỉ việc, là làm phóng viên phải như con chó ấy. Tất nhiên, con chó có những điểm tốt, nó có thể trở thành người bạn trung thành của chúng ta như một tri kỷ, không vì miếng xương của kẻ khác mà quay lại cắn chính người chủ của mình.
Nhà báo, không thể như con chó, dù theo mọi nghĩa, kể cả việc bị sai khiến. Vì ngòi bút chỉ trên giấy, nhưng nó có thể giết chết một con người, thậm chí rất nhiều người, hoặc ngược lại, nó cũng có thể giết chết chính người đã chủ tính tạo ra nó để hãm hại một ai đó. Như Chúa nói, mà sau này Shakespeare đã nhắc lại trong vở kịch nổi tiếng của mình, rằng, kẻ nào dùng gươm sẽ chết vì gươm. Đó là điều chắc chắn mà không cần suy xét thêm nữa.
Nếu ai hỏi tôi, hoặc bất kỳ người nào khác, khi ta có một cơ hội để làm người tốt, ta có ngay tức khắc để thực hiện hay không? Chắc rằng ai cũng sẽ hành động theo lương tâm và sự hiểu biết của mình, không ngần ngại.
Nếu có một cơ hội để làm lại, tôi vẫn làm những gì phải làm như vậy. Dù đó có là cơ hội gì đi nữa, thì khi đó là cơ hội của một hành động đúng đắn, ta phải làm như lẽ một con người có liêm sỷ. Dù lúc đó, hoặc tiếp sau đó, ta có phải hứng chịu bao nhiêu lời phủ bác, miệt thị đi chăng nữa, thì hành động ấy đã trở nên hữu ích và hoàn thành, ta cần làm tiếp công việc của mình thay vì cãi nhau hay phân bua với kẻ đó.
Và hơn thế, chính trị, nếu có một cơ hội cho tôi, hoặc bất kỳ một ai khác để thực hiện, cũng chẳng phiền hà gì, tôi sẽ nắm lấy một cách chính đáng để có vị thế mà thay đổi đất nước này. Và do đó, sẽ không còn câu chuyện độc quyền chính trị cho bất kỳ tổ chức hay đảng phái nào nắm trọn và loại trừ phần còn lại, sẽ không còn đất đai là sở hữu toàn dân, sẽ không còn những sự việc rúng động đầy bi thương và phẫn uất tương tự như đã xảy ra ở Đồng Tâm, Văn Giang hay Tiên Lãng,...
Và lúc đó, đất nước, cụ thể hơn là nghề báo, sẽ không còn cái tên Hồng Đức cùng những bài báo kiểu như này được phép tồn tại dưới danh nghĩa phỉ báng và buộc tội, vì khi ấy, nó trở thành nỗi hổ nhục của những người cầm bút chân chính toàn xã hội và đi ngược lại những giá trị cơ bản của con người cũng như của một nhà báo đúng nghĩa.
http://hanoimoi.com.vn/…/lat-mat-nhung-luan-dieu-sai-trai-l…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét