Thứ Tư, 12 tháng 4, 2017

“Định hình tương lai sông Mekong khi không có gì chắc chắn”

“Định hình tương lai sông Mekong khi không có gì chắc chắn”
Tác giả: David Brown; Dịch giả: Song Phan; 16-3-2017
Đây là bài diễn văn ‘keynote’ để mở màn Hội thảo về Biến đổi khí hậu, Nông nghiệp Bền vững, và Phát triển Kinh tế tại Đồng bằng Sông Cửu Long, tổ chức ở thủ đô Phnom Penh (còn gọi là Nam Vang) vào ngày 16-18/3/2017 do Đại học Hoàng Gia Phnom Penh và Đại học North Carolina (Mỹ) tổ chức. 
Tác giả David Brown đang phát biểu tại
 buổi hội thảo. Nguồn: FB Tuyet-Le Brown.
Đồng bằng ngập nước Sông Mê Kông – gọi tắt là ĐBSCL – bao gồm các vùng đất trũng thấp từ thị trấn Kratie (cách Phnom Penh khoảng 200 cây số về phía đông bắc) hướng về phía nam tới 9 cửa sông, kể cả lưu vực hồ Tonle Sap (hay Biển Hồ). ĐBSCL hết sức màu mỡ và phức tạp về mặt thủy văn. Trong số các bộ phận của ĐBSCL, có một hệ thống đê kỹ thuật cao, bao gồm các con đê cùng các kênh đào và các cống điều tiết dòng chảy và phân phối nguồn nước.

Hiện nay ĐBSCL phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng và tác động lẫn nhau.

Những thách thức này cùng với nhau gây ra một thảm họa môi trường đang dần hé lộ. Chúng ta phải nhìn nhận điều này một cách thẳng thắn: sẽ có những tác động vô cùng to lớn đến cách sinh sống của cư dân ĐBSCL. Đây là những điều không thể tránh khỏi.

Tuy nhiên, các chính sách cứng rắn có thể tạo ra cách thích nghi đúng đắn.

Khi bắt đầu viết về tương lai của ĐBSCL cách đây một năm, tôi đã hình dung câu chuyện về những tác động của biến đổi khí hậu, và dĩ nhiên, tôi sẽ đề cập đến tác động của những đập thác đã và đang xây cất trên thượng nguồn.

Tôi biết rằng, có mối đe dọa thứ ba đối với cuộc sống của khoảng 30 triệu người sống ở ĐBSCL ngập lũ: đó là tập quán làm nông nghiệp không bền vững và không thích hợp.

Tác động của biến đổi khí hậu đang trở nên rõ ràng (và do đó trở nên ít gây tranh cãi hơn).

Cách đây 10 năm, Ngân hàng Thế giới đánh giá khu vực ĐBSCL ở Việt Nam, cùng với đồng bằng sông Hằng (Bangladesh) và sông Nile (Ai Cập), là khu vực “bị đe dọa nhất” bởi biến đổi khí hậu. Các nhà phân tích của Ngân hàng Thế giới chủ yếu xem xét mực nước biển dâng lên và mật độ dân số cao.

Và trên thực tế, mực nước biển đang dâng lên và có thể dâng cả mét trong thế kỷ này. Điều đó rất có ý nghĩa đối với ĐBSCL ở Việt Nam, một khu vực có độ cao trung bình chỉ có hai mét.

Biến đổi khí hậu cũng mang lại sự thay đổi đáng kể về mô hình thời tiết. Mùa mưa dường như đã bất thường hơn và đến trễ hơn trong năm. Nhiệt độ dự kiến ​​sẽ tăng lên đến mức làm các giống cây trồng hiện nay khó sống.

Bây giờ thì hãy đặt thêm lên đó những tác động của việc xây đập ở thượng nguồn.

Trước hết, dòng thác Lan Thương (Lancang), các đập nước cao ở tỉnh Vân Nam (Yunnan), tích trữ một lượng nước lớn trong mùa mưa và xả ra từ từ trong mùa khô để tạo ra điện.

Thứ hai, có khoảng 200 con đập đã xây, đang xây hoặc được quy hoạch trên các chi lưu của sông Mekong. Nhiều trong số các dự án lớn nhất thuộc cái gọi là hệ thống 3S – sông Sekong, sông Sesan và sông Sepong – phát sinh ở vùng cao nguyên miền Trung Việt Nam, nối vào dòng chính của sông Mekong ở Campuchia, gần thị trấn Stung Treng. Giống như các thác nước ở Trung Quốc, khi được xây lên, những đập nước này tích trữ một lượng nước lớn trong mùa mưa và xả ra dần dần trong mùa khô.

Thứ ba, các đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong thu hút hầu hết sự chú ý, đặc biệt vì những cái đập này sẽ cản trở sự di trú của nhiều loại cá khỏi các bãi đẻ ở vùng Tonle Sap và ở hạ lưu sông Mekong.

Trong trường hợp những đập nước sẽ được sửa đổi (như chủ thầu đang hứa) cho tiện các loại cá di trú lên sông (qua cầu thang “fish ladder”) để đẻ con, và con cá con sẽ tồn tại và xuống trở lại Biển Hồ. Cũng có thể là những loại cá không di trú dưới hạ sông, tiếp tục sinh sôi, nẩy nở, trong khi không còn phải cạnh tranh với cá di trú. Dù vậy, trong tình huống lạc quan nhất, chế độ ăn uống kiếm sống cũa cư dân DBSCL sẽ bị suy sụp.

Hơn nữa, tất cả các đập giữ lại phù sa vốn là nguồn dinh dưỡng bồi đắp cho các cánh đồng của nông dân ở hạ nguồn từ bao đời. Nói cách khác, càng nhiều đập xây dựng ở thượng nguồn sẽ càng làm suy giảm nguồn cá, tôm và lương thực, rau màu ở hạ nguồn.

Tin tốt về các đập trên dòng chính là chúng sẽ không ngăn giữ nhiều nước. Chúng là những con đập dựa vào dòng chảy chính khá ổn định (thay vì theo mùa) để làm quay các tua-bin. Ngay cả như vậy, các nhà khoa học Việt Nam vẫn cho rằng những tác động kết hợp của biến đổi khí hậu và việc xây đập thượng nguồn đã làm giảm hơn 50% lượng bùn chảy tới đồng bằng sông Cửu Long ở Việt Nam.

Nước lũ về yếu hơn, cộng với tác động từ triều cường dâng cao đã khiến cho tình trạng xâm nhập mặn ở ĐBSCL ngày càng gay gắt trong mùa khô. Năm ngoái, trong đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 90 năm qua, nước mặn có nồng độ gây chết lúa lấn sâu về phía thuợng lưu tới Cần Thơ. Tuy nhiên, vấn đề của ĐBSCL không chỉ là biến đổi khí hậu và đập nước. Chúng ta cũng cần xét tới các tập quán canh tác không bền vững.

Hạ lưu Sông Mekong. Nguồn: Tác giả gửi tới.

Kể từ khi di dân vào vùng ĐBSCL hồi thế kỷ 18, người Việt đã làm thay đổi cảnh quan ở đây, đào kênh, tiêu nước ở các vùng đất trũng. Thực dân Pháp đã mang máy móc vào nên công việc tiến nhanh hơn. Tuy nhiên, những thay đổi lớn nhất lại diễn ra sau năm 1975, khi các kỹ sư từ Hà Nội xây các con đê để chuyển đổi hai vùng đất trũng rất lớn là vùng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên. Bằng cách kiểm soát hoàn toàn mực nước, chúng đã làm cho việc trồng ba, hoặc thậm chí là ba vụ rưỡi lúa mỗi năm ở đây, có thể thực hiện được.

Dần xuống những nhánh của sông Mekong, Việt Nam đã xây dựng một hệ thống đê bao và cửa cống để ngăn mặn xâm nhập. Dự án kỹ thuật thủy văn khổng lồ này nhằm tăng sản lượng lúa để đảm bảo an ninh lương thực của Việt Nam. Vào giữa thập niên 1990, Việt Nam đã có thặng dư về gạo hàng năm khoảng 3 triệu tấn. Đến năm 2012, Việt Nam có lúc là nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Năm đó, Việt Nam cung cấp hơn tám triệu tấn gạo cho thị trường thế giới.

Tuy nhiên, trong nhiều năm, một số chuyên gia đã đặt câu hỏi về tính bền vững và cái giá thực sự của chính sách dành ưu tiên tuyệt đối cho sản xuất lúa. Nhiều nông dân không hài lòng vì phải trồng lúa quanh năm, mặc dù họ có thể kiếm được nhiều hơn khi trồng các loại cây khác. Kho hàng của các công ty thương nghiệp nhà nước chất đầy gạo chất lượng thấp, rất khó bán có lời. Trong khi đó, mỗi vụ mùa qua đi, lượng phân bón và thuốc trừ sâu đổ xuống ruộng đất lại tăng thêm.

Hơn nữa, gần bờ biển, nơi mà nước lợ là một vấn đề lớn theo mùa, đất đang lún xuống vì lượng nước ngọt ngầm bị khai thác quá mức. Ở nhiều nơi, đất đã bị lún xuống nhanh hơn mực nước biển dâng lên.

Vì vậy, ngày càng khó để ngăn không cho nước mặn xâm nhập vào các khu vực ven biển trong mùa khô cũng như để xả bớt muối và khoáng chất có tính kiềm khi trời mưa.

Bắt đầu từ năm 2011 ở Việt Nam một số quan chức cao cấp của các bộ liên quan và các nhà khoa học từng theo dõi tình trạng xã hội kinh tế và môi trường ở miền Tây đã gặp gỡ các chuyên gia Hà Lan để thảo luận các tác động có thể thấy trước được đối với khu vực ĐBSCL đến năm 2100. Một chiến lược tiết giảm ở quy mô lớn, đặt tên là Kế hoạch ĐBSCL, đã nảy ra từ các cuộc trao đổi này.

Hiện nay, chính phủ Việt Nam đang chuyển sang thực hiện một số phần trong kế hoạch này. Ở các vùng duyên hải, việc chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản nước lợ đang tiến triển tốt. Trong khu vực này, chỗ dựa chính là các hàng rào “mềm”, chủ yếu là rừng ngập mặn, để hạn chế sự xói mòn ven bờ biển. Hệ thống đê bao và cống sẽ chuyển trọng tâm vào việc bảo vệ các vùng đất cao hơn ở các khu phía trung tâm và phía trên của ĐBSCL. Ngay cả trên vùng đất trồng lúa chính, nông dân sẽ được phép trồng các loại hoa màu khác trong mùa khô.

Và cuối cùng, sẽ có những nỗ lực để khôi phục lại các chức năng của vùng Đồng Tháp Mười và vùng Tứ giác Long Xuyên để có thể trữ nước ngọt trong mùa lũ và xả ra trong những tháng mùa khô.

Nhưng sẽ không đủ khi chỉ quan tâm đến tình trạng ở Việt Nam. Tất cả những ai nghiên cứu vùng ĐBSCL ở hạ lưu đều biết rằng đây là một vùng môi trường liên tục. Những gì xảy ra ở thượng nguồn đều ảnh hưởng đến cả Campuchia lẫn Việt Nam. Vấn đề xảy ra ở Campuchia không chỉ ảnh hưởng đến chính nước này mà cũng có thể ảnh hưởng đến Việt Nam và như vậy… tất cả mọi người ở hai biên giới đều phải rất lo lắng về khả năng tương lai của Biển Hồ trong việc trữ và xả nước ngọt.

Cơ chế của việc trữ và xả nước theo mùa của Biển Hồ đã được biết khá rõ. Khi sông Mekong đầy tràn, nước chảy vào Biển Hồ qua sông Sap. Lượng nước của Biển Hồ tăng gấp 30 lần. Đây là một hệ sinh thái đặc sắc, một điều tốt lành cho người dân Campuchia. Và sau đó khi mực nước sông Mekong thấp xuống, dòng chảy sông Sap đảo chiều và Biển Hồ xả nước ngọt để nuôi dưỡng các cây trái ở vùng hạ lưu.

Về mặt ý niệm, nếu việc xây thêm các đập ở thượng nguồn tiếp tục làm giảm mức độ lũ lụt hàng năm, trong khi đó, các ảnh hưởng của biến đổi khí hậu làm giảm tác động của gió mùa, thì tới một thời điểm nào đó, cơ chế trữ và xả nước của Biển Hồ sẽ bị tổn hại.

Khi tôi nghiên cứu các vấn đề của sông Mekong, tôi giật mình vì không thấy có dấu vết nào về việc mô hình hóa toàn hệ thống chú trọng vào khả năng nói trên.

Thực tế, tôi chỉ tìm thấy điều dưới đây, trong một đánh giá năm 2013: “Không có nghiên cứu nào dự đoán những thay đổi thủy văn có thể làm tổn hại lâu dài đến vai trò của các vùng đất ngập trũng hiện có ở ĐBSCL trong việc làm giảm đỉnh lũ và làm chỗ trữ nước có thể cung cấp nước một cách tự nhiên cho sông ngòi trong những thời kỳ ít hoặc không có mưa”.

Trong báo cáo cho hội nghị này, ông Alan Potkin cũng đi đến kết luận tương tự: “câu hỏi là, liệu các dòng chảy [vào mùa khô] vẫn còn thấp đến mức đủ để mực nước sông Mekong tại ngã ba sông Tonle Sap tiếp tục cho phép sự đảo chiều lạ thường của dòng chảy mà chắc chắn hệ thống thủy văn của [ĐBSCL] và có lẽ cả việc đánh bắt cá ở xa trên thượng nguồn cũng phụ thuộc vào đó”.

Tuy nhiên, mới gần đây, TS Sok Saing Im đã cho tôi biết rằng, ông và các đồng nghiệp đang thực hiện “một nghiên cứu để xác định các biện pháp đối phó hiệu quả nhằm giảm tác động của việc thay đổi chế độ dòng chảy bằng cách xem xét việc chuyển dòng lũ sớm ở sông Mekong… sang sông Tonle Sap…”

Đó là một giải pháp khả dĩ cho một vấn đề tai ương tiềm ẩn, và vì vậy nó là một tin rất đáng đón nhận.

Cho đến nay, hầu hết sự chú ý đều tập trung vào việc phòng ngừa: thuyết phục Lào và những kẻ bảo kê cho họ từ bỏ việc xây đập trên dòng chính sông Mekong. Bây giờ có vẻ do lý do kinh tế, chỉ có một hoặc hai đập nước sẽ được xây thêm trên dòng chính. Tuy nhiên, nhiều thiệt hại đã xảy ra. Hiện nay ở Campuchia cũng như ở Việt Nam, phải chuyển trọng tâm sang tìm cách thích ứng với thực tế mới. Một nhu cầu sống còn là sự hợp tác giữa các chuyên gia Việt Nam và Campuchia, giữa các quan chức chính phủ Việt Nam và Campuchia, và giữa các nhà báo Việt Nam và Campuchia.

Những vấn đề ảnh hưởng đến hạ lưu sông Mekong là không thể ‘giải quyết’ theo nghĩa thông thường. Tuy nhiên, những chính sách cứng rắn có thể tạo ra cách thích nghi đúng đắn. Với tầm nhìn dài hạn như Kế hoạch ĐBSCL, sự lãnh đạo quyết tâm ở cấp quốc gia và địa phương, cùng với sự hậu thuẫn của các cơ quan viện trợ như Ngân hàng Thế giới, tương lai của ĐBSCL ít nhất cũng có thể đối phó được.

Ông David Brown (trái) cùng một số người tại hội thảo ở Phnom Penh. Ảnh: Tuyet-le Brown.

https://anhbasam.wordpress.com/2017/04/11/12-335-dinh-hinh-tuong-lai-song-mekong-khi-khong-co-gi-la-chac-chan-ngoai-tru-su-thay-doi/#more-184733

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét